Reup - Suy nghĩ về Triết
Created on: 30 Jul 23 22:20 +0700 by NHƯ HẠNH in Vietnamese
Suy nghĩ về triết và nghĩ lại về triết tại (Nam) Việt Nam trước 1975
A very well-put, short essay on Philosophy in general and Philosophy of South Vietnam before 1975. The article was amazing, in fact, so good that have to reup it here in case the website collapsed or some bad thing happend. You can visit the original link here: https://tapchitriet.com/?p=598
The author was Như Hạnh (Prof. Nguyễn Tự Cường).
Suy nghĩ về triết và nghĩ lại về triết tại (Nam) Việt Nam trước 1975
Như Hạnh
Bài viết này gồm hai phần. Phần 1 gồm một nhận định ngắn về triết (philosophy) nói chung, nhất là triết tại Mỹ. Phần 2 là một hồi ức về triết tại (Nam) Việt Nam trước 1975. Những trang dưới đây nói về kinh nghiệm của tác giả như một người đã theo đuổi triết (dưới nhiều dạng khác nhau) từ thuở thiếu niên cho đến hiện giờ đã vào tuổi hồi hưu. Bài viết do đó không khỏi có tính cách autobiographical (tự truyện). Tôi cũng không mong các độc giả cùng thế hệ tôi (có nghĩa là những người lớn hơn hoặc trẻ hơn tôi vài tuổi) đồng ý với tôi.[1] Lý do giản dị là đa số những người này không từng học triết, hoặc nếu có thì hầu như rất ít người tiếp tục theo đuổi triết sau khi di tản sang Mỹ vào 1975 hay là sau đó. Lý do rất dễ hiểu. Hoặc là tuổi tương đối cũng lớn, cần kiếm sống không rảnh rỗi để dùi mài với triết, hoặc là vì một lý do rất giản dị: trở ngại sinh ngữ.
Nói tóm, những người có học triết trước 1975 tại (Nam) Việt Nam không được cập nhật hóa, vẫn ôm ấp mớ kiến thức cũ kỹ lại tàn phai theo thời gian. Bây giờ mỗi khi nghĩ đến triết vẫn lập tức một cách đột phát tung ra những kiến thức hầu như hoàn toàn không còn có ý nghĩa gì nữa. Có thể nói không khắt khe lắm rằng những kiến thức đó chưa từng bao giờ có ý nghĩa gì cả. Chúng ta không thể nghĩ rằng kiến thức và giáo dục về triết ở mọi nơi đều ngang hàng với nhau. Một người Việt Nam học về Sartre trong ban triết tại “Đại Học Văn Khoa”[2] không thể giống như một người Pháp học về Sartre tại Đại Học Paris được. Trong bài viết này tôi cũng nhấn mạnh đến tầm quan trọng của ngôn ngữ trong vấn đề lãnh hội tư tưởng, nhất là tư tưởng triết. Đây là một điều không thể nào không lưu tâm.
Mỗi khi nghĩ đến ngôn ngữ hay ngoại ngữ tôi không khỏi ngậm ngùi nếu không nói là phẫn nộ. Tôi còn nhớ thế hệ của anh cả tôi, tức là đồng trang lứa với cố họa sĩ Đinh Cường, người bạn tôi rất quí, sau khi tốt nghiệp trung học, người nào cũng có khả năng đọc được Pháp hay/và Anh ngữ đến một mức độ nào đó. Đến thế hệ tôi, một ngày đẹp trời tự nhiên có phong trào chống học tiếng Pháp, xúi học sinh xuống đường rầm rộ đòi đóng cửa trường Pháp. “Tử vì đạo” nhất là ông Nguyễn Hiến Lê, một ông nhập nhằng tự cho mình là học giả. Người Pháp phải thỏa thuận phải đổi tên Jean Jacques Rousseau thành Lê Quí Đôn. Các cửa tiệm có tên Pháp như Mimosa phải đổi thành tên Việt như Rau Muống, chẳng hạn. Tôi có cái may mắn là không bao giờ tôi tin vào những tuyên truyền tối dạ này. Tôi luôn luôn chăm chỉ học ngoại ngữ (cho đến tận bây giờ). Chính vì thế mà sau khi qua Mỹ vào năm 1975 dù tương đối tuổi cũng là lớn tôi vẫn tiếp tục được với triết. “Một ngàn năm nô lệ giặc Tàu”, chữ Hán cũng biến đâu mất. Mất đi Hán tự mình mất đi sự gần gũi với thế giới Đông Á (East Asia). “Một trăm năm đô hộ giặc Tây”,[3] tiếng Pháp cũng sơ đẳng. Tôi nhận thấy thế hệ của tôi ngoại ngữ rất kém, đa số học sinh phải lệ thuộc vào sự từ thiện (charity) của mấy ông giáo sư biết được chút ít ngoại ngữ. Họ quẳng cho mảnh vụn nào thì phấn khởi chấp nhận thôi.
Trong phần 2 tôi suy nghĩ lại giai đoạn “nguy hiểm” trong cuộc hành trình triết của tôi. Đó là kinh nghiệm của tôi với Đại Học Phật Giáo tức là Đại Học Vạn Hạnh. Đại Học Vạnh Hạnh là đại học tư đầu tiên và cũng là đại học Phật Giáo đầu tiên. Đại học này dựa theo loại liberal arts college của Mỹ và chấp hành theo hệ thống khóa (semesters) và tín chỉ (credits).[4] Viện trưởng đầu tiên là Hòa Thượng Thích Minh Châu. Nói tóm, Hòa Thượng Minh Châu có cao vọng, nhưng mà tổ chức một viện đại học đâu phải là chuyện đơn giản. Trước hết là tài lực. Lấy gì làm trường sở? Sau đó là nhân lực. Lấy ai ra dạy?
Tôi thuộc thế hệ học sinh đầu tiên của Đại Học Vạn Hạnh, lúc đó trường sở là mấy ngôi chùa và chỉ có một khoa thôi, đó là khoa Phật Học (Buddhist Studies). Lúc đó tôi mới khoảng 18 tuổi, vì mến mộ Phật Giáo, mong vào đó để học thêm về văn học, triết học Phật Giáo. Nhưng không lâu sau, dù còn trẻ tôi cũng thấy được (chắc mình phải chậm trí mới không thấy được) rằng các Thượng Tọa, Đại Đức đa số chỉ biết tụng kinh hành lễ. Trí thức kinh nghiệm đâu ra để mà dạy đại học. Dù là một số trong họ cho là có học đi nữa cũng là học “kiểu nhà chùa”. Phật Giáo thường được biết đến, nhất là ở Việt Nam, qua hình thức tôn giáo nông cạn bình dân. Nhưng Phật Giáo cũng có một mặt triết học, tâm lý rất thâm sâu của nó, vượt ngoài sự hiểu biết của các Thượng Tọa này. Rốt cuộc, việc giảng dạy trở thành bôi bác không thể tha thứ được.
Cách đây hơn hai mươi năm có một nhóm Phật Giáo cực đoan là nhóm Giao Điểm, khi họ nghe tôi có vẻ “critical” đôi với Đại Học Vạn Hạnh, họ mắng mỏ tôi đủ thứ. Nhưng mà không anh chàng nào trong nhóm Phật Giáo taliban này đi học Vạn Hạnh. Không anh nào biết gì về phía trong của đại học này. Không cần phải nói là không anh nào biết gì về văn học, triết học Phật Giáo. Tôi bỏ cả tuổi trẻ của tôi cho Đại Học Vạn Hạnh, chút xíu nữa là đời tôi “tàn trong ngõ hẹp”.[5] Mấy anh kia học kỹ thuật có job ngon lành, đứng bên ngoài lãng mạn bênh vực vớ vẩn thôi. Sau đó, Vạn Hạnh thừa thắng xông lên mở thêm ban văn khoa. Chỉ Phật Học thôi cũng không có người dạy, bây giờ lại đèo bòng thêm văn khoa nữa? Lấy ai dạy đây?
Nhưng mà không sao. Lại cũng vay mượn các giáo sư của “Đại Học Văn Khoa” thôi. Sau này một số đại học khác mở ra như Hòa Hảo, Minh Đức gì đó cũng thế. Các giáo sư triết của (Nam) Việt Nam thuở ấy thì giống như đào kép trong gánh cải lương lưu động. Có nhiêu đó đào kép thôi, tuần này lưu diễn thành phố này, tuần sau lưu diễn thị trấn khác.[6] Sau này Vạn Hạnh mở thêm các phân khoa như khoa học xã hội và báo chí. Tôi không lưu tâm đến những ngành này nên không lạm bàn. Tuy nhiên, tôi có cảm giác rằng những ngành này khá hơn. Tôi có một vài người bạn trẻ học về tài chánh ở Vạn Hạnh. Sau khi tốt nghiệp có người đi làm cho ngân hàng của ông Nguyễn Tấn Đời gì đó. Tôi nghĩ họ phải có thực chất chứ không bôi bác như Phật Học hay Văn Khoa được. Nếu anh bạn tôi bôi bác anh làm hại ngân hàng thì ông Nguyễn Tấn Đời sẽ cho anh nghỉ việc ngay.
Suy nghĩ về triết
Nói về triết đương nhiên là phải nói đến người làm triết hay người suy tư về triết. Nhưng mà người suy tư về triết tức là triết gia (philosopher) không phải giống như một người lái xe hay một người thợ mộc đóng cái bàn. Bởi vì triết không phải là một vật thể (physical entity) như chiếc SUV hay là cái bàn mà chúng ta có thể nhìn, rờ, ngửi, miêu tả hay hình dung được mặc dù chúng ta không chối từ rằng tư tưởng triết học được tích tập, lưu giữ và truyền bá qua sách vở bằng nhiều thứ ngôn ngữ khác nhau. Nhưng mà ngôn ngữ chỉ là một cách diễn đạt chứ không đồng nhất với nội dung suy tư của triết. Hơn nữa triết gia cũng tiếp cận (approach) ngôn ngữ một cách đặc thù. Do đó, mặc dù không nhất thiết chấp nhận một thứ hoài nghi luận (skepticism) chúng ta cũng không thể nào tuyệt đối tự tin rằng mình hiểu đích xác tư tưởng của một triết gia nào đó, nhất là khi mình đọc và suy nghĩ về tư tưởng của ông bằng một thứ ngôn ngữ khác, có nghĩa là qua bản dịch.
Jaegwon Kim (1934-2019), triết gia Mỹ gốc Hàn, cố giáo sư triết tại Brown University, khi thảo luận về substance dualism[7] của Descartes (1596-1650) đã hết sức thận trọng nói rằng ông không thể xác quyết rằng Descartes thực sự chủ trương như thế, cho nên ông gọi quan điểm đó là Cartesian (có tính cách Descartes) chứ không hẳn là Descartes.[8] Tuy trãiVăn Khoa.nhiên, như thế không có nghĩa là không ai hiểu Descartes đúng hơn ai, hoặc là hiểu biết về Descartes của mọi người đều có giá trị ngang nhau. Trái hẳn lại, nếu có căn bản (background), có được đào luyện về triết, chỉ cần đọc vài dòng của một bài viết chúng ta cũng nhận ra được ngay rằng tác giả có trình độ đến đâu, hay thậm chí không có chút trình độ nào cả.[9] Xin đưa ra một ví dụ, nếu chúng ta có chút căn bản về triết, chúng ta sẽ hết sức “ấn tượng” khi đọc được phản ứng của Nietzsche (1844-1900) khi ông đụng phải thể cách suy nghĩ kiểu “cogito ergo sum” (je pense donc je suis/tôi suy nghĩ do đó tôi hiện hữu) của Descartes. Nietzsche phản ứng đại khái rằng, ai cho anh cái xác quyết tức thời/trực tiếp (unmittelbare Gewißheit) này?[10] Đại khái ông nói có sự suy nghĩ xảy ra, cái tôi không phải là điều kiện của vị từ (predicate) suy nghĩ. Người ta suy nghĩ, nhưng cái tôi này chỉ là một giả thiết (Annahme), một đoán ngôn (Behauptung) chứ không phải là một xác quyết tức thời. (Nếu không có căn bản về triết người ta sẽ hoàn toàn không hiểu là ông Nietzsche nói cái gì). Lập luận của Nietzsche nghe tương tự với lập luận của Phật Giáo.[11] Nói như vầy không có nghĩa là tôi cho rằng Nietzsche bảnh hơn Descartes. Với cương vị là triết gia Descartes lớn hơn Nietzsche nhiều. Thậm chí triết gia phân tích (analytic philosopher) hiện đại người Đức là Thomas Metzinger (sẽ trở lại với ông này trong phần dưới của bài viết) còn nói rằng Nietzsche không phải là triết gia bởi vì ông không muốn biết thêm cái gì mới. Tôi nghĩ Metzinger không phải là không có lý.
Ý tôi muốn nói là một người không thể khơi khơi mua một cuốn sách của Heidegger hay của bất cứ triết gia nào về đọc là hiểu được, tạm cho là người đó có khả năng đọc được thứ ngoại ngữ đó. Không có kiến thức về lịch sử và văn hóa đằng sau tác phẩm đó, không cách chi có thể đạt đến một tri thức đúng đắn. Nếu mình nghĩ mình hiểu, đó không ít thì nhiều chỉ là tự lừa dối thôi. Cũng vậy, mình không thể lấy một bản dịch Anh ngữ hay thậm chí bản Trung văn của cuốn Daodejing/Đạo Đức Kinh 道德經 của Lão Tử 老子 đọc rồi cho là mình hiểu. Không có kiến thức căn bản về lịch sử văn hóa Trung Quốc không thể nào mình hiểu cuốn Đạo Đức Kinh được. Triết học là một ngành học nghiêm nhặt (rigorous), muốn hiểu triết một cách đứng đắn cần phải được đào luyện (training). Dĩ nhiên trong bất cứ ngành học nào bao giờ cũng có người học này lanh lợi hơn người kia nhưng mà không có cái chuyện thiên tài tự học vớ vẩn.
Trở lại với triết. Nói một cách ngắn gọn triết là một thể cách suy tư và nội dung suy tư của những người được gọi là triết gia. Thứ đến, triết là một hiện tượng phức thể (plurality) không phải đơn thể (singularity), đồng nhất (uniform) hay đơn thuần (monolithic). Do đó triết thường được định nghĩa bởi một nhóm các hiện tượng khác ví dụ như đối tượng hay chủ đề suy tư của triết gia, nền tảng siêu hình học (metaphysics) và bản thể luận (ontology) của một trường phái. Suốt trong lịch sử triết các triết gia đã đưa ra nhiều định nghĩa khác nhau về triết, nhưng mà hầu như không có định nghĩa đơn độc nào bao gồm được ý nghĩa của triết. Cách đây hai thế kỷ triết gia Đức Schopenhauer nói, triết là trí tuệ về thực tại, đối tượng của triết là thực tại. (Từ ông xử dụng là die Welt/the world), nhưng mà nếu dịch chữ the world sang tiếng Việt là thế giới thì không chỉnh lắm, vì từ này trong Việt ngữ thường mang ý nghĩa địa lý và xã hội). Gần đây hơn, triết gia Úc gốc Anh, J.J.C. Smart (1920-2012), nhân vật then chốt trong các triết gia chủ xướng nền triết học neurophilosophy, tức là loại triết học dựa trên kiến thức về não và thần kinh hệ,[12] đề nghị trong cuốn Philosophy and Scientific Realism[13] rằng ông xử dụng từ “philosophy” chính yếu như một nỗ lực để suy tư một cách rõ ràng và toàn diện về (a) bản tính của vũ trụ hay thực tại, (b) các nguyên tắc hành xử. Nói tóm, triết học chính yếu tập trung sự chú ý vào những gì hiện hữu trong thực tại và với cách mà chúng ta hành xử đối với những thứ đó.[14] Chúng ta thấy định nghĩa này của Smart bao gồm cả siêu hình học và thái độ thực tiễn của triết học.
Ông giải thích thêm rằng ông nhấn mạnh cả “suy tư rõ ràng” và “suy tư toàn diện”. Cách suy tư thứ nhất có quan hệ với khái niệm về triết học như là sự phân tích ngữ học (linguistic) hay khái niệm (concept), và cách suy tư thứ nhì quan hệ với một khái niệm quen thuộc về triết học như là một sự tái tạo hợp lý (rational reconstruction) về ngôn ngữ ngõ hầu để cung ứng một trung gian cho sự biểu đạt khoa học toàn diện. Qua những nhận định trên chúng ta thấy một xu hướng mới trong nền triết học phân tích (analytic philosopy), nhất là dòng triết học Anh Mỹ, một nỗ lực tìm cho triết một chân đứng vững chãi (firm footing) trên thực tại có cơ sở khoa học. Jaegwon Kim cũng từng nói ông hi vọng ông đã học được một phong cách triết học nhấn mạnh sự sáng tỏ, lập luận có trách nhiệm, và phản ngược lại sự cốt ý khó hiểu và giả bộ thâm sâu.
Chúng ta đã thấy Triết, tức là thể cách và nội dung suy tư của triết gia đã thay đổi rất nhiều trong các thế kỷ vừa qua. Nỗ lực của các triết gia trước Socrates thường là để tìm ra một nguyên lý hay thực thể nền tảng hay căn nguồn của thực tại. Ví dụ, Anaximander (khoảng 546 trước công nguyên) nói rằng apeiron (vô hạn) là nguồn gốc của tất cả mọi sự vật. Chúng ta biết rất ít về ông vì không có đủ tư liệu, nhưng giống như hầu hết các triết gia thời đó, ông cũng đóng góp vào các lãnh vực khác như thiên văn học và hình học.[15] Thales (khoảng 624/623-548-545 trước công nguyên) được Aristotle tuyên dương là triết gia đầu tiên của truyền thống Hi Lạp. Lịch sử triết học xem ông là người đầu tiên chú tâm vào triết lý khoa học và là người cha của khoa học. Thales tách rời khỏi huyền thoại (mythology) và thay vì giải thích vũ trụ bằng huyền thoại (giống như phần lớn các tôn giáo), ông giải thích các hiện tượng tự nhiên.[16] Đa số các triết gia trước Socrates đều theo cách suy tư của Thales giải thích thế giới tự nhiên như là dựa trên sự hiện hữu của một vật thể đơn thuần cứu cánh. Ông cũng là người có kiến thức thâm sâu về toán học và hình học.
Trong các thế kỷ 17, 18 chẳng hạn, không có sự phân cách rõ rệt giữa triết và khoa học. Cuốn Principia Mathematica của Sir Isaac Newton (1643-1727) xuất bản năm 1687 có tựa đề hoàn chỉnh là Philosophiae Naturalis Principia Mathematica (Mathematical Principles of Natural Philosophy). Vật lý (physics) được gọi là natural philosophy, triết học tự nhiên. Dần dà triết học bị tách biệt khỏi khoa học và trở thành có xu hướng suy tư thuần túy (speculative). Jean Piaget (1896-1980) thường được biết đến qua sự nghiệp nghiên cứu tâm lý nhi đồng (child psychology). Thật ra, ông là một khoa học gia nghiêm nhặt và đứng đầu về lãnh vực genetic epistemology (phát sinh nhận thức luận). Piaget đổ tội cho người Pháp là các thủ phạm chính biến triết học thành một công việc suy tư từ chương vớ vẩn thiếu nền tảng trong thực tại, thiếu khoa học tính. Ông rất xem thường triết học vì nó chẳng có một chân đứng vững vàng nào trong thực tại cả.
Tôi còn nhớ cách đây nhiều năm khi mới vào chương trình graduate của một đại học ở California, tôi hỏi một ông giáo sư người Mỹ, tại sao người Mỹ không thích triết học đại lục (continental philosophy). Câu trả lời của ông là, bởi vì đó là một thứ “I’m-telling-you-this” philosophy. Một cách đại khái, đó là loại triết học “để-tôi-nói-cái-này-cho-cậu-nghe”, ông triết gia nói thả dàn những gì ông suy trắc (speculate) cho mình, không cần quái gì đến nguyên tắc luận lý nào cả. (Theo tôi thì ông Heidegger là chưởng môn của phái này. Sẽ trở lại vấn đề này dưới đây). Mà “cái-này” nếu càng bóng bẩy càng bí hiểm thì càng tốt. Nhiều triết gia Anh Mỹ thuộc phái triết học phân tích (analytic philosophy) diễu cợt triết học đại lục, nhất là triết học Pháp rằng đó là một thứ “litero-philosophy”, tức là nửa triết học nửa văn chương. Triết gia Anh gốc Canada Ted Honderich, giáo sư về triết học tâm thức và luận lý tại University College London, nhã nhặn hơn một chút, nói rằng mấy ông đại lục suy nghĩ sâu xa lắm, bóng bảy hơn chúng ta, nhưng mà không có nền tảng khoa học (scientifically informed) như chúng ta.
Xu hướng triết học chính yếu của nền triết học phân tích của Anh-Mỹ-Úc hiện thời là triết học về tâm thức (philosophy of mind) cùng các vấn đề chính yếu khác như causation (quan hệ nhân quả), probabilities (khả năng tính), properties (đặc tính), truth (chân thực tính), philosophy of time (triết lý về thời gian), self (ngã thể) và nhiều vấn đề như free will (tự do ý chí)[17] và các chủ đề thuộc lãnh vực đạo đức học (ethics). Phần nhiều các vấn đề được nhìn theo quan điểm gọi là physicalism (vật lý luận). Physicalism là hậu duệ hiện đại của materialism (duy vật luận). Một cách hết sức tóm tắt, materialism chủ trương rằng tất cả những gì hiện hữu trong vũ trụ chỉ là những mảnh (bits) của vật chất hay là các phức hợp (aggregates) của các mảnh của vật chất. Không có gì hiện hữu mà không là vật chất, không có gì siêu việt (transcendental), không có gì là các tâm thức vô hình (immaterial) (theo kiểu Descartes) cả.[18] Physicalism dựa vào các hiểu biết mới mẻ hơn của ngành vật lý học chủ trương rằng tất cả tất cả những gì hiện hữu là những thực thể (entities) được công nhận bởi khoa học vật lý. Physicalism không chối bỏ sự hiện hữu của các thực thể phi vật lý (non-physical) như tâm thức (mind) hay ý thức (consciousness) chẳng hạn. Các triết gia về tâm thức (philosophers of mind) thuộc phái physicalsim chỉ chủ trương rằng các thực thể tâm thức tùy phụ (supervene upon)[19] vào các thực thể vật lý. Một cuốn sách chi tiết nhưng trong sáng nhất về tâm thức (mind) từ quan điểm duy vật theo tôi là cuốn A Materialist Theory of the Mind (1968) của triết gia Úc D. M. Armstrong (1926-2014).[20]
Tóm lại, triết học hiện đại của Mỹ rất phong phú, sâu sắc, nhiều khi không khỏi có tính cách quá chuyên môn và phức tạp. Triết gia Mỹ John Heil từng nhận định rằng[21] triết học ở Mỹ đã trở thành quá chuyên biệt hầu như chỉ là trao đổi và đối thoại giữa những người có PhD với nhau. Các tạp chí triết học thì đầy những luận văn biểu lộ mức độ học vấn chuyên nghiệp cao độ nhưng mà rất ít duệ trí (insight) và sáng tạo tính (creativity). Những nhận định này của ông phản ánh khá chính xác về khung cảnh triết học hiện đại của Mỹ. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là những câu hỏi về thực tại và bản thể luận trong triết học Anh/Mỹ/Úc hiện đại hoàn toàn không có đóng góp gì quan trọng cho tri thức về con người, thế giới ngoại tại, thế giới của tâm thức cũng như các ứng dụng trong phạm vi đạo đức hành xử. Điều đáng chú ý là, một trong các lưu tâm chính yếu của triết học phân tích hiện đại là mind (tâm thức) hay consciousness (ý thức). Tâm thức hay ý thức là phạm vi (domain) cốt yếu nhất của đời sống con người bởi vì chúng ta là một chủng loại hữu thức hay có ý thức (conscious).
Người học triết phân tích (analytical philosophy) hiện đại của Anh/Mỹ/Úc nếu không có một chút căn bản về khoa học thì rất khó mà lãnh hội được. Đọc sách của Daniel Dennett hay John Searle, hai triết gia hàng đầu về triết học tâm thức mà không có chút căn bản về tiến hóa luận của Darwin, khoa học computer, artificial intelligence (trí năng nhân tạo) hay cognitive science (khoa học nhận thức) thì người đọc cũng mù tịt thôi. Tôi không theo rõi và để ý nhiều về triết học Pháp và Đức hiện đại, nhưng theo nhận xét của tôi phần nhiều chỉ xoay quanh việc phê bình xã hội và lịch sử Âu Châu. Nietzsche cũng chỉ bận tâm đến định mệnh Âu Châu. Không có gì nơi ông để chúng ta hồ hởi phấn khởi cả với tư cách không phải là người Âu Châu. Heidegger cũng vậy, ngay cả khi viết về metaphysics (siêu hình học) ông vẫn chỉ xem đó là sự tư duy của Hi Lạp và Âu Châu.[22] Trong khi theo triết gia Mỹ Quine thì những loại biệt hay phạm trù (categories) của tư duy bản thể luận (ontology) là những gì phi thời gian[23] và có lẽ phi văn hóa mặc dù những người trong các bộ lạc Amazon hay cao nguyên Việt Nam không biết đến các vấn đề này. Triết học phân tích Anh/Mỹ/Úc hiện đại dựa trên nền tảng khoa học thành ra nó có thể có tính cách phổ quát (universal) hơn. Chưa nói đến việc một số triết gia và xã hội học gia Âu châu hết sức là racist.[24]
Một trong các chủ đề suy tư chính của triết nhất là triết Ấn Độ là ngã thể (self) cũng là một đề tài quan trọng trong triết Anh/Mỹ/Úc hiện đại, được nghiên cứu qua các khái niệm như personal identiy. Thomas Metzinger, triết gia Đức, từ thuở trẻ đã chê triết học Đức và đại lục. Ông chuyên viết bằng Anh ngữ về các đề tài triết thuộc lãnh vực triết học về tâm thức, khoa học nhận thức và neurophilosophy. Trong nhiều trước tác của Metzinger, đặc biệt có hai cuốn, Being No One (2004) và The Ego Tunnel: The Science of the Mind and the Myth of the Self (2010) trong đó ông dựa nhiều vào các nghiên cứu về neuroscience (khoa học về não và thần kinh hệ) để chứng minh rằng không từng bao giờ có những thực thể mà chúng ta gọi là tự ngã hay ngã thể (self). Chúng ta chưa từng bao giờ sở hữu hay là một ngã thể. Ngã chỉ là một giả tướng tạo ra bởi não bộ của chúng ta dựa trên các kinh nghiệm hữu thức (phenomenal experiences). Những điều ông nói trong hai cuốn sách này, ngoại trừ những chi tiết khoa học, thì triết học Phật Giáo đã nói cách đây cả ngàn năm rồi. Triết gia Owen Flanagan của Duke University trong cuốn The Problem of the Soul (2003) chứng minh một cách rành rẽ sự phi lý của khái niệm linh hồn thường hằng (soul).[25] Điều đáng chú ý là một số triết gia kiệt xuất và đa số các nhà nghiên cứu về neuroscience[26] và cognitive science đều không còn thấy khái niệm tự ngã hay linh hồn là hợp lý nữa.
Nói tóm, triết học ở Mỹ rất phồn thịnh và sống động. Mỹ không phải chỉ thuần là một nền văn hóa kỹ thuật và người Mỹ là nông cạn[27] và chỉ có người Pháp là có văn hóa như một số trí thức Việt Nam nghĩ. Mỹ có khoảng 5,300 đại học và theo thống kê năm 2017 thì Mỹ có khoảng gần 7,000 giáo sư triết, toàn thời và bán thời. Trong số 7,000 người này, người nào cũng có PhD và kiến thức đàng hoàng. Không ai là thiên tài tự học cả. Tôi biết một số người Mỹ có bằng PhD về triết, rất thông minh, rất bác học, nhưng mà không kiếm được việc làm, rốt cuộc đời sống rất bấp bênh. Tuy rằng triết học chính yếu ở Mỹ là triết học phân tích, nhưng mà trong hầu hết tất cả các ban triết (philosophy department) ở các đại học Mỹ đều có những lớp nhập môn đại khái là những lớp “Philosophy 101” dạy về lịch sử triết học nói chung. Và một số department cũng có những lớp về triết học đại lục, triết học hiện đại của Pháp và Đức. Một người học sinh có ý muốn học triết là môn chính, lấy những lớp căn bản rồi họ mới quyết định được là họ ưa thích truyền thống triết nào. Không ai chuyên môn được tất cả các truyền thống triết của thế giới cả. Triết/philosophy không giản dị chỉ là triết/philosophy mà là nhiều triết/philosophies.
Nói tóm, chúng ta thấy rằng triết học đã trải qua rất nhiều hóa thân. Đó là chúng ta chỉ mới nhận xét mốt cách hết sức tóm lược và chỉ giới hạn ở Tây phương thôi. Triết học không phải chỉ có hai ông Martin Heidegger và Jean Paul Sartre (đôi khi ba, vì cái tên Edmund Husserl thỉnh thoảng cũng được liệng vào) như một số trí thức Việt Nam nghĩ đâu. Mà cũng không phải chỉ vì những người Việt Nam này hay nhắc đến hai nhân vật này có nghĩa là Heiddeger và Sartre được đặc biệt nghiên cứu ở (Nam) Việt Nam và Việt Nam đã đào tạo ra các chuyên gia lớn có tầm vóc quốc tế về hai triết gia này. Điều này trong mộng cũng không hề có. Vấn đề này sẽ được đề đề cập đến dưới đây. Triết học lại cũng không phải chỉ có ở Tây phương như một số người Tây phương muốn độc chiếm philosophy. Nếu như chúng ta chấp nhận khái niệm triết là một thể cách suy tư về thực tại, các nguyên tắc hành xử, suy tư rõ ràng và toàn diện theo định nghĩa của J.J.C. Smart thì chắc chắn là ở các khu vực văn hóa khác trên thế giới cũng có suy tư triết học. Và như tôi đã đề cập, suy tư bản thể luận luôn luôn có mặt trong triết Ấn. Triết gia Ấn suy tư về ngôn ngữ, tâm thức trước Tây phương rất lâu. Nói tóm, không phải chỉ Tây phương mới có triết mà Đông phương cũng có triết. Nếu Đông phương bao gồm Trung Hoa và Ấn Độ thì chúng ta cần phải nhận thức được điều căn bản đầu tiên là Trung Hoa và Ấn Độ hoàn toàn khác biệt. Có lẽ lý do chính là vì sự dị biệt ngôn ngữ.
Chúng ta lại phải cần ý thức thêm một điều nữa là ngôn ngữ không giản dị chỉ là một khí cụ thụ động (passive instrument) để diễn đạt sự suy nghĩ của con người. Trái lại, ngôn ngữ đóng vai trò quan trọng trong thể cách suy nghĩ của một dân tộc hay một cá nhân. Hầu như tất cả mọi người Việt sống trên đất Mỹ đều là bilingual (song ngữ). Chúng ta hẳn có cái kinh nghiệm cảm thấy mình giống như một người khác, khi mình nói (và suy nghĩ bằng) Việt ngữ hay Anh ngữ. Do đó, ngôn ngữ cũng có vai trò rất chủ chốt trong việc lãnh hội triết học và văn hóa biểu đạt bằng một ngôn ngữ khác tiếng mẹ đẻ của người học. Phạn ngữ (Sanskrit) có chung nguồn gốc Ấn Âu (Indo-European) với các ngôn ngữ Âu châu như Greek và Latin và ngữ pháp tương tự. Hoa ngữ trái lại mỗi chữ là một khối tượng trưng cho một vật thể hay khái niệm nào đó. Hoa ngữ không có biến cách (declension) như Phạn ngữ và các ngôn ngữ Tây phương. Ví dụ trong Anh ngữ có walk, walking, walked. Hoa ngữ chỉ có chữ 走 zou. Việt ngữ dựa trên Hoa ngữ cho nên cùng chia sẻ sự khó khăn này khi phải dịch thuật ngôn ngữ Tây phương. Người nào có nghiên cứu triết Ấn Độ đều nhận thấy người Ấn suy nghĩ triết học giống người Tây phương hơn là giống người Trung Quốc. Các học giả Ấn hiện đại rõ rệt cũng hấp thụ triết Tây nhanh nhẹn và dễ dàng hơn các học giả Trung Quốc.
Các triết gia Tây phương viết và suy nghĩ bằng ngôn ngữ Tây phương như Anh, Pháp, Đức. Tuy triết gia không đến nỗi chơi rỡn với ngôn ngữ như nhà thơ (có lẽ ngoại trừ ông Heidegger), nhưng chúng ta đều biết rằng mỗi triết gia xử dụng thuật ngữ theo một ý nghĩa đặc thù, có những chữ rất thông thường nhưng lại mang một ý nghĩa đặc biệt trong hệ thống triết học của một triết gia. Do đó, chúng ta nhận thấy rằng không dễ gì, nếu không nói là gần như khó mà hiểu được triết học Đức, chẳng hạn, qua trung gian Việt ngữ. Cách đây vài thập niên Jeffrey Hopkins, học giả hàng đầu về Phật Giáo Tây Tạng chủ trương rằng muốn hiểu thấu đáo triết học Phật Giáo Tây Tạng người học phải thông thạo và suy nghĩ về Phật Giáo Tây Tạng bằng tiếng Tây Tạng. Ông sáng lập một chương trình Tạng ngữ và triết học Tây Tạng rất nghiêm nhặt tại University of Virginia. Ông Hopkins không hề chủ trương không bao giờ truyền bá giảng dạy về triết học Phật Giáo Tây Tạng bằng Anh ngữ. Ông dịch rất nhiều tác phẩm triết học Phật Giáo Tây Tạng rất khó nhai ra Anh ngữ. Ý ông chỉ muốn nói muốn hiểu thấu đáo triết học của một nền văn hóa nào đó chúng ta phải biết cách suy nghĩ giống như những người của văn hóa đó, có nghĩa là suy nghĩ bằng ngôn ngữ của văn hóa đó.
Tôi nghĩ những đề nghị của Jeffrey Hopkins hoàn toàn có lý. Như thế cũng chưa chắc là mình hiểu đúng. Huống chi mình đọc cái tiếng Đức rắc rối của ông Heidegger rồi mình tự dịch ra Việt ngữ cho mình trong đầu não mình rồi cho là mình hiểu. Theo tôi đó chỉ là giả tưởng mà thôi.[28] Thuở còn đi học tôi có biết một ông giáo sư thuộc loại polyglot, ông nói thông thạo và viết sách bằng cac thứ tiếng Anh, Pháp, Đức và Tây-ban-nha (Spanish). Ông cũng có kiến thức sâu về triết Heidegger và ông chỉ đọc Heidegger bằng Đức ngữ. Ông nói chỉ có thể hiểu Heidegger qua Đức ngữ. Ông nói không phải không có lý. Xin trích thẳng một đoạn từ cuốn Einführung in die Metaphysik của Heidegger làm ví dụ: “Die Frage fragt nicht diese oder jenes beim Seienden an, was es je, hier und dort, sei und wie beschaffen, wodurch zu verändern, wozu brauchbar und ähnliches. Das Fragen sucht den Grund für das Seiende, sofern es seiend ist. Den Grund suchen, das heißt: ergründen. Was in Frage gestellt wird, rückt in den Bezug zu Grund. Allein, weil gefragt wird, bleibt offen, ob der Grund ein wahrhaft gründender, Gründung erwirkender, Urgrund ist; ob der Grund eine Gründung versagt, Ab-grund ist; ob der Grund weder das Eine noch das Andere ist, sondern nur einen vielleicht notwendigen Schein von Gründung vorgibt und so ein Un-grund ist. Wie auch immer, die Frage sucht die Entscheidung im Grund, der gründet, daß das Seiende seiend ist als ein solches, das es ist.”[29]
Heidegger mở đầu cuốn Metaphysik này bằng một phát biểu dựa vào Leibniz, “”Warum is überhaupt Seiendes und nicht vielmehr Nichts?” (Tại sao lại có các sự vật hiện hữu thay vì không có gì hết). Ông lập đi lập lại phát biểu này nhiều lần trong sách. Ý ông muốn nói bởi vì (chúng ta tri nhận được rằng?) có các sự vật hiện hữu/Seiendes này phải có một nền tảng (Grund) của chúng tức là hiện hữu thuần túy (Sein) và mục tiêu của siêu hình học (Metaphysik/metaphysics) là suy tư về cái nền tảng này. Có điều thay vì cố gắng trình bày một cách sáng tỏ nhất cho người đọc, Heidegger dường như chỉ độc thoại một cách bí hiểm với chính ông thôi. Người khắt khe có thể nói ông tự mê hoặc (mystify) và mê hoặc độc gỉả một cách không cần thiết.[30] Đó là cung cách đặc thù của Heidegger ngay cả khi ông thảo luận về một triết gia khác cũng vậy. Ví dụ như khi chúng ta đọc sách ông viết về Parmenides, chẳng hạn, nếu hiểu được ông muốn nói gì thì cao lắm là chúng ta chỉ biết được quan niệm của ông về Parmenides thôi chứ không thực sự về tư tưởng của Parmenides.
Ngay từ đầu chúng ta đã thấy những suy tư của ông hoàn toàn dựa vào ngữ pháp Đức ngữ. Điều này cũng không có gì là lạ. Triết học Ấn Độ cũng dựa trên Sanskrit và ngữ pháp của Pāṇini. Ông phân biệt Sein với seiend, das Seiend, das Seiende và Seiendes; Grund, ergründen, gründender, Gründung, Ur-grund, Ab-grund (thay vì Urgrund và Abgrund). Điều đầu tiên chúng ta nhận thấy sự liên hệ ngữ nguyên (etymological) giữa Sein, seiend và Seiendes; nếu như chúng ta dịch Sein là hữu thể và das Seiende là hiện thể (những gì hiện hữu) thì trong Việt ngữ chúng ta hai từ này là hai khối danh từ và khó mà thấy là từ nào phát xuất từ từ nào. Trước 1975 có một ông rỗng tuếch mà to mồm[31] huyênh hoang nói rằng dịch Sein sang Việt ngữ là hữu thể là sai bét, “ngu xuẩn”, phải dịch là “tính thể” mới đúng. Nhưng mà “tính thể” có vai trò và ý nghĩa gì trong tiếng Việt mà nó lại có thể hoàn toàn diễn đạt được chữ Sein của Đức ngữ và nhất là chữ Sein theo cách hiểu của Heidegger? Đó là chưa nói rằng “tính thể” là một danh từ, trong khi Sein, theo một học gỉa Mỹ chuyên về Heidegger thì Sein phải là động từ.[32] Đại khái ông nói dịch Sein sang Anh ngữ thành Being là lầm lẫn, đúng hơn phải là “to be”. Sein là một thể cách “là” (hiện hữu) căn bản nhất. Chúng ta nói “tôi là” (hoặc tôi hiện hữu) chứ không nói “tôi tính thể” được. Nếu chấp nhận được ý kiến của học giả Mỹ này thì Sein có thể dịch sang việt ngữ là “hiện hữu”.
Liên quan đến vấn đề ngôn ngữ và sự lãnh hội các trước tác về tôn giáo và triết học viết bằng một ngôn ngữ khác tiếng mẹ đẻ của mình, Bhikkhu Bodhi, tu sĩ học giả Mỹ và cũng là dịch giả đáng tin cậy nhất trong việc dịch kinh Phật từ tiếng Pāli sang Anh ngữ, trong cuốn sách xuất bản gần đây nhất của ông[33], đề cập đến sự khó khăn của việc dịch cũng như đọc và hiểu kinh Phật bằng tiếng Pāli qua bản dịch Anh ngữ. Ông đưa ra một ví dụ: các từ Anh ngữ như “knowledge”, “perception”, “wisdom”, “understanding”, và “consciousness” không có liên hệ ngữ nguyên gì với nhau cả. Các từ này lại được dùng thông thường nhất để dịch các từ Pāli như ñāṇa, saññā, paññā, parinnā và viññāṇa. Trong tiếng Pāli tất cả các từ trên đều dựa trên căn (root) ñā có nghĩa là “biết” (to know).[34] Bikkhu Bodhi nói rằng trong những lớp ông dạy tiếng Pāli, có những người đến nghe dù họ chính thức không học tiếng Pāli, mục tiêu của họ là để quen thuộc với các thuật ngữ của kinh trong nguyên ngữ Pāli.[35] Nói tóm, không một chữ đặc thù nào đó của một ngôn ngữ có thể hoàn toàn tương đồng với một chữ đặc thù nào đó của một ngôn ngữ khác. Có lẽ ngoại trừ các từ cụ thể như mèo chó bàn ghế, etc.
Tôi không phải là chuyên viên về Heidegger,[36] tôi chỉ muốn qua những gì đã nêu ra chứng minh lời ông giáo sư tôi đã đề cập đến là đúng. Hơn nữa, bất chấp quan điểm riêng của chúng ta về Heidegger như thế nào, chúng ta phải biết rằng loại triết học ông làm là một loại triết học “cao cấp” của một xã hội có văn hóa cao (Âu Châu nói chung) qua trung gian của một ngôn ngữ có khả năng diễn đạt triết học của chính họ. Đúng ra, một thứ ngôn ngữ đóng vai trò quan trọng (instrumental) đưa đến thể cách suy tư đặc thù đó.[37]
Triết Heidegger thuộc về một nền triết học có lịch sử lâu dài và có “lớp lang” cẩn thận. Ngay cả người Đức hay người Âu Châu nào khác muốn hiểu Heidegger cũng phải đi học đại học lấy căn bản về triết và được hướng dẫn trực tiếp bởi những bậc thầy trong truyền thống. Bên Mỹ cũng không khác gì. Triết cũng được truyền thụ trực tiếp và có môn phái giống như các môn phái trong các truyện chưởng mà chúng ta thích đọc. Không thể nào mà những người sống ở một xứ chậm tiến, không có học thuật cao, sách vở khan hiếm, xử dụng một ngôn ngữ hoàn toàn dị biệt về ngữ pháp với Đức ngữ, lại chưa từng bao giờ đi học đại học, không có căn bản về lịch sử văn hóa Tây phương, vốn liếng ngoại ngữ cũng bập bẹ lem luốc, đọc sách thì cuốn đực cuốn cái, mà khơi khơi nhận mình là chuyên viên về Heidegger được.[38]
Như vậy là không thể nào hiểu triết học Tây phương qua trung gian Việt ngữ sao? Gần như là thế. Trước đây hơn mười năm, mỗi mùa hè tôi thường qua Seoul để tham dự hội nghị hay dạy học khóa hè ở Korea University. Có ông học giả Hàn Quốc kia tặng tôi cuốn sách ông viết về Bertrand Russell dày cộm. Trong sách tất cả đều bằng Hàn ngữ ngay cả tên của Bertrand Russell cũng được phiên âm sang tiếng Hàn. Tôi thực sự không biết ông có hiểu Bertrand Russell không hay là ông chỉ tưởng tượng thôi. Người Pháp nói “traduire c’est trahir” có hơi quá đáng. Có lẽ thành ngữ “lost in translation” của Anh ngữ có lý hơn. Luôn luôn có một cái gì mất mát trong bản dịch.
Chúng ta nên nhớ khi người Pháp và người Anh phát biểu hai câu trên họ chỉ nghĩ đến thế giới Tây phương thôi. Ngôn ngữ của họ gần nhau như vậy mà người Pháp còn nói “dịch là phản”. Nhưng mà nếu dịch giả là hai ông Bùi Giáng và Phạm Công Thiện thì chúng ta phải kết luận rằng “dịch là ám sát tác giả.” Simon Leys, hán học gia (Sinologist) người Pháp từng nói dịch giả giỏi là người vô hình. Còn hai ông Bùì Giáng và Phạm Công Thiện là thuộc loại dịch giả cưỡi lên đầu lên cổ tác giả. Xin đưa ra bằng chứng, Jiddu Krishnamurti, một trong các “guru” lớn của thế kỷ 20. Krishnamurti viết bằng một thứ Anh ngữ rất đơn giản trong sáng. Ông chủ ý như thế, cố tránh không xử dụng thuật ngữ của một ngành học chuyên môn nào cả. Nhưng nếu chúng ta đọc bản dịch của ông Phạm Công Thiện, chúng ta không khỏi nhận thấy đôi khi Krishnamurti có khẩu khí của một tên côn đồ.
Còn về ông Bùi Giáng thì đầu tiên tôi biết đến ông vì ông dịch vở kịch Le Malentendu của Albert Camus đăng từng kỳ trên tạp chí Bách Khoa thì phải. Hồi đó tôi còn rất trẻ nhưng vẫn thoáng nhớ hình như ông là thầy giáo dạy Việt văn, có hình của ông mang kính trắng nhìn rất thanh lịch, rất dễ có cảm tình. Bản dịch cũng kính cẩn đàng hoàng trong sáng. Nhưng mà lúc đó ông chưa được tôn thờ vì ông vẫn tỉnh táo. Sau này không hiểu vì sao ông đâm điên loạn và lại có rất nhiều “fans”. Không biết vì lý do gì mà rất nhiều người Việt Nam cùng thế hệ tôi, nhất là những người có làm văn thơ, lại chỉ thích những người mà họ cho là điên. Nào là van Gogh, Nietzsche, rồi nội hóa thì Bùi Giáng. Thiệt ra bị điên là một điều rất bất hạnh. Tôn sùng, thiệt hay giả, sự bất hạnh của người khác là một điều rất tàn nhẫn. Van Gogh thì mọi người xác nhận rằng ông “điên”, nhưng mà cho đến nay chưa có ai kết luận được là ông bị bệnh gì. Còn về Nietzsche thì ông không hề điên. Lúc cuối đời có thể vì bị ung thư não ông hành xử có hơi khác thường.
Ông Bùi Giáng thì tôi không biết tại sao. Chỉ biết rằng ông càng điên khùng thì càng có đông tín đồ. Chẳng biết có phải lúc đầu ông tỏ ra dở hơi một chút thấy thiên hạ ái mộ quá ông làm tới rồi riết “lộng giả thành chân” không? Sau đó những sách ông viết về triết, nhất là những bản dịch thì bậy bạ hết sức. Dù có thiện cảm với ông cách cách mấy đi nữa cũng không thể nào bênh vực được. Theo nhận xét của tôi thì tuy điên nhưng ông cũng “gió tanh mưa máu” và trân trọng cái danh của ông lắm chứ không hồn nhiên đâu. Chắc ông thấy cái bọn bắc kỳ Sáng Tạo lộng hành quá, ông xuất bản tới tấp mấy tập hình như có tựa đề là “Đi Vào Cõi Thơ” thì phải để tôn xưng các nhà thơ miền Trung lên. Tôi không sinh đẻ ở Việt Nam thành ra vấn đề địa phương hoàn toàn không can dự gì đến tôi cả. Ông Phạm Công Thiện thì giả bộ cấc lấc một chút, nhưng không dám xử dụng những tuyệt kỹ của Bùi Giáng vì sợ mất những quyền lợi mà các tu sĩ Phật Giáo dành cho ông.
Nỗ lực muốn quảng bá Triết (nhất là Tây phương) bằng Việt ngữ cho độc giả người Việt qua trung gian của Việt ngữ đương nhiên là một ý tốt. Tuy nhiên, người viết cần phải thành thật với chính mình, mình có hiểu rõ vấn đề đặc biệt của một tác gia mà mình đang viết, mớ thuật ngữ bằng Việt ngữ mà mình xử dụng đích xác tới mức nào, cách mình trình bày có sáng tỏ không. Tôi luôn luôn hoài nghi những người tự tin không chút thận trọng dè dặt với Việt ngữ trong việc luận giải triết học Tây phương. Một là họ quá hồn nhiên, hai là họ quá tự tin nơi Việt ngữ. Như đã đề cập ở trên con người suy nghĩ, khái niệm hóa sự vật khác nhau tùy thuộc rất nhiều vào ngôn ngữ và bối cảnh văn hóa. Thuở tôi còn sống ở Boston tôi có quen ông bạn y sĩ, khi tôi nói với ông làm sao mà dịch Heidegger sang Việt ngữ được. Ông bất mãn nói, tại sao không, bên kia chữ Đức nào thì bên này mình lấy chữ Việt tương đương để vào là xong. Sự vật đương nhiên không giản dị như vậy. Mặc dù Anh ngữ là một ngôn ngữ rất phong phú đủ để dịch trọn bản anh hùng ca dài nhất trong văn chương thế giới là tập Mahābharata.[39] Nhưng mà rốt cuộc họ vẫn phải để nguyên một số từ như karma, dharma, nirvāṇa, yoga và Dao/Tao (道/Đạo).[40]
Tôi hi vọng Triết lần tái xuất giang hồ này là một diễn đàn đứng đắn để các học giả trình bày và chia sẻ các vấn đề về triết học, văn học, lịch sử. Tôi mong được đọc những bài súc tích, lý luận gọn ghẽ trong sáng đại khái giống như ý hướng của triết gia Mỹ Jaegwon Kim mà tôi đã đề cập đến trong phần đầu của bài viết.[41]
Nghĩ lại về triết tại (Nam) Việt Nam trước 1975
Trong Phần 2 này của bài viết chỉ thuần túy là những hồi ức của tôi về những cái mà tôi cho là bi đát và quái gở mà tôi gặp phải trong hành trình triết của tôi. Đây không hề là một đánh giá có tính cách khảo cứu với tư liệu trước mặt. Tôi không có những thứ này, bởi vì kể từ sau khi qua Mỹ vào năm 1975 tôi không còn lưu tâm gì đến học thuật của Việt Nam trước hay sau 1975. Như tôi đã đề cập ở trên, hầu như đại đa số những người cùng thế hệ tôi mà theo đuổi triết, Đông hoặc Tây, đều không tiếp tục được trên đất Mỹ này. Có người bạn trẻ nói với tôi, Mỹ là xứ tự do và cơ hội, qua Mỹ mà anh không làm được điều anh muốn là anh dở. Tôi nghĩ sự thực không giản dị như thế đâu. Lập lại cuộc đời, chọn một nghề mới, thành công về mặt kinh tế, rất nhiều người Việt Nam (nhất là những người không từng học triết) làm được điều này. Nhưng với những người đam mê triết,[42] thực tại có hơi phức tạp hơn.
Một biến cố buồn bã mà tôi kinh nghiệm được là những gì xảy ra cho một người bạn quá cố mà tôi thương như anh em. Nước Việt Nam nhỏ bé ít học lại cộng thêm những mặc cảm dấm dớ thành ra đưa đến những cái rất tội tình. Tôi có người bạn (đã quá cố) tôi thương như anh em. Anh có bằng cao học triết của “Đại Học Văn Khoa” Saigon trước 1975. Anh đã từng làm giáo sư ở Đại Học Hòa Hảo. Trước 1975 mà có bằng cao học của “Đại Học Văn Khoa” thì còn khó hơn lấy PhD của Harvard. Lý do vì mấy ông giáo sư ở đó (đại đa số) kiến thức thì dấm dớ hơn nữa lại không muốn cho học sinh ngoi đầu lên. Bạn tôi viết tiểu luận cao học so sánh Trang Tử với Kinh Bhagavad Gītā của Ấn Giáo. Bạn tôi đương nhiên là không biết Sanskrit, cũng không biết Hán văn, chỉ đọc được một ít Anh ngữ và Pháp ngữ. Nhưng mà có cái gì để mà so sánh giữa Trang Tử và Kinh Bhagavad Gītā? Ở “Đại Học Văn Khoa” đâu có ai biết gì về Trang Tử (ông Nguyễn Duy Cần? Vừa phải thôi!) với Bhagavad Gītā đâu để mà đỡ đầu anh làm tiểu luận?
Ai đã từng học Sanskrit ở Mỹ đều có đọc qua Bhagavad Gītā. Thời tôi đi học ở Harvard trọn cuốn kinh này là giáo trình của lớp Sanskrit nhập môn khóa mùa xuân. Bhagavad Gītā thường được xem là một cuốn kinh phổ biến nhất của Ấn Giáo. Nhiều người Tây phương chuộng kinh này như là hàm chứa những giá trị tâm linh sâu xa. Nhưng mà theo tôi nghĩ thì đây là một bản kinh có đặc tính văn hóa Ấn Độ rất cao. Nói một cách tóm lược Bhagavad Gītā nhấn mạnh karma-yoga,[43] tức là con đường của hành động (karma) dựa trên nhiệm vụ xã hội (dharma) tuỳ theo giai cấp (caste), sau đó lại chuyển sang bhakti, tức là sùng mộ. Thực hiện trọn vẹn nhiệm vụ giai cấp của mình với bất cứ giá nào, không cầu mong gì cả và dâng hiến tất cả hành động của mình cho Kṛṣṇa, hóa thân của Viṣṇu tức là đấng sáng tạo. Theo tôi đây hoàn toàn là một bản kinh quá lệ thuộc vào một nền văn hóa để có bất cứ giá trị tâm linh gì đối với người ngoài. Lại rõ rệt là nó chẳng có gì để so sánh với Trang Tử cả. Tôi không nêu những điều này ra để bêu xấu bạn tôi. Tôi chỉ muốn xem đây là một sự trạng hết sức là bi đát mà bạn tôi là một nạn nhân đáng thương. Tôi thường nói là gia đình bạn phải kiện miền Nam Việt Nam và trường “Đại Học Văn Khoa” đòi họ bồi thường vì đã ám sát trí thức bạn tôi. Nhưng mà cả miền Nam Việt Nam và “Đại Học Văn Khoa” đã không còn nữa.
Anh bạn tôi qua Mỹ không tiếp tục được sự nghiệp ở Việt Nam. Anh rất buồn bã và thất vọng. Cuối cùng anh đành đổi nghề, học một nghề mới. Nhưng chưa kịp hành nghề mới thì anh đột ngột qua đời. Ngày nào tôi còn nghiên cứu triết thì tôi còn nghĩ đến bạn. Có lần anh nói với tôi răng tụi Mỹ nó dốt lắm. Tôi hỏi tại sao ông nói vậy. Anh nói tôi biết thằng Mỹ kia nó học triết mà tôi hỏi nó Merleau-Ponty là ai mà nó không biết. Tôi không buồn cãi bạn. Tôi chỉ nghĩ “thằng kia” nó không cần phải biết Merleau-Ponty là ai bởi vì nó không học triết học Pháp. Thiệt sự thì bạn tôi cũng chẳng rành gì về Merleau-Ponty. Nhưng mà không phải là người Mỹ hoàn toàn mù tịt về triết học Pháp đâu. Đại học Duquesne ở Pittsburgh chuyên về triết học đại lục và hiện tượng luận (phenomenology). Họ dịch sách của Merleau-Ponty, và các sách về hiện tượng luận. Đối với những chuyên viên Mỹ này thì kiến thức của các giáo sư triết của Việt Nam về triết học đại lục chỉ là trò trẻ.
Cũng vậy hồi tôi mới qua Mỹ có nhà sư kia, một “fan” lớn của ông Phạm Công Thiện (đây là hiểm họa chính cho học thuật Việt Nam mà thủ phạm là một số nhà sư Phật Giáo. Sẽ trở lại vấn đề này dưới đây), ông nói với tôi đại khái cũng như người bạn tôi, con nhỏ Mỹ kia dốt lắm, nó học văn chương Mỹ mà tôi hỏi nó Henry Miller là ai mà nó không biết. Tôi cũng chẳng buồn cãi ông, nhưng mà “con nhỏ” kia không dốt tí nào. Nó không cần phải biết Henry Miller, bởi vì Mỹ có rất nhiều nhà văn, lại cũng tùy theo văn chương Mỹ thời đại nào mà nó học, hoặc bởi vì ông Henry Miller không lừng danh như thầy tôi tưởng tượng. Tôi dám cá hỏi nó Ernest Heminway hay Herman Melville là ai nó biết liền.
Liên hệ đến Heidegger thì có điều này tôi thấy cần thiết phải nhắc đến. Đa số những người lớn lên ở Saigon trước 1975 mà có lưu ý đến văn học, triết học hẳn cũng nghe đến cái tên Phạm Công Thiện. Theo tôi ông là một scandal học thuật đáng tiếc tạo ra bởi một nhóm Phật Giáo. Mà thương thay lại là nhóm elite của Phật Giáo, tức là nhóm chủ trương Đại Học Vạn Hạnh. Trước đó thì ông viết báo và xuất bản mấy cuốn sách cũng chẳng ra thể thống gì. Cho ông credit là biết đọc tiếng Anh tiếng Pháp và cũng chịu khó đọc sách. Nhưng vì ông không bao giờ học đại học, ông thuộc loại “tự học miệt vườn”, lại thêm vì sống ở Việt Nam sách vở khan hiếm, cho nên đọc sách không có lớp lang, cuốn đực cuốn cái. Bất cứ cuốn sách ngoại quốc nào ông đọc được, tác giả đều là “thiên tài”.
Ông thích đọc Heidegger. Thôi thì cũng không có gì sai quấy, nhưng mà bởi vì không có căn bản học vấn, cho nên ông cũng tự cương theo ý ông. Ông lãng mạn hóa, thơ mộng hóa, bí hiểm hóa Heidegger, “khinh bỉ trương ốc”, làm như thể Heidegger là người duy nhất nắm được chân lý trong tay và ông là người duy nhất hiểu Heidegger. Thật ra thì cái lão Heidegger này cũng chẳng có gì là thơ mộng, lãng mạn, mặc dù thỉnh thoảng lão cũng trích thơ văn. Heidegger là viện trưởng viện đại học Freiberg. Sáng ra cũng cắp cặp, vác ô, dơ thẳng tay chào “Heil, mein Führer” rồi đến trường dạy học. Chúng ta đừng quên là Heidegger phò Hitler và từng có những chủ trương rất tàn bạo.
Sau đó Phạm Công Thiện đi tu trốn lính lấy pháp danh là Thích Nguyên Tánh, và được “Thiền Sư” Thích Nhất Hạnh mang lậu sang Mỹ. Thời đó xuất ngoại là một cơ hội hiếm quí. Ông qua Mỹ cũng chẳng làm được gì. Thiệt sự thì ông đâu có credit hay trình độ gì để mà được một đại học Mỹ nhận vào học. Hơn nữa đi học cần nhiều kiên nhẫn. Năm này qua năm nọ ngồi trong thư viện dùi mài không ai biết mình là ai, lại còn nghèo nàn túng thiếu. Ra ngoài kia viết mấy bài dấm dớ nhét mấy chữ tính thể, hố thẳm, khinh bỉ, phá hủy, được giới nhà văn nhà thơ và tu sĩ Phật Giáo tôn sùng mang về đại học cho làm khoa trưởng không đã đời hơn sao?[44] Ông về Saigon xuất bản tập thơ èo ọt thiếu tháng gọi là Ngày Sinh Của Rắn, ở bià trong ông tự nhận là thiên tài duy nhất của Việt Nam. Thật là một thái độ quê mùa, cao-bồi vườn hết chỗ nói.
Hơn nữa không biết Phạm Công Thiện có phải vì thuở nhỏ xem cải lương hơi nhiều hay không mà ông thường viết những câu văn đại loại như “Nietzsche là một trái tim đen bị sấm sét đánh tan thành muôn triệu mảnh trên ba ngàn trượng đỉnh cao”. Hà Triều Hoa Phượng mà nghe được câu này chắc là gật gù lắm muốn mời ông cộng tác. Ông còn tạo ra một ấn tượng sai lầm cho giới trẻ vô tội mà ham học rằng sách triết được viết bằng một thứ ngôn ngữ “lửa”, lãng mạn kiểu Dạ Lý Hương. Sự thật hoàn toàn không hề như thế. Ngay cả ông Heidegger cũng vậy. Ông xử dụng một thứ Đức ngữ rắc rối, nhưng mà chẳng có gì “lửa” cả. Nói tóm, ngôn ngữ của Heidegger không côn đồ mà cũng không cải lương. Ngay cả Henry Miller cũng thế. Có thể ông hay nói chuyện sex, nhưng mà văn chương ông cũng chẳng hề có khẩu khí côn đồ.
Cách viết “khảo cứu” của ông cũng hết sức lừa dối (deceptive). Giữa đám Việt ngữ bầy hầy của ông thường xen lẫn một vài đoạn ngoại ngữ dài trích dẫn từ sách của một tác gia Tây phương nào đó, rồi ông nói nhăng nói cuội không ra đầu đũa gì cả. Ông làm biếng mà thích khoe khoang, luôn luôn trích một đoạn (thông thường là ở mấy trang đầu sách) của một triết gia hay một câu thơ của nhà thơ nào đó rồi tán nhảm. Tôi nhớ ở đâu đó ông nói là viết một bài về nhà thơ Mỹ William Carlos Williams. Ông trích duy nhất một câu thơ của nhà thơ này rồi viết hên sui vài ba trang cho xong. Lại còn không biết dựa vào đâu ông phong chức tùm lum cho các nhà thơ. Có lúc ông nói Nguyễn Du là nhà thơ lớn thứ ba trên thế giới. Không biết hai vị nhất nhì kia là ai? Dựa vào đâu mà Nguyễn Du đứng thứ ba? Rồi ông còn phong cho ông Quách Tấn là nhà thơ lớn nhất Việt Nam.
Sau này khi ở Mỹ tá túc tại chùa Việt Nam ở Los Angeles của Hòa Thượng Mãn Giác, ông có viết một bài gì đó tôi không nhớ cho một tờ báo Phật Giáo địa phương. Tôi chỉ nhớ trong một chú thích ông ghi trích từ Tạng Kinh Tây Tạng Narthang. Thứ nhất, ông không hề biết Tạng ngữ, thứ hai không hiểu ông đọc lóm đâu được cái tên Tạng Kinh Tây Tạng Narthang. Tạng Kinh Narthang này chỉ có Đại Học Harvard có thôi. Tôi biết thế vì khi đi học tôi có làm việc theo dạng work study ở Rare Books Room (Phòng Sách Hiếm) trên tầng ba của Thư Viện Harvard/Yenching. Không phải ai cũng khơi khơi vào phòng này xem sách được. Ngay cả các giáo sư của các đại học khác muốn đến xem, mượn vài trang ra để xerox tại chỗ cũng phải có giấy giới thiệu. Tôi còn nhớ ông boss người Trung Quốc của tôi bảo vệ phòng sách này hơn cả tính mạng của ông.
Còn một biến cố nữa mà nhiều người cũng biết đến. Đó là việc ông mạ lỵ ông Nguyễn Văn Trung. Nếu Phạm Công Thiện là “tự học miệt vườn” thì Nguyễn Văn Trung là “học bôi bác.” Ông qua Belgium du học ở Louvain, viết luận án về Phật Giáo. Cái luận án dài khoảng 120 trang, chẳng ra thể thống gì cả. Sau đó ông bị Phạm Công Thiện xỉa xói mạ lị. Thôi thì cũng đáng đời. Ông mạ lỵ Phật Giáo để làm sự nghiệp, nay ông bị mạ lỵ bởi một anh chàng cũng không biết gì về Phật Giáo hơn ông. Người Mỹ sẽ nói là “karma is a bitch.” Phạm Công Thiện muốn mạ lỵ Nguyễn Văn Trung cũng được, nhưng mà ông kết luận bằng một câu hàm hồ hỗn láo không thể tha thứ được. Ông nói đại khái phê bình Nguyễn Văn Trung cũng là phê bình các bậc thầy của ông như là Louis de La Vallée Poussin (1869-1938) và Étienne Lamotte (1903-1983).
La Vallée Poussin và môn đồ của ông, Étienne Lamotte, là hai bậc thầy lớn trong thế giới nghiên cứu triết học và văn hóa Phật Giáo. Ngoài những ngôn ngữ như Greek và Latin ra, họ đều thông thạo các ngôn ngữ kinh điển (canonical laguages) của Phật Giáo như Hán, Pāli, Sanskrit và Tibetan. Những trước tác của họ, tôi không kê khai ra ở đây làm gì vì nó không có ý nghĩa lắm đối với những người ngoài ngành. Chỉ xin đưa ra vài tiêu biểu. La Vallée Poussin biên tập (edited) bản Sanskrit của bộ luận Trung Luận tức là Mūlamadhyamakakārikā của Nāgārjuna (Long Thụ) với bản chú giải của Candrakīti (Nguyệt Xứng).[45] Ông chỉ biên tập chứ không phiên dịch sang Pháp văn. Nhưng đọc bản biên tập của ông, chúng ta cũng đủ thấy cái trình độ bác học vĩ đại của ông. Thuở đó chưa có điện toán, google, trong bản biên tập này ông nhận diện ra được những đoạn tương tự với các đoạn trong các tác phẩm của các phái triết Ấn Độ khác. Ông còn thường xuyên trích các bản dịch Tạng văn (Tibetan) để đối chiếu. Étienne Lamotte cũng bác học không kém gì thầy của ông. Lamotte dịch những kinh và luận quan trọng nhất của Phật Giáo, trong đó có bộ Đại Trí Độ Luận (大智度論). Bản dịch nào của ông cũng mẫu mực, chính xác và bác học. Ngoài ra ông còn viết bộ Histoire du Bouddhisme Indien Des Origines à l’Ère Śaka[46] gần 900 trang. Nói tóm, La Vallée Poussin và Étienne Lamotte là những bậc đại học giả mà hầu hết tất cả những người nghiên cứu Phật Giáo cho đến hiện nay đều kính ngưỡng. La Vallée Poussin mất năm 1938, ông không thể là thầy của Nguyễn Văn Trung. Muốn là học trò của Étienne Lamotte cũng phải là những người có trình độ cao về các ngôn ngữ Phật Giáo. Một anh Việt Nam nhà quê không biết một ngôn ngữ Phật Giáo nào không thể là học trò của Lamotte được.
Khi ông Phạm Công Thiện phát biểu lời trên ông chỉ nói ngông cuồng cho sướng miệng chứ chính bản thân ông cũng chẳng biết hai vị kia là ai. Tôi đoan chắc ông chưa đọc bất cứ một cuốn sách nào của họ, có đọc đi nữa cũng không hiểu. Ông có cái thói hay “name-dropping”, rải tên. Vì không có căn bản học vấn lại rất cẩu thả khinh bạc nên nhiều khi ông rải những cái tên chẳng có liên hệ gì với nhau. Ví dụ Heiddeger, Husserl, Sartre, Talcott Parsons, vân vân.Talcott Parsons là một nhà xã hội học. Nếu không ở trong ngành này đọc sách của ông chúng ta cũng không hiểu. Có lần ông còn khoe khoang vớ vẩn trong một cuốn sách của ông rằng, “tôi vừa ném trọn bộ Summa Theologica của Thomas Aquinas vào một thùng rác ở lề đường Paris.” Cái gì? Nếu mình không học thần học, nhất là thần học Catholic, mình mua sách của Thomas Aquinas để làm gì?
Tôi còn nhớ sau khi đã tốt nghiệp Đại Học Vạn Hạnh rồi và làm nhà xuất bản, bọn chúng tôi thường ngồi ở quán cà-phê Nắng Mới trước cửa trường.[47] Tôi cũng có làm cho ban tu thư của phân khoa Khoa Học Xã Hội gì đó. Một hôm tôi đi ngang giảng đường lớn, nghe tiếng giảng qua máy vi âm. Thì ra là giáo sư Thích Nguyên Tánh đang tán phét. Tôi nghe ông phát biểu một câu mà đến nay tôi vẫn không quên vì nó quá phi lý: “Tư tưởng Ấn Độ là kinh nghiệm về hư vô”. WTF! Nói như thế có khác gì nói “thuyết tương đối của Einstein là kinh nghiệm về phở bò”. Tôi biết chắc chắn là ông không biết gì về triết học hay văn hóa Ấn Độ cả. Ngay cả ông Nguyễn Đăng Thục, chưởng môn của phái “không học gì hết”[48] cũng còn có đọc một cuốn sách của Romain Rolland về Vivekananda rồi ông tưởng Vivekananda, Ramakrishna, Sri Aurobindo là Ấn Độ Giáo hay triết học Ấn Độ. Còn ông Phạm Công Thiện, tôi dám cá chưa từng bao giờ đọc ngay cả một cuốn sách nhập môn về triết học hay văn hóa Ấn Độ nói chung bằng Anh ngữ.
Phạm Công Thiện là thần tượng của giới nhà văn nhà thơ và tu sĩ Phật Giáo. Nhà văn nhà thơ có thể làm thơ viết văn hay, nhưng mà ngoại ngữ hay trí thức không hề là cái forte của họ, ngoại trừ những người lớn lên ở hải ngoại. Nhưng mà những nhà văn nhà thơ lớn lên ở hải ngoại họ chẳng cần biết Phạm Công Thiện để làm gì. Còn đa số các nhà sư Phật Giáo thì chẳng có kiến thức về bất cứ cái gì nhất là kiến thức về triết học Phật Giáo. Trình độ hiểu biết của Phạm Công Thiện về Phật Giáo không hơn gì một ni cô chú tiểu bình thường. Nói tóm, kinh điển, ngôn ngữ, văn hóa, triết học, tư liệu và sách vở Phật Giáo hoàn toàn vượt ngoài tầm nắm bắt trí thức của Phạm Công Thiện. Oái oăm thay ông lại hù dọa khiến các Thượng Tọa, Đại Đức phục ông sát đất. Ông không đọc được bất cứ một ngôn ngữ kinh điển nào của Phật Giáo thì làm sao ông nghiên cứu? Đọc kinh Việt dịch của Hòa Thượng Trí Tịnh? Mà quả nhiên ông làm như vậy thật.[49] Đôi khi ông chỉ trích một câu trong bản dịch của Hòa Thượng Trí Tịnh rồi nói nhăng nói cuội “Bồ-đề tâm như hố thẳm” đại loại như vậy. Ông có đọc sách Phật Giáo bằng Anh hay Pháp văn ông cũng không hiểu được. Bởi vì không có cái căn bản ngôn ngữ Phật Giáo trong đầu óc, đọc sách triết học Phật Giáo bằng ngôn ngữ Tây phương rất là khó hiểu.[50]
Tôi cũng biết là còn có rất nhiều người Việt Nam ái mộ ông Nguyễn Đăng Thục. Tôi cũng không có hiềm khích gì với ông. Tôi giao du với ông khá nhiều. Ông là người hết sức “tự phục mình”. Tôi còn nhớ có anh bạn tên Nguyễn Văn Đức (anh làm cho Hàng Không Việt Nam và bị chết vì tàu bay rớt). Một hôm trong lớp anh chỉ thành thật hỏi, “Thưa thầy tại sao em đọc cuốn sách kia…” Anh chưa kịp dứt lời, ông đã mắng anh tới tấp, “Đừng nói chuyện đọc sách với tôi. Đọc sách thì không thể bằng tôi được.”[51] Tôi nhớ có lần vào Chợ Lớn mua mấy cuốn sách Tàu, tôi ghé ngang nhà ông trước khi về nhà. Ông cầm một cuốn lên tựa đề có bốn chữ, ông chỉ đọc được hai chữ và hỏi tôi hai chữa kia là gì. Có lần ông đưa tôi xem một câu văn chữ Hán, ông than là cái syntax của câu văn này rắc rối quá. Thật ra nó chẳng có gì là rắc rối cả. Tôi cũng chẳng buồn lý luận với ông.
Khi tôi nghĩ lại về “triết” trước 1975 ở Saigon, cả Đông lẫn Tây, đại loại nếu không là tự học miệt vườn, học bôi bác thì cũng là không học gì hết. Chỉ có một người duy nhất tôi kính trọng là Giáo Sư Lê Thành Trị.[52] Tôi không biết ông rõ lắm chỉ biết ông qua một niên học. Ông có bằng PhD ở Đại Học Basel, Thụy Sĩ. Thuở còn đi học tôi tình cờ thấy luận án của ông, về Gabriel Marcel thì phải, trong thư viện Widener của Harvard. Ông nói bằng giọng Huế rất dịu dàng, điềm đạm. Ông cư xử như một người giáo sư đứng đắn. Tôi còn nhớ một buổi trưa rất nóng ông vào lớp không có học sinh nào ngoài tôi. Chắc mấy đồng học của tôi nghĩ rằng Descartes không “ngầu”, phải Heidegger kìa. Ông nhìn tôi nói, “Tội quá đi, bỏ thì thương vương thì tội.” Rồi ông mở cuốn sách bằng Pháp ngữ của Descartes ra giảng cho tôi. Tôi còn nhớ là ông giảng về “nature simple” trong triết Descartes. Thỉnh thoảng ông chỉ một vài câu trong sách và bảo tôi chép lại.
Nói tóm, triết trước 1975 nói ra thì buồn bã thôi. Nó chẳng khác gì vũng lầy. Nhiều khi vì hoàn cảnh đáng thương chứ không hẳn hoàn toàn là lỗi của những người thời đó. Người Mỹ có câu “he didn’t know any better” để bỏ qua không chấp nhặt một người khác. Đa số các học giả Việt Nam ở Saigon về triết trước 1975 thì quả là “didn’t know any better”. Một số thì thực sự cố tình tự lừa dối và lừa dối hậu sinh. Thôi thì mình cũng nên quên đừng đằm mình trong cái vũng lầy của chúng ta nữa. Tôi không theo rõi triết ở Việt Nam hiện tại. Tôi chỉ biết giới trẻ ngày nay có cơ hội học ngoại ngữ hơn thời trước 1975 rất nhiều. Nhưng mà không hiểu có ai lưu tâm đến triết nữa không?
Còn về Đại Học Vạn Hạnh, tuy rằng cái trường này suýt nữa là làm đời tôi tàn mạt và cũng chẳng truyền thụ được gì cao cường cho tôi về văn học và triết học Phật Giáo. Nhưng dù gì đi nữa tôi cũng mang ơn trường này vì đó là nơi tôi quen được một số bạn tốt chia sẻ với nhau cùng lý tưởng và Vạn Hạnh cũng giúp tôi kiên trì với cái đam mê về triết học Phật Giáo.
Chú Thích
-
Nếu họ đồng ý được thì tôi mừng. ↑
-
“Đại Học Văn Khoa” là một “misnomer” gần như khôi hài. Đúng ra đó là phân khoa văn khoa hay trường văn khoa của Đại Học Saigon. ↑
-
Đây không phải là chỗ thảo luận vấn đề này, nhưng mà tôi không khỏi thắc mắc tại sao ông Trịnh Công Sơn lại nói “gia tài của mẹ một bọn lai căng, gia tài của mẹ một lũ bội tình”? Có dân tộc nào mà không lai căng? Ngoại trừ chủng Aryan theo sự tưởng tượng của anh khùng Hitler. Tại sao lại kết án người Việt Nam là “một lũ bội tình”? Nhưng mà cũng chẳng nên thắc mắc làm gì. Ông TCS là nghệ sĩ thì sở trường của ông là cảm tính chứ không phải là trí tuệ. ↑
-
Sau này khi đã có trường sở ở đường Trương Minh Giảng thì lại đổi trở lại thành năm có lẽ dưới áp lực của ông công chức Tôn Thất Thiện. ↑
-
Mấy người bạn thân của tôi ở Vạn Hạnh sau 1975 thì có người ở lại Việt Nam. Một số trở thành tu sĩ. Một số ra hải ngoại đương nhiên cũng đổi nghề. ↑
-
Việc thiếu giảng viên đưa đến những cái rất quái gở mà tôi không tiện đi vào chi tiết. Vài anh nhà văn nhà báo dấm dớ không hiểu tại sao cũng vào dạy văn khoa Vạn Hạnh. Chỉ xuống một mức nữa thôi tôi có thể hình dung Hòa Thượng Minh Châu đứng trước cửa trường hỏi những người đi qua, ông có muốn vào dạy không? ↑
-
Ai từng học triết đều biết rằng Descartes phân biệt hai thứ (dualism) thực thể (substance) tách biệt nhau. res extensa, vật chất và res cogitans, tâm thức hay ý thức. Ý thức hay theo Descartes, linh hồn thì vô hình và hiện hữu ngoài thế giới thời gian không gian (space-time) và có tác năng suy nghĩ hay suy tư. Res extensa là thế giới vật chất có hình thức và chiếm giữ không gian. Chủ trương này của Descartes gặp phải rất nhiều khó khăn về liên hệ giữa hai thực thể hoàn toàn dị biệt. Môn đồ của Descartes là công chúa Elisabeth đưa ra nhiều chất vấn về vấn đề liên hệ/tương giao thân tâm này, Descartes đề nghị nhiều giải pháp nhưng mà cho đến này đa số triết gia vẫn xem là không thỏa đáng. ↑
-
Xem Philosophy of Mind (Westview Press, thirds edition, 2011). ↑
-
Tôi không khỏi nghĩ đến một giai thoại về nhà văn Pháp Albert Camus (1913-1960). Có một cô nhà văn tập tành gửi bản thảo cuốn tiểu thuyết cô viết nhờ ông xem và cho biết ý kiến. Camus hồi đáp nói rằng cô viết còn non nớt lắm. Cố gắng viết thêm nhiều nữa xem sao. Cô kia viết thư trả lời mắng Camus là dỏm, không đọc bản thảo của cô, vì cô có dán một số trang bản thảo lại. Khi nhận lại được bản thảo cô thấy những trang dán lại với nhau vẫn còn nguyên chứng tỏ Camus không đọc. Camus lễ độ trả lời, thưa cô tôi không cần phải ăn hết đĩa omlette mới biết là trứng thối.
-
Xem Jenseits von Gut und Böse, trang 25, Friedrich Nietzsche, Jenseits von Gut und Böse und Andere Schriftes, Werke 3, Könemann, 1994. ↑
-
Sẽ bàn thêm về vấn đề này trong phần dưới của bài viết. ↑
-
J.J.C Smart được xem là một trong những người chủ xướng lý thuyết psychoneural identity theory, tức là sự đồng nhất giữa tâm thức và não bộ, thường được gọi tắt là identity theory. ↑
-
London: Routledge & Kegan Paul, 1963. ↑
-
Định nghĩa này dường như có thể dùng để định nghĩa ngành physics (vật lý học). Cũng không có gì ngạc nhiên lắm vì Smart rất thành thạo về physics. Đọc sách ông có nhiều chỗ tôi không hiểu lắm vì tôi không thành thạo về physics. Tuy nhiên, đối tượng của physics chỉ là thế giới vật lý mặc dù các triết gia Anh/Mỹ/Úc hiện đại nhận thức được rằng physics hỏi những câu hỏi tương tự với philosophy. Physics giới hạn đối tượng nghiên cứu vào thế giới vật thể không có nghĩa là physics là dở. Mỗi ngành học đều có đối tượng giới hạn của nó. Gần đây có nhiều tay New Agers nửa mùa như Deepak Chopra, chẳng hạn, đọc tâm linh (spirituality) vào physics. Tôi thấy rất là “oi”. Một số người Việt Nam không hiểu sao hay thích những tay gurus dỏm. Rất ít người Việt biết Deepak Chopra, khá nhiều người nhất là các tu sĩ Phật Giáo rất bị mê hoặc bởi Osho, một tên đại bịp. ↑
-
Carlo Rovelli, khoa học gia Ý, trong cuốn Anaximander (Westholme Publishing, 2016) gọi Anaximander là khoa học gia đầu tiên của nhân loại. Carlo Rovelli là một quantum phycisist rất sâu sắc và thông minh. Ông cũng là một người viết văn rất hay. Ông xuất bản khá nhiều sách giải thích quantum physics cho những người không chuyên môn. ↑
-
Tôi dùng chữ tự nhiên theo Hoa ngữ để dịch chữ nature hay natural. Việt ngữ dùng chữ thiên nhiên và hiểu chữ tự nhiên như là hồn nhiên, không làm dáng (unaffected). Cha ông mình xử dụng chữ Hán nhưng mà nhiều khi hiểu sai rồi thành thói quen. Phật Śākyamuni cũng khởi sự giải thích thực tại bằng một thứ bản thể luận tự nhiên. Khái niệm duyên khởi (pratītyasamutpada) của Phật Śākyamuni thì đầy khoa học tính, đi trước cả khoa học và triết học hiện đại về quan điểm quan hệ nhân quả (causality) một trong các đề tài chính của triết học phân tích. ↑
-
Đây cũng là một vấn đề tranh chấp chính trong triết học Anh/Mỹ/Úc hiện đại. Một phía nói free will không là gì hơn một ảo tưởng. Một phía nhấn mạnh là có. Cũng có một số triết gia đứng giữa chấp nhận một thái độ được gọi là compatibilism. ↑
-
Điều này không có nghĩa rằng tất cả các triết gia Anh/Mỹ/Úc đều là vô thần. Trái lại một số đông vẫn có niềm tin tôn giáo. ↑
-
Một đề tài mà triết gia Jaegwon Kim đặc biệt khai phá. ↑
-
Văn học về philosophy of mind của triết học Anh/Mỹ/Úc vô cùng phong phú. Tôi chỉ nêu ra cuốn sách này của D.M. Armstrong vì tôi đặc biệt ái mộ ông mặc dù không bao giờ tôi có thể đồng ý với realism (duy thực luận), Tây phương hay Ấn Độ. ↑
-
Xem From An Ontological Point of View (Oxford University Press, 2003). ↑
-
Dĩ nhiên không có gì sai quấy khi chúng ta muốn tìm hiểu hay có hứng thú về lịch sử văn hóa thế giới. Tôi không khỏi có cảm giác rằng khi Sartre và Camus nói về thân phận người họ nói về thân phận người Pháp. Đối với họ dường như là người—being human—có nghĩa là là người Pháp. ↑
-
Các phạm trù bản thể luận (ontological categories) như univerals (toàn thể), particulars (đặc thù), substances (thể chất), qualities (đặc tính), relations (liên hệ), causality (quan hệ nhân quả), etc. là cấu trúc của thế giới tự nhiên, phi thời tính và không thuộc về văn hóa nào cả. Tuy nhiên, triết gia thuộc các văn hóa khác nhau có thể có cách tiếp cận (approaches) khác nhau về những thực thể này. ↑
-
Ví dụ như Hegel (1770-1831) và Max Weber (1864-1929). ↑
-
Một cách gọn gàng hơn trong Jaegwon Kim, Philosophy of Mind, chương 2. ↑
-
Trong lãnh vựv này xin đề ra hai cuốn tiêu biểu: Bruce Hood, The Self Illusion: How the Social Brain Creates Identity (Oxford University Press, 2012); Stanislas Dehaene, Consciousness and the Brain: Deciphering How the Brain Codes Our Thoughts (Viking, 2014). ↑
-
Không chối cãi được rằng đa số người Mỹ là nông cạn. Nhưng mà nói chung đa số con người là nông cạn. Triết gia Anh Bertrand Russell (1872-1970) từng nói rằng đa số con người rất sợ suy nghĩ, họ thà chết còn hơn suy nghĩ. Nhưng mà không phải chỉ những người ít học không thôi đâu, ngay cả học sinh của các đại học lớn cũng vậy. Chính vì thế mà tôn giáo mới sống hùng sống mạnh và những tên điên khùng gian ác mới được bầu lên làm tổng thống, thượng nghị sĩ và dân biểu. ↑
-
Cũng như mấy ông giáo sư “triết Đông” ở Saigon trước 1975, đọc vài cuốn dịch Kinh Upaniṣads từ bản dịch tiếng Pháp sang tiếng Việt, nào là “Áo Nghĩa Thư”, Phạm Thiên, thần ngã này nọ tùm lum. Rồi mấy ông vào lớp huyênh hoang dạy giống y như thể mình hiểu. (Upaniṣads không hề có nghĩa là Áo Nghĩa Thư). ↑
-
Einführung in die Metaphysik (Max Niemeyer Verlag Tübingen, 1976), trang 2. ↑
-
Alex Rosenberg, triết gia Mỹ, giáo sư của Đại Học Duke, tác giả cuốn sách tôi rất thích, The Atheist’s Guide to Reality: Enjoying Life without Illusions (New York, W. W. Norton & Company, 2011) từng phát biểu rằng đa phần là mình không biết Heidegger muốn nói gì, họa hoằn lắm mình mới biết ông muốn nói gì thì ông sai bét. ↑
-
Ông Phạm Công Thiện. Sẽ trở lại với ông này nhiều hơn trong phần dưới của bài viết. ↑
-
Rất tiếc tôi không còn cuốn sách này trong tay vì đã từ hơn 25 năm nay tôi không còn lưu tâm đến triết học đại lục nữa và đã thải hầu hết hết các sách triết học đại lục đi rồi. ↑
-
Reading the Buddha’s Discourses in Pāli (Sommerville, MA, Wisdom Publications 2020). ↑
-
Ibid., trang 3. ↑
-
Trong đa số các bài viết về triết Tây của các tác giả Việt Nam, từ tôi thường gặp nhất là “hữu thể”. Thú thật tôi không hiểu nó có nghĩa là gì và các tác giả kia muốn nói gì. ↑
-
Ở Việt Nam chưa từng bao giờ có ai là chuyên viên về Heidegger cả. ↑
-
Có rất nhiều học giả nhận định rằng có “cái gì đó” trong Đức ngữ khiến người Đức thích suy nghĩ về thần học (theology). Phải chăng có “cái gì đó” trong Việt ngữ khiến người Việt hay lãng mạn vớ vẩn không? ↑
-
Kể từ sau 1975 tôi hầu như không theo rõi học thuật ở Việt Nam, nhưng mà ngay gần đây thảng hoặc có thấy đâu đó các bài viết về triết thì cũng Husserl, Heidegger và Sartre được tung ra một cách hết sức là tùy tiện. ↑
-
Điều đáng tiếc là bản dịch bởi một học giả Ấn Độ phải nói là dở. Tôi không ngụ ý nói học giả Ấn Độ là dở, chỉ nêu ra là bản dịch này dở thôi. Bản dịch không trọn vẹn của van Buitenen của Đại Học Chicago hay hơn nhiều. Đáng tiếc là ông qua đời trước khi dịch xong. ↑
-
Hai học giả Ấn Rajiv Malhotra và Satyanarayana Dasa Babaji có xuất bản cuốn sách Sanskrit Non-Translatables (Amarylis: 2020) để nêu ra những cái không thỏa đáng trong việc phiên dịch một số thuật ngữ Sanskrit sang Anh ngữ. ↑
-
Tôi cũng hi vọng không còn phải đọc những bài quê mùa kiểu “xây dựng một nền triết học Việt Nam”. Việt Nam không có triết học. Nói xây dựng một nền triết học Việt Nam thì có khác gì nói tôi đang vẽ chân dung một người vô hình. Không chối cãi rằng như một tập thể thì người Việt Nam cũng có một vũ trụ quan (world view), một quan niệm sống. Nhưng mà đó không phải là triết học.Chúng ta không cần phải cảm thấy tổn thương khi nghe nói Việt Nam không có triết học. Rất nhiều quốc gia không có triết học. Cái đáng cảm thấy tổn thương nhất là chúng ta không có chữ viết. ↑
-
Theo tôi triết là một cái gì rất đáng đam mê. Nhưng mà triết không phải như làm thơ hay vẽ tranh. Anh có thể vừa làm thợ tiện vừa làm thơ. Nhưng mà anh không thể vừa là thợ mộc vừa là giáo sư triết được. Tôi muốn nói, đi sâu vào lãnh vực, không phải chỉ đọc để mở mang trí thức. ↑
-
Yoga trong văn hóa Ấn Độ có rất nhiều nghĩa. Một trong những nghĩa chính là một thể cách tôi luyện thân tâm để đạt mục tiêu tâm linh cứu cánh. Mỗi trường phái triết học có một kỹ thuật Yoga riêng. ↑
-
Tôi cũng không hiểu vì lý do gì mà Hòa Thượng Thích Minh Châu lại mang một người chưa từng đi học đại học, không có kiến thức chuyên môn về bất cứ một ngành gì và lại con luôn luôn tuyên dương “khinh bỉ trường ốc” vào làm khoa trưởng. Làm khoa trưởng cũng cần phải biết về hành chánh cơ cấu của đại học. Một anh láu cá chưa từng đi học đại học thì làm sao mà làm khoa trưởng? Tôi nói tôi không hiểu nhưng mà tôi hiểu. Nếu chúng ta dễ dãi với từ này, chúng ta có thể gọi Hòa Thượng Minh Châu là một thứ “idiot savant”, mặc dù phần “idiot” nặng hẳn hơn phần “savant”. Hòa Thượng là người có học đàng hoàng, lấy PhD ở Đại Học Phật Giáo Nālandā. Tôi mang ơn được học Pāli với Hòa Thượng trong hai năm. Nhưng mà ngoài Pāli và một phương diện rất hẹp và không thiết yếu của Phật Giáo ra, Hòa Thượng dường như không biết gì hết, thậm chí không phân biệt được ai là giỏi là dốt.
-
Mūlamadhyamakakārikās (Mādhyamikasūtras) de Nāgārjuna avec le Prasannapadā Commentaire de Candrakīrti (Biblio-Verlag, Osnabrück, 1970).
-
Université de Louvain: Institut orientaliste. Louvain-la-Neuve, 1976.
-
Sau đó có nhà thơ Huy Tưởng và Phạm Trung Cang em của Phạm Công Thiện nhập bọn. Cang nhập bọn vì thích chơi với chúng tôi chứ không hề có vai trò gì trong nxb của chúng tôi cả. Tôi không biết hiện nay Cang trôi dạt về đâu. Nghĩ đến anh tôi cũng không khỏi ngậm ngùi. ↑
-
“Không học gì hết” có nghĩa là không được đào luyện về ngành mà họ dạy. Tôi nghe nói ông có qua Pháp để học về kỹ sư hay gì đó. Ông không có học vấn nghiêm nghị nào về Đông phương học cả. Tôi có giao du nhiều và biết rất rõ về khả năng học vấn, kể cả khả năng về Hán học của ông Nguyễn Đăng Thục vì nxb của chúng tôi có in cuốn Thế Giới Thi Ca Nguyễn Du của ông. Làm nxb thì phải in sách chứ ông Nguyễn Du thì chưa từng có ý nghĩa gì đối với tôi cả. Tôi nhớ có cô bạn đồng lứa, đọc xong cuốn sách này nói “giống mấy bài giảng Việt văn cho học sinh trung học.” ↑
-
Tôi không nói như vầy để dè bỉu Hoà Thượng Trí Tịnh. Tôi không quen biết HT, nhưng tôi biết HT là người chân tu đàng hoàng. Tôi hết sức kính trọng HT. Có điều HT là người học theo lối truyền thống tức là không biết cách giải thích tri thức về Phật Giáo của mình bằng một thứ ngôn ngữ có thể hiểu được bởi những người không phải là tín đồ truyền thống. Nhưng có một điều luôn luôn đúng là không người học giả nghiêm nghị nào phải dùng bản Việt dịch của Hòa Thượng Trí Tịnh cả. ↑
-
Như đã đề cập về các nhận xét của Bikkhu Bodhi. Tôi chỉ xin đưa ra một ví dụ, đọc sách về triết học Phật Giáo đôi khi người đọc gặp phải các từ như conceptualizations, conceptual proliferations, prolixity, có thể rất lúng túng nếu không biết rằng đó là các từ mà học giả Tây phương dùng để dịch chữ Sanskrit prapañca (mà người Trung Quốc dịch là 戯論 xilun/hí luận). ↑
-
Bây giờ nếu có thì giờ chúng ta thử xem lại xem, cộng tất cả các sách tham khảo của những sách ông đã xuất bản, tôi nghĩ không hơn mười cuốn. ↑
-
Ngoài ra còn có cái tên Trần Thái Đỉnh. Theo tôi nhớ, ông có viết những loạt bài ngắn về existentialism tức là triết hiện sinh. Những bài viết cũng giản dị thôi, chỉ cần dựa vào mấy cuốn thuộc loại Que sais-je. Việc này cũng không có gì là sai quấy. Nhưng mà tôi không biết gì về ông không biết trình độ học vấn ông tới đâu. Hình như ông có viết cuốn sách về triết thì phải, Có điều những gì ông viết nó cũng “dated” (lỗi thời) quá rồi. Ông lại hay dựa vào Karl Jaspers và cái quan điểm thời trục (axial) gì đó cũng xưa quá rồi. Hơn nữa, cái lão Jaspers này cùng đâu phải là triết gia. ↑