Bàn về Sự Ngắn Ngủi Của Đời Người (Phần 1)

Created on: 21 Nov 22 01:01 +0700 by Son Nguyen Hoang in Vietnamese

Bản dịch Tiếng Việt của một bức thư nổi tiếng viết bởi Seneca: “De Brevitate Vitae” – hay “Về Sự Ngắn Ngủn của Đời Người”

Seneca là một triết gia lừng danh trong Chủ Nghĩa Khắc Kỷ, ông là một nhà chính khách, một học giả, một nhà biên kịch, từng là thầy và cố vấn cho hoàng đế Nero, tuy rằng sau này đã bị chính Nero bức tử. “Về Sự Ngắn Ngủi của Đời Người” (De Brevitate Vitae) là một bài phân tích được Seneca viết cho Paulinus vào năm năm 49 A.D. Paulinus là một ông quan lo chuyện lương thực cho Rome, vốn là một chức vụ quan trọng. Ông này được xem là họ hàng thân với vợ Seneca. Ở đây người dịch sẽ chọn cách xưng hô như thể cả hai là bạn bè, mặc dù một vài nghiên cứu cho rằng Paulinus là cha vợ của Seneca.

Những ca ngợi của nhân gian về Seneca là không thể kể hết. Sự nổi tiếng của Seneca trong Việt Nam cũng rất rõ rệt khi sách dịch của ông ta sang Tiếng Việt đang ngày một nhiều. Tuy nhiên, cần giữ một cái nhìn khách quan khi đánh giá nhân vật này. Những lời chỉ trích dành cho Seneca phần nhiều đều nằm ở việc ông này thực ra là giàu có quá, có quyền lực nhiều quá, trong khi triết thuyết của ông ta thì dụ người khác sống tập trung vào Triết Học và phẩm hạnh (virtue). Chưa bàn đến việc này, mình muốn chỉ ra rằng dù trong “De Brevitate Vitae”, Seneca khuyên bạn mình là hãy bỏ việc mà tập trung nghiên cứu triết lý vào năm 49 A.D (theo như các nhà nghiên cứu ước chừng), nhưng chính Seneca sau này lại trở thành chính khách thân cận, thành cố vấn của vua Nero từ 55 A.D đến 62 A.D? Liệu đây có được xem là đạo đức giả?

Gác lại một bên, cá nhân mình thì khá hứng thú với phong cách viết của Seneca, thêm nữa là mình cũng chưa thấy có bản dịch Tiếng Việt nào của De Brevitate Vitae làm mình ưng ý. Sẵn tiện thấy độ dài của tác phẩm không phải quá lớn nên đã thử sức dịch nó cho mọi người cùng thưởng thức. Bản dịch được thực hiện với sự tham khảo từ bản dịch Tiếng Việt của hungcq (Spiderum). Phiên bản này được dịch từ bản Tiếng Anh của:

Chùm bài được chỉnh sửa lại vào hôm 24/2/2023


Thumbnail 1

Paulinus thân mến, hầu hết người ta đều kêu ca rằng trời đất sao mà cay nghiệt quá, rằng vì sao mà quãng thời gian để sống của nhân gian sao mà ngắn ngủi thế, rằng thứ phép màu mang tên “thời gian” ấy được ban cho con người một cách quá vội vã, để đến nỗi mà trừ một số ít, còn lại thì với đa số chúng ta thì đời đã hết ngay từ lúc ta chuẩn bị thực sự sống! Đây không phải là những lời phàn nàn của một kẻ phàm phu, hay từ miệng những tên vô tri thích kêu gào, rất nhiều người cho như vậy: ngay cả những người danh giá nhất trong chúng ta cũng có những suy nghĩ như thế. Thành ra có một châm ngôn thế này trong đám các Hippocrates: “Đời ngắn lắm, chỉ có cái tài mới là bền”. Cũng vì vậy mà đến cả Aristole thông thái cũng oán giận vô lý, oán giận vì thiên nhiên sao lại tùy tiện cho lắm thứ sinh thú sống lâu đến năm, mười lần đời người, trong khi ấy thì người ta, sinh ra với một định mệnh thiêng liêng và vĩ đại thì lại chẳng thể sống lâu đến vậy. Tuy thế, tôi xin ý kiến rằng không phải chúng ta có ít thời gian quá, mà sự thật là trước giờ ta đã phí phạm quá nhiều thì giờ. Đời đủ dài, hoặc ít nhất thì ông trời cũng đã hào phóng cho chúng ta đủ thời gian để ta làm được những điều phi thường, miễn là ta biết tận dụng thời giờ một cách khôn ngoan và hiệu quả. Nhưng khi ta cứ phí đời vào những xa xỉ phù phiếm, hoặc vào những hành động không lành mạnh, thì có lẽ phải đến lúc chết người ta mới buộc nhận ra là đời họ đã trôi đi rồi, trôi đi trước khi họ kịp biết. Đấy là kết luận của tôi, chẳng phải con người chúng ta có ít thời gian quá mà sự thực là chính ta đã tự chặt đứt quỹ thời gian của mình. Không phải là đời ngắn, mà chính ta đã phung phí đời mình. Cái này cũng không khác gì một gia tài khổng lồ rơi vào tay của một ông chủ tệ mà hết sạch sành sanh chỉ trong chốc lát. Ngược lại, một lượng tiền bạc dù khiêm tốn đến đấu, nếu được đầu tư và sử dụng đúng đắn, thì có thể gia tăng theo thời gian. Đời người cũng thế. Nó có thể gia tăng, được phát triển nếu như anh sử dụng thật đúng đắn.

Thế thì vì sao chúng ta lại kêu ca về thiên nhiên? Mẹ thiên nhiên vốn đã tử tế rồi: đời thực ra là dài nếu ta biết cách sống đúng. Vậy mà người ta, kẻ thì bị tha hóa bởi cơn tham, bởi cái ham muốn điên cuồng muốn làm những thứ vô nghĩa. Kẻ khác say khướt trong rượu chè, hoặc lười biếng mà không muốn làm gì hết. Hoặc kẻ khác thì bị kiệt sức trong những tranh đấu chính trị, mà cuộc đời chính trị thì lại luôn chịu sự phán xét của kẻ khác. Kẻ khác nữa thì vì lợi nhuận để rồi đua nhau đi buôn bán ở những vùng trời biển xa xôi vạn dặm. Có kha khá những tên nữa thì bị nguyền rủa trong cuộc đời chinh chiến, để rồi lúc nào chúng nó cũng nhăm nhe gây hại cho người khác, hoặc sợ người khác hại mình. Vài tên khác thì kiệt quệ đâm đầu phục vụ không công cho những ông lớn khác. Một số nữa thì phí thời gian để cố kiếm tiền từ thiên hạ, hoặc cứ phàn nàn về tài sản của bản thân. Lại có lắm kẻ khác chẳng có lấy một mục tiêu cụ thể gì hết, mà bị đời quăng quật, lúc thì thế này, khi thì thế nọ, để rồi chẳng bao giờ cảm thấy hài lòng với bản thân. Những người như thế sống không có mục tiêu, và rồi một ngày nọ thần chết sẽ đến lúc họ chẳng hay biết, để rồi tiễn họ đi lúc họ còn đang ngáp uể oải – số này thì nhiều lắm, nhiều đến nỗi tôi tuyệt đối tin vào một câu sấm truyền nọ của một ông nhà thơ vĩ đại lắm, câu sấm thế này: “Trong cả đời người thì cái lúc mà ta thực sự sống nó ngắn lắm!”. Theo như ông ấy thì chủ yếu đời người là thời gian trôi đi thuần túy, không có ý nghĩa. Trong khi ấy thì những thói hư tật xấu cứ thể bủa vây người ta, khiến họ u mê và trói chặt trong ham muốn, không cho họ không có cơ hội nào ngẩng lên để mà mở to mắt nhìn ra sự thật. Những người ấy cũng không bao giờ tìm lại được bản ngã của chính mình. Và nếu như có một mảy may nào đấy họ tìm ra đôi phút bình yên, thì họ cũng chỉ như xoáy nước ở dưới biển vẫn còn quay cuồng dù bên trên gió đã ngừng thổi, rồi mai họ sẽ lại chạy đua với đời và với cái dục vọng ấy, họ sẽ chẳng bao giờ ngơi nghỉ. Những kẻ suy đồi như thế ai cũng biết. Nhưng anh hãy nhìn vào đằng kia, nơi có những người giàu có được đám đông hâm mộ: chính họ đấy cũng đang bị bóp ngạt bởi chính cái phúc lành của mình. Biết bao người trong đó coi của cải là gánh nặng. Bao nhiêu người vỡ tim khi cố hùng biện và ráng sức khoe tài trước thiên hạ sau hết ngày này qua ngày khác? Bao nhiêu người giờ đã xanh xao vì khoái lạc. Bao người nữa vì chính cái đám đông tôn thờ mình mà thành ra mất hết cả có tự do. Nói cách khác, bất kể địa vị thế nào: người thì mất thời gian trong những vấn đề pháp lý, người thì mất thời gian giúp người khác, người khác thì ở trong tòa, người khác nữa biện hộ cho anh ta, một người khác khác nữa thì đưa ra phán quyết; … Nhưng không một ai đứng lên cho chính bản thân, mà thay vì thế đều bị vắt kiệt như một quân cờ bởi người khác. Hãy hỏi những ông lớn mà tên họ ai cũng biết, rồi anh sẽ thấy một sự trùng lặp xuất hiện: “Một ông X nào ấy tìm đến ông Y, rồi ông Y kia lại tìm đến ông Z” – Chẳng ai quan tâm đến chính mình. Lại một lần nữa, con người ta đôi khi hành xử ngu đần đến mức đáng ngạc nhiên: họ phàn nàn về những ông sếp của họ, rằng các sếp chẳng cho họ thì giờ nghỉ ngơi. Sao họ dám trách sếp mình? Khi mà chính họ thực ra trước giờ còn không biết dành thời gian cho bản thân. Chưa hết, dù có làm sao đi nữa thì đối với các ông lớn ấy, các đức ngài này thỉnh thoảng vẫn nhìn vào họ, kể cả khi lời lẽ của các sếp có khó chịu, nhưng ông ấy vẫn nghe lời mình và để mình sánh bước bên họ. Nhưng người ta thì không bao giờ nhìn và trung thực lắng nghe chính con tim mình. Thế đấy, vậy nên đừng đòi hỏi người khác nghe mình, vì thật ra ta đều biết con người không muốn có kẻ bầu bạn, người ta chỉ đơn thuần là không chịu đựng được chính mình mà thôi.

Tôi đồ rằng không có một thiên tài lỗi lạc nào có thể lại hết ngạc nhiên trước cái mớ rối bòng bong trong suy nghĩ của nhân loại. Người ta tuyệt đối phát điên lên, không cho bất cứ ai cướp đất của họ, và giả sử như có một tranh giành dù chỉ là nhỏ nhất, về chuyện chủ quyền lãnh thổ chẳng hạn, họ sẽ ngay lập tức vớ tới đá sỏi và đồ quân bị hòng gây hấn; thế mà họ lại cho phép những người khác chiếm đoạt đời của họ - thậm chí là còn chủ động mời khách lạ đến để mà lấy đi cuộc đời mình cơ đấy. Nếu chú ý, anh sẽ thấy là chẳng mấy ai chịu chia sẻ một cắc bạc, nhưng bao nhiêu người thì lại đồng thuận cho đi thời giờ của bản thân để rồi khiến quãng sống của anh ta chia năm xẻ bảy. Nói cách khác thì trong khi tài sản cá nhân được sử dụng rất thận trọng, thời gian sống, thứ vốn dĩ cần phải keo kiệt một tý, thì lại bị hoang phí vô độ. Vậy nên, nếu như lúc này tôi có thể gặp một lão già, tôi sẽ nói với lão rằng:

“Cháu thấy cụ đã sống đến cái mức kịch kim của đời người rồi, cụ đã sống gần trăm năm, hoặc có thể hơn, Thế giờ cháu xin cụ hãy ráng nhớ lại. Nhớ lại xem bao nhiêu lâu thì giờ của cụ đã bị phí vào một thằng vay nợ; phí vào một con ả tình nhân, một vị khách quý, một thân chủ, rồi cả thời gian cãi nhau với vợ, rồi để phạt mấy thằng nô lệ, cả thì giờ cụ phí sức làm những nghĩa vụ công ích. Cụ hãy tính luôn vào đó cả những lúc cụ bị bệnh hoạn, cả những bệnh mà chính cụ rước vào thân ấy, rồi tính luôn cả quãng thời gian cụ không làm gì. Giờ thì cháu cá là cụ sẽ nhận ra cụ chẳng sống được mấy lâu. Để cháu nhắc nhẹ thêm, là kể cả khi cụ có một mục tiêu, một kế hoạch rõ ràng, kể cả thế thì được nhiêu ngày mà cái kế hoạch ấy trôi đúng theo dự tính; được nhiêu ngày mà cụ thực sự không bận bịu, những lúc mà cụ thoải mái tự nhiên ấy, khi mà tâm trí của cụ tĩnh lặng được chút chút; hãy nghĩ tiếp những gì cụ đã gặt hái trong cả quãng đời; rồi nghĩ tới bao thứ khác đã cướp đời của cụ khi mà cụ còn không nhận ra; bao nhiêu thì giờ nữa mất hết vì những phiền muộn vô cớ, những thú vui ngớ ngẩn, những ham muốn tham lam và cả từ những cám dỗ ngoài xã hội; Thế còn chính đời cụ thì sao? Có bao nhiêu thì giờ là cụ thực sự sống? Giờ, nếu cháu là cụ, cháu sẽ nhận ra rằng thực sự cụ đang chết khi còn quá trẻ!”

Thế cái căn nguyên của vấn đề này là gì? Đấy là vì người ta cứ sống như thể họ sẽ sống mãi ấy; họ không hề nhìn ra những yếu mềm của bản thân; và thêm vào đó là cũng không bao giờ để ý xem thời gian đã trôi mất, để rồi họ cứ lãng phí thời gian như thể đời là vô hạn ấy – trong khi sự thật là cái lúc ta đang gắng sức, vì cái gì hoặc vì ai đấy, thì đó có thể là ngày cuối cùng ta còn sống trên đời. Cứ khi sợ hãi thì ta sống như một kẻ trần tục, còn khi ham muốn cái gì đấy thì lại ngỡ mình là thần linh. Lắm người nói rằng: “Khi tôi lên năm chục thì tôi sẽ thả lỏng mình một chút; khi tôi lên sáu chục thì mọi việc công tôi sẽ từ bỏ hết.” Nhưng rồi, ai đảm bảo rằng anh ta sẽ sống lâu đến lúc ấy? Rồi ai sẽ đảm bảo mọi thứ đi đúng với kế hoạch anh nêu? Anh ta không thấy xấu hổ sao? Khi mà đến cái lúc này, lúc mà thời gian anh đã ít đến nỗi không còn sử dụng được cho bất cứ việc nào khác, thì anh mới quyết định dành chút cỏn con còn lại để mà sống đúng? Muộn màng biết bao những người chỉ thực sự biết sống khi mà đời họ sắp hết. Thật ngu xuẩn làm sao những ai quên bẵng đi cái sinh mệnh của mình, rồi đẩy những thứ quan trọng đến năm họ đã 50, 60 tuổi, cái tuổi mà xưa này ít người sống tới.

Nếu để ý thì anh sẽ còn nhận ra, rằng cả những vị kiệt xuất, hùng mạnh và cao quý nhất cũng đôi khi ca thán xin được nghỉ ngơi, đến nỗi họ tôn niềm vui ấy lên trên tất cả của cải và may mắn. Có người còn chấp nhận từ bỏ đỉnh cao miễn là có thể hạ cánh an toàn; vì quả thực là kể cả khi không có gì đụng tới, những đại cơ đồ cũng tự nó sụp đổ.

Để tôi nói với anh về Augustus, người mà được kẻ khác tôn thờ, người được thần linh ban phước nhiều hơn ai hết, ông ta lúc nào cũng ước được nghỉ ngơi và thoái lui khỏi những rắc rối việc công. Cứ mở miệng là ông ta lại nói mình muốn nghỉ. Nhiều lúc ông này tự an ủi bản thân, lời tự an ủi này tuy ngọt ngào nhưng không bao giờ là hiện thực, rằng ngày nào đấy ông ta sẽ sống cho chính mình. Trong một lá thứ gửi cho một nghị viện, sau khi hứa hẹn rằng mình sẽ thoái vị một cách tương xứng với phẩm chất cao quý, với vinh quang khi còn đương nghiệm, ông ấy có viết thêm: “Hứa hẹn không thôi thì không bằng thực sự hành động. Tuy nhiên, vì hiện tại còn lâu mới đến lúc thái bình, chỉ viết những từ những câu hứa đấy thôi cũng đủ làm tôi vui rồi”. Quả thực là cái khao khát muốn được an nhàn rất có giá trị với ông ấy, đến nỗi mà vì không thể ngơi nghỉ ngoài đời, ông ta buộc phải tìm cách nghỉ ngơi trong tâm tưởng. Thấy chưa, Augustus, người mà chịu trách nghiệm cho tất cả mọi thứ, người gánh vác vệnh mệnh của cả một quốc gia, lại hạnh phúc nhất khi nghĩ đến một tương lai nơi ông ta được đứng ra một bên và từ bỏ chính sự vĩ đại ấy. Augustus, bằng kinh nghiệm, hiểu chính xác bao nhiêu mồ hôi đã phải đổ để giành đất đai, và trong tấc đất ấy là bao nhiêu lo lắng phải chịu đựng mà không thể nói ra. Ông ấy chiến đấu với những đồng hương, với đồng đội, với cả những người họ hàng, phải đổ máu trên cả đất và biển.

Đó là những trận chiến ở Macedonia, Sicily, Ai Cập, Syria và vùng Châu Á – gần như là tất cả các quốc gia trên đời – ông ta dẫn quân cự nhau với những kẻ ngoại quốc khi chúng kiệt quệ trong máu của người Roman. Rồi lúc bình định dãy Alps và thu phục những kẻ phá hoại đến sự yên bình của đế chế; cả những lúc ông ấy mở mang bờ cõi ra khỏi vùng Rhine, vùng Euphrates, Danube, ở chính Rome thì có những kẻ như Murena, Caepio, Lepidus, Egnatius, … mài gươm mài giáo chuẩn bị chống lại ông ta. Âm mưu của chúng cứ bám riết theo ông, đơn cử như mối quan hệ bất chính giữa con gái ông với những quý tộc trẻ tuổi, cứ như thể đến cả khi già rồi mà ông vẫn bị nguyền rủa, giống như chuyện của Iullus và một người đàn bà ghê gớm với Antony. Augustus đã tự tay diệt bỏ những ung nhọt, cả chân tay và cả những chỗ khác, nhưng chuyện xấu vẫn xảy ra. Người ông ta cứ như thể một cơ thể máu me chảy ra tứ tung vì bệnh băng huyết. Chính vì thế mà Augustus lúc này chỉ biết ước ao lấy được sự ngơi nghỉ, thậm chí nỗi ước ao này mạnh đến độ chỉ cần nghĩ đến nó thôi ông ta cũng cảm thấy dễ chịu hơn! Đấy, anh thấy không, đấy chính là điều ước của Augustus đấy, điều ước của bậc vĩ nhân có thể đem điều ước cho bao kẻ khác đấy!

Giờ thì tôi sẽ kể về Marcus Cicero, người được đứng trong hàng ngũ của những Catiline, Clodius, Pompey và Crassus – trong số này có cả kẻ thù và những tên không đáng tin, khi ông ta bị cuốn vào những biến động quốc gia, Cicero đã cố cứu vãn ngay cả khi đất nước đang lụi tàn; dù rằng cuối cùng thì ông ta đã thất bại. Trước khi ấy, chẳng bảo giờ Cicero cảm thấy an lạc trong của cải, hoặc bình tâm giữa thù hằn, có mấy lần ông ta thậm chí còn tự nguyền rủa cái nhiệm vụ của mình, cái chức vụ mà ông ta ráng làm vì mục tiêu cao cả. Trong một lá thư Cicero viết cho Attricus, khi lão Pompey bị đánh bại còn con trai ông ta đang cố gây dựng lại lực lượng vốn đang thất thế ở Tây Ban Nha, Cicero đã nói: “Anh có muốn biết không”, Cicero tiếp tục, “có muốn biết ta đang làm cái cái gì ở đây không? Thực ra ta chỉ là một kẻ tù nhân, bị giam trong chính cái biệt phủ Tusculan của mình”. Cicero sau đấy tiếp tục phàn nàn về cuộc sống của mình, dù là quá khứ, hiện tại, rồi cả tương lại thống khổ. Ông ta gọi bản thân là một kẻ “gần giống với tù nhân”, có ai thông thái lại dùng những từ như thế? Một người thông thái sẽ không bao giờ là tù nhân, mà sẽ có sự tự do, sự tự do vững vàng và vẹn thoàng, sự tự do mà người này là chủ nhân đứng cao hơn tất cả. Khi ấy, còn gì có thể đứng cao hơn ông ta nữa? Còn gì có thể cao hơn một người đã khinh thường sự giàu sang?

Giờ kể tiếp về Livius Drusus, một người cứng rắn và táo bạo, ông ta đã đề xuất những luật lệ thay thế cho những chính sách độc ác của Gracchi, nhờ thế mà ông được sự ủng hộ của người dân trên toàn nước Ý. Nhưng đối với ông ấy thì đây không phải là một thành công, mà là một con đường mà ông ta không thể hoàn thành, thậm chí là không thể từ bỏ kể từ khi bắt đầu; Drusus còn nguyền rủa chính cái cuộc đời bận bịu của mình, than rằng từ trẻ đến giờ thậm chí ông ấy còn không có một kỳ nghỉ. Hóa ra là từ hồi còn trẻ khi là một giám hộ tòa án, Drusus đã chủ động tìm đến nói chuyện với bồi thẩm đoàn, biện hộ cho những bị cáo, gây ảnh hưởng đến các phán quyết, đến nỗi mà như ta đã biết, ông ta quả thực đã gây tác động tích cực cho các thân chủ. Vậy đấy, với tham vọng đấy thì sao ông ta dừng được. Sự quả quyết và can đảm ấy, hẳn anh cũng biết, sẽ đem đến những rắc rối sau này, cả trong chuyện xã hội lẫn những vấn đề đời tư. Vậy ta thấy rằng Drusus đã quá trễ để phàn nàn rồi, vì ngay từ khi còn là một chàng trai ông ta đã gây náo loạn trong Forum. Người ta kể là Drusus qua đời do một vết thương vào háng. Vài người cho là ông ta đã tự sát, cái này thì không ai dám chắc, nhưng mọi người đều cho rằng con người ấy ra đi lúc đó là hợp nhẽ.

Sẽ là thừa nếu nhắc về những người mà ai cũng tưởng y là hạnh phúc nhất trần đời, nhưng chính những người đó hóa ra lại một lúc nào ấy bày tỏ sự căm ghét với chính việc họ làm, chính miệng của họ tỏ rõ chống đối với lối sống của bản thân; dù vậy nhưng họ không thay đổi bản thân chỉ bằng cách kêu gào, vì sau một hai phút bốc đồng nóng nẩy, họ sẽ lập tức quay về trở thành họ của ngày bình thường. Tôi xin thề thốt rằng đời chúng ta, dù cho nó dài đến ngàn năm, rồi cũng sẽ có lúc bị nén lại còn một khoảng khắc: những thói hư tật xấu sẽ sớm nuốt trọn lấy đống thời gian đó. Đến nỗi mà quãng thời gian thực sự anh có – dù đôi khi lý trí ngỡ nó dài lắm nhưng sự thực thì lại trôi đi nhanh vèo vèo – cũng sẽ trốn khỏi anh nhanh như chớp: vì anh có thèm giữ, thèm túm, hoặc trì hoãn nó trôi đi đâu, trái lại anh để nó phung phí như thể thời gian thực ra dư thừa và dễ thay thế lắm.

Tuy nhiên, trong tất cả, tôi xếp những kẻ phí thời gian vào tửu sắc là hạng nát nhất, vì rượu chè và nhục dục là điều tệ hại số một. Những người khác, dù rằng họ có thể bị u mê với danh vọng, thì bản thân ham muốn ấy cũng đôi phần có thể đáng tôn trọng. Cứ kiếm cho tôi một mớ các anh đàn ông sầu khổ, hoặc những ông có cái đầu nóng, những kẻ vô lý khơi mào thù hận hoặc chiến tranh; những ông đấy theo tôi vẫn tỏa sáng theo những cách riêng rất ra dáng quý ông. Trong khi đấy, những đứa mà đâm đầu vào ăn uống và tình dục thì quá đỗi đê hèn. Lũ người đó tốn hết thời gian vào việc sổ sách, vào đặt bẫy hãm hại người khác hoặc sợ bị gài bẫy ngược lại, rồi khi thì nịnh bợ đời hoặc nghe nịnh bợ từ đứa khác, khi khác thì tốn thời gian đi bảo lãnh hoặc được bão lãnh, hoặc tốn vào những bữa tiệc (ăn tiệc giờ đây được coi là công việc hẳn hoi đấy): anh sẽ thấy lũ người này thậm chí còn không có thì giờ để mà thở.

Cuối cùng, ai cũng nhất trí rằng là dù anh có đang học gì đi nữa - dù là thuật hùng biện hay là các môn học tự do – nếu tâm trí anh bị phân tâm thì đừng mơ có thể có được thành tựu. Vì tâm trí con người khi không tập trung thì chẳng thể hấp thụ thứ gì hết, mà trái lại từ chối mọi thứ cố nhồi vào nó. Người ta nghĩ rằng sống trên đời chẳng qua chỉ là việc đơn giản, ai chả biết, nhưng học cách sống hóa ra lại khó lắm. Những môn kỹ nghệ thông thường chẳng phải có thầy dạy ở khắp mọi nơi sao, thậm chí có vài môn chỉ cần mấy đứa thanh niên học qua loa là hiểu kỹ càng đến nỗi chính mấy nhóc ấy cũng có thể dạy lại cho người khác. Thế nhưng, học cách sống, sống sao cho đúng thì thực là một nghệ thuật cần cả đời để trau dồi, thêm nữa, chắc anh sẽ ngạc nhiên hơn nữa khi biết rằng nghệ thuật chết cũng như thế. Người ta cũng phải dành cả đời để học cách từ giã cõi đời. Để tôi nói anh hay, có nhiều người mạnh mẽ lắm, những vị ấy đã dẹp bỏ hết những cản trở, từ bỏ sự giàu có, chức vụ, những sung sướng điền viên, để rồi quyết tâm sẽ dành phần đời còn lại để mà học cách sống. Thế mà hầu hết các vị ấy đã ra đi trong khi thành thật thú nhận là họ còn chưa biết sống đúng là thế nào – và vốn liếng kiến thức của họ còn chẳng bằng ai. Tin tôi đi, dấu hiệu của một vĩ nhân, một anh hào có thể vượt khỏi những lầm lỗi của con người, là một người không để thời gian của mình bị phung phí: vị ấy sẽ sống một đời dài nhất có thể vì vị ấy luôn dành thời gian cho chính mình. Không một giây bị bỏ sót, không một chút nào bị kiểm soát bởi bất kỳ ai khác; vị ấy sẽ canh chừng thời gian của mình như một hộ vệ, đến nỗi trong mắt các vị ấy thì chẳng thứ gì đáng để đánh đổi lấy thì giờ của chính mình. Vị này sẽ sống một đời trọn vẹn; còn những người khác ham thích chốn lao xao nhân gian thì không.

Thỉnh thoảng thì con người ta cũng nhận ra những gì mình mất mát. Họ đấy, những người mà của cải đối với họ không khác gì gánh nặng, sẽ than khóc giữa đám thân chủ, giữa quan tòa, khóc ngay ở những nơi mang tiếng là cao quý và danh giá nhưng thực chất là thê lương buồn tủi, khóc rằng “Thế này thì sao mà sống!”. Tất nhiên là sống thế nào được. Sống thế nào khi có hàng người lũ lượt kéo ta đi làm việc này việc nọ, để rồi vì thế mà ta quên bẵng đi chính bản thân ta? Nghĩ thử xem, bao ngày đã tốn vì một tay bị cáo? Vì một ứng cử viên? Hay vì một mụ già khọm vất vả chôn cất cho con cháu? Hay vì một gã ma mãnh cố tình giả ốm để khiến những kẻ khác mờ mắt vì tham tiền thừa kế? Hay đôi lúc là vì một thằng bạn quyền quý nào đấy, cái thể loại bạn mà kiếm đến mình không phải vì thích, vì quý, mà vì muốn những mối quan hệ để khuyếch trương! Ghi chú lại đi, đánh dấu lại từng người một, và sau đấy đừng quên tự kiểm điểm lại thời gian bị lấy mất: rồi anh sẽ nhận ra là chỉ còn lại rất ít thời gian là còn sót lại cho đời ta, số này thậm chí là vô dụng. Một ông lớn sau khi cực khổ dành được chức vụ mình mong muốn thì chỉ muốn quẳng nó qua một bên, vì vậy mà ông ta suốt ngày tự hỏi: “Ôi, thế bao giờ mọi việc mới chấm dứt?”. Một ông khác ngỡ là mình may lắm khi có cơ hội làm người đứng ra tổ chức thi đấu, nhưng khi ông này bắt đầu làm rồi thì lại than thở “Hay là mình nghỉ quách đi nhỉ?”. Chính người này sau đó đã bị người ta kín mít vây quanh trong Forum, đông người quá nên giọng của ông này cũng bị át luôn, khi ấy vị này chỉ biết nói: “Thế này thì bao giờ mới được nghỉ?”. Đấy, nhân gian ta có lắm kẻ vội vàng, những người này rầu rĩ về tương lai và mệt mỏi trong hiện tại. Nhưng để tôi nói cho, những ai dành thời gian trọn vẹn cho mình, cái người mà khéo léo sắp xếp thì giờ ngày qua ngày, như thể như hôm nào cũng là ngày cuối đời của ông ta ý, cái người ấy tuyệt đối sẽ chẳng lo lắng gì hết. Lo làm gì khi mà ông ấy biết là trần đời chẳng còn gì hứng thú nữa rồi. Ông này đã thử tất cả mọi thứ, đã tận hưởng thế giới trọn vẹn, đủ đầy. Phần đời còn lại thì Số phận (Fortune) có thể lấy đi lúc nào cũng được: đời ông ấy thì đủ rồi. Lúc này đây, chẳng có gì ông ấy sợ mất cả, nếu mình cho ông ấy thêm, thì cũng không khác gì tặng sơn hào hải vị cho người đã no, đã thỏa mãn. Họ chẳng cần đâu dù rằng họ vẫn có thể cầm thêm. Thế đấy bạn tôi, đừng vì cái tóc bạc, cái nếp nhăn, mà vội kết luận ông kia bà nọ đã sống lâu lắm: họ có thể là không sống lâu đâu, họ chỉ tồn tại lâu thôi. Ngẫm mà xem, hãy tưởng tượng một người khốn khổ, bị kẹt trong một trận bão lúc vừa rời bến, rồi bão đẩy ông này càng lúc càng xa, lúc đẩy lui lúc đẩy ngược, lúc lại đẩy trong vòng tròn vì những cơn gió trái chiều nhau cứ thế gầm rú thổi. Người này không hề có một đại hải trình, anh này chỉ đơn thuần là bị trời biển quăng quật lên xuống mà thôi. Còn nữa, tôi chưa bao giờ hết ngạc nhiên khi người ta đòi hỏi đối tượng phải dành thời gian cho mình một cách sốt sắng nhất có thể. Cả hai phía hiểu rất rõ vì sao phải gặp nhau, phải nói chuyện với nhau, nhưng không ai hết để ý đến chính cái khoảng thời gian bị tiêu tốn – cái này cũng gần giống như thể thời gian chả là cái gì hết, chẳng đáng để mà tính là cái được cho hoặc được nhận. Những người như thế đang chơi đùa với thứ tài sản quý giá nhất của sự sống, họ bị lừa phỉnh rằng thời gian là thứ vô hình, không khám xét được, vì thế nên giá trị của nó là quá rẻ - thậm chí là gần như không có giá trị gì hết trơn. Người ta mừng rỡ đón nhận những căn biệt thự, những khoản doanh thu, để rồi từ đó họ thuê nhân công hỗ trợ để giúp việc hoặc làm dịch vụ. Nhưng không một ai chịu ngẫm đến giá trị của thời gian: đến nỗi họ lãng phí nó như thể nó là thứ không có giá trị. Thế nhưng, nếu một ngày kia khi thần chết đe dọa họ, ta sẽ thấy lũ người đó lúc này đây sẽ van nài trước các bác sĩ; hoặc giả sử như họ đang đứng trước một án tử hình, thì họ sẽ dám bán hết mọi thứ chỉ để được sống. Những suy nghĩ ấy thực chẳng có gì là hợp lý. Nhưng, nếu như tương lai trở nên rõ rành rành như quá khứ, thì hẳn đối với những kẻ sắp hết đời, họ sẽ hoảng hốt lắm, sẽ dùng thì giờ một cách cẩn thận đến nhường nào. Để tôi nói thêm rằng, để quản lý một thứ nào đấy dù bé ra sao, miễn là nó đảm bảo tồn tại thì vẫn là việc dễ; nhưng có những thứ mà ta phải rất chắt chiu cẩn thật, như thời gian chẳng hạn, vì nó có thể bị chấm dứt vào bất cứ khi nào.

Đừng cho rằng những người ta không biết giá trị của thời gian. Đơn cử như khi người ta hay nói rằng họ sẵn sàng bỏ nhiều năm tháng cho những ai đặc biệt thân thiết. Và quả thực là quãng thời gian đó đã được trao đi trong vô tư; tuy nhiên trong khi chính chủ mất thì giờ, thì người nhận là chẳng cảm thấy họ được thêm gì hết. Chính bản thân người trao cũng không biết mình đang mất đi cái gì; do đó có mất thêm chăng nữa thì đối với họ cũng chẳng hề hấn. Xin thưa rằng không một ai có thể đem trở lại những năm tháng ấy; và trên hết là chẳng ai giúp anh quay về thành chính mình. Cuộc đời thì cứ đi, đi mãi không quay đầu. Năm tháng trôi đi một cách lặng lẽ không để cho anh hay, cũng không bao giờ dài thêm ra được, dù là dưới quyền uy của một vị quân vương hay thỉnh cầu từ một kẻ phàm nhân. Như cái cách mà nó bắt đầu, thời gian sẽ chỉ đi tiếp, không bao giờ nghỉ ngơi hoặc đảo hướng. Vậy là trong khi đời ta bận bịu, thì thời gian lại ngày trôi một nhanh. Đến lúc nào đó thì Thần Chết sẽ tới, còn ta thì đâu thể chuẩn bị gì cho thời khắc kết thúc của cuộc đời.

Nhứng đứa thích khoe khoang tự nhận bản thân biết tính toán chuyện tương lai thật ra là rất ngu đần. Nhưng gã này điên rồ bận bịu tìm cách cải thiện cuộc sống; cụ thể là tụi này dành hết thì giờ của bản thân để thu xếp, để chuẩn bị, để lên kế hoạch về cuộc đời. Họ hướng mắt tới một tương lai xa xăm. Nhưng sống kiểu trì hoãn như thế thì thực là cách sống lãng phí nhất; cách sống này nuốt trọn ngày mới, khiến chúng ta khước từ hiện tại mà sống vì tương lai. Đều tệ nhất làm ta không thể thực sự sống là sống mà cứ mong chờ vào ngày mai, vì cứ mong ngóng tương lai mà lại quên đi ngay lúc này. Tương lai nằm trong quyển kiểm soát của Vận Mệnh (Fortune), chứ không nằm trong tay ta, trong khi ấy thì ta lại bẵng quên mất thứ vốn thuộc về mình. Thử nghĩ xem anh đang mong muốn điều gì? Mục tiêu của anh là cái chi? Thế giới tương lai kia tràn đầy sự bất định: thế nên hãy sống cho hiện tại. Hãy nghe lời ca của một nhà thơ vĩ đại, quả thật người này đã được phù hộ bởi thần linh thì mới cất lên được câu từ thiêng liêng như thế này:

Ngày đẹp nhất kẻ bất hạnh được sống,
Sẽ là thứ đi vuột mất trước tiên

Ý của ông nhà thơ đấy là “Sao nán lại lâu thế”. “Sao cứ đứng yên mãi? Không đứng lên mà níu giữ thời gian, kẻo nó vuột đi bây giờ”. Tất nhiên là kể cả khi có cố giữ thì nó vẫn trôi đi thôi. Thế nên ta phải tìm cách sống nhanh hơn cho kịp với tốc độ của thời gian, phải uống thật nhanh như thể dòng nước xiết kia rồi một ngày cũng sẽ ngừng chảy. Qua việc chê trách thói trì hoãn, nhà thơ kia cũng rất khéo léo dùng chữ “Ngày đẹp nhất”, thay vì “năm tháng đẹp nhất”. Vì sao ta tham lam như thế, tại sao ta lại cứ sống vô tâm, sống lười biếng (khi thời gian đang vụt đi rất nhanh), để rồi cứ mơ mộng về những năm tháng dài xa xăm còn chưa tới? Nhà thơ muốn nói đến bây giờ, đến cái ngày hôm nay, cái thời khắc bây giờ vốn đang bị vụt mất khỏi tay ta. Vì thế nên với ai còn mải mê chìm đắm thì cái ngày đẹp nhất của họ chẳng phải đã biến mất rồi. Tuổi già đến khi mà trong thâm tâm họ vẫn là những đứa trẻ, thế rồi họ đối mặt với sự già nua khi không có chuẩn bị, không có chút gì bên tay. Tất cả chỉ vì họ chẳng tiên liệu trước, để rồi cái chết đến đột ngột khi họ không cảnh giác, hoàn toàn không hay biết thời khắc ấy đang đến từ từ ngày qua ngày. Cái này cũng không khác gì một ông du khách, vì cứ mải mê nói chuyện, mải mê đọc sách hay suy tư gì đấy đến nỗi không nhận mình đã đến nơi rồi; sống trong đời cũng vậy, cũng nhanh, cũng không ngừng nghỉ, và cả khi đi bộ hoặc đi xe thì đời vẫn trôi đi với cùng một tốc độ đó mà thôi – còn những người bận rộn kia thì chỉ nhận ra thời gian mất đi khi họ lìa đời.

(Còn Tiếp)

Link đọc phần hai của tác phẩm: Link

Nguồn ảnh được lấy từ Wikipedia

Back To Top