Bàn về Sự Ngắn Ngủi Của Đời Người (Phần 2)
Created on: 21 Nov 22 01:01 +0700 by Son Nguyen Hoang in Vietnamese
Bản dịch Tiếng Việt của một bức thư nổi tiếng viết bởi Seneca: “De Brevitate Vitae” – hay “Về Sự Ngắn Ngủn của Đời Người”
Tiếp tục Phần hai của De Brevitate Vitate.
Tôi có thể tìm rất nhiều lập luận chứng minh rằng đời của những ai bị phân tâm là rất ngắn ngủn, tôi cũng có thể chia ra những luận điểm, luận ý khác nhau để chứng minh điều này. Nhưng như Fabianus, một ông triết gia hàn lâm đương thời hơi hướng phong cách cổ điển, cho rằng con người phải tiêu diệt những si mê luyến ái bằng vũ lực chứ không phải bằng lý luận; vậy đó, hàng tuyến của quân thù phải bị lay chuyển bằng một đòn đánh mạnh mẽ, không phải bằng những cú kim đâm nhỏ giọt; thói xấu của con người cũng phải bị nghiền vụn thay vì đâm chọc. Và để con người có thể nhận ra chính những lỗi lầm của bản thân, họ cũng phải cần được uốn nắn chứ không thể bị bỏ mặc.
Đời người chia ra làm ba giai đoạn, quá khứ, hiện tại và tương lại. Trong số này thì hiện tại thực ngắn ngủi, tương lai thì còn nhiều nghi ngờ, chỉ có quá khứ là chắc chắn. Chính quá khứ là thứ duy nhất mà số phận Fortune không còn thể thao túng, thứ không còn chịu sự điều khiển của bất kỳ ai. Thế nhưng đối với những ai bị phân tâm và bận rộn thì họ còn đánh mất cả quá khứ; lý do là vì họ thậm chí còn không thể nhìn lại về chính quá khứ của mình; thậm chí kể cả khi họ thử nhìn, thì đối với họ cũng chẳng có gì là vui vẻ khi ngẫm lại về những thứ đáng xấu hổ họ làm. Chính lẽ này mà người ta không dám nhìn lại vào những giây phút tồi tệ ấy, những lúc trụy lạc rành rành mà họ đâu muốn quay lại – kể cả khi những dây phút xấu xa ấy được ngụy trang gọi là “những quyến rũ khoái lạc nhất thời”. Không ai hết dám lật lại chuyện hồi trước trừ khi tất cả hành động của anh ta đã được chính chàng “kiểm duyệt”. Bất kỳ con người nào mà sợ hãi trước quá khứ của chính mình thì đều là những kẻ vô đáy khi nổi lòng tham, kiêu ngạo khi khinh thường, khi chiến thắng thì như kẻ bất kham, gian trá khi lừa gạt, hung hăng khi cướp bóc, và phí phạm trong tiêu xài. Nhưng chính cái quá khứ này thì hóa ra lại quý giá và thiêng liêng, là thứ không thể bị ảnh hưởng bởi con người và nằm ngoài quyền kiểm soát của Fortune, không thể bị xâm hại bởi ước muốn, bởi nỗi sợ hoặc bệnh tật. Thậm chí những ký ức này cũng không thể bị ảnh hưởng, bị cưỡng đoạt khỏi chúng ta: nó là một thứ tài sản luôn trọn vẹn, luôn vĩnh hằng. Sống trong hiện tại thì trong cùng một lúc ta chỉ có một ngày, và mỗi ngày thì chỉ cho ta từng ấy phút giây. Nhưng mỗi khi nhớ về quá khứ, thì tất cả năm tháng ấy có thể hiện về ngay lúc ta muốn: ta có thể mổ xẻ chúng, khám xét tùy ý – đây lại là điều mà những tâm trí bị phân tâm và bận rộn không bao giờ làm. Chỉ có những tâm hồn thanh thoát, được cởi tỏa khỏi những bận tâm mới có thể thảnh thơi nhìn lại những chặng đường của cuộc đời: trong khi ấy đối với ai bận bịu, tâm thần của họ như thể bị gông cùm, không thể nhìn lại đằng sau và thấy những gì đã diễn ra. Thế là đời họ trôi tuột vào một cái hố sâu; lúc này thì không khác gì ta đổ nước vào một cái cốc không đáy, bao thời gian đổ vào lúc này cũng không còn nghĩa lý gì khi đâu có gì để mà chứa nó; thời gian lúc này chảy tuột qua những mảnh vỡ và lỗ thủng trong tâm trí. Những giây phút hiện tại vốn vô cùng ngắn ngủn, ngắn đến mức mà vài người còn không nhận ra nó đang trôi đi. Nó luôn biến đi, biến vội vàng, và kết thúc trước cả khi nó đến nơi, không thể trì hoãn như những vì sao và tinh tú trên trời vốn đâu có ngơi nghỉ, thậm chí nó còn ngắn đến mức không thể níu giữ, nhưng lại bị cướp đoạt đi khi chủ nhân của nó mải mê trong những trò tiêu khiển.
Tóm lại, anh có muốn biết vì sao người ta sống “không lâu” không? Nhìn xem họ khao khát được sống đến nhường nào. Nhìn những lão già yếu ớt cầu khẩn thêm được một hai năm nữa; họ ngỡ bản thân trẻ hơn tuổi thực của họ; họ tự huyễn hoặc bản thân và lừa dối chính mình, cứ như thể là làm như vậy thì họ đã và đang lừa gạt Số Phận ấy. Những khi bệnh tật tìm đến và khiến họ nhớ lại về cái chết thì họ khiếp đảm, cứ như thể là không phải họ đang đi chết, mà là ai đó đang cướp đoạt cuộc đời của họ vậy. Họ nhận sai rằng mình khờ thật khi không thực sự sống, và nếu khỏi bệnh thì lần này sẽ sống trong an nhàn. Sau đấy họ sẽ kể về những điều họ đã cố giành lấy nhưng lại chẳng thể tận hưởng, cả những nỗ lực vốn đi vào dĩ vãng. Nhưng, đối với những ai đã tránh xa sự công vụ, thì hẳn là đời họ lại rất rất dài. Chẳng chút gì của nó biến mất, chẳng chút nào bị rơi rớt đây đó, chẳng chút nào bị phí vào tiền tài, chẳng chút nào mất vì sự bất cẩn, vì sự xa hoa, vì những điều thừa thãi: cả cuộc đời ấy, nói không ngoa, đã được sử dụng khéo léo. Thế đấy, đời người ấy dù có ngắn thế nào thì hóa ra đã được coi là đủ đầy, và thế là từ giờ trở về sau bất cứ khi nào thần chết đến, con người thông minh này sẽ chẳng có chút ngại ngần mà vẫn vững bước.
Giờ có lẽ anh đang muốn biết là mỗi khi tôi nói “những kẻ bận bịu, những kẻ phân tâm, mải mê”, là thực chất tôi đang đề cập đến những ai? Đừng nghĩ rằng tôi chỉ ám chỉ những kẻ bị viên canh phòng lôi đến các phiên tòa, hay những ai bị bóp nghẹt bởi cả cái đám đông ủng hộ mình lẫn cái nhóm những kẻ khinh thường mình, thuộc phe đối thủ; hoặc những ai mà vì chính nghĩa vụ, mà bị lôi khỏi nhà để đi đến nhà người khác giải quyết; hoặc những ai bị đám người chỗ đấu giá làm phiền, để cốt kiếm những món lợi bất chính sớm sẽ bốc mùi. Một vài người khác thậm chí còn bị “phân tâm” cả khi nghỉ ngơi; dù là ở trong villa hay nằm trên trường kỷ, trong lúc trầm tư, mặc dù đã không có ai xung quanh, chính bản thân họ lúc này lại trở thành vấn đề; đối với những đối tượng này thì ta nên cho rằng họ không phải đang nghỉ ngơi, mà là đang bận bịu trong bất động. Đó là những kẻ đang mải chăm chút cho đống đồ đồng Corinthian, cái thứ bị đội giá lên vì mấy thằng điên, thế là họ cứ tốn thời gian hằng ngày vào cái mớ đồ hoen rỉ. Liệu ta có thể coi những người này đang thư giãn, đang nghỉ ngơi? Lại nữa, những kẻ thích xem đấu vật (thật xấu hổ là chúng ta lại bị lây những thói xấu của ngoại bang); rồi cả những kẻ thích chăm chút phân nhóm vật nuôi theo độ tuổi, màu sắc? Cả những ai đang rót tiền nuôi những vẫn động viên mới nổi. Nói tôi nghe, rằng anh có coi những kẻ dành nhiều giờ trong tiệm cắt tóc là đang an nhiên không? Khi mà họ cứ ngồi đó mà chăm chút những thứ mới mọc lên hôm trước, để rồi sau đấy còn bàn về từng kiểu tóc khác nhau một cách cực kỳ trang nghiêm, hoặc cố sửa sang lại những chỗ tóc bị xoắn, hoặc làm mượt lại chỗ tóc hai trán? Ôi lũ người ấy hẳn sẽ rồ cả như thể bị làm lông nếu như ông thợ cạo sơ sảy! Hẳn những kẻ này sẽ sẽ lộn cả ruột lên nếu như có một cái bờm bị cắt hỏng, bị chệch khỏi vị trí hoặc không chui qua những quặn tóc xoăn! Có ai trong số này thà để nước loạn nhưng không bao giờ để tóc mình lộn xộn? Có ai nữa lo cho cái duyên dáng của tóc tai còn hơn giữ đầu đừng lìa khỏi cổ? Có ai nữa nữa thích chăm chút vẻ ngoài hơn cả được vinh danh? Anh có cho những kẻ này là người đang an nhàn không? Những kẻ mà thời gian chỉ xoay quanh cái gương với cái lược? Rồi cả những đứa suốt ngày sáng tác, nghe, học mỹ nhạc, rồi làm méo mó giọng của mình, vốn dĩ tự nhiên, thành một thứ âm thanh phi tự nhiên; cả những đứa cứ gõ gõ cái tay vào những nhịp nhạc tưởng tượng; cả những đứa cứ ngân nga câu từ nào đấy một mình, kể cả khi mà bọn nó đang ở trong những dịp rất trang trọng, thâm chí là thê lương? Đây không thể coi là hưởng thụ cuộc sống an nhàn, ngược lại đây là sự buông thả. Và hỡi ôi chư thần ơi, nhìn những cái yến tiệc của chúng mà xem, không thể coi những bàn tiệc ấy là “an nhàn” khi mà nhìn chúng nó lo lắng sắp xếp đống bát đĩa bạc, lúc cẩn thận xếp lại cái xiêm y của mấy thằng bé nô tì xinh trai, cả lúc chúng cẩn thận đến độ không thở nổi khi nhìn đầu bếp xử lý con lợn lòi, lúc chúng mải giám sát những đứa nô tì mặt mũi nhẵn nhụi làm việc, rồi cân đo suy xét xem những con chim đã được chia làm đúng khẩu phần hay chưa, rồi chi li xem cách nô lệ lau dãi cho mấy kẻ say. Những tên này muốn được tiếng là tao nhã, là có khiếu thẩm mỹ, cái đọa lạc này theo chúng đến tận những ngóc ngách riêng tư đến nỗi chúng không thể ăn hoặc uống mà không phô trương.
[Đoạn này người dịch cố ý xuống dòng]
Tôi cũng không bao giờ coi những kẻ cứ suốt ngày được kênh kiệu, cứ đứng lên là phải được công kênh như thể bỏ cái kiệu đi là một điều không thể chấp nhận được; những kẻ này phải được nhắc thì mới biết lúc nào đi tắm, đi bơi hoặc đi ăn: tâm trí chúng đã bị nuông chiều quá mức đến nỗi bọn nó không biết khi nào là đang đói. Tôi được kể rằng có một tên ù lì này, hắn ta ù lì đến nỗi đã quên cả những thói quen cần thiết của con người – khi được đưa ra khỏi bồn tắm và được công lên kiệu, hắn đã hỏi “Ơ, có phải ta đang ngồi hay không?”. Anh thấy chưa? Anh có nghĩ rằng thằng này, một kẻ thậm chí còn không biết bản thân đang ngồi hay đứng, còn có thể biết bản thân mình đang sống hay không, có đang nhìn cái gì, và có đang tận hưởng cuộc sống hay không? Hắn ta có thể thực sự không biết, hoặc hóa ra là hắn giả vờ không biết. Dù là thế nào thì tôi cũng không thấy đáng thương như nhau. Con người ta hay quên rất nhiều thứ, nhưng họ cũng giả bộ hay quên. Họ hào hứng chấp nhận những thói hư tật xấu để chứng tỏ rằng họ giàu có; và hình như những người thực sự biết mình đang làm gì thì lại bị coi là thấp kém và rẻ rúng. Nhìn cảnh đó hãy nghĩ tới những vở kịch, những vở kịch mà người ta cố tô điểm mọi chi tiết chỉ để tạo cảm giác sang trọng và xa xỉ. Sự thật là những vở kịch này vẫn bỏ sót bao nhiêu thứ mà thiên hạ nghĩ ra và ngoài đời kia thì những tệ nạn khó tin xuất hiện nhiều lên như quân nguyên, cứ như thể đây là biệt tài của thế hệ này, đến nỗi mà giờ ta có thể chê là những vở kịch ấy thực ra vẫn phớt lờ hiện thực. Hãy ngẫm xem, có kẻ thậm chí đã hoàn toàn mất trí trong xa hoa đến nỗi phải nhờ ai đấy nói cho gã biết gã đang ngồi hay đứng! Kẻ này không thể đang tận hưởng cuộc sống và ta phải dùng từ khác để miêu tả về hắn – hắn ta bị bệnh, hoặc thậm chí là đã chết rồi: những ai thực sự an nhàn thì luôn luôn nhận ra điều ấy. Nhưng kẻ kia, vốn đang nửa sống nửa chết, cần phải nhờ người khác giúp để biết mình ở đâu – thì làm sao an nhàn mà kiểm soát được thời gian của mình?
Tôi cũng chán phải nhắc đến những người giành cả đời để chơi cờ, chơi bóng, hoặc nướng mình dưới ánh mặt trời cả ngày. Không thể coi là họ đang an nhàn khi những thú vui họ làm đòi hỏi phải tham gia nghiêm túc. Ví dụ, ai cũng đồng ý là nhiều người đang tốn thời gian chỉ để xử lý những vấn đề vô bổ trong văn học, thật ra là nhiều người La Mã cũng thuộc nhóm ấy. Đã từng có một thời người Hy Lạp sa đà vào chuyện này, cụ thể là họ cứ đặt câu hỏi tò mò là Ulysses có bao nhiêu thủy thủ, rồi giữa Illiad và Odyssey thì cuốn nào được viết trước, hay cả hai có cùng chung tác giả hay không, những thắc mắc kiểu này dù có giữ trong lòng mãi thì cũng chẳng giúp tâm hồn mình vui vẻ hơn, còn nếu ta xuất bản chúng, thì thực là khiến ta trông như những tên rảnh rỗi hơn là một học giả. Nhưng giờ chính những người La Mã lại bắt đầu có cái đam mê học hiểu thứ vô ích. Mới vài ngày trước, tôi được nghe ai đấy báo cáo một danh sách dài về những vị tướng, về chuyện ông nào làm gì đấy đầu tiên, chẳng hạn là: Duilius là người đầu tiên thắng một trận thủy chiến; Curius Dentatus là người đầu tiên đưa dã tượng để ăn mừng. Những thông tin thế này được coi là những đóng góp cho nhà nước, nhưng chính chúng thì không có giá trị gì trong những vinh quang thực sự: những kiến thức kiểu này chẳng giúp ích gì hết; thế mà sự vô nghĩa của chúng lại vô cùng hấp dẫn. Đâu thể vì tò mò mà quở trách người ta, người ta thích đọc về những thứ như thể: Claudius là người thuyết phục người La Mã sử dụng thuyền bè, chính vì thế mà ông ta được gọi là Caudex, bởi vì thời cổ đại nhiều tấm ván gỗ được đóng với nhau (thành chiếc thuyền) được cọi là caudex. Trong lúc ấy những cuốn sách luật (vốn được tạo thành từ nhiều bản gỗ buộc với nhau) được gọi là codices, và, thậm chí ngày nay, những con thuyền chờ hàng cung ứng lên tận Tiber vẫn được gọi theo kiểu cổ điển là những codicariae. Còn cả cái này nữa, chắc cũng quan trọng đấy, là việc mà Valerius Corvinus là người đầu tiên chinh phạt Messana, và là người đầu của dòng họ Valerii mang tên đệm Messana vì ông này lấy tên của thành phố ông ta chiếm làm tên mình, sau đó cái tên này từ từ thành Mesala sau nhiều lần đọc sai trong các cuộc phát biểu. Thiên hạ cũng hào hứng trước những thứ khác, ví dụ như là Lucisus Sulla là người đầu tiên thả sư tử chạy rông trong vườn thú, dù trước đấy tụi này bị xích, nhưng rồi vua Bocchus gọi lính tới ném lao tới và phá xích cho sư tử. Và còn cái này nữa, liệu có ích gì không khi biết rằng Pompey là người đầu tiên tổ chức một vụ đồ sát, giữa 18 con voi trong Circus và phe còn lại là những người vô tội, để hai bên đánh nhau trong một trận chiến đã có dàn xếp? Ông ấy, như ta đều biết, là một vị lãnh đạo mang tiếng là tốt bụng lắm giữa những lãnh đạo thời cũ, đã thấy hay ho khi giết người theo cách này. “Bọn nó có đánh đến chết thì vẫn chưa đủ. Thế còn bị băm xác thành từng mảnh? Cũng không luôn. Vậy hãy để tụi nó bị băm xác dưới gót chân của những con thú khổng lồ!”. Xin mọi người hãy quên những chuyện này đi, biết đâu đấy trong tương lai có một chân dung quyền lực nào đọc được điều này, y sợ thua kém, rồi nổi lòng tị nạnh và làm những điều còn vô nhân tính hơn. Ôi, quyền và tiền làm mờ mắt con người! Pompey tưởng bản thân cao quý hơn cả sức mạnh của thiên nhiên, vậy là ông ta ném những kẻ đáng thương vào chiến đấu với những con dị thú xa xôi, rồi khi thì bắt bọn thú đánh giết lẫn nhau, khiến người dân La Mã nhìn cảnh máu đổ, mà chính những người này sau đó cũng đổ máu vì ông ta. Thế rồi kết cục của ông ta là gì, là bị phản bội bởi Alexandrine, và chịu chết dưới dao của một thằng nô lệ hạ tiện nhất, để rồi nhận ra chữ “Vĩ đại” (Magnus) trong tên ông ta chỉ là một lời khoe khoang trống rỗng.
Để tránh lạc đề, cũng như để cho anh thấy cách mà thiên hạ tốn công sức vô ích vào ba cái chủ đề này thì tôi xin nhắc lại về cái tay viết báo cáo mà tôi đã đề cập bên trên, anh ta nói rằng Metallus, sau khi ông ta ăn mừng thắng lợi nhờ chinh phạt được những người Carthagin ở Sicily, đã là người La Mã duy nhất sử dụng một trăm hai mươi con voi diễu hành trước xe ngựa của mình, rồi còn kể rằng Sulla là người La Mã cuối cùng đã mở rộng vùng đất thánh xung quanh Rome, đây là một nghi lễ cổ xưa xuất hiện từ lúc có được lãnh thổ Italian, nhưng quyền mở rộng không thuộc về cấp tỉnh (mà thuộc về nhà vua đã sáp nhật mảnh đất ấy – theo truyền thống). Theo như Sulla thì vùng núi Eventine, nằm ngoài vùng đất thánh vì một trong hai lý do, hoặc là vì vùng ấy dân thường đã dồn về, hoặc vì từ khi Remus bảo trợ vùng này thì chim muông không được Remus yêu thích (một sai lầm) – và để nói thêm là còn vô số những báo cáo khác khác chứa đầy lầm lẫn, không sai thì cũng rất gần với ba xạo. Cứ cho là những người báo cáo đều đầy thiện chí tin tưởng vào điều họ kể, đều đảm bảo về điều họ nói, thì những nhầm lẫn của họ cũng không thể bị giảm nhẹ. Có ai trong số đó không để con tim họ ảnh hưởng đến phát ngôn của mình? Để rồi qua lời họ kể, có vị nào đấy lại trở nên dũng cảm hơn, công bằng hơn, thánh thiện hơn không? Bạn tôi là ông Fabianus, ông từng nói rằng thà không học gì hết còn hơn là vướng phải mấy thứ kiến thức kiểu này.
Trong số tất cả những ai đang tận hưởng thời gian một mình, chỉ có những người dành thời gian cho Triết Học thì tôi mới coi là thực sự đang sống; lý do vì họ không chỉ cẩn thận giữ gìn thì giờ của mình. Mà còn đưa thời gian của những thời đại khác vào thành thời gian của mình. Bao năm tháng của những người đi trước đã được nhập vào dòng thời gian của họ. Chỉ có phường vô ơn mới không nhận ra rằng: những nhà tiên phong rực rỡ, nhưng ai đã sáng lập lên các trường phái triết học đã sinh ra vì chúng ta, vì họ đã dạy cho ta sống thế nào cho đúng. Nhờ công sức của các vị ấy mà những thứ bị che giấu trong tối tăm giờ được đưa ra ngoài sáng; thêm nữa là những thời đại ấy không cái nào hết từ chối ta, hay nói cách khác là chúng ta có tự do tiếp cận những khoảng thời gian đó, nếu sẵn lòng để sự cao quý của tâm hồn vượt khỏi những gò bó của kẻ trần, ta sẽ thấy cả một khoảng thời không rộng lớn để mình dạo chơi. Ta có thể tranh cãi với Socrates, bộc bạch hồ nghi với Carneades, bàn về sự nghỉ ngơi với Epicurus, thoát khỏi bản tính tự nhiên của người với những triết gia Stoics, và bứt phá giới hạn với những người Cynics. Có thể nói là trời đất cho ta đánh bạn với những người thuộc nhiều thời đại khác nhau, thế thì sao ta không tạm bỏ cái ngắn ngủn của hiện tại mà dấn thân về quá khứ, một quá khứ vô tận, một quá khứ vĩnh cửu, một quá khứ với toàn những người giỏi hơn mình?
Còn những ông nào mà cứ vội vàng làm chuyện công vụ, những người không cho bản thân lẫn người khác được ngơi nghỉ, khi họ hoàn toàn xong cái công việc điên rồ của mình, sau khi bắt bản thân ở cái ngưỡng mà người khác coi là giới hạn, sau khi đã đi thăm mọi ngôi nhà, sau khi cười chào đầy tư lợi ở những nơi cách xa nhau cả dặm – trong một thành phố khổng lồ với đầy ham muốn như thế, thì mắt những vị này có thể nhìn được những gì? Bao nhiêu người khách sẽ đuổi họ đi lúc đang buồn ngủ, hoặc lúc đang ăn chơi hoặc đơn giản là vì khinh bỉ? Bao người nữa, sau khi bắt họ phải dai dẳng chờ đợi thì sẽ giả bộ là đang vội lắm, rồi phớt lờ họ đi? Còn bao nhiêu nữa thậm chí còn tránh bước ra cái tiền sảnh nơi có toàn những kẻ đeo bám, mà biến mất hút sau những cánh cửa bí mật, cứ như thể là làm thế thì bớt khiếm nhã hơn ấy? Còn bao người nữa, vẫn ngái ngủ mà ngáp ngắn ngáp dài từ bữa nhậu nhẹt đêm qua, phải nhờ người khác rỉ tai đến cả ngàn lần mới nhớ ra mà mở miệng chào người đối diện, chào chính những kẻ đã phá bĩnh giấc ngủ của mình ấy, chào hết người khác này đến người khác. Những người bận rộn vì trọng trách ấy có lẽ đang mong mỏi được làm bạn với những Zeno, Pythagoras, Democritus, và các vị học sĩ nghiên cứu tự do, như Aristole và Theophratus. Chẳng ai trong số họ bận bịu đến nỗi không thể tiếp ta, và ai đi gặp họ thì khi trở về cũng hạnh phúc hơn, sống trọn vẹn với bản thân hơn, thế là ai ra về cũng có quà đem bên mình. Trong khi ấy thì các vị tôn giả này lúc nào cũng tại vị ở nhà, sẵn sàng gặp ta cả ngày cả đêm.
Chẳng ai trong số các vị ấy bắt ta phải quyên sinh, nhưng các vị ấy lại biết dạy ta từ giã cõi đời sao cho đúng. Chẳng vị nào trong đó vắt kiệt thời gian sống của ta, nhưng vị nào cũng tình nguyện dâng hiến thời gian của mình cho ta. Trò chuyện và đối thoại với các vị ấy thì hoàn toàn an toàn, chẳng thể chết được nếu ta bầu bạn với các ông ấy, và gặp gỡ với họ cũng chẳng hề tốn kém. Từ họ thì chúng ta có thể hỏi cái gì ta muốn, đồng thời nếu như ta không thể hài lòng thì cũng đâu phải lỗi của họ. Thật hạnh phúc làm sao, một tuổi già như thế thực là mãn nguyện khi có thể gặp gỡ và thành khách trong nhà của các vị ấy! Làm bạn với họ tức là ta đã có thể hỏi bao điều, từ thứ nhỏ nhặt đến cả việc trọng đại, đối thoại với các vị ấy tức là ta có thể tham khảo ý kiến mỗi ngày, và các vị ấy thì sẽ sẽ nói sự thật, một sự thật không xen lẫn với xúc phạm hoặc nịnh nọt, thêm nữa, các vị ấy cũng sẽ là một tấm gương để chúng ta noi theo.
Người ta quen miệng rằng con người chẳng thể chọn đấng sinh thành cho mình, cái chuyện ai sinh ra ai vốn đơn thuần là chuyện ngẫu nhiên, nhưng tôi lại nghĩ khác, đấy là chúng ta có thể chọn ai là cha mẹ mình. Có những gia đình mà ở đó có những bậc cao nhân thông thái nhất đang ở: vậy nên hãy chọn nơi chốn cho gia đình của mình, để rồi ta sẽ nhận ra mình không chỉ kế thừa tên tuổi các vị ấy, mà còn kế thừa bao của cải. Thứ của cải này chẳng cần được canh phòng ki bo hoặc miễn cưỡng: ngược lại thì chúng mà càng được san sẻ, càng trở nên lớn lao hơn. Những báu vật này sẽ dẫn bạn đến sự bất diệt, và thậm chí là đẩy ta đến một tầm vóc mới mà không ai có thể kéo ta xuống. Đây cũng là cách duy nhất để kéo dài sự sống, thậm chí hơn nữa là dẫn đến sự trường sinh. Danh vọng, những tòa tháp, hay bất cứ cái gì mà lòng tham của nhân loại dựng lên sẽ sớm thành đống đổ nát: không có một công trình nào có thể tồn tại mà không bị bánh xe thời gian đè bẹp và biến mất. Nhưng thời gian chẳng thể phá hoại những thành quả của Triết học: không một thời đại nào có thể xóa những kiến thức ấy, cũng như làm chúng hao hụt đi. Bất kể tương lai kia thế nào thì cũng chỉ làm khối kiến thức ấy tăng lên thôi. Tiếp nữa, vì người ta chỉ có thể ghen ghét với những cái ở gần, còn đối với những cái ở xa thì người ta ngưỡng mộ. Vậy nên cuộc đời của một nhà hiền triết cứ thế mà to lớn hơn mãi mãi; các vị ấy không bị bó buộc như những người khác. Đời các vị ấy chỉ cần một mình nhưng đã được khai phóng khỏi những quy luật và giới hạn của trần gian, và thời gian thì phục tùng các vị ấy như một vị thánh. Một phút trôi qua đi? Vị ấy giữ nó vào ký ức. Thời gian bây giờ thì sao? Thì vị ấy tận dụng. Còn tương lai đang đến? Vị ấy lường trước. Tất cả thì giờ này cho vị hiền triết một cuộc đời dài ơi là dài.
Nhưng, đời lại ngắn và đầy lo sợ với ai quên đi quá khứ, phớt lờ hiện tại và nhát cáy với tương lai. Rồi khi đời họ hết thì lũ khốn khổ ấy chỉ nhận ra khi quá muộn, rằng họ đã bận bịu nhưng lại chẳng làm gì hết. Dù thỉnh thoảng họ cầu được chết, nhưng đừng nghĩ là họ đã tự cho là bản thân đã sống đủ. Đấy chỉ là khi họ dại dột mà lòng sinh nông nỗi không nguôi, đến nỗi họ tự mong mỏi những gì bản thân khiếp sợ. Rồi thỉnh thoảng khi họ thấy thời gian trôi chậm, hay phàn nàn lâu quá bữa ăn chưa đến thì sao? Một khi họ hết bận tâm, lúc này thì họ sẽ sốt ruột không biết gì làm, nên làm gì để giải trí hoặc giết thời gian. Rồi khi họ bồn chồn kiếm chuyện làm, thấy buồn tẻ lúc vừa hết việc mà việc mới chưa tới; ví dụ ngoài đời là khi có một trận thi đấu được thông báo, một buổi trình diễn, hoặc sự kiện giải trí gì ấy sắp diễn ra, là những người này muốn nhảy nhanh đến ngày tổ chức mà bỏ hết những ngày chờ đợi ở giữa. Phải trì hoãn cho một sự kiện gì ấy đối với họ là nhạt nhẽo. Tuy thế, khoảng thì giờ để họ thực sự giải trí thì lại vừa trôi nhanh vừa ngắn ngủn, thậm chí cái tật xấu của họ còn khiến cho giây phút giải trí ấy bị rút ngắn hơn nữa. Vì sao? Vì họ cứ nhảy từ trò vui này đến thú vui khác đến nỗi không chịu đứng yên tận hưởng trọn vẹn một thứ. Ngày của họ trôi đi không dài, không đủ mà lại thành ra kinh khủng: còn đêm của họ thì còn ngắn hơn khi họ rượu chè hoặc gái gú! Chính vì lẽ này nên mấy tên nhà thơ mới phát rồ lên, rồi khích người ta nhu nhược đi bằng kể chuyện về thần Jupitor, trong truyện ấy vị thần bị mê hoặc bởi tình ái, đến nỗi mà làm đêm dài hơn gấp đôi. Những câu chuyện này, vốn lôi cả thần thánh vào để cổ vũ, chả có ích gì ngoài việc kích thích chúng ta trụy lạc, để rồi sau này lúc chuẩn bị làm điều lầm lỗi thì có thể sẽ được lôi ra làm lý do bào chữa – đến cả thần linh cũng thế mà! Những đêm đắt đỏ mà họ dành ra chưa đủ ngắn với họ sao? Để rồi họ đánh mất ban ngày cho ban đêm, rồi đánh mất ban đêm vì sợ ban ngày tới. Kể cả lúc có khoái cảm, những khoái cảm ấy cũng chẳng có gì là dễ chịu và thậm chí là chứa đầy phiền muộn và sợ hãi, lúc ở trên đỉnh của nỗi hân hoan, những lo âu sẽ đến và chiếm lấy họ, khiến họ tự hỏi “Niềm vui này sẽ kéo dài đến lúc nào?”. Chính cái cảm giác này đã khiến nhiều vị vua khóc lóc dù đang nắm trong tay quyền lực, họ không thể vui được trong của cải và cơ ngơi khi run rẩy nhận ra sớm hay muộn những thứ ấy cũng sẽ chấm dứt. Khi một vị vua hết sức ngạo mạn ở Ba Tư (Persia) đưa quân đến đóng tại một vùng đất rộng lớn, quân của ông ấy nhiều đến độ không thể đếm nổi mà chỉ có thể ước chừng, ông này đã dụi mắt tức tưởi vì nhận ra sau một trăm năm nữa, không ai trong số cái quân đoàn ấy có thể còn sống. Ấy vậy mà chính cái người đang khóc lóc này rồi cũng sẽ đặt dấu an bài cho số phận của chính những người lính theo ông ta, ông ta sẽ đẩy lính của của mình chết trên biển cả, hoặc đất liền, đẩy người mình đi chết trong lúc tấn công hoặc tháo chạy, để rồi sau một thời gian rất ngắn thôi, những người lính mà ông vua này lo lắng sau 100 năm, đã chết cả.
[Đoạn này người dịch cố tình xuống dòng]
Giờ thì hãy tự hỏi vì sao những thú vui này lại không hề nhẹ nhàng, mà trái lại đầy sợ hãi? Lý do là vì những nỗi hoan lạc ấy không có lấy một cơ sở vững vàng, mà ngược lại rất mau thay đổi và không có nguồn gốc như chính cách chúng phát sinh. Những niềm vui này ngay cả người tận hưởng chúng cũng thú thực là chúng vốn tệ hại, nhưng ngay cả những niềm vui khác, vốn được coi là có thể nâng tầm và vươn cao vượt lên người thường hóa ra cũng là thứ chẳng có gì là trong sạch. Tất cả ơn phúc vĩ đại nhất trần đời đều khiến người ta thành ra phiền muộn, và nữ thần Vận May (Fortune) khi tốt lành cũng chẳng phải luôn đáng ngờ nhất đấy sao? Để mà bảo tồn của cải thì lại cần thêm của cải, còn những lời cầu nguyện được đáp ứng lại dẫn đến những lời cầu nguyện khác. Những gì đến với ta vì may rủi thì vốn không bền vững, và những thứ ấy càng lên cao thì lại càng dễ đổ sụp. Còn tệ hơn, chẳng ai thích những thứ gì mà chắc chắn sẽ suy tàn; thế là với họ, những người đang cố gắng giành lấy một thứ gì đó lại càng phải cố sống cố chết để giữ cho thứ ấy vẹn toàn, đời như thế thì không chỉ ngắn mà còn thật khốn khổ. Những người này nỗ lực vất vả đạt thứ họ muốn; rồi dành lấy những gì họ muốn trong sự lo lắng; trong khi ấy thì thời gian trôi đi lúc họ chẳng bao giờ để ý. Những mối bận tâm mới thay thế những cái cũ, hy vọng của họ lại nối tiếp hy vọng khác, và tham vọng lại nối tiếp những tham vọng nữa. Cái thống khổ của họ thì họ không tìm cách chấm dứt, mà thay vì thế chỉ tráo đổi lý do tạo ra khổ đau cũ. Ta thấy danh tiếng của bản thân là một nỗi khổ, vậy là ta dành thời gian cho danh tiếng của kẻ khác. Ta ngừng tự ứng cử bản thân thì lại vận động cho kẻ khác đi tranh cử. Ta tránh né những rắc rối của một công tố viên để rồi trở thành một thẩm phán với những vấn đề mới. Đã có người đàn ông nọ đã nghỉ việc làm thẩm phán để rồi thành chủ tịch của một phiên tòa. Ông này già đi lúc đang nắm chức vụ lý tài sản của người khác nhằm kiếm thêm chút tiền lương, để rồi suốt thì giờ còn lại thì lại tốn thời gian quản lý tài sản của cá nhân. Rồi nhìn Marius mà xem, từ bỏ đường quân ngũ để rồi lại bận bịu với công tác tham mưu, Quinstius vội vác từ bỏ trách nghiệm quân chủ, những rồi sẽ bị triệu tập lại lúc đang làm đồng. Scipio sẽ tham chiến đối đầu với người Carthagians trước khi ông này nếm đủ. Anh ta đã thắng trước Hannibal, thắng trước Antiochus, và bằng những tham vấn của mình anh ta đã vang danh và có vị thế chắc chắn giữa anh em chiến hữu, nếu không tự ngăn mình thì có khi Scipio sẽ đứng ngang hàng với thần Jupiter ở điện Capitoline ấy chứ. Nhưng rồi thì thì những bất hòa của của nhân dân sẽ ảnh hưởng tới anh ta, và sau khi Scipio trẻ tuổi ấy từ chối cả những vinh dự sánh với thần thánh, khi về già anh chỉ còn biết bướng bỉnh (từ chối thế giới chính trường mà ông ta khinh bỉ) mà tận hưởng tuổi già khi đang bị lưu đày. Dù là giàu hay là nghèo thì chẳng bao giờ hết thứ làm con người ta phải lo lắng; cả cuộc đời như thế chỉ toàn những nỗi phiền muội và bận rộn nối tiếp nhau: và thế là ta chẳng chỉ ước được nghỉ ngơi thôi, nhưng điều ước ấy thì không bao giờ có được.
Vậy đấy, hỡi Paulinus, đừng cho bản thân dính dáng tới đám đông, vì làm vậy thì tức là ông đã để giông tố cuộc đời quăng quật đời trong khi ở với tuổi ông thì điều ấy chẳng đáng, hoặc ít nhất thì hãy tìm cách nghỉ ngơi mà về tới một bến đỗ an toàn. Hãy ngẫm lại về những lên xuống mà ông đã trải qua, ngẫm về những cơn sóng gió đời ông – những chuyện ông giấu kín và cả những điều ông công khai cho dư luận. Phẩm hạnh của ông thì từ lâu tôi đã thấy rồi, khi mà ông là một công dân mẫu mực trong công việc: hãy xem những phẩm chất ấy giúp gì ông lúc ông ngơi nghỉ. Phần đời lớn hơn, tốt hơn của ông, hẳn đã được cống hiến cho nhà nước: giờ thì hãy dành một phần trong đó cho chính mình. Tôi không có ý dụ ông nằm ườn một chỗ hoặc lười biếng sống không mục đích, hoặc tốn tất cả thì giờ cho việc ngủ ngáy hoặc những thú vui thiên hạ thường làm. Đó không phải là nghỉ ngơi. Hãy nghỉ hưu, rồi để tâm trí được nghỉ ngơi thanh thản, rồi đến lúc đó ông sẽ tìm thấy những điều đáng làm hơn hẳn những gì trước đây ông năng nổ tham gia. Đúng thế, chẳng phải trong công việc quản lý sổ sách của bao người, ông đã làm rất cẩn thận cho những người lạ, làm rất siêng năng như thể làm cho chính mình, và đối với đất nước thì ông quả thực là rất tận tụy. Ông đã có được lòng tin trong một công việc mà rất khó tránh khỏi tà tâm. Nhưng hãy nghe tôi này, thấu hiểu sổ sách của chính đời mình còn tuyệt vời hơn là đọc những tính toán thu chi của cái nghề buôn ngũ cốc. Hãy ngẫm về cái trí óc ngoan cường của chính ông, về cái khả năng tuyệt diệu ông có, thứ đã giúp ông đảm đương những trách nhiệm lớn lao; cái lý trí ấy đã được đặt trong một công việc thật sự rất quan trọng, nhưng công việc ấy chẳng giúp ông hạnh phúc đâu, thế nên hãy lấy lại cái lý trí ấy cho mình; đồng thời ông phải nhớ lại về cái thời trẻ, cái thời mà ông còn học nghiên cứu tự do, những kiến thức ấy đâu phải để làm việc này – làm cái việc tính toán cả nghìn hũ ngô hũ gạo; hãy nhớ là ông đã muốn những điều to lớn hơn, cao quý hơn. Luôn có những người vừa chu đáo, vừa siêng năng. Có những con vật đi chậm rất phù hợp với việc vận chuyển đồ nặng, còn lại có những loài ngựa sinh ra để chạy thật nhanh: vậy sao lại cố hy sinh cái tốc độ uy mãnh ấy mà bắt ngựa phải chở đồ nặng? Ông cũng hãy cân nhắc luôn những căng thẳng ông gặp khi nhận một trách nhiệm lớn; công việc của ông buộc phải đối phó với cái đói ăn của con người, mà kẻ đói thì chẳng thể nghe lý lẽ, bởi điều công bằng hoặc những thỏa thuận. Mới đây thôi, chỉ vài ngày sau khi Gaius Caesar mất, hẳn là ông ta vẫn oán giận lắm (nếu người chết còn có thể cảm xúc) bởi vì ông ta đã biết rằng người La Mã vẫn còn sống nhăn và có đủ lương thực có bảy hoặc tám ngày gì đấy khi ông ta mải xây nhà, cầu đường và thuyền bè bằng tiền của Đế Quốc, khi ấy thảm họa kinh hồn nhất chúng ta phải trải qua, còn tệ hơn việc bị vây hãm: đó là thiếu thức ăn. Caesar đã bắt chước một tên vua mất trí vì kiêu ngạo nào ấy ở ngoại bang, để rồi hủy hoại thanh danh của ông ta và suýt chút nữa đẩy nhân dân lầm than vì chết đói, rồi kiểu gì sau đấy cũng là những dịch bệnh bùng phát. Giả sử như ta là một sĩ quan chuyên quản lý lương thực của thành phố, sẽ thế nào nếu ta phải bị đe dọa bởi thì đá sỏi, rồi đao kiếm, lửa, rồi cả Gaius? Họ làm bộ làm tịch nhưng đã xoay xở che giấu đi những xấu xa kinh người ẩn sau những huyết mạch của đất nước, và họ làm điều này với mục đích tốt, chắc chắn là thế. Vài căn bệnh phải được chữa khi người dính bệnh còn chưa hay biết chuyện gì đang xảy ra: bởi lẽ chính cái biết ấy đã khiến nhiều kẻ vong mạng.
Ông cần phải nghỉ ngơi, tìm về những nơi yên tĩnh hơn, an toàn hơn, quan trọng hơn. Một mặt, hãy nhìn lại những việc ông đang làm: khi giám sát ngô được vận chuyển đến cánh đồng, ông phải đảm bảo nó không bị hư hỏng bởi sự thiếu trung thực, thiếu cẩn thận của người vận chuyển, rồi thì phải đảm bảo các hạt không bị ẩm ướt để rồi sinh hư thối khi trời nóng, rồi liệu khối lượng và những thông số khác có giống với tờ kê khai hay không; mặt khác, hãy nghĩ tới khi ông giành thì giờ với những môn học thiêng liêng và cao quý, khi ông học về các vị thần, về ý chí của ngài, phẩm hạnh của ngài, dáng hình của ngài; số phận sẽ để linh hồn ta tới đâu? Sau khi ta lìa đời thì thiên nhiên sẽ dẫn ta đến chốn nào? Rồi thứ quyền năng nào đang gánh vác toàn bộ nặng nề của trái đất ở trung tâm, thứ nào kia đang treo ánh sáng ở trên trời, đưa lửa lên những nơi cao nhất, rồi thiết lập các vì sao di chuyển một cách thích hợp – rồi còn nhiều thứ để học tiếp, chẳng phải chúng thật tuyệt vời và kỳ diệu đó sao? Ông bạn à, ông nên thực sự từ bỏ mặt đất, chuyển trí tuệ để ngâm cứu những môn học này. Giờ thì khi máu còn nóng, hãy tự tạo con đường riêng đầy khí phách để mà trở nên giỏi hơn. Nếu sống như vầy, ông sẽ tìm thấy những giá trị trong lúc nghiền ngẫm: đó là tình yêu và những thực hành cho đời sống đạo đức, ông cũng sẽ quên luôn những ham muốn, thay vì thế có kiến thức về cách để sống và cách để chết, và sống một đời rất rất yên bình.
Chắc chắn, cảnh ngộ của những kẻ bận bịu là lúc nào cũng khổ sổ, nhưng bất hạnh nhất là những tên vất vả không phải vì việc của mình, mà lại phải mất ngủ vì chuyện người khác, để rồi đến cái đi đứng của họ cũng phải phụ thuộc vào người ngoài, đến lúc ấy thì họ cũng phải tuân lệnh từ thiên hạ ngay cả những việc tự nhiên nhất, như yêu và ghét. Nếu những kẻ này muốn biết đời chúng ngắn ngủi đến thế nào, hãy để chúng tự ngộ ra trong đời chúng cái phần thực sự thuộc về chúng bé đến thế nào.
Vậy, khi mà bạn hiền nhìn thấy một ông kia lúc nào cũng mặc áo choàng trong văn phòng, hoặc một ông khác mà tên luôn được xướng lên trong Forum, đừng ghen tị: những thứ đó được giành lấy bằng cả mạng sống đấy. Để có được một năm trời như thế những người này rồi sẽ tốn hết quãng đời còn lại của họ. Có vài người mà sự nghiệp của họ lúc đầu thực gian nan, và phải mãi sau mới có thể đẩy lên được đỉnh cao của sự nghiệp. Vài người ấy, sau khi đã chật vật luồn lách qua ngàn thứ nhục nhã chỉ để có được danh vọng tối cao, thế mà đến lúc ấy mới đắng cay nhận ra trăm nỗi vất vả ấy đã bị tiêu tốn chỉ để có một cái văn bia kỷ niệm. Một vài, dù là đã rất già, nhưng vẫn ráng điều chỉnh bản thân, để rồi cố hy vọng là họ còn trẻ, để rồi một ngày nọ cơn đau yếu đến vào đúng lúc họ đang vắt kiệt chính bản thân mình. Thực là xấu hổ khi thấy một ông già ngạt thờ khi đang biện luận trong một phiên tòa cho các đương sự vốn hoàn toàn xa lạ với chính ông ta, khi ông này đang cố thuyết phục một đám người không có hiểu biết. Thực là xúc phạm khi trông một người kia đổ sập xuống khi đang làm nhiệm vụ, bị kiệt sức bởi cái chính cái lối sống của mình. Thực hổ thẹn hơn nữa khi một người kia qua đời lúc còn dở tay tính toán chi tiêu, để rồi kia là lũ con cháu sẽ thừa hưởng gia tài của ông ta lại đứng cười mãn nguyện. Tôi không thể không nhắc đến cho cậu một câu chuyện có thật đã xảy ra mà tôi biết. Sextus Turannius là một ông già, ông được biết là người cẩn thận và siêng năng lắm, ông này khi mà đã lên 90 tuổi, Gaius Caesar cho ông này nghỉ hưu. Thế là ông già này cố tình nằm lên giường, chỉ thị cho người nhà và tôi tớ than khóc như thể ông ta đã chết. Vậy cả nhà ông ta cứ rên lên, giãy nảy cho tới khi chức vụ của ông này được khôi phục. Bộ làm đến chết thì sướng lắm hay sao? Thế mà nhiều người lại thấy vậy đấy: họ muốn làm nhiều hơn những gì họ có thể. Họ cố đấu lại với cái cơ thể yếu ớt, và coi tuổi già là gánh nặng chỉ vì khi già cả thì họ không còn được tại vị. Luật không cho người hơn năm mươi đi lính, không triệu tập những ủy viên tuổi hơn sáu chục; vậy nghĩa là người ta tự làm khổ mình hơn, chứ đâu phải do luật pháp. Trong lúc ấy, khi mà người này người kia cướp thời gian của nhau, khi họ phá sự an bình của người khác, khi làm nhau khổ sở, thì lúc ấy đời họ cũng chẳng có thêm ích lợi gì, chẳng có vui vẻ, cũng như tâm trí họ cũng đâu có phát triển thêm. Không ai thèm để ý là một ngày nọ họ sẽ đi chầu trời, không ai chịu bỏ những ước vọng xa xôi. Thậm chí, vài người còn đòi sửa soạn cho một đời sống sau này, một đời sống sau cõi chết – bằng những lăng mộ thực lớn, những công trình kiến trúc vinh danh, những trận võ đài dương oai cho đám ma, rồi cả những tang lễ phỗ trương. Trong khi ấy nói thật, đám tang cho những người này nên chỉ nên có nến và đuốc thôi, (như tang lễ của mấy đứa trẻ hay diễn ra ban đêm ấy), vì đời họ ngắn quá mà!
Hết
*Nguồn ảnh được lấy từ Wikipedia