Những Bóng Ảnh và Sao Mờ - Một tình yêu với Đá

Created on: 09 Oct 24 15:11 +0700 by Son Nguyen Hoang in Vietnamese

Chuyện thứ nhất

Thumbnail 1

Trước khi viết về bác T, quả thực tôi đã phải đắn đo ít nhiều. Phần lớn vì tôi, như lẽ thường tình, hoàn toàn chẳng có tư cách viết về bác. Tôi chẳng phải người thân thích và có lẽ số lần tôi gặp bác chỉ đếm trên đầu ngón tay. Mối quan hệ của tôi với bác thì lòng vòng, chỉ qua con gái bác và anh trai tôi. Con gái bác, chị N, sau chính là chị dâu của tôi.

Nói thật thì trước kia tôi không mấy khi bận tâm đến chuyện tình ái của anh trai. Anh ấy tự lo liệu được mọi việc và theo đánh giá của tôi là khá chu toàn. Vậy nên bẵng một thời gian, khi tôi chịu gặp chị thì khi ấy hai người đã quyết định ăn ở lâu dài với nhau rồi. Lần đầu tiên tôi gặp chị là tại một nhà thờ. Lần ấy ấn tượng đầu tiên là chị rất dễ thương. Nhất là cặp lông mày đậm. Sau rồi, khi có dịp gặp bác T, tôi nhận ra ngay cặp lông mày ấy là chị ăn gene từ ai.

Sau lần gặp nhau ở nhà thờ thì độ vài tháng sau là hai bên đã chính thức có qua lại. Tôi mới được dịp gặp bác T. Nghe anh trai tôi kể mà mấy bận tôi đã tò mò. Anh ấy khi kể về bác thì xuýt xoa khen ngợi. Khi ấy hình ảnh của bác trong đầu tôi là một doanh nhân thành đạt. Mẹ tôi là người gặp bác lần kế tiếp, mẹ thì khen cái căn nhà của bác và trên hết, như thường lệ tức là người hay chú ý đến chuyện bếp núc, không tiếc lời khen cái bếp. Còn bố tôi, sau ấy khen một cái trại đá của bác. Nói nó là một đại công trình có một không hai, nguyên cả quốc gia cũng chỉ có trên đầu ngón tay. Những lời ca tụng ấy tạo thành một sức hấp dẫn khó giải thích. Rốt cục người đàn ông T kia là người thế nào?

Giờ, tôi phải thú thật một sự thực khó nghe của bản thân. Đấy là khi nghe người ta tán dương về một thứ gì ấy, họ càng ca tụng thì đầu óc tôi lại càng tưởng tượng mạnh. Những liên tưởng của bản thân càng phong phú và phóng đại thì lại khiến chúng xa rời thực tế. Điều này khiến khi tận mắt chứng kiến cái trước mặt, tôi lại bị hụt hẫng. Hụt hẫng vì chúng không hùng vĩ như cái liên tưởng trong đầu. Âu cũng là vì những người xung quanh tâng bốc mọi thứ quá. Hay là do lỗi tại tôi? Khi cứ mải mê tưởng tượng quá nhiều? Nhưng quả thực, nếu cởi bỏ hết những thứ thời trang đắt tiền, những danh vị hào nhoáng và cả những trù phú bên ngoài, chẳng phải ai cũng như ai sao? Những tưởng tượng xa xôi về những vị chúa, những vị vua và cả những vĩ nhân hẳn đã phải bị phóng đại lên gấp chục lần so với hiện thực. Khi gặp họ ở những nơi bình thường, như trong nhà, ngoài ngõ. Hẳn ta cũng sẽ thấy họ gần gũi hơn ta tưởng.

Bác T với nhà tôi gặp nhau trong một bữa ăn tối khi hai gia đình chính thức cho con cái tìm hiểu nhau. Phong tục gọi là lễ dạm ngõ. Khi ấy tôi thấy bác là một người đàn ông miền Tây tóc đen ánh. Nét mặt của bác ấy cứng cáp và rõ ràng. Nhất là cặp lồng mày rất đậm. Có cái gì ấy rất cứng cỏi trong con người này, nhưng đồng thời, cái cứng cỏi ấy lại có giọng nói hết sức trầm và nhẹ nhàng. Ai trong nhà chị dâu tôi ai cũng thế: tức là ăn nói nhỏ nhẹ và ít gây nhiễu động.

Hôm ấy tôi không thể gặp được một bác T, một doanh nhân lẫy lừng và giàu có. Ngược lại, tôi lại được gặp một con người đam mê âm nhạc. Bác biết chơi sáo và chơi tốt là đằng khác. Cây sáo dài độ ba mươi phân, bằng gỗ. Bác lấy hơi thổi dượt một hai lần rồi mới thật sự vào bài. Đó là một khúc hát của miền quê. Tôi chẳng thế nhớ tên nó là gì như thực hết sức tự do và thoải mái. Bác tâm sự rằng chơi sáo chỉ là niềm vui của bác gần đây. Bác tập sáo gần như một cách để luyện tập hai lá phổi. Ngoài cây sáo trúc bác cũng thích những điệu đờn ca tài tử của quê hương miền Tây Nam Bộ. Tôi may mắn có dịp được song ca với bác một lần. Đến hôm ấy tôi mới thấy văn hóa âm nhạc cổ truyền có cái sức sống mạnh mẽ lắm. Chúng cũng lý thú hơn nhiều so với tôi tưởng tượng. Những điệu hò ấy toàn những câu hát dài, ngân và cách điệu. Hát phải tính toán giữ hơi. Tôi là kể lỗ mãng thích đâm bổ, nên sớm cạn kiệt sức không tiếp được lâu, còn bác thì khéo léo, già dặn kinh nghiệm nên câu hát luôn trọn vẹn. Đó là một kỷ niệm thú vị. Vợ chồng bác song ca thoải mái trước mấy vị khách xứ Bắc Hà mà thoải mái vô tư. Như thể họ đã hát thế này nhiều lần lắm rồi. Hôm ấy chúng tôi ở đấy có lẽ phải 11h đêm mới về.

Thế đấy, tôi ban đầu cứ ngỡ là sẽ gặp một ông chủ doanh nghiệp đầy khó tính và tham vọng. Thế nhưng khi gặp trực tiếp thì đó lại là một người rất đỗi giản dị và yêu nghệ thuật. Lẽ dĩ nhiên là khó có thể nói là tôi hiểu bác ấy. Có gặp nhiều đâu mà hiểu, nhưng chắc chắn mười một phần rằng bác T là người tài hoa, vừa giỏi kinh doanh vừa có đam mê đàn ca sáo nhị.

Trời không cho ai cái gì mà không lấy của người ấy cái gì khác bù vào. Bác có vấn đề về sức khỏe. Khi ấy bác chưa đến sáu mươi tuổi. Tôi lúc đầu khi biết đến chuyện ấy chỉ biết tảng lờ. Đúng là nom có vẻ thấy bác hơi gầy. Nhưng với cái giọng hát đầy nội lực thế kia thì ai nghĩ vấn đề nghiêm trọng. Bẵng một khoảng thời gian anh trai tôi với chị kết hôn. Sau đó gia đình tôi với bác gặp nhau đôi lần nữa. Lúc này hai bên đã chung một nhà nhưng tôi ít khi thấy bác. Thời gian trôi thêm được độ nửa năm thì tôi nghe chị dâu kể là bác qua Đài Loan chữa bệnh. Lần này chữa dứt điểm rồi mới về. Tôi nghe phong phanh là một phần dạ dày của bác đã phải cắt đi. Sau đấy khi về Việt Nam thì chữa tiếp. Tình hình tạm ổn. Đùng một tối trước Tết âm lịch, tôi nhận tin nhắn từ chị. Hôm ấy nhà tôi tổ chức ăn uống nhỏ, chị và anh từ chối không có mặt. Lý do là bác T phải vào viện khẩn cấp.

Tôi tự bản thân không nghĩ lý do để lo lắng lúc ấy. Có phải lần đầu tiên đâu? Rồi sẽ ổn? Khi ấy có lẽ còn nôn nao với những dự định và bận bịu chuyện công việc mà tôi quên khuấy. Tôi đinh ninh là sẽ ổn thôi. Sáng hôm sau tôi như thường lệ đi bộ nơi có hồ nước gần nhà. Lúc đã thấm mệt, tôi gọi cho mẹ hỏi thăm. Tôi bốc phét và tán nhảm những thứ linh tinh mới chợt nhớ tới bác. Tôi tạm cúp máy với người nhà và nhắn tin hỏi thăm chị. Đến lúc này tôi mới lạnh gáy: ba chị đã qua đời rồi.

Khi ấy tôi bỏ hết kế hoạch buổi sáng mà chạy về báo cho bố và em. Nhanh quá, nhà tôi ai cũng bất ngờ. Sau đó thì tang lễ được khởi hành. Mọi chuyện diễn ra thế nào thì cũng như các bạn có thể đoán ra, một đám tang Phật giáo với những quy củ và phép tắc nghiêm chỉnh. Số lượng vòng hoa gửi đến bác nhiều không đếm nổi. Có một đội các em thiếu niên đứng xếp hàng nghiêm trang đến viếng bác. Tôi hỏi ra mới biết được đó là một hội đoàn Hướng Đạo Sinh tên là Sao Bắc Đẩu. Bác Tuấn là người chủ chốt đầu tư tạo sân chơi cho các em thanh thiếu niên sinh hoạt. Bất ngờ quá. Đến lúc đó tôi mới biết bác hảo tâm đến thế.

Khi tôi gặp gia đình chị thì ai cũng đẫm nước mắt. Hóa ra tôi không phải là người duy nhất thấy cái sự ra đi của bác T nhanh đến vậy. Cái chết hệt như có tính giễu cợt người ta. Hai ngày trước khi mất bác vẫn bình thường, vẫn tự lái xe lên Hóc Môn làm việc. Hình như bác còn ăn uống bình thường. Đùng một cái, bác kêu rằng bản thân mệt mỏi. Đến khi được đưa vào viện thì lục phủ ngũ tạng của bác đã hư hại nặng nề. Rồi sau một tối cuối năm thanh thản, bác mất. Nhanh như thể một con chim cắt vụt bay qua đồng ruộng. Chị dâu tôi có kể:

“Trước lúc mất, khi còn đang nằm trên bàn cấp cứu, ba chị vẫn làm việc trên điện thoại. Có thể nói là ba đã làm việc cho đến khi lâm chung.”

Vậy có thể nói là chính bác T cũng không ngờ là mình sẽ qua đời. Bác tuyệt cũng như mọi người là không bao ngờ cái chết lại đến nhanh đến vậy. Tôi thầm đoán rằng trước khi hôn mê, bác hẳn vẫn tin là mình sẽ tỉnh dậy. Sau đó thì mọi thứ sẽ hệt như một giấc ngủ sâu, mở mắt là một sáng mai lại đến.

Nhưng cái ngày mai đó lần này đối với bác không còn nữa rồi.

Chẳng những nhà bác mà cả nhà tôi ai cũng bất ngờ. Mẹ tôi khi nghe tôi tin cũng giật thót mình một cái. Bác hơn mẹ gần năm tuổi. Hẳn vì thế mà mẹ coi bác là một người anh. Người anh ấy giờ không còn nữa rồi. Tiếng sáo hôm nào giờ không còn người thổi.

Khi một người quan trọng như thế qua đời người ta mới vỡ lẽ ra là có những công ty bác lập ra, điều hành nhưng không ai biết. Cả những thương vụ làm ăn, những kế hoạch tài chính quan trọng mà đáng tiếc là chỉ có bác mới nắm thông tin đủ để mà xử lý. Một ông chủ như vậy qua đời hẳn là để lại hàng bao chuyện phức tạp cho người khác xử lý. Những chuyện lùm xùm và rắc rối xảy ra cũng vì thế mà xảy ra không ngớt. Phân đoạn này tôi chẳng dám kể hết, những chuyện không hay ho thì cũng cần phải kể.

Con người ấy qua đời để lại một di sản lớn. Nhưng tiếc là những di sản ấy, cái tinh thần ấy hiếm người hiểu được để mà nối nghiệp. Bác T trong hai mươi năm tích góp được không chỉ là tiền bạc, những công ty, những doanh nghiệp. Bác tích góp và xây một khu “trại đá” (theo cách nói của anh trai tôi), tôi thì gọi đây là một bộ sưu tập cá nhân. Chúng là những thứ bác vì đam mê mà theo đuổi. Nơi bác cất chúng là hai mẫu đất to khủng khiếp ở Hóc Môn. Ở đấy bác cất những căn nhà. Xếp những pho tượng cổ từ Đài Loan, những mặt đá quý. Anh trai tôi gọi đây là “trại đá” nhưng tôi coi chúng là một bảo tàng tư nhân. Đá gì bác cũng thích nên mua về để giữ. Riết rồi trên đời bao nhiêu loại đá kỳ lạ trên mặt đất bác cũng có và để ở đấy.

Có những viên óng ánh xanh, óng ánh hồng, cao đến ba mét. Có những cái sắc đỏ, sắc vàng. Có cái chỉ óng ánh khi có ánh sáng rọi. Bên cạnh đá là những pho tượng. Đặc sắc là những tượng gỗ được khắc trên những thân cây mọc trên đá. Chẳng ai bắt chúng theo hình thù ấy, cây mọc lên là chuyện thường tình. Nhưng nghệ sĩ phương đông tài hoa đẽo mài chúng thành đủ thứ thú vị. Cả những hình chạm khác trên đá cổ. Tất tần tật chúng đều là sản phẩm của tự nhiên, được người ta đẽo khắc lên trên mà tạo hình cầu kỳ. Nhìn chẳng ai tin nổi, nhưng quả thực có những nghệ nhân sáng tạo giỏi đến thế.

Nhiều và hùng vĩ nhất có lẽ là tượng rồng. Có những cái to bằng năm lần thân người. Cũng có những cái con đang được làm dở. Hình như nơi đây cũng từng có nghệ nhân tới làm thường xuyên. Theo người thân kể thì cả khu từng có hai mươi người làm liên tục. Giờ thì chỉ còn giữ lại bảo vệ. Trong khu có chia thành các nhà, hệt như một viện bảo tàng. Mỗi nhà rộng độ 200m2, nhà nào cũng xếp tượng và đá.

Hết đá hết tượng nhưng cả khu còn có cả cây cảnh. Và quan trọng hơn cả theo tôi là bộ sưu tầm đồ cổ. Xe đạp cổ bác giữ ở đây. Bên cạnh ấy là sách hiếm, đồng xu cổ. Tiền giấy Việt Nam các triều đại. Một bản sao của chiếu giời đô được bác giữ ở nơi này. Hiếm hoi, tôi còn được thấy một bộ sưu tầm lớn gồm vũ khí, dụng cụ, tượng và đồ dùng sinh hoạt từ thời Champa. Thế nên tôi mới nói gọi đây là bảo tàng thì đúng hơn. Còn một khu rất to nữa chỉ toàn tượng Phật thời Chăm. Nơi ấy tiếc là tôi không có dịp vào. Nếu vào thì nghe đồn là nghiêm kị chụp ảnh. Tôi nghe phong phanh rằng khu ấy hễ chụp là máy ảnh hỏng.

Tại cái kho sách cổ, ở đó có một bài báo từ những năm 2000s nói về bác T. Tôi đã kịp chụp ảnh bài báo nhưng giờ tìm mãi không ra. Trong bài báo tay nhà văn viết về bác T như một con người luôn yêu đá. Giờ là năm 2020s, tôi thấy bài ấy viết hay nhưng chẳng đủ. Bác có tình yêu với vạn vật, hẳn là muốn sưu tầm và lưu trữ tất cả mọi thứ đấy chứ đâu chỉ riêng đá quý. Hôm ấy đi mà không hết nổi cả khu. Tôi đã phải tạm dừng chân vì mệt. Hẳn đúng như mọi người nói, ấy là đi cả ngày cũng không thể hết nổi.

Tất nhiên, không phải cái gì nhiều cũng tốt. Bản thân tôi cũng không khó trình độ để mà phân tích những khối đá đẹp ra sao, những pho tượng đẹp như thế nào. Tuy nhiên, tôi xin chắc chắn là bác đã rất tâm huyết vào cái đại công trình này. Chỉ tiếc là chẳng ai muốn kế nghiệp nơi ấy. Không ai hiểu đá như bác, tình yêu của bác với những thứ trân cầm dị bảo có lẽ giờ trên thiên hạ chẳng mấy người trẻ còn. Tôi cũng chẳng đủ tầm để hiểu. Nhưng tôi biết là thứ di sản này là vô giá. Tôi đề xuất ngay là biến cả khu thành một bộ sưu tập triển lãm cá nhân. Cho vào cửa tự do nhưng có thu phí.

Hẳn là bác cũng muốn thế. Nhưng lúc này thì kẹt rồi. Những rắc rối tài chính đã khiến từng viên đá phải bán đi. Không có bác, cái bộ sưu tập này cũng không còn ai có thể giữ.

Đôi khi đời người trôi qua chóng vánh thật. Có những cá nhân xuất chúng, cả đời vừa tài năng vừa chăm chỉ. Họ dựng nên một đại gia tài. Nhưng đến lúc cần nghỉ ngơi thì họ lại không nghỉ. Họ kiệt sức và qua đời. Chẳng biết họ đã hưởng thụ được mấy phần trong cái di sản họ để lại. Hệt như những gì Seneca từng nói khi phân tích về thời gian vậy. Thấy cái cảnh nhiễu nhương ấy của đời người sao ta không khỏi xót xa? Một cái run rủi, một trò đùa oái ăm của trời đất, và thế là ta lìa đời. Cái chết chẳng thể đoán định, chẳng thể dự trù. Thế thì sống và phấn đấu nhằm mục đích gì?

Tất nhiên, giờ sẽ có những người tung chiêu bài truy ngược về bài toán xác xuất. Sự mất mát và thành công của con người đối với họ chỉ là những con số thống kê. Có một cái chết nhanh và oan uổng như vậy chỉ là chuyện xui rủi. Hỡi ôi, có thể là vậy đấy. Chỉ là một chuyện xui rủi. Số kiếp con người cũng hệt như một hạt bụi. Nay đây mai đó phất phơ trong gió.

Cũng có người sẽ truy ngược về quá khứ. Mà phân tích bác T theo khía cạnh sức khỏe. Liệu con người ấy từng có lối sống nhậu nhẹt triền miên nên cơ thể rệu rã dần, hư hỏng dần. Cũng có thể. Liệu con người ấy đã quá thúc ép bản thân nên nội căn không còn chịu đựng được nữa? Cũng có lý. Nhưng thôi những gì rút ra được cũng chỉ là hậu nghiệm, còn người đã qua đời thì chẳng quay lại nữa rồi.

Mãi sau này, có một lần nói chuyện với bà ngoại. Không biết cuộc chuyện trò đưa đẩy thế nào mà chúng tôi nhắc lại về vấn đề sức khỏe. Rồi lại xét về chuyện của bác T. Bà tôi trong lúc buồn buồn liền chẹp miệng:

“Hòn đất thì còn, hòn vàng thì mất”

Cái câu ấy quả thực là đúng với bác T. Bác hệt như một vì sao băng tràn đầy tinh thần mạnh mẽ. Vì sao ấy không ngần ngại mà luôn cháy hết mình, kể cả những phút cuối vẫn lạc quan, bay và sáng mãi không muốn dừng lại.

9-10-2024, Saigon City

Back To Top