Những Bóng Ảnh và Sao Mờ - Viết cho ông Phan

Created on: 20 Nov 24 14:11 +0700 by Son Nguyen Hoang in Vietnamese

Chuyện thứ hai

Ông Phan

Ông Phan mất rồi. Ông vừa qua đời hôm qua. Lúc ấy ở bên Đức có lẽ là năm giờ sáng. Mẹ tôi nhắn cho tôi từ chiều. Lúc ấy mẹ gửi đính kèm một tấm ảnh. Người trong ảnh ấy là một ông bác tóc bạc trạc tuổi ông ngoại tôi. Khuôn mặt người đó trong ảnh nở nụ cười lớn. Đôi lông mày cong cong, hệt như của ông ngoại. Vầng trán thì cao và rõ ràng, càng điểm xuyết cho cái nét hồng hào của người ấy. Nếu bác ấy mập lên nữa thì hẳn là giống với ông ngoại tôi lắm. Tôi thầm nghĩ hồi lâu rồi chợt nhận ra rằng hóa ra ngày ông Phan mất lại là ngày đầu tiên tôi nhìn mặt ông ấy. Thật trớ trêu làm sao.

Quả thực là tôi chưa gặp ông Phan lần nào hết. Đến khuôn mặt tôi cũng không biết.

Nhưng chuyện về ông ấy thì tôi rõ mồn một.

Từ bé, bé lắm rồi. Tôi nghe ông ngoại tôi kể về một người anh lớn trong gia đình. Một người học giỏi lắm, được sang Đức, rồi ở lại đấy. Ông ấy tên là Nguyễn Xuân Phan, em kế ông Phan là ông Nguyễn Xuân Nhu, cha ruột của mẹ tôi. Trước ông Phan còn một bà chị cả tên là Sơn. Ông ngoại tôi không phải là con út, sau ông ngoại là 4 người con nữa. Tôi không nhớ tên đầy đủ, chỉ nhớ thứ tự của họ là bà Nho, ông Cường, ông Vinh, ông Minh. Cả nhà thời ấy ai cũng có bằng đại học. Cụ ngoại tôi, cụ Tuyết bà, cũng là mẹ ruột của bảy người con ấy tự hào lắm vì điều ấy. Gia đình của ông ngoại tôi những năm đó là nơi đầu tiên trong làng có người đậu đại học.

Trong những người con ấy, có ông Phan làm tôi tò mò nhất. Ông không có mặt trong những buổi giỗ bàn, chưa bao giờ tôi nhìn thấy ông ấy bao giờ. Nhưng những chuyện kể của ông ngoại tôi về người anh ruột làm tôi tò mò mà tròn xoe mắt mỗi khi nghe đến. Đầu tiên là ở cái tên, hẳn cái tên Phan thời của tôi chẳng ai còn đặt cả. Nhưng theo tôi, chí ít là đến bây giờ, tôi vẫn nghĩ “Phan” vẫn là một cái tên đẹp. Rất Tây Tây theo kiểu người Pháp, lại có nét gì đấy cổ cổ như thời Phong Kiến. Giờ nghĩ lại, quả thực vợ chồng cụ Tuyết có năng khiếu đặt tên. Tên ai cũng có nét nho nhã không lẫn đi đâu được.

Cái tên Phan được ông ngoại tôi kể, lúc ấy ông trầm trồ khen anh ruột mình. Ông Phan thời ấy đi Đức. Học ở Đức. Làm ở Đức. Nhưng chuyện ấy chẳng có dễ dàng và suôn sẻ đâu. Vì ông học giỏi (và sự thực thì nhà ông ngoại hồi ấy ai học cũng giỏi), ông được cử đến Đông Đức. Ông ở đó từ năm mười lăm tuổi có khi. Đến những năm ông Phan trưởng thành, có lẽ hơn hăm hai, hăm tư. Trời xui đất rủi ông trải qua một trận ốm khủng khiếp. Phải nằm viện trong một thời gian không biết dài ngắn thế nào. Trong cái bĩ cực và bệnh tật như thế lại vô tình gặp một cô y tá ở nước sở tại. Hai người gặp và phải lòng nhau.

Ông Phan có dáng người nhỏ bé, hiền lành, giọng thì hơi lơ lớ khi nói tiếng Việt. Ông xa Việt Nam lâu quá rồi, gọi ông là Việt Kiều thì không sai. Còn vợ ông thì là một người Đức, mắt xanh da vàng. Nghe mẹ tôi kể thì có lẽ bà ấy cũng là người đẫy đà, mạnh khỏe. Khi mà cuộc tình của hai người có nguy cơ đứt đoạn vì ông Phan phải về nước “xây dựng chủ nghĩa xã hội”. Người bạn gái lúc này đã chiến đấu cho tình yêu. Mẹ tôi kể bà ấy đến hẳn đại sứ quán Việt Nam tại Đức và gây ra một phen náo động. Chuyện tình ấy đã gây sóng gió cho các vị tai to mặt lớn của cả xứ Việt và trời Âu, làm họ một phen đau đầu. Chàng thì buộc phải về, nhưng nàng thì không chịu. Kết cục là đại sứ quán và các vị có quyền thế phải chấp nhận cho chàng ở lại.

Nhưng chàng ở lại thì cũng có nghĩa là chàng có lẽ sẽ chẳng bao giờ Việt Nam nữa. Và thứ hai là tình yêu ấy không phải là không phải trả giá. Những người em trai của chàng dù học rất giỏi nhưng chẳng được chế độ cho Du học như người anh nữa. Ông Vinh, một người được giải Toán thành phố Hà Nội lúc ấy, ông cũng là người đồng môn với chàng Lê Ba Khánh Trình vô địch kỳ thi toán quốc tế thuở nào cũng không vì người anh trai mà phải buộc rời khỏi cuộc thi. Ông Ngoại tôi dù học rất giỏi nhưng cũng không được cử đi đâu. Dẫu sao thì đối với ông ngoại thì ông còn có một niềm tự hào khác: đấy là vì học giỏi quá mà vừa tốt nghiệp ông đã được trường giữ lại làm thầy.

Tôi sau này có hỏi ông, ông có giận ông Phan không? Nếu ông Phan không ở lại Đức thì có khi những người còn lại qua Đức được rồi? Có khi lúc này còn học lên cao, thành giáo sư tiến sĩ ở trời Tây cũng nên (tất nhiên là tôi không huỵch toẹt như vậy mà nói vòng vèo một xíu) Ông ngoại tôi trả lời là ông vẫn luôn mến ông Phan. Ông Phan ở Đức gửi tiền về cho nhà hồi ấy, giúp xây cái nhà lớn ở giữa sân – căn nhà mà bây giờ là nơi giỗ bàn tổ chức. Ông còn gửi về cho mẹ tôi một cái xe đạp Đức xịn xò không chê vào đâu được. Cả bao thứ khác nữa. Người anh ấy giúp nhà bao nhiều thứ, nên sao ông ngoại tôi dám đổ lỗi cho anh trai. Hơn nữa, sau đó tôi có nghe mẹ tôi phong phanh nói rằng hình như lúc ông Phan đi Đức thì ông Nhu cũng được mời nhưng ông không thích. Có lẽ thực tình tính ông tôi hiền lành, ông cũng không cần phải đi đâu xa. Cứ ở Việt Nam chăm mẹ già và làm thầy giáo là vui rồi.

Khi mà viết những dòng này thì trước đấy mấy ngày tôi có đọc Tây Du Ký. Giờ nhớ lại, tôi thấy nếu ngoại tôi sinh ra từ thời Lý Trần Lê, hẳn ông đã được người ta tôn làm một tiên ông. Vì ông hiền lành, chẳng đoái hoài tham lam. Ông an phận với cuộc đời và có lẽ là chẳng bao giờ tức giận với ai, trách móc ai bao giờ. Chẳng bao giờ tôi nghe ông ngoại tôi kể về người anh trai mà giọng không bùi ngùi tự hào, vừa vui vừa trầm ngâm. Giờ chẳng rõ biết tin anh trai qua đời thì ông sẽ nghĩ thế nào. Ông Phan ở bên ấy cũng như ông ngoại tôi, tức là đã con đàn cháu đống. Thế hệ F2 mang hai dòng máu Việt và Đức đã mấy lần về Việt Nam chơi. Lần đầu tiên là khi mẹ tôi mười lăm tuổi.

Thời ấy một đoàn học sinh từ Đức đến Việt Nam giao lưu văn hóa. Con gái ông Phan qua, cô bé ấy (lúc này phải gọi là madam) khi vừa đặt chân xuống đất Việt là đã có họ hàng đón. Lúc đấy cả gia đình bên Việt Nam đã phải thuê một cô phiên dịch, bạn ông Vinh, thì hai bên mới hiểu được nhau. Lúc gặp nhau mừng mừng tủi tủi. Thế mà lần đầu tiên nhìn ra là nhà tôi nhận ra ngày đứa cháu mình. Gene người Việt hóa ra trội ra phết. Sau này con gái của chị ấy, tức là cháu ông Phan, tức là bằng vai phải vế với tôi, cũng có ngoại hình á Châu rất nổi bật.

Gặp nhau một hồi rồi hai bên hò hẹn, tối đó người con gái từ Đức đến nhà bà ngoại tôi chơi. Bữa ăn vui vẻ, người mừng rỡ nhất có khi lại là mẹ tôi. Mẹ được người ấy tặng một cái giày hệt như trong phim cổ tích, thêm nữa là một cái áo học sinh bên Đức. Hai thứ ấy đối với mẹ mặc thì có khác gì là bơi trong áo, trong giày. Thế nhưng mẹ vẫn thích thứ ấy lắm. Cái áo thùng thình màu xanh, cái giày rộng màu trắng, dù cả hai hơi ngoại cỡ nhưng mẹ vẫn hãnh diện mang hai thứ ấy đến trường. Sau này còn nhiều người cháu nữa cũng về. Chẳng người nào biết tiếng Việt. Nhưng thế kỷ 21 rồi thì rào cản ngôn ngữ đâu còn là gánh nặng nữa. Có một người hậu duệ ấy đã theo đuổi con đường nghiên cứu chuyên nghiệp, trở thành một nhà sử học. Người đó có viết một cuốn sách rất dày và gửi về Việt Nam. Tôi đến giờ chợt quên mất anh chàng ấy cụ thể là người cháu thứ mấy … Lâu lâu lại có một người như thế về. Như thể những tâm tình của một phần Việt Nam mờ mờ gửi lại về quê hương. Những tâm tình đó đi đến đây có thể để thay thế cho người con đất Việt năm nào vậy …

Người con đó hình như từ năm mười lăm tuổi chỉ về Việt Nam thêm được một lần. Lần đầu tiên khi người cha ruột qua đời. Cụ Tuyết ông hồi đó không phải là người thường, cụ là Đảng viên uy tín. Nhà tôi, theo mẹ tôi kể, khi đó từng bảo vệ cho cụ Hoàng Văn Thụ khi vị tướng ấy bị truy lùng. Sự qua đời của cụ cũng là mất mát lớn, thế nên tờ báo Nhân Dân khi ấy có dành một ô để nói lời tiễn biệt cụ. Những tờ này cũng đi chu du nửa vòng trái đất mà đến xứ East Germany. Đến chính tay người con xa xứ năm nào. Đọc được tin cha qua đời, ông Phan xoay xở cùng vợ về Việt Nam thăm mẹ và các em. Cũng lần ấy ông Phan gặp mẹ tôi. Mẹ tôi nhận định thì bác ấy là người hiền lành lắm. Nhìn cái nhà tôi khi ấy khá to, ông bèn bùi ngùi: “Ôi cháu ơi, nhà cháu to thế, mà người ta thì đến cái nhà cũng chẳng có mà ở … Khi nào gặp người khó khăn thì đừng ngại cho họ có nơi trú chân cháu nhé ….” Công nhận là ông Phan cũng là người nhân hậu tử tế, hệt như các ông em của mình vậy. Đấy có lẽ là lần duy nhất ông về Việt Nam. Trước đó may mắn có một khoảng thời gian mẹ ruột ông cùng cô con gái qua Đức thăm con trai một lần. Vậy là số lần sợi dây liên kết giữa cả nhà và ông Phan có lẽ chỉ dài được như thế, mong manh đếm trên đầu ngón tay.

Nhưng có một lần lạ lùng. Ông Minh, người em trai của ông xoay xở làm một chuyến du lịch Châu Âu. Chuyến đi qua mấy nước không chỉ để giải trí, để ngắm nghía trời Tây mà còn vì thật lòng muốn gặp ông anh trai. Thế mà anh không chịu gặp? Quái lạ thế? Vì lý gì mà người anh trai nỡ nào từ chối gặp em mình? Bay nửa vòng trái đất mà phải tay trắng quay về. Người anh sao lại làm như thế?

Mẹ tôi nghi ngờ là bác ấy có những nỗi sợ liên quan đến chính trị. Tôi không hiểu, nhưng cũng không dám hỏi sâu vào nỗi niềm của những vị ấy. Những người lớn lên trong thời loạn, khi những biến động chính trị phức tạp và hỗn mang xảy ra làm cho người ta phải nghi ngờ nhau, hoặc là sống trong nỗi lo lắng và sợ hãi. Nỗi ám ảnh này có khi kéo dài cả đời. Ông Phan nói theo một cách nào đấy cũng là một người đã trốn tránh “nghĩa vụ xây dựng nhà nước Cộng Sản”. Ông ở lại với tình yêu và bỏ quốc gia. Hẳn là thời ấy nó là một trọng tội. Cụ Tuyết ông, tức là cha ruột của ông Phan, vì cái tội của con ruột mình mà bị cái cơ quan tập thể quanh làng hồi ấy từ mặt. Không hiểu thông tin thời ấy truyền đi thế nào mà người ta đồn ông Phan vượt biên qua Tây Đức – xứ sở của kẻ địch, không thuộc phe Cộng Sản. Người ta vì thế mà bêu rếu cụ Tuyết, không cho cụ sinh hoạt Đảng. Buồn lắm, cụ tôi đã viết một bài dài giãi bày nỗi lòng với mọi người, phân trần rằng con mình ở Đông Đức, không ở Tây Đức. Cái tờ trình ấy mẹ tôi may mắn chụp lại được. Cả bài dài bằng hai mặt giấy A4.

Cay đắng lắm, nhưng thế cũng hiểu Việt Nam thời ấy mọi thứ khó khăn và cái hành động của ông Phan lúc ấy chẳng phải là chuyện đơn giản. Ông ấy không phải là trường hợp đặc biệt. Sau này tôi có dịp gặp những người Việt Nam vượt biên tại Úc. Đến thời điểm tôi gặp họ, tức là những năm 2019, 2020, khi nói chuyện với những bạn trẻ Việt Nam mới sang họ vẫn dùng tên giả, tránh dùng tên mẹ đẻ. Nghe có vẻ kỳ quái và lạ kỳ nhưng điều ấy làm tôi lờ mờ nhận ra bầu không khí Việt Nam của cuối thế kỷ trước hóa ra lại ngột ngạt và đáng sợ lắm thay. Sự kinh hãi làm người ta đề phòng với tất cả người khác, kể cả trong gia đình. Những ông bác tôi, khi ăn giỗ, lâu lâu vạ miệng nói chuyện chính trị cũng thốt lên “Có đứa nào nghe được nó sẽ đưa bác cháu lên phường”. Đấy là những ông bác này cũng là tướng lính đại tá, thượng đá đàng hoàng ấy nhé.

Vậy nên tôi chẳng khó mà thấu cảm cho nỗi lo lắng của ông cụ bên Đức. Ông Phan và ông Minh có lẽ lệch nhau phải đến ba chục tuổi, khi ông Phan đi trời Tây thì lúc ấy ông Minh còn chưa sinh ra. Sao biết được có đúng em mình qua hay không? Hồi đó hình như cũng không xa vụ Trịnh Xuân Thanh từ Đức bị bắt về Việt Nam nên có lẽ ông Phan cũng nghĩ linh tinh nên tránh không dám gặp. Có khi ông ấy sợ bị bắt về ấy chứ. Tôi chả dám trách ông Phan, chắc hẳn ông ấy cũng có nỗi lòng riêng.

Thế kỷ 21 đến, ông Phan cũng không thể về. Quả tim của ông giờ bị những vấn đề ở động mạch. Người ta phải gắn một thiết bị đặc biệt để trợ tim và theo dõi sức khỏe. Vì vậy mà ông mãi mãi không đi lên máy bay được, cũng chẳng bao giờ về Việt Nam. Rốt cục, người con ấy đã mãi qua đời ở nước Đức. Tất nhiên thì đi hay ở đó là chuyện của người ta, tôi đâu có dám phán xét. Quốc gia, dân tộc, quê quán hay ngôn ngữ xét cho cùng chỉ là thứ ranh giới mỏng hư hư ảo ảo người ta đặt ra. Cái hư ảo ấy cũng thay đổi tùy vào con người vậy. Ông Phan có lẽ đã coi nước Đức là quê hương thật sự của mình rồi. Sợi dây liên kết với Việt Nam đã vụt bay từ lâu, chỉ để lại những mờ nhạt ảo vọng mà thôi.

Dẫu hơi tiếc vì chẳng bao giờ có dịp trò chuyện với ông bao giờ. Tôi vẫn thích tưởng tượng hình ảnh của một chàng thanh niên nhỏ bé đang thong thả trườn mình trên tấm phản. Cậu ấy tay cầm giấy bút đang đánh dấu ngày sinh tháng đẻ của mấy đứa em. Số là thời ấy nhà ông ngoại tôi các cụ không ai lưu giữ bút lục ngày sinh tháng sinh của con cái. Đẻ xong thì mãi sau này mới làm giấy tờ khai sinh. Lúc ấy chính ông Phan là người chấp bút đặt ngày sinh của mấy đứa em. Cứ ngày nào thật trọng đại của dân tộc là ông Phan lấy. Thế mới thú. Mẹ tôi thuật lại chuyện ấy và làm tôi cười bò mãi không thôi. Mẹ nghe chuyện này từ ai thì tôi không rõ.

Hình ảnh của cậu chàng tinh nghịch ấy, dẫu là không có thật và chỉ là ấn tượng ảo tưởng trong đầu tôi thôi thế nhưng nó có lẽ là phiên bản duy nhất tôi có trong tâm tư khi nghĩ về ông Phan. Sợi dây kết nối giữa một đứa cháu ở Việt Nam và một người ông xa xôi chưa bao giờ gặp mặt. Nhưng lại tình cờ nghe về nhau qua những mẩu chuyện truyền tai trong dòng họ …

Cũng vì những mẩu chuyện truyền tai ấy mà tôi đã dặn lòng phải viết ngay bài văn dài các bạn đang đọc. Để kết bài, tôi xin dẫn một câu thơ ngắn của cụ Tuyết bà, tên cúng cơm là Diệu. Khi cả nhà khi ấy đi hoạt động trên Thái Nguyên, ông Phan khi ấy học tại trường Lương Ngọc Quyến. Bài thơ ấy dành cho những người con trai của cụ khi đi học xa nhà. Bài rất hay tôi xin phép trích tại đây.

“Đường lên Dốc Võng mưa nhiều cũng đi;
Vào rừng đẵn củi xếp xe;
Cho lên ngựa sắt đi về cho mau;
Trống Trường thúc giục đằng sau
Anh em cố gắng kẻo mẹ chờ mong"

Tôi xin cáo bút tại đây

20/11/2024, Sài Gòn

Back To Top