Đọc Neil Jamieson: Để Hiểu Việt Nam

Created on: 11 May 24 17:00 +0700 by Son Nguyen Hoang in Vietnamese

Understanding Vietnam: Một cuốn sử viết về Việt Nam bởi người nước ngoài. Một cuốn sách đáng đọc và cho ta những cái nhìn mới mẻ.

alt text

Đọc về lịch sử là điều không dễ, đọc về chính lịch sử của nước mình đôi khi còn khó hơn. Khó vì đôi khi chính bản thân mình, mặc định coi những gì mình và dân tộc mình trải qua là hiển nhiên. Vì là hiển nhiên nên mình không coi chúng là đặc biệt. Hay nói cách khác là mình không nhận ra những gì mà dân tộc mình trước đây vốn có nhưng không biết là chúng vốn tồn tại. Thành ra việc đọc sử của nước ta nhưng được viết bởi một người nước ngoài, trong trường hợp này là Neil Jamieson – một nhà văn hóa và xã hội học từng công tác tại miền Nam Việt Nam, lại tỏ ra cực kỳ hiệu quả. Góc nhìn mới mẻ và phương pháp lập luận Tây Phương của Neil, cộng vào kinh nghiệm nghiên cứu và học tập tại Việt Nam đã giúp tác giả viết nên Understanding Vietnam, một cuốn sách rất đáng đọc và hấp dẫn.

Ngày kỷ niệm 30/4 vừa trải qua không lâu. Đối với ai những ai tò mò về lịch sử Việt Nam và muốn đọc sử theo một góc nhìn khác lạ thì Understanding Vietnam có lẽ sẽ là cuốn sách các bạn nên pick up đầu tiên. Dù chưa được dịch về Tiếng Việt nhưng Understanding Vietnam sử dụng vốn từ vựng không quá phức tạp. Tác phẩm cũng chỉ vừa được viết cách đây hơn 30 năm nên vốn hành văn cũng dễ đọc cho các bạn không rành Tiếng Anh.

A. Việt Nam: Giữa hai thái cực Âm – Dương.

alt text

Điểm lý thú nhất của Neil Jaimeson là ông ta sáng tạo ra một cách lập luận độc đáo khi nói về Việt Nam: Tư Duy Lập Luận Âm Dương trong âm hưởng của Đạo Giáo. Lối suy luận Âm Dương được sinh ra khi Neil gặp một khó khăn chung khi bắt đầu nghiên cứu về Việt Nam, một câu hỏi mà không chỉ Neil mà những nhà nghiên cứu trước Neil cũng gặp phải. Đó là nền văn hóa nào ở Việt Nam là chủ lưu và là truyền thống?

  • Liệu đó có thể là nền văn hóa Tân Nho Giáo tôn thờ đạo đức Khổng Tử với những lề lối chặt chẽ cộng với truyền thống Khoa Bảng. Nơi các sĩ tử và tri thức chỉ có một mục đích là học tập, thi đỗ và lên làm quan?
  • Hay liệu đó là nền văn hóa thấm nhuần ý tưởng về Phật Giáo, nơi mà xã hội không dính tới chốn quan trường mà quanh quẩn quanh những làng xã. Nơi những tín ngưỡng và phong tục dân gian âm thầm tồn tại?

Giữa hai văn hóa trên thì cái gì mới “thực sự là truyền thống của Việt Nam?”. Hay là cả hai đều là Việt Nam? Theo Neil, cả hai nền văn hóa ấy là chỉ là hai biểu hiện cho hai thái cực của Dân Tộc. Biểu hiền đầu tiên là nền Nho Giáo cứng nhắc với luật lệ đại diện cho thái cực Dương của dân tộc: tính cương, tính kỷ luật và đồng nhất, “ít nhiễu động”. Thứ hai là nền văn hóa Âm Tính có sự tự do hơn, tiêu biểu như thời xưa khi người ta chấp nhận nhiều tín ngưỡng khác nhau: gồm cả Phật Giáo, Đạo Giáo và cả sùng bái Thuyết Vật Linh (ví dụ: nhìn thấy cái Cây lớn sống lâu năm thì người dân cũng tôn lên làm thần). Cả con người, xã hội và những biến động trong đất nước thực ra là những biến động như một con lắc, dao động giữa hai thái cực Âm Dương thế này. Dù rằng có thể Nho Giáo không còn, thói bái Vật Linh không còn tồn tại nhưng cái âm hưởng giữa Dương và Âm thì luôn xảy ra. Gần giống như một trận giằng có liên tục giữa một bên là Cái Toàn Thể, gồm nghĩa vụ nhà nước, nghĩa vụ cộng đồng, còn một bên thì là Cái Cá Nhân, sự tự do và tồn tại độc lập của các hội đoàn đơn lẻ. Khi thì xã hội và con người ngả về Dương Tính, khi thì lại ngả nhiều về Âm Tính. Nhưng tựu chung thì bất kỳ trạng thái nào cũng không thể tồn tại được lâu, hết âm thì về đến dương, hết dương thì lại ngả về âm.

Sử chuyển dời từ Âm sang Dương, rồi Dương sang Âm có thể được tìm thấy trong Văn học trong giai đoạn 1932 – 1939. Khi mà các nhà văn nhà thơ bắt đầu trở nên tự do hơn. (ví dụ: như bài thơ Tình Già của Phan Khôi vốn rũ bỏ niêm luật thơ truyền thống mà chỉ “nói theo tiếng lòng bản thân”). Những nhà văn nhà thơ cũng bắt đầu viết về tình yêu, giữa sự đấu tranh giữa một bên là tình yêu cá nhân với bên kia là những lề lối Dương tính với quy chuẩn về giới tính, vai vế trong gia đình (ví dụ tiêu biểu là Nguyễn Tường Tam, vừa là nhà văn và sau này có hoạt động chính trị sôi nổi). Cuối giai đoạn 1930s và đầu 1940s là sự xuất hiện của Phong trào Thơ Mới với cái tên tiêu biểu là Xuân Diệu. Đặc điểm chung của văn thơ vẫn là tính Âm mạnh mẽ, chống lại những giáo điều của Dương tính truyền thống.

Xuân Diêu

Tuy nhiên, tạm nói về Xuân Diệu, dù rằng thời trẻ nhờ thơ cống hiến cho tình yêu, cho Âm Tính, nhưng cái tình yêu và chủ nghĩa cá nhân ấy vô tình tạo ra âm hưởng của chủ nghĩa Đoạn Tuyệt (nihilism), để lại sự chống trải. Và vô tình đẩy chính Xuân Diệu trở thành một nhà thơ của Dương Tính: Xuân Diệu cuồng nhiệt ủng hộ Đảng Cộng Sản và Hồ Chủ Tịch. Một ví dụ khác gần giống Xuân Diệu là nhà thơ Lưu Trọng Lư, đối với những nhà thơ này, thời trẻ thì họ viết thơ đậm chất Âm Tính, nhưng Âm Tính với chủ nghĩa cá nhân đẩy họ đến sự xa cách (alienation), mặc cảm bất lực (impotent), yếu hèn (inferiority). Thế là những ông này sau đấy gia nhập Đảng để được “sinh ra lần nữa” (born-again). Tuy nhiên, Dương Tính một khi đã thắng thế thì lại có một âm hưởng Âm Tính khác trồi lên và tìm sự tự do, điển hình là giai đoạn 1955-1956 ở Bắc Việt, khi ấy một lứa nhà văn trẻ hơn, bắt đầu cổ vũ sự đổi mới, trong số đó là Trần Dần, Lê Văn Đạt, Phùng Quán, … và nhiều nữa, trong đó có nhạc sĩ Văn Cao, họ kêu gọi dân chủ trong nghệ thuật. Những tác phẩm của họ bị cấm và lên án quyết liệt bởi Đảng, đây chính là vụ đánh Nhân Văn - Giai Phẩm rất tai tiếng mà một nạn nhân trong số đó bao gồm Văn Cao. Lúc này đây, những nhà thơ đã từng “chiến đấu cho Âm Tính” (cho tự do, tình yêu) như Xuân Diệu lại bộc lộ rõ Dương tính thuần túy khi quyết liệt lên án:

“Yes, we have no need to imitate America, or England, or France, where conflicting literary tendencies are inevitably molded. Here in our Democratic Republic of Vietnam, although conflicting classes still exist, under the leadership of the party we are advancing toward socialism. We want to have hundreds, thousands of approaches to writing, tens and tens of thousands of creations, but our literature has only one tendency, and this is progress toward socialism.”

Nói về Xuân Diệu không phải để chê trách hay phê bình, mà để minh họa sống động cho sự chuyển dịch liên tục giữa ÂmDương. Âm Dương không chỉ tồn tại trong văn nghệ, mà còn in sâu vào nhiều mặt của đời sống và được Neil phân tích trên nhiều khía cạnh: con người, kinh tế, giới tính, …

alt text

Lập luận Âm – Dương cũng được Neil sử dụng để miêu tả tính khí con người giữa các vùng miền. Một ví dụ tiêu biểu là khi nói về miền Nam Việt Nam thời điểm những năm trước 1963. Khi Ngô Đình Diệm còn là Tổng Thống của miền nam Việt Nam Cộng Hòa. Lúc ấy, một Ngô Đình Diệm xuất hiện ở Việt Nam, theo cách miêu tả của Neil, không khác gì một biểu tượng của tính Dương thuần túy: một con người cứng cỏi, tự coi mình là đúng, mạnh mẽ và quyết liệt.

“Diem assumed office with an unshakable certainty in his own moral and intellectual superiority. If people disagreed with him, he ignored them. If they interfered with him, he crushed them. If he could not prevail, he would withdraw. The thought of genuine compromise or reconciliation with opponents never crossed his mind. He often said, “I know what is best for my people.” And he sincerely believed it.”

Tạm dịch: “Khi ấy Diệm vào văn phòng chính phủ, ông ta sắt đá tin rằng đạo đức và trí tuệ bản thân là không ai bằng nổi. Nếu ai đó bất mãn với Diệm, ông ta phớt lờ họ. Nếu họ chống Diệm thì ông ta nghiền nát họ. Nếu Diệm không thắng nổi thì ông ta sẽ rút lui. Cái suy nghĩ để thỏa hiệp hoặc hòa giải với kẻ thù chưa bao có trong đầu ông ta. Diệm cũng thường nói ‘Tôi biết điều gì là tốt nhất cho dân tôi’. Và ông ta hoàn toàn tin vào điều ấy.”

Sự mạnh mẽ quyết liệt, và cái tâm lý “Hoàn toàn tin là mình là đúng” của Ngô Đình Diệm khiến ông ta không cần người khác thích mình. Miễn là người khác tuân phục ông ta là được. Tuy nhiên, Sài Gòn khi Ngô Đình Diệm trở về lại là một thành phố có tính Âm nhiều hơn. Sài Gòn khi ấy trẻ hơn nhiều so với Hà Nội và Huế. Đồng thời Sài Gòn có nhiều tín ngưỡng hơn, chuẩn mực đạo đức của người miền Nam khi ấy cũng lỏng lẻo hơn và mang tính thực dụng hơn so với những Miền Bắc và miền Trung (theo Neil). Đứng trước cái tự do và “lộn xộn” của Sài Gòn, Ngô Đình Diệm, mang âm hưởng Dương tính của quan lại phong kiến (Ngô Đình Diệm xuất thân miền Trung và từng làm quan dưới thời Bảo Đại), muốn xây dựng một xã hội “đồng nhất hơn”, “truyền thống hơn” (theo kiểu miền Bắc và miền Trung). Những nỗ lực ấy của Ngô Đình Diệm dù rằng đã có những thành tựu nhất định nhưng rõ ràng (theo Neil) giống như là bơi ngược dòng. Nội bản thân việc Ngô Đình Diệm thống nhất được các thế lực chính trị khi ấy: Hòa Hảo, Bình Xuyên, Cao Đài, … đã là một phép màu rồi.

Những biến động giữa Âm và Dương được Neil sử dụng để lý giải những biến động chính trị cả sau năm 1975. Rõ ràng là sau khi hai miền thống nhất với chiến thắng thuộc về chính phủ Miền Bắc. Những chính sách thô cứng, nặng “Dương Tính” của chính phủ miền Bắc lại một lần nữa làm cho quần chúng nhân dân, cả những người ngoài Đảng Cộng Sản lẫn trong Đảng Cộng Sản cũng phải khó chịu. Một khi đảng Cộng Sản lãnh đạo toàn dân tộc, thì cũng có nghĩa là toàn bộ trách nhiệm điều hành thuộc về Đảng Cộng Sản. Và điều ấy tức là nếu kết quả sản xuất và kinh tế của nhà nước không đủ tốt thì chính phủ phải có Đổi mới. Rất tiếc là cuốn sách không bàn về sau những năm 1980s, có lẽ nếu bạn đọc có hứng thú thì hãy thử áp dụng suy luận Âm Dương của Neil vào những sự kiện của Đất nước từ sau giai đoạn Đổi mới.

Trên đây là một tóm tắt ngắn và vài ví dụ giúp minh họa lối phân tích Âm Dương của Neil Jamieson về Việt Nam. Phía dưới sẽ là những phân tích bên lề về cuốn sách theo ý kiến của reviewer.

B. Đọc Understanding Vietnam để thấy một Việt Nam rất sôi nổi và rất “khác”

Có một ấn tượng (của người viết) khi đọc sách giáo khoa lịch sử của Việt Nam (giai đoạn 2016), ấy là một ấn tượng rằng lịch sử Việt nam từ sau thời Pháp thuộc cho đến khi giành độc lập, thắng Pháp năm 1954 rồi thống nhất đất nước năm 1975 rằng nguyên quãng thời gian ấy là một quá trình tương đối “tuyến tính” với Đảng Cộng Sản là nòng cốt. Tuy nhiên, sự thật là lịch sử Việt Nam trong giai đoạn sau năm 1945 đến 1975 là một giai đoạn cực kỳ phức tạp và rối rắm. Đây cũng là khoảng thời điểm mà rất nhiều đảng phái được lập nên (đáng kể nhất là Việt Nam Quốc Dân Đảng), cũng như những phân chia bạn – thù còn chỉ mang tính tương đối. Có một ví dụ cho việc này, đấy là hóa ra Đảng Cộng Sản Việt Nam đã từng được sự hỗ trợ và ủng hộ từ chính Hoa Kỳ và được tạo thuận lợi cho sự kiện mùa thu năm 1945. Không thể tin được là sau hơn một chục năm mới quan hệ giữa Hoa Kỳ và Bắc Việt lại trở nên tệ hại hơn và dẫn đến sự phân chia hai miền Nam Bắc.

alt text

Tiếp đến là những tình tiết phức tạp, những mâu thuẫn phe phái mà SGK không thể tóm lược hết. Tiêu biểu là giữa nhân vật Nguyễn Tường Tam, nòng cốt của Việt Nam Quốc Dân Đảng và những người Cộng Sản khác. Cuốn sách cũng miêu tả những khó khăn của Đảng Cộng Sản trong giai đoạn 1945, khi tình hình chính trị thế giới trở nên phức tạp: Mỹ thắng Nhật, quân Đồng Minh từ Trung Quốc tràn về giải giáp và sau đó là người Pháp quay lại Đông Dương. Ở miền Nam Việt Nam là sự thành lập của Chính Phủ vua Bảo Đại, sau đó là bị thay thế bởi Ngô Đình Diệm vào năm 1954. Cuốn sách dành một quãng dài kể về Nguyễn Tường Tam, từ những hoạt động văn nghệ thuở đầu cho đến cả chuyện đời tư cá nhân và sau cùng là cái chết vì bị nghi ngờ dính lứu tới một cuộc đảo chính chống Ngô Đình Diệm.

Vì bản thân sống tại miền Nam Việt Nam, tác giả Neil Jamieson cũng miêu tả sâu sắc cuộc sống của người dân miền Nam khi mà người Mỹ đến. Trong hơn một chục năm ấy có cả những cái hay và cái dở. Sự hiện diện của người Mỹ tại Việt Nam khi ấy để lại những xáo trộn và phức tạp nhất định. Ví dụ như sự đảo lộn về trật tự, khi những người Việt làm thông dịch cho người Mỹ kiếm được quá nhiều tiền so với những người lớn tuổi, cha chú. Có những phân tích rất sâu sắc của Neil về tâm trạng của tướng lĩnh Miền Nam Cộng Hòa, những người mà khi ấy bị lâm vào thế khó. Họ vừa phải giữ cân bằng giữa những gì được coi là tân thời, dân chủ và hiện đại (của Mỹ), một bên lại phải cân giữa cái truyền thống của dân tộc, giữa gia đình. Vấn đề kinh tế như lạm phát, tiền mất giá và chuyện lương bổng cũng được Neil nói sơ qua trong tác phẩm.

Người Mỹ đến Việt Nam nhưng họ không thể hiểu được Việt Nam. Một ví dụ được kể bởi chính Neil là về một sĩ quan Việt Nam Cộng Hòa, người này có nhu cầu cấp bách, chuyện của anh ta chỉ có thể được giải quyết bởi cấp trên của ông này. Điều nực cười là dù người Mỹ đã lắp đặt cho anh này một hệ thống điện thoại để có thể liên lạc trực tiếp cho cấp trên, anh này từ chối không thể gọi vì theo tôn ti trật tự của Việt Nam: “chỉ có cấp trên mới gọi cho cấp dưới”. Rốt cục, bản thân Neil phải đi với anh này gặp gỡ cấp trên để có thể giúp anh ta giải quyết công chuyện. Một ví dụ đơn giản nhưng thể hiện rõ ràng rằng cơ sở vật chất và đầu tư của người Mỹ vào Việt Nam không thể giải quyết hoàn toàn vấn đề. Trước một Việt Nam, một đất nước với những lề lối phép tắc khác hoàn toàn với người Mỹ. Có một đánh giá chung của Neil về người Việt Nam lúc ấy, đấy là họ đều sợ người Mỹ sẽ “thay đổi Việt Nam thành một nước Mỹ thu nhỏ”. Và không ai thích điều ấy.

Dưới cái nhìn của một GenZ, đọc Understanding Vietnam cho ta thấy một Việt Nam rất “khác”, rất sôi nổi, rất phức tạp, từ Bắc chí Nam. Cho ta biết đến những cá nhân mà lịch sử đôi khi bỏ quên. Đôi khi còn có cả những phân tích sâu sắc về cuộc sống, về xã hội, nhân tình thái thế. Đọc để mà biết cha ông mình đã từng sống như vậy!

C. Đọc Understanding Vietnam để nghiên cứu về Văn Học Thế Kỷ 20.

Nói không ngoa khi nhận định rằng đối với ai thích nghiên cứu về văn thơ (đặc biệt là Văn thơ của Nam Việt Nam giai đoạn 1960-1975 – vốn trống vắng trong SGK Ngữ Văn Việt Nam – đối người reviewer tốt nghiệp cấp ba là năm 2016) thì Understanding Vietnam cũng là một cuốn sách nhập môn khá tốt, khá cô đọng và cung cấp rất nhiều “keyword” cho người đọc thỏa sức tìm hiểu thêm thêm.

  • Tầng lớp kinh điển: Bắt đầu từ những cây bút kinh điển, thuộc lứa tri thức được đào tạo trong thời Phong Kiến – thời đất nước vừa bị Pháp Thuộc: như Nguyễn Khuyến và Trần Tế Xương với những bài thơ bày tỏ sự đau buồn khi đất nước rơi vào tay ngoại xâm, đôi khi là thơ chế giễu thời cuộc và châm biếm (đặc biệt là Trần Tế Xương)
  • Giai đoạn Pháp Thuộc Đầu thế kỷ 20: Gồm những phê bình chính trị của Phan Chu Trinh, Phan Bội Châu, những tiểu luận của Phạm Quỳnh. Những nhà văn nhà báo hoặc chủ tạp chí như Nguyễn Văn Vĩnh (một trong những cá nhân góp phần làm chữ Quốc ngữ phổ biến), cả Trương Vĩnh Ký, Trần Trọng Kim. Phần này tác giả cũng cung cấp rất nhiều đầu báo, tạp chí, tuần san mà những tri thức Việt Nam bắt đầu tham gia viết bài ví dụ như tờ “Gió Nam” và “Đông Dương Thời Báo”.
  • Giai đoạn tự do Thơ Mới (1932): với những tác giả như Hoàng Ngọc Phách, Nguyễn Tường Tam, Phan Khôi, Xuân Diệu, Hoàng Đạo, Chế Lan Viên … Giai đoạn này cũng có cả những đợt “bút chiến” (ví dụ: giữa Nguyễn Công Hoan và Nguyễn Tường Tam chẳng hạn) được giới thiệu trong tác phẩm Understanding Vietnam. Hầu hết những cái tên này đều được giới thiệu trong sách giáo khoa của Giáo dục Việt Nam (ít nhất là cho đến lúc reviewer vẫn còn trên ghế nhà trường – 2016)
  • Những cây viết trong giai đoạn Nhân Văn & Giai Phẩm: Trần Dần, Lê Đạt và Phan Khôi (với bài thơ/tiểu luận “Ông Bình Vôi” cực kỳ đáng đọc), Phùng Quán, …
  • Những cây viết miền Nam Việt Nam (1960-1975): Những cái tên ít người biết như Thảo Trường (tác phẩm: Thử Lửa), Nguyên Sa (nhà văn nhưng đồng thời là giáo sư Triết học), Nhã Ca, … là những cái tên được Neil Jamieson giới thiệu trong Understanding Vietnam. Nhìn chung văn thơ miền Nam ca ngợi Âm tính, thể hiện nỗi buồn trước cảnh ly gián, tan cửa nát nhà do chiến tranh. Đặc biệt là Nhã Ca với “Giải Khăn Sô cho Huế” viết sau Chiến dịch Mậu Thân 1968.

Nha van Nha Ca

D. Tạm Kết

Understanding Vietnam” - Để hiểu Việt Nam là một cuốn sách độc đáo. Tác giả đã trình bày lại những thiết yếu của lịch sử Việt Nam cho đến năm 1980s. Dưới cái nhìn là của một nhà nghiên cứu và dưới tư cách là một “người ngoại quốc”, Neil Jamieson cho ta thấy một Việt Nam rất “khác”, rất sôi động với những tranh đấu phức tạp trong thời buổi rối ren. Những chuyển dịch xã hội ấy được Neil đặt trong cái nhìn Âm Dương đậm chất Á Đông rất lý thú.

Đối với những ai yêu thích văn thơ nghệ thuật thì Understanding Vietnam lại càng là một cuốn sách nên đọc. Tác phẩm có thể coi như một nhập môn với văn nghệ Việt Nam cho người nước ngoài (và cả người Việt). Đặc biệt là khi các bạn đã quá quen với những cái tên quen thuộc như Xuân Diệu, Tố Hữu, Cù Huy Cận …. đọc Understanding Vietnam có thể giúp bạn tìm những áng văn thơ độc lạ, vô tình bị lãng quên trong kho văn chương dân tộc.


Đính chính: Toàn bộ ảnh trong bài viết đều được sưu tầm trên mạng

Back To Top