Nào ta cùng giải trí đến CHẾT

Created on: 11 Jul 21 06:05 +0700 by Son Nguyen Hoang in Vietnamese

A book Review

(Review sách) Nào ta cùng giải trí đến CHẾT

Book1

Hai mươi năm đầu của thế kỷ 21, nhân loại chúng ta có những gì? Chúng ta Smartphone – những cỗ máy nhỏ nhỏ xinh nhưng mạnh ngang với những thứ con người dùng để đi lên Mặt Trăng 50 năm về trước. Chúng ta có những tên lửa của SpaceX, dưới sự lãnh đạo của Elon Musk đa tài, hứa hẹn sẽ mở ra một kỷ nguyên mới, một kỷ nguyên chinh phục vũ trụ. Chúng ta có thêm những thuật toán phức tạp, những thuật toán trí tuệ nhân tạo đã đánh bại Lee Sedol – kỳ thủ cờ vây số Hai thế giới. Còn nhiều nữa nhiều nữa, vô số những lĩnh vực mới ra đời, đó là công nghệ Blockchain, thứ đã tạo nên cơn sốt Tiền Ảo nửa đầu thập niên 2010s. Đó là điện toán đám mây, thứ đang dần trở thành tiêu chuẩn mới của các doanh nghiệp. Tiếp theo đó là sự phổ biến không ngừng của công nghệ in 3d, công nghệ Robotics với những chiếc Drone bay lơ lửng trên đầu. Thế giới sẽ còn đi đến đâu? Công nghệ của nhân loại sẽ trở nên thế nào? Chúng ta sẽ làm gì sau 40, 50 năm nữa?

Vài dự đoán lạc quan cho rằng nhân loại đang trong thời kỳ tươi sáng nhất, rực rỡ nhất trong xuyên suốt 200,000 năm trở lại, tức thời kỳ người tinh khôn homo saphien xuất hiện. Vài nhà tương lai học thậm chí cho rằng chúng ta sắp xửa chuyển mình đến thời kỳ địa đàng, vào kỷ nguyên con người hoàn toàn chinh phục đói kém, lạc hậu, đây là kỷ nguyên đó, kỷ nguyên nhân loại sống hạnh phúc trọn đời. Đây có phải là sự thật? Liệu chúng ta đang đi trên nấc thang thần thánh của Jaccop, hay có khi tất cả nhân loại đang gấp rút chạy đua đến tử thần? Vấn đề của thời đại chúng ta là gì? Có thật là chúng ta đang sống trong thời gian “văn minh”, “khai sáng” có một không hai? Ra đời cách đây gần 30 năm – cuốn sách Amusing Ourself to Death – viết bởi Neil Postman có thể cho các bạn vài suy nghĩ về những vấn đề nhân loại ngày nay đang gặp phải. Tác phẩm nhấn mạnh vào sức mạnh của các phương tiện truyền thông lên tinh thần và trí tuệ con người. Ra đời vào năm 1985 nhưng cho đến bây giờ tác phẩm vẫn còn nguyên giá trị. Nhất là khi ta đọc và cùng đối chiếu những gì tác giả viết với nền văn hóa Smartphone hiện tại.

1. Thời đại của Giải Trí

Tác giả bắt đầu tác phẩm bằng hàng loạt những dẫn chứng về chính trường Mỹ đương thời. Ronald Reagan – tổng thống đương nhiệm vốn là một siêu sao giải trí. Richard Nixon – cựu tổng thống tranh cử thua với Reagan khẳng định mình thua vì tay trang điểm làm việc quá tệ. Nixon sau thất bại bèn nhắc nhở thượng nghị sĩ Edward Kenedy: nếu muốn tranh cử thì hãy cố mà giảm thêm 10 kg! Vài nhà báo Mỹ không để lỡ xu thế. Họ đua nhau đầu tư đầu tóc thay vì đầu tư kịch bản. Chưa hết, mặc dù trong Kinh Thánh không đề cập gì hết, nhà truyền giáo Reverend Graham vẫn khẳng định rằng “Thượng Đế yêu mến những ai làm người khác cười”. Hơn lúc nào hết, tại Mỹ, những người thành công, từ những chính trị gia, vận động viên thể thao, giáo viên và nhà báo, … những người thành công phải là những người khiến người khác cười. Để trở nên thành công, ta phải trở thành những kịch nghệ, những nghệ sĩ độc thoại trên sân khấu.

Điều này thực sự có ổn? Tổng thống thứ 27 của nước Mỹ, ngài William Howard Taft, nặng 136 kg liệu có thể tái tranh cử vào thế kỷ 21? Từ lúc nào mà quần áo một người mặc lại được đánh giá ngang bằng hoặc thậm chí quan trọng hơn cả những gì người ấy nói, nội dung và cả lý lẽ người ấy muốn truyền đạt? Từ lúc nào đầu tóc trở nên quan trọng như thế. Tác giả không quên đề cập đến nhưng người đầu tiên sáng lập lên nước Mỹ, những vị tổng thống đầu tiên thời đó có thể thoải mái dạo phố hoặc đi chợ như những người bình thường mà thậm chí không sợ bị ai nhận ra. Trong khi những diễn văn họ viết vẫn đủ sức thuyết phục cả triệu người!

Điều gì đang diễn ra vậy? Liệu sự chuyển dịch văn hóa này là bình thường, là tích cực, hay là tiêu cực?

2. Sức mạnh của truyền thông

Postman lập luận rằng loại hình truyền thông cũng ảnh hưởng đến cách chúng ta tiếp cận thông tin. Như Postman suy luận: bạn HỌC được NHỮNG GÌ không quan trọng bằng bạn HỌC NHƯ THẾ NÀO. Không một ai phủ nhận sức mạnh của thông tin đến con người, đến văn hóa và đến cả nền văn minh. Nhưng không một ai hết biết và hiểu sức mạnh NGẦM của những phương tiện truyền tải thông tin đến con người, đến cách chúng ta HIỂU THÔNG TIN và NHÌN THẾ GIỚI. Con người hiện tại nghiễm nhiên tận hưởng sức mạnh truyền thông mà không hiểu rằng chính truyền thông đã, đang và luôn tác động ngược lại đến chúng ta. Điều cuối cùng tác giả muốn nhấn mạnh: mỗi phương tiện truyền thống có SỨC MẠNH riêng, và chúng ƯU ÁI những kiểu tư duy khác nhau.

Lấy ví dụ với một bộ lạc ở Đông Phi không có chữ viết. Phương tiện giao tiếp của họ chỉ là truyền miệng. Họ không có bất cứ văn bản nào lưu truyền lại trong thị tộc. Khi đó, nếu có tranh chấp diễn ra, công việc của người trưởng làng là phải lục lại tất cả những gì họ có thể nhớ được, trong đó chủ yếu là những câu chuyện ngụ ngôn truyền miệng từ đời này sang đời khác. Họ không có luật, không có hiến pháp. Người trưởng làng đúc rút từ những gì anh ta nhớ và đưa ra phán quyết hợp lý khiến các bên tham gia tranh cãi có thể nhượng bộ nhau và cùng hài lòng. Khả năng quan trọng nhất mà người trưởng làng cần có là khả năng ghi nhớ. Anh ta phải nhớ hàng trăm câu chuyện khác nhau, hàng trăm sự việc khác nhau và đồng thời phải biết chọn lọc hướng giải pháp khác nhau cho từng trường hợp. Vị vua Solomon trong truyền thuyết nổi tiếng là ông vua nhớ được đến 3000 tục ngữ khác nhau là một ví dụ tôn vinh những bậc thầy ghi nhớ. Trong thế giới nơi không có chữ viết, trí nhớ chính là thứ vĩ đại nhất!

Và rồi chúng ta có chữ viết – một thứ công cụ hoàn hảo để truyền đạt ý tưởng. Hãy nghĩ xem ta thực sự đang làm gì khi ta đọc sách? Đầu tiên, ta phải ngồi im, hoặc nằm im. Tức là ta phải có sự tập trung vào thứ ta đọc. Bạn phải có óc suy luận ẩn dụ, tức là bạn phải lờ đi những chi tiết như “chữ này đẹp hay xấu”, “chữ này sao mà nhỏ thế”, … mà suy ra cái ý tưởng đằng sau câu chữ. Nhìn mà xem, chữ cái đâu có đẹp? Nhưng bạn phải hiểu chúng, hiểu nội dung chúng đang truyền đạt. Tiếp tục, để hiểu thâm ý của tác giả, bạn cũng phải cố mà đoán được cảm xúc của họ thế nào. Từng dấu ngắt câu, chấm than, hỏi chấm chúng có ý nghĩa gì? Rồi sau đó chúng ta còn phải phân tích xem luận điểm của tác giả thế nào? Đúng hay sai? Tóm lại, đọc không đơn thuần là “ĐỌC”, chữ viết đã thay đổi nhân loại. Bạn hãy mang chữ viết đến những dân tộc thổ dân thiểu số và họ sẽ nhìn bạn như thần, và coi chữ viết là MA THUẬT. Không phải ngẫu nhiên mà thần chữ viết Ai Cập Thoth cũng đồng thời là vị thần của Ma thuật. Chữ viết có quyền năng của nó, và khôn hồn thì đừng có xem thường!

Chính chữ viết, cùng sự ra đời của công nghệ in ấn đã đánh dấu thời kỳ lý trí. Thời điểm mà vô số phát minh của nhân loại xuất hiện, đó là thế kỷ 18, 19.

3. Ngành điện tín ra đời … rồi sao nữa?

Henrry David Thoreau, một cây viết trong tờ Walden viết từ những năm đầu thế kỷ 19: “Chúng ta đã xây dựng được một đường dây điện tín xuyên vùng Maine đến Texas; nhưng, có thể lắm, chúng ta chẳng có gì điều gì quan trọng để mà nói với nhau hết !”

Điều quan trọng tác giả muốn nói là bắt đầu từ thời điểm này, chất lượng tin tức và độ hữu dụng của tin tức không còn là yếu tố duy nhất những nhà xuất bản chú trọng. Cả đất nước vào thời điểm này bắt đầu có những mầm mống của một đợt lũ thông tin – thứ chúng thấy với tần suất kinh hoàng vào thế kỷ 21. Chiến tranh, động đất, cháy rừng, … ở những nơi xa xôi đến tay của tất cả mọi người. Vấn đề quan trọng là: trước một bể thông tin kinh hoàng như vậy, có bao nhiêu cái chúng ta thật sự cần thiết? Nghĩ kỹ xem nhé, đã bao giờ một mẩu tin tức trên truyền hình làm bạn phải thay đổi kế hoạch cho ngày, cho bạn một bài học giúp bạn giải quyết vấn đề trong cuộc sống? Trong hầu hết trường hợp: KHÔNG.

Bạn sẽ làm gì để ngăn chặn ISIS? Cấm vận kinh tế trên Trung Quốc thật nghiêm trọng, bạn sẽ làm gì với nó? Khủng hoảng nhân đạo tại Châu Âu đang diễn ra, ta phải làm gì? Xin lỗi, Postman trả lời một cách thật phũ phàng: “Bạn sẽ chẳng làm cái quái gì hết ! Bạn có thể đi bỏ phiếu, đúng đấy, nhưng đó là thứ mà bạn làm bốn hoặc hai năm một lần, và làm trong một giờ. ” Tỉ lệ giữa thứ-ta-làm và thứ-ta-đọc không tương xứng với nhau, với thứ-ta-đọc lớn hơn gấp trăm ngàn lần so với thứ-ta-làm. Đây là điều mới xảy với nhân loại, theo như Lewis Mumford thì :

“Sức mạnh của công nghệ điện tín là tốc độ truyền tải thông tin, không phải là sức mạnh giải thích thông tin, hoặc phân tích thông tin”. Nói như lời của Postman – đây là thứ hoàn toàn ngược với cả sách vở!

“Một cuốn sách là thứ công cụ khiến tri thức trở nên trường tồn (…) Do đó, nhưng người văn minh luôn coi đốt sách vở là một dạng của phản tri thức. Tuy nhiên, điện tín lại khiến con người hủy hoại tri thức. (…) Điện tín chỉ tốt trong việc truyền tại những tin nhanh, những thứ nhanh chóng bị thay thế bởi những thứ khác mới hơn – cập nhật nhanh hơn. Tin này chồng lên tin nọ nhanh đến nỗi không ai kịp kiểm định ”. Hãy liên hệ điều này với những tin giả tràn lan trên mạng xã hội đầu thế kỷ 21.

4. Và thế giới của TV

Như phần trước, tác giả đưa ra khẳng định: Mỗi phương tiện truyền thông ưu ái một dạng tư duy riêng. Nếu đó là sự thật, thì TV – cái cục kim loại nho nhỏ xinh xinh kia, đang ưu ái thứ kỹ năng nào? Như lời Neil Postman, ti-vi truyền hình ưu ái khả năng giải trí ! Điều quan trọng là trước màn hình ti-vi, vấn đề không phải là ti-vi chỉ chiếu những thứ giải trí, mà là MỌI CHỦ ĐỀ được đưa lên Tivi đều được trình bày dưới hình thức GIẢI TRÍ. Tất cả, kể cả khoa học, chính trị, tôn giáo, tất cả đều được trình bày như một thước phim giải trí. Đây mới là vấn đề.

Tác giả lấy ví dụ một buổi tranh luận trên đài ABC, buổi tranh luận nói về một vấn đề nghiêm túc. Người tham gia bao gồm nhiều nhân vật có tiếng tăm, bao gồm Henry Kissinger – con cáo già ngoại gia Hoa Kỳ, Robert Mcnamara và Elie Wiesel - tức là toàn những nhân vật có máu mặt tại thời điểm đó. Chưa hết, còn dó Carl Sagan – một nhà vật lý nổi tiếng, William Buckley và tướng Brent Scowcoft. Tất cả đều là bậc trí thức Hoa Kỳ đương thời, những nhân vật xuất chúng lỗi lạc.

Thế kết cục của cả buổi thảo luận là gì? Mỗi trong số sáu người có gần năm phút trình bày quan điểm, và chẳng có quyết định cuối cùng được đưa ra. Mỗi người trong số này thay vì tập trung phân tích luận điểm của nhau thì lại nói những thứ đâu đâu. Như Henry Kissinger xin lỗi người xem vì mình đã không còn là Thư Ký của Chính Phủ. McNamara khẳng định rằng mình đang có ít nhất 15 đề nghị chấm dứt đầu đạn hạt nhân. Cuối cùng, Elie Wiesel nói một chút về bi kịch của con người, nhưng vì thời gian ít quá, ông này cũng ái ngại dừng lại không nói nữa.

Vấn đề của một show truyền hình tv chưa hẳn là vấn đề thời gian. Đôi khi nó nằm ở tính liên tục của nó. Trong một show truyền hình, không có chỗ cho những câu như :” Xin lỗi, nguồn của anh là gì?”, “Con số này anh lấy ở đâu ra”, “Tôi chưa hiểu ý của anh, làm ơn nhắc lại”, “Uhmm… tôi không rõ”. Khán giả không thích xem những bộ óc tri thức trình bày quan điểm như thế! Họ muốn nhìn thấy những tên hề đang diễn trò cho họ vui !

5. Ai xinh đẹp hơn nào?

Năm 1966, Ronald Reagan nói ẩn dụ “Chính Trường cũng là một show giải trí !”. Vấn đề ở đây là nếu chính trường cũng chỉ là trò giải trí, thì mục tiêu chính không còn là sự hoàn hảo, là sự chung thực hay minh bạch. Mục tiêu chính ở đây là quảng cáo. Theo như ý kiến của Neil Postman, quảng cáo không bao giờ quan tâm đến đúng hay sai, đến chất lượng hay giá trị. Những người làm quảng cáo không cần quan tâm đến chất lượng mặt hàng mà quan tâm đến tâm trí người tiêu dùng. Họ quan tâm đến người tiêu dùng, đến nỗi sợ của họ, đến giấc mơ của họ, đến những khát khao của họ. Hình ảnh những bà mẹ vui vẻ bên hộp nước giặt Omo, đến anh ca sĩ đẹp trai vừa cầm điện thoại vừa hát. Quảng cáo đánh vào tâm can người xem. Thứ người mua lúc này không còn là sản phẩm, mà là một giấc mơ, một thứ ảo tưởng không hơn không kém. Còn tệ hơn, với 15 giây, quảng cáo tẩy não người xemnày, cho họ ảo tưởng rằng mọi thứ đều như mì ăn liền, mọi thứ, bất kể thứ gì, kể cả chính trị, có thể giải quyết bằng hai ba thứ vớ vẩn. Mọi lập luận dài dòng phức tạp đều nên bỏ đi. Thay vào đó là những thứ ngắn gọn hợp thời.

Và với quảng cáo, ta có chính trường kết hợp với nó. Trong thời đại của giải trí, ta không cần những nhà chính trị xuất chúng, ta cần những ai nói những thứ khiến ta thích thú. Triết gia Xenophanes nói: “Con người tạo nên thần thánh dựa trên hình ảnh của chính họ”. Ngày nay, giới chính trị gia thành thần thánh bằng cách khoác trên mình những thứ làm vừa lòng những người khác.

Sức mạnh của quảng cáo nằm ở khả năng tạo ra những hình ảnh, những biểu tượng tức thời 15, 30 giây. Những hình ảnh này gây ấn tượng với người xem và thay đổi một chút một chút cách họ suy nghĩ. Nắm bắt được tâm lý ấy, chính trị gia hiện đại tìm cách xuất hiện trên sân khấu càng nhiều càng tốt. Hãy nghĩ xem nhắc đến Barrack Obama, bạn nghĩ đến thứ gì đầu tiên? Bún chả Hà Nội hay là Obamacare? Các chính trị gia trong thời hiện đại ngẫu nhiên đã được xếp chung với hàng ngũ siêu sao nổi tiếng. Nhìn vào cuộc bầu cử Hoa Kỳ năm 2016, bạn thấy Hillary Clinton đã chụp hình chung với bao nhiêu ca sĩ, diễn viên? Cũng không xa, hãy nhìn vào Canada với Justin Trude – vị tổng thống này cập nhật status trên twitter từng ngày từng giờ.

6. Tổng kết

Bài review ngắn gọn này chỉ tóm lược những ý rất chung chung của Neil Postman, đồng thời lồng ghép một số yếu tố chính trị đương đại cho bạn đọc dễ hình dung những gì tác giả muốn truyền đạt. Dù tập trung đả kích ti-vi truyền hình, thật không khó khi suy rộng vấn đề và liên tưởng đến điện thoại thông minh. Thứ mà ta có thể coi như một phiên bản nâng cấp của tivi. Nhỏ hơn, linh động hơn, mạnh mẽ hơn. Và khi kết hợp chúng với internet, một bể thông tin rộng kinh hoàng, con người thế kỷ 21 hoàn toàn bị bủa vây bởi thông tin, bởi hàng đàn hàng lũ những thứ vô giá trị, cả xấu cả tốt trực tiếp ảnh hưởng họ suốt từng giờ từng phút.

Hoàng Sơn

Melbourne, 23 tháng 3, 2019

Back To Top