Review về Nhân Gian Thất Cách (Ft. Zizek, Hayao Miyazaki)
Created on: 22 Nov 23 22:10 +0700 by Son Nguyen Hoang in Vietnamese
Review về Nhân Gian Thất Cách, một chút Zizek và Hayao Miyazaki
Tôi không thường đọc văn học Nhật, một phần vì không biết bắt đầu từ đâu. Tôi có thử qua Murakami nhưng cuốn duy nhất mà tôi thấy thích lại là “Tôi nghĩ gì khi nói về Chạy bộ”. Cái lối văn chương của Murakami là một thứ văn chương kỳ quái, ma mị và vì lẽ đó mà tôi xin nói thật là tôi sợ. Cái lối văn ấy, tôi gọi đùa với mấy đứa em, là lối văn viết cho sướng cái bút của nhà văn, còn đối với độc giả thì đọc cái lối văn ấy để thấy sướng cái thú đọc. Đọc văn khi ấy là đọc cho cái khoái chí khi đọc, còn khi đọc xong thì chẳng thể đúc rút ra cái gì. Đấy là hồi tôi còn cứng nhắc, còn logic và bảo thủ thì nghĩ thế. Giờ thì bớt bớt nhưng cái nỗi bực tức với Murakami thì vẫn còn đó.
Thế rồi tôi biết về Osamu Dazai với “Nhân Gian thất Cách” (hay còn được dịch ở Việt Nam là “Thất Lạc Cõi Người”). Tựa sách tiếng Anh thì thậm chí còn dịch hay hơn nữa “No Longer Human” – tạm dịch: “Chẳng còn là Người”! Cái tựa như thế thì không ấn tượng mới là lạ, còn nữa phần nhiều vì hồi đó một tên đáng ghét nào đó PR cuốn sách là “được viết ngay trước khi nhà văn tự sát”. Nghe có gắt không cơ chứ? Rồi còn một ai khác còn dùng đủ thứ ngôn từ ghê gớm khác gán cho tác phẩm, gọi tác phẩm là nguy hiểm, dark và deep tới cùng cùng cực. Cộng thêm phần nhiều là cuộc đời đầy trầm bi của chính tác giả đã làm cho nỗi tò mò của tôi lên đến tột độ. Thế là chiều cuối tuần tôi đã dành một buổi đọc hết tác phẩm, và quả thực là cuốn sách làm cho một đêm ngủ trễ ấy không hề uổng phí. “No Longer Human” là một cuốn sách lý thú cho những ai thích thể loại tâm lý, một phiên trần thuật giúp ta có góc nhìn đa chiều hơn với đời sống tâm hồn con người, và tóm lại, một cuốn truyện ngắn xứng đáng đọc giải trí cuối tuần.
Ngay khi vừa đọc là tôi nhận ra âm hưởng rõ ràng của “Notes from the Underground” (tác giả: Dostoevsky) đến nỗi tôi giật mình phải tra ngay xem ông tác giả có lấy cảm hứng từ ông nhà văn xứ Bạch Dương không? Kết quả là hiển nhiên tác giả công nhận bản thân chịu ảnh hưởng từ ông nhà văn tác giả “Anh em nhà Karamazov”, ngay cả trong chính “Nhân Gian thất Cách” cũng có đoạn Dazai trực tiếp thảo luận về Dostoevsky. Cả hai tác phẩm đều có điểm chung là những lời tự thuật rất dài, xuyên suốt của nhân vật nam chính. Với “Nhân Gian thất Cách” thì đó là anh chàng Ōba Yōzō, xuất thân khá giả nhưng cả đời chàng cứ đau đớn sầu bi và không thể nhận bản thân là một con người. Lời trần thuật của chàng kéo dài từ lúc chàng từ bé đến lớn, không lúc nào là chàng không tự trách bản thân.
Đầu tiên là khi đọc bản tự thuật của của Yozo, ta nhận ra một điều là Yozo không hề cảm thấy anh chàng đang sống “với nhân loại”. Nghĩa là dù anh có thể ăn với gia đình, sống với gia đình, đùa bỡn với anh em họ hàng thì bản chân chàng hoàn toàn cảm thấy như chàng đang sống ở một vũ trụ nào ấy mà vốn không chứa chấp chàng. Những thói quen, lề lối, phép ăn cơm và ứng xử như lẽ thường (common senses) của con người đối với chàng lại trở thành những thứ cực kỳ xa lạ và khó hiểu, khó thấu cảm. Đã vậy thì chàng lại vô tình là người tinh ý, thế nên khi thấy những điều nực cười ở nhân gian, ví dụ như những đám người bên ngoài thì cười nói với nhau, nhưng bên trong lại đâm chọc nhau, hành hạ nhau? Chứng kiến những mâu thuẫn kỳ quái trong cách ứng xử của con người lại càng làm chàng thấy cuộc đời thật là khó hiểu, khó hòa nhập. Chính vì lẽ này mà Yozo quyết định khoác lên một cái mặt nạ, mặt nạ của một tên hề.
Chàng diễn cái vai hề cực kỳ xuất chúng là đằng khác. Nhìn chàng không một ai không hâm mộ và vui vẻ, những trò tấu hài của chàng khi nhỏ làm chàng dễ gây thiện cảm. Nhưng vấn đề là chính vì chàng đóng hề quá tốt, nên nỗi sợ khi bị bóc trần của chàng lại càng lớn. Dẫn đến việc chàng lại càng ám ảnh và sợ hãi con người hơn. Chàng sợ một ngày nào kia ai đấy sẽ biết tỏng con người thật của chàng, đến lúc ấy thì chàng chỉ có đi chết. Thêm nữa, là bên cạnh cái sự thông minh, sự hài hước dù là giả tạo, chàng Yozo này lại được trời phú cho cái vẻ đẹp trai, thành ra chàng nghiễm nhiên thành một tay sát gái. Dù sát gái nhưng hóa ra cái sự đào hoa bẩm sinh ấy lại trở thành một lời nguyền khi vô tình kéo chàng vào liên tiếp những mối quan hệ tăm tối, có lần còn suýt chết. Khi lên Đại Học, chàng có sự tự do tuổi sinh viên nhưng lại dính vào một tay bạn xấu Hiroki. Đi chơi với Hiroki tức là Yozo nhà ta cũng bắt đầu dính vào những thứ trác tán, dính vào rượu, gái điếm, vào cả những hoạt động đảng phái hội kín. Có lẽ chính vì bản thân nhận mình là một kẻ “không thể hòa nhập”, Yozo dễ dính vào những thứ “ngoài lề xã hội” mà tham gia những hoạt động nguy hiểm.
Chưa hết, tùy sầu bi nhưng như lời của Hiroki, cái sầu bi bí hiểm với gương mặt đẹp trai vô tình càng khiến Yozo thành một tay sát gái thượng thừa. Đáng buồn là nữ nhân không làm chàng vui vẻ, mà có cảm giác như cứ dính tới phụ nữ là Yozo lại càng uống rượu nặng hơn. Tệ cái nữa là cái nữ nhân có vẻ như ít yêu chàng, mà muốn “lạm dụng” chàng thì nhiều. Spoil một tý thì chàng bị gia nhân lạm dụng khi còn nhỏ tuổi. Sau này khi lớn thì chàng dung thể xác đổi lấy thuốc morphine. Đối với phụ nữ thì chàng là công cụ, còn đối với Yozo thì phụ nữ cũng như rượu, giúp chàng quên đi cuộc đời. Chàng có yêu bao giờ không? Có chứ. Nhưng tình yêu ấy kết hợp với cái sầu bi cá nhân và hiện thực phũ phàng đẩy chàng tới những quyết định điên rồ
Cuộc đời của Yozo, nghĩ là hư cấu, nhưng hóa ra là đối với độc giả tứ phương nó lại mang một sức đồng cảm ghê gớm. Lướt qua reddit, check các post thảo luận về tác phẩm thì ta thấy không thiếu nhưng bình luận công nhận tự bản thân họ cũng từng có suy nghĩ y hệt với Yozo: sự lạc lõng, lẻ loi, tự thấy xa lạ với thế giới. Về phía cá nhân, cái tâm tư của của Yozo gợi nhắc ngay đến một câu văn của Dostoevsky, một câu mà người viết cảm thấy cực kỳ chuẩn xác: “Consiousness is an illness” – tạm dịch: “tâm trí của người ta cũng giống như một loại bệnh hoạn”. Nói chính xác thì cái tâm tư của Yozo, theo quan điểm của người viết, bắt nguồn từ cái chứng nghĩ ngợi quá nhiều. Chính vì Yozo quá thông minh, quá tinh ý, càng thông minh thì Yozo càng nhìn ra những nghịch lý, những điều phi lý và kệch cỡm của thế giới. Nhìn ra những khó hiểu của cái mà người bình thường nghiễm nhiên gọi là “lẽ thường tình”. Sau khi nhìn thấy thế giới, Yozo nhìn lại vào chính Yozo và lại tiếp tục nhìn ra những hỗn độn, bất thường và méo mó của bản thân. Cái méo mó mà Yozo nhìn ra thực ra có lẽ … ai cũng cảm thấy thế. Nhưng đối với Yozo nó là một sự bệnh hoạn, hổ thẹn, không thể chấp nhận. Cho đến tận kết truyện, ta nhận ra rằng có lẽ chẳng có ai nghĩ xấu về Yozo hết (trừ ông bố gia trưởng và tên bạn đều Hiroki). Bà chủ nhà khá thân với Yozo chỉ đơn giản nhận định Yozo là người rộng rãi, phóng khoáng và chỉ có điều là uống rượu quá nhiều!
Theo người viết, có lẽ chứng suy nghĩ quá nhiều cũng là thứ mà kha khá nhiều bạn đồng trang lứa với người viết đang dính và có lẽ chính nó cũng góp phần làm tăng của tình trạng trầm cảm của người trẻ. Khi người ta nhận thức càng nhiều, họ càng suy nghĩ về những nghịch lý, những bất hạnh, những điều khó hiểu của thế giới. Càng suy nghĩ nhiều thì càng hoảng sợ, càng hoảng sợ thì dẫn đến tê liệt và không thể làm gì hết. Đối với Yozo thì để quên đi, chàng kiếm bạn tình và rượu, sau là morphin, xét cho cùng thì chàng dính vào những thứ ấy để tự tê liệt hóa bản thân, để khỏi phải làm gì hết. Không có khó khăn khi biết kết cục của chàng và có lẽ là cả kết cục của tác giả, ông Osamu Dazai sau này ra sao.
Bản thân của chứng nghĩ nhiều là một đề tài cực kỳ lý thú, người viết cực kỳ muốn dành thời gian để mà phân tích. Nhưng quay về với chàng Yozo tội nghiệp. Nếu khuyên chàng (và cả những ai mắc chứng nghĩ nhiều này là gì) một câu, thì người viết sẽ mạo muội mượn lời của triết gia Slavo Zizek: “Enjoy your symptom” – tức là “Hãy yêu lấy cái rắc rối của mình”. Xin lưu ý rằng đây chỉ là tạm dịch, chữ symptom vốn thường được dịch là “triệu chứng”. Zizek đã viết nguyên một cuốn sách về chủ đề này. Để minh họa đơn giản về lời khuyên thì người viết xin phép nhắc đến một nhà làm phim hoạt hình mà ai có lẽ cùng nghe qua, ngài Hayao Miyazaki. Vốn làm nhiều phim về cuộc sống, thế là fan hâm mộ của ngài đã có lần hỏi vị đạo diễn rằng:
– Vốn làm nhiều phim ý nghĩa như thế, vậy ngài có lời khuyên cuộc sống nào cho chúng tôi không?
Vị đạo diễn trả lời:
– Chính vì không biết sống như thế nào cho đúng nên tôi mới làm phim!
Thế tức là chính vì cái “vấn đề” của bản thân, không biết sống thế nào cho đúng, nên Miyazaki mới làm phim. Cái “symptom” của Zizek không chỉ là “rắc rối” đơn thuần, mà chính cái rắc rối ấy lại định hình ra những thứ khác hữu hình. Trong trường hợp của nhà sáng lập Studio Ghibli, nếu như Miyazaki không có “vấn đề” gì hết thì chắc chúng ta đã không có những “Spirited Away (2001)”, “Howl’s Moving Castle (2004)” và “Princess Mononoke (1997)”, … Điều lý thú là trong Nhân Gian Thất Cách, chàng Yozo đã bộc lộ năng khiếu hội họa bẩm sinh, bức tranh mà chàng tự hào nhất có lẽ lại là một bức vẽ tự họa ma quái mà chàng giấu kín chỉ cho đứa bạn thân cùng lớp xem. Dù tranh ma quái, nhưng theo lời dự đoán và đánh giá của đứa bạn thì là “tuyệt phẩm”, và “Yozo sẽ thành một họa sĩ vĩ đại”! Hiểu theo nghĩa nào đấy thì khi vẽ nên bức tự họa ấy, chàng Yozo đã “yêu lấy bản thân chàng”, yêu cả cái bất hạnh, cái bệnh hoạn và cái quái dị của chính bản thân. Vô tình chung khi ấy chàng đã sống một lần với chính mình.
Người viết xin được kết thúc ở đây, lời bổ sung cuối cùng là xin nhận xét rằng lời tự thuật của Yozo, dù rằng rất tiêu cực, nhưng cũng đồng thời cực kỳ hài hước theo kiểu hài đen (dark comedy) của người lớn, nên độc giả dưới 18 không nên tò mò. Tác phẩm cũng rất ngắn, chỉ cần đọc vài tiếng đồng hồ là xong. Cuối cùng, xin bổ sung là Junji Ito, tác giả truyện tranh hàng đầu của Nhật Bản về thể loại kinh dị đã viết một manga 24 chapter chuyển thể từ câu chuyện này. Trong manga chuyển thể, có lẽ Junji Ito thấy cuộc đời của Yozo chưa đủ bi kịch nên còn phóng tác them vài phần drama nữa, nên đã vốn éo le này lại càng éo le. Hiển nhiên là tác phẩm của Junji Ito cũng gán mắc 18+, độc giả tim yếu nên cân nhắc trước khi xem.
Đính chính: Toàn bộ ảnh trong bài viết đều là sưu tầm trên mạng