Sơ Lược về Phật giáo 1 - Giáo Lý

Created on: 01 Jul 23 22:48 +0700 by Son Nguyen Hoang in Vietnamese

Một sơ lược về Phật Giáo. Những giáo lý căn bản nhất.

Thân là gia đình Công Giáo, nhưng bản thân lại tò mò về Phật Giáo từ lâu. Tuy nhiên để mà tự học về Phật Giáo thì không dễ. Lý do là vì Phật Giáo có nhiều dòng tu, nhiều lịch sử, thậm chí là còn có nhiều ông Phật quá. Phật Thích Ca thì không nói, còn có cả Phật Di Lặc, Phật Ca Diếp, Phật quá khứ Phật tương lai các kiểu. Ngoài các vị phật còn có các nhánh Phật Giáo khác nhau, rất nhiều và phức tạp. Một số trong đó dù nổi tiếng trong văn hóa đại chúng Việt Nam nhưng hóa ra lại bị coi là không chính thống ở những tông phái khác. Một số khác thì cực kỳ bí ẩn, phức tạp. Một số thì rất tập trung về thiền định, nghĩ ra vô số cách thiền khác nhau, cực kỳ sáng tạo.

Vậy mình viết post này nhắm mục đích hệ thống hóa lại vốn kiến thức về phật giáo của bản thân. Đồng thời giới thiệu những thuật ngữ và danh nhân (dù có thật hay là tưởng tượng) trong thế giới Phật giáo nói chung. Bài viết được thực hiện nhờ tham khảo chủ yếu sách của Arnie Kozak: Buddhism 101. Wikipedia, Từ Điển Phật Giáo Việt Nam, Thư Viện Hoa Sen, Từ điển Phật giáo của Princeton (The Princeton Dictionary of Buddhism, 2014). Những video của các kênh Youtube khá uy tín gồm “Let’s Talk Religion”, “ReligionForBreakfas”, “Doug’s Dharma”… Bài viết sẽ không ghi nguồn, vì đa số chia sẻ dưới đây đều dễ dàng có thể tra cứu trên mạng.

Bài viết sẽ bao gồm hai phần lớn, một là Sơ Lược về Phật giáo: Giáo Lý, hai là là Sơ Lược về Phật giáo: Các Tông phái. Các bạn đang đọc là Phần 1. Phần 2 sẽ tập trung vào sự hình thành của các nhánh phật giáo khác nhau trên thế giới và sự khác biệt giữa chúng.

Trong bài viết mình sẽ ráng đưa luôn cả những chữ Ấn Độ sát nhất với kinh sách nguyên thủy, nhưng vì điều kiện hạn chế, mình đã không thể ghi chú rõ được là chữ nào là chữ Sanskrit, chữ nào là Pali. Mong các bạn thông cảm. Để nói thêm, kinh điển Phật giáo được viết bằng chữ Pali, nhưng Sanskrit thì lâu đời hơn và được dùng cho kinh Vệ Đà (Vedas - kinh điển Hindu giáo).

Cuối cùng, xin đính chính là toàn bộ ảnh trong bài viết kể cả thumbnail là mình đều chôm chỉa trên Internet.


1. Khởi nguyên của Phật Giáo.

img1
Siddhartha Gotama - Hình ảnh được sưu tầm trên mạng - Image was collected from the Internet

Tất Đạt Đa Cồ Đàm (Siddhartha Gotama) được xem là có thể được sinh ra và truyền đạo trong khoảng thời gian 500 năm Trước công nguyên. Tất Đạt Đa sinh ra trong một gia đình Hoàng Gia, có bố là vua thuộc dòng dõi Shakya (Thích Ca). Vương quốc của bố Tất Đạt Đa được coi là nằm ở khu vực mà ngày nay thuộc về vùng giáp ranh giữa Bắc Ấn Độ và phía Nam của Nepal. Khi vừa được ra đời thì Tất Đạt Đa được tiên tri là sẽ trở thành một vi vua hùng mạnh, hoặc là trở thành một bậc thầy tâm linh. Bố Tất Đạt Đa nghe vậy nên tìm mọi cách giữ cho thái tử ở cung điện, chiều chuộng thái tử hết mức.

Tuy nhiên là không thể kiềm tỏa thái tử mãi được. Sau một hoặc nhiều lần đi ra ngoài cung điện mà trực tiếp nhìn thấy thế giới, Tất Đạt Đa thấy choáng trước sự già nua, bệnh tật và cái chết. Tuy nhiên, thái tử cũng may mắn được thấy một vị tu sĩ (Yogi) đang thiền định mang dáng vẻ hết sức thanh thoát vì đã từ bỏ mọi thứ thế tục. Thấy vậy, thái tử quyết định bỏ vương quốc mà đi tu. Lúc này Tất Đạt Đa đã 29 tuổi và đã có vợ.

Ban đầu Tất Đạt Đa theo lối tu khổ hạnh, tìm tới những tu sĩ và thầy tâm linh (guru) xuất chúng thời ấy. Vốn có tư chất, Tất Đạt Đa không sớm thì cũng đạt thông tuệ của thiền định (gọi là jhanas). Tuy nhiên là lối tu tập này theo Tất Đạt Đa là không hiệu quả, quá khắc nghiệt. Sau một khoảng thời gian rất dài tu tập kiểu hành xác, sống không quần áo, không nhà, ăn rất ít (có nguồn nói rằng Tất Đạt Đa đã phải ăn cả phân để tồn tại), Tất Đạt Đa lúc đuối sức lắm rồi được một phụ nữ là Sujata cho chút cơm ăn. Sau khi hồi phục, ông nhận ra là tu tập kiểu hành xác thế này thì vừa nguy hiểm, vừa không đạt được hiệu quả, không đủ để “diệt dục”. Tất Đạt Đa bèn cho rằng phải có cách để mà dung hòa giữa lối sống cực khổ và thế tục, hay Trung Đạo (The Middle Way).

Sau đó Tất Đạt Đa quyết định tu thiền ở dưới gốc cây bồ đề. Sau 49 ngày thiền định, dù bị MaraMa Vương dụ dỗ bằng đủ thứ - thì Tất Đạt Đa vẫn giác ngộ, trở nên “thức tỉnh” – Awaked, và thành Phật Thích Ca Mâu Ni (Shakyamuni). Thỉnh thoảng Phật Thích Ca cũng tự gọi mình là Như Lai (Tathāgata – “Người đã đến như thế”), một danh hiệu hàm ý khiêm tốn. Chữ Phật Buddha nguyên gốc là buddho – tức là “tỉnh thức”. Vậy bản thân chữ “Phật” thực ra không phải là tên riêng mà là một danh hiệu thì đúng hơn. Cũng từ đây Thích Ca Mâu Ni bắt đầu giảng dạy về “Dharma” – hay “Pháp” của mình. Chữ Dharma sau này có thể dịch là những gì Phật giảng dạy. Bên cạnh Dharma, một yếu tố quan trọng nữa là “Sangha” – hay Tăng Đoàn cũng rất quan trọng, vì nó tạo nên những cộng đồng Phật giáo sau này.

Đó là sơ sơ về nguồn gốc của Phật giáo, cũng như đức Phật. Dưới đây mình sẽ liệt kê những điểm chính tối quan trọng trong Pháp của Phật.


2. Tứ Diệu Đế – The Four Noble Truths

Tứ Diệu Đế là cơ bản nhất của Phật Giáo. Chữ “đế” có thể dịch là “sự thật”. Vậy “tứ diệu đế” dịch nôm na là “Bốn Sự Thật Quan trọng”. Chúng bao gồm triết lý về Dukkha – ở Việt Nam hay dịch Dukkha là “Khổ”.

Các cháu thiếu nhi nhi đồng thi trượt đại học, cho đến các sinh viên, công nhân viên chức đi làm lúc mà stress, lúc no-hope hay kêu “Đời là bể Khổ” – thực ra tốt hơn thì phải dịch là “Đời là Dukkha”. Không có bản dịch chính xác cho chữ Dukkha. Các bạn nên tự mình tra cứu, theo mình tổng hợp (đừng xin hỏi nguồn) thì Dukkha có thể dịch là:

  • Sự bất mãn
  • Sự khổ oán nói chung
  • Sự bất toàn
  • Sự không thỏa mãn, muốn một đòi hai.
  • Sự không thể hòa nhập

Chữ Dukkha có thể coi là kết hợp từ “Du” (xấu, hư hỏng) và “Ka” (bánh xe), dịch thuần sát nghĩa thì tức là một cái bánh xe hư. Phật hay dùng hình ảnh của một cái bánh xe bị lệch trục, nên lúc di chuyển không thể “trơn tru”. Ấn tượng mình hiểu là một sự di chuyển liên tục (bánh xe) nhưng di chuyển một cách xiêu vẹo, nghiêng ngả, không ổn định. Xin lưu ý thêm là hình ảnh cái “bánh xe” trong Phật Giáo là khá quan trọng. Quay về với Tứ Diệu Đế (Four Noble Truth), Tứ Diệu Đế có bốn điều, lưu ý là khi dịch về tiếng việt thì rất khó kiếm chữ tương ứng với Dukkha nên mình vẫn dùng tạm chữ “Khổ”:

  • Khổ Đế (Dukkha) - The Truth of Dukkha: Sự thật về Dukkha.
  • Tập Đế (sameda Dukkha) - The Truth of the Cause of Dukkha: Nguyên nhân gây Dukkha
  • Diệt Đế (Nirodha Dukkha) - The Truth of the Cessation of Dukkha: Diệt trừ Dukkha
  • Đạo Đế (Nirodha Gamadukkha) -The Truth of the Path that leads to the Cessation of Dukkha: Đạo (con đường) để Diệt trừ Dukkha.

Bênh cạnh “Dukkha”, vài thuật ngữ quan trọng nữa là:

  • “annica” – tính vô thường: mọi thứ đều thay đổi.
  • “antta” – tính vô ngã: không có một cái “tôi” cố định nào hết.
  • “trivisa” – Tam độc, hoặc tam hỏa, làm băng hoại con người: Chúng là sự tham lam – Lobha - (greed, desire, thirst), sự căm hận – Dosa - (hatred), và sự vô minh – Moha - (ignorance, confusing)
  • “Panca khandha” – ngũ uẩn hoặc ngũ ấm – The Five aggregates: Những yếu tố tạo thành con người. Bản thân các yếu tố này cũng thay đổi liên tục.
  • “nirvana” – niết bàn: Dịch sát nghĩa là “làm thổi tắt cây nến”, hay làm tắt ngọn lửa. Lửa ở đây là si hận, tham lam và vô minh.

Phật Giáo cũng phủ nhận khái niệm về “linh hồn bất diệt”, nói chính xác thì “linh hồn” có thể tồn tại, nhưng bản thân nó cũng sẽ thay đổi liên tục.

Để mà “diệt dục” theo Đạo Đế thì cần phải thực hiện “Trung Đạo”, hay “The Middle Way” – tức là con đường tu tập cân bằng, tránh xa lối sống bừa bãi thế tục nhưng cũng tránh luôn cả sự hành xác cực đoan. Hay nói cách khác là cái gì cũng phải vừa phải. Trung Đạo được làm rõ thêm, cụ thể với bằng Bát chính đạo (ariya aṭṭhaṅgika magga) – hay “Noble Eightfold Path”. Cụ thể của các “đạo” trong Bát Chính Đạo thì gồm như sau, xin nói thêm là phần này mình có hơi bất đồng với cách dịch, mình chỉ copy & paste vào đây. Các đạo này cần phải thực hiện song song, và bản thân chúng được phân loại thành các nhóm là prajna (Wisdom, dịch là “Tuệ”), sila (Morality – dịch là “giới”) và samadhi (Meditation - dịch là “định”). Các bản dịch qua các ngôn ngữ khác nhau sẽ có chút khác biệt. Các bạn nên tra cứu thêm để rõ ràng hơn:

  • Chánh Kiến – Right View, thuộc prjana (nhóm prajna)
  • Chánh Tư duy – Right Resolve or Intention (nhóm prajna)
  • Chánh Ngữ - Right Speech (nhóm sila)
  • Chánh Nghiệp - Right Action (nhóm sila)
  • Chánh mạng –Right Livelihood (nhóm sila)
  • Chánh tinh tấn – Right Effort (nhóm samadhi)
  • Chánh niệm –Right Mindfulness (nhóm samadhi)
  • Chánh định –Right samadhi (nhóm samadhi)

Không bàn tới cụ thể các Đế (Truths) như thế nào nhưng phương pháp trình bày của Tứ Diệu Đế theo mình là rất Logic. Bài học rút ra là giờ thay vì nói “đời là bể khổ” thì nên bắt đầu tập nói “đời là Dukkha” – nghe cho nó nguy hiểm.

img1
Siddhartha Gotama - Hình ảnh được sưu tầm trên mạng - Image was collected from the Internet


3. The Five Precepts – Ngũ Giới và The Five Hindrances - Ngũ Chướng

Ngũ giới cũng như thể mười điều răn của Công Giáo. Chúng bao gồm những điều phải cấm:

  • Pànàtipàtà veramanì: Không sát sinh
  • Adinnàdàna veramanì: Không trộm cắp
  • Kàmesu micchàcàrà veramanì: Không tà dâm
  • Musà vàdà veramanì: Không lừa dối
  • Suràmeraya majjappamàdatthàna veramanì: Không để nhục thân bị “nhiễm độc” (từ rượu chè, làm việc “bẩn” như làm ma túy, vũ khí giết người, …)

Bên cạnh Ngũ Giới là Ngũ Chướng (Năm chướng ngại) để đạt giác ngộ. Về cái này thì mỗi kinh nói một nẻo. Theo Phật giáo Đại Thừa thì gồm: Tham dục (Kamachanda), Sân Hận (Vyapada), Si Mê (Ignorance) Lo Âu (Uddhaccakukkucca), Nghi hoặc (Vicikiccha). Theo phật giáo Thượng Tọa Bộ (Theravada) thì thay Si Mê bằng “Hôn Trầm dã dượi” (Thinamiddha, dịch nôm na là lười nhác và uể oải)


4. Brahmavihara - Tứ Vô Lượng – The Four Immeasureables

Một khi đã thấu hiểu Tứ Diệt Đế, khi giác ngộ. Tự thân tâm sẽ đạt đến trạng thái không thể đong đếm hay vô lượng (immeasureables). Thân tâm vô lượng này chính là Từ, Bi, Hỷ, Xả. Chủ đề này quả thực là rất hấp dẫn! Mỗi tâm vô lượng đều có hai “nhân tố đối nghịch”, một nhân tố gần (near enemy) và một nhân tố xa (far enemy). Các vô lượng chỉ có thể đạt khi cái “tôi” đã bị diệt. Lúc này đây bản thân là một với vạn vật. “Bi” và “Hỷ” chính là ví dụ cụ thể nhất cho điều này.

Từ – Metta – Loving-kindness

Từ là tình yêu. Nhưng không phải là tình yêu theo kiểu thuần túy. Mà là tình yêu theo kiểu vô lượng, yêu vạn vật. Theo tiến sĩ Dương Ngọc Dũng đã bàn trong Thcbt #8 - THUYÊN THÍCH LUẬN, phút thứ 60, cái “Từ” của Phật là một dạng năng lượng. Thậm chí có thể phóng ra ngoài và ảnh hưởng xung quanh theo kiểu vật lý. Có sự tích Phật bị mưu hại, trong đó có một con voi say bị lừa đến tấn công Phật. Lúc này đây Phật chỉ cần “phóng” Từ vào con voi thế là voi say bị quy phục. “Từ” lúc này có thể coi là một dạng “Thần Lực”.

Sự đối nghịch của “Từ” là tình yêu xuất phát từ lòng vị kỷ (near enemy) và sự ác cảm (far enemy)

Bi – Karuna – Compassion

Cụ thể “Bi” chính là lòng cảm thông với nỗi buồn của người khác. Thấy người đau thì trong tim cũng đau. Nhìn trên truyền hình thấy có biến nạn thì lòng mình cũng gánh vác chung nỗi lo của nạn nhân trong nguy khó.

Sự đối nghịch của “Bi” là tình thương theo kiểu thương hại (near enemy) và sự tàn nhẫn (far enemy)

Hỷ – Mudita – Sympathetic Joy

Bi là lòng đồng cảm với nỗi buồn người khác, thì Hỷ là lòng đồng cảm với cái vui của người kia. Kết hợp với Bi ta có cái câu quen thuộc: “Buồn với nỗi buồn của chúng sinh, Vui với nỗi vui của chúng sinh”. Bi và Hỷ tương trợ nhau, cân bằng lẫn nhau. Vậy, khi người ta hay nói “Tùy Hỷ”, nghĩa của từ này không phải là “Cho bao nhiêu thì cho”, mà là “Vui với cái vui của người khác”.

Sự đối nghịch của “Hỷ” là trở nên quá hào hứng (near enemy).

Xả – Upkkha - Xả

Đỉnh cao của Tứ Vô Lượng là Xả, tức là trạng thái bình tĩnh tuyệt đối kể cả khi đang ở tình huống nào đi chăng nữa. Xả nhấn mạnh sự thông suốt tuyệt đối, lặng như mặt nước và quan sát vạn vật trong sự sáng rõ, tinh tường. Không để bị níu kéo, “attached”.

Sự đối nghịch của “Xả” là trở nên vô cảm, phớt lờ (indifferent - near enemy). Xả không có nghĩa là trở nên cách biệt và tự tách rời khỏi mọi thứ. Sự đối nghịch thứ hai là bám níu (craving, clinging – far enemy)


Kamma - Nghiệp – Karma

Nghĩa nguyên gốc của “Karma” trong tiếng Sanskrit là “hành động” (action). Tuy nhiên trong Phật giáo thì nghĩa của từ này có chút khác biệt. Tuy nhiên, trước khi nói về Nghiệp, phải đính chính là:

  • Nghiệp không phải là một loại “thế lực từ ngoài vũ trụ” can thiệp và cân bằng cuộc sống.
  • Nghiệp chỉ bao gồm hành động mà tự bản thân có thận thức (theo Arnie Kozak)

Nghĩa thuần của Nghiệp là: Bất kể những gì mình làm, mình nói, mình cảm đều sẽ có một hệ quả. Thể theo ý này, cách nói nôm na của người Việt: “Gieo nhân nào gặp quả nấy” cũng khá gần với nghĩa gốc. Tuy nhiên, nếu hiểu theo kiểu “làm việc xấu” thì phải trả giá bằng điều xấu” thì lại hơi xa với nghĩa gốc. Tóm lại, mọi hành động và suy nghĩ đều sẽ có một tác động gì đó.


5. Vũ Trụ Luận Phật Giáo

Phần này quá phức tạp. Còn phải học thêm và bổ sung rất nhiều. Đầu tiên, theo phật giáo thì cái Tôi và Linh Hồn không tồn tại. Thế thì cái gì đang trải qua luân hồi? Đó là “samskara” – năng lượng tinh thần (theo Arnie Kozak).

Thời gian trong phật giáo có sử dụng đơn vị Kalpas - tiếng Sankrit (hay kappa, tiếng anh có thể dịch là “aeon” - chỉ khoảng thời gian rất lớn) và ksana – dịch là Sát Na, chỉ khoảng thời gian rất nhỏ. Để biết Kalpas lớn thế nào thì cứ tưởng tượng một ngọn núi cao đến tận trời. Cứ sau một trăm năm có người đến lau núi bằng một miếng lụa nhỏ. Theo thời gian thì ngọn núi sẽ mòn trước khi một kalpa kết thúc. Theo truyền thuyết thì Phật Thích Ca sau khi giác ngộ đã nhớ được 91 kalpas của quá khứ. Một “kalpas” có thể dịch tạm là “kỷ nguyên” (mình dịch). Theo ông John Snelling trong sách The Buddhist Handbook thì hiện tại đang là Bhadra Kalpa, kỷ nguyên mà sẽ có 1000 Phật xuất hiện (trong chu kỳ 320 triệu năm).

Đó là về thời gian, thế khi luân hồi “samskara” sẽ đi về đâu? Chúng sẽ đi về các “Giới” – Realm. Có ba giới (trikola) là

  • Dục Giới
  • Sắc Giới
  • Vô Sắc Giới
Dục Giới (kāmaloka)

img1
Hình ảnh được sưu tầm trên mạng - Image was collected from the Internet

Luân hồi sáu cõi quen thuộc (Wheel of Reincarnation) với người Việt Nam đều thuộc Dục Giới. Giữa bánh xe luân hồi là Tam Độc (xem phần trên), đại diện bởi các loài vật: Lòng tham được miêu tả là con gà, lòng sân hận được gợi tả bằng con rắn, còn vô tri, thiếu hiểu biết được miêu tả bằng con lợn.

Chúng sinh trong cõi này tạo thành bánh xe luân hồi. Về lý thuyết thì giữa các chúng sinh trong cõi này không có cái nào là “cao” hơn cái nào. Vì đã quá quen thuộc với người Việt nên phần này mình chỉ liệt kê:

  • Thần giới
  • Asura giới. Mấy ông thần bên nước ngoài dịch cái này thành “realm of jealous-god (titans)”
  • Súc Sinh Giới
  • Ngạ Quỷ Giới
  • Địa Ngục Giới
  • Nhân Gian Giới – Cõi người.
Sắc Giới (rūpaloka) và Vô Sắc Giới (arūpaloka)

Về hai giới này thì người viết tự nhận bản thân vô tri. Giờ nếu viết lại thì cũng không khác gì là đọc chép như trẻ con lên ba. Những phân tích về giới này mang nặng tính siêu hình học. Có lẽ sẽ cần phải có thời gian riêng để ngâm cứu. Nói ngắn gọn thì “Sắc Giới” và “Vô Sắc giới” là nơi của các hành giả sau khi đạt cảnh giới thiền đến mức rất cao (jhanas) thì sẽ được luân hồi vào đây. Tại các giới này thì các nhu cầu thể lý, thể tính của cơ thể gần như là không có. Để đính chính, dù rằng Sắc Giới và Vô Sắc Giới có vẻ “tốt” hơn là Dục Giới. Nhưng cả hai vẫn thuộc về Luân Hồi. Đỉnh cao sau cùng vẫn là thoát khỏi luân hồi, không còn nằm trong tam giới.


6. Pratītyasamutpāda - Duyên Khởi – Dependent Origination

Duyên khởi là khái niệm rất sâu sắc và độc nhất của Phật Giáo. Nó ám chỉ sự liên tiếp, từ hiện tượng này đến hiện tượng kia, cái này phụ thuộc vào cái trước, và trở thành tiền đề cho cái sau. Tác giả Noah Levine trong cuốn Against the Stream có một ví dụ rất hay về duyên khởi:

“(1) Sự thiếu hiểu biết (ignorance) dẫn đến (2) trạng thái tinh thần (mental formation), tức là cảm xúc, suy nghĩ, từ đó tạo thành (3) ý thức (consiouness), ý thức cần đến (4) dạng vật chất (material form) để mà ý thức suy nghĩ được, mà vật chất gồm có (5) giác quan (sense, gồm xúc giác, khứu giác, thị giác, thính giác, vị giác nhưng bao gồm cả tâm trí), những giác quan này thực hiện (6) tương tác (contact) gây nên (7) xúc cảm (feelings, vui buồn) và tạo nên (8) thèm muốn sở hữu hoặc tránh xa (craving hoặc push away), tạo thành lòng tham (9) (grasping) hoặc cảm xúc muốn tránh xa (pushing away), chính thứ này tạo thành (10) sự biến chuyển (becoming) trong cái tôi (take it personally) và (11) sinh ra (birth) những tâm tư liên quan đến lòng tham và dẫn đến (12) khổ (suffering) hoặc sự không thỏa mãn (pervasive dissatisfaction) ”

Nguyên gốc tiếng Anh của Arnie Kozak trong sách Buddhism 101 là: “The twelve steps of the process include: (1) ignorance that leads to (2) mental formations (that is, thoughts, emotions, images) that lead to (3) consciousness that requires (4) material form (that is, something to be conscious of) that has (5) six senses (the basic five plus another sense of mind) that create stimuli that generate (6) contact that gives rise to sense impressions that generate (7) feelings (that are either pleasant, unpleasant, or neutral) that generate (8) craving (that seeks to either keep or push away the feeling) that leads to (9) grasping (or pushing away) that produces (10) becoming (which means to identify with the experience; to take it personally) that leads to (11) birth(taking form around the grasping) that leads to (12) suffering or pervasive dissatisfaction.”

Tác giả Arnie Kozak cũng đưa ví dụ:

“Giả sử như ta đi trên đường. Đầu óc đang không phải làm gì, rồi tự nhiên ta lại nghĩ về quá khứ hoặc chuyện tương lai (ignorance). Rồi lại nhìn thấy vỉa hè có hàng bia đang bán và thèm uống bia (mental formation). Lúc này thì ta quyết định là sẽ làm một li (consciousness). Vào quán bar thì nhìn thấy chồng bia trong kệ, rồi mùi bia, tiếng cạn chén của mấy ông bợm nhậu (material form). Thế là ta muốn cầm chai bia mà uống (six sense). Ta kiếm mấy chai nào nhìn ngon ngon và nhận ra chai Whiskey có vẻ được (contact). Lúc này đây thì trong ta xuất hiện mong đợi về chai bia (expectation). Rồi thế là quyết định quất mười chai uống cho sướng (craving). Uống một lúc thì mới nhận ra là ta đã nốc quá nhiều (grasping). Lúc này thì thấy hối hận và ước rằng giá như không dính vào cái xó này (becoming), lúc này thì ta chửi rủa bản thân và gọi bản thân là một thằng loser (birth). Rồi cảm thấy bực bội, thậm chí là đau bụng (suffering).”

Phần dịch bên trên được thực hiện hết sức … ngẫu hứng. Bạn đọc nên tham khảo bản nguyên tác thì sẽ là tốt nhất.


7. Bodhisattva – Bồ tát

img1
Bodhisattva - Hình ảnh được sưu tầm trên mạng - Image was collected from the Internet

Đã có Phật, thế sao lại có thêm cả Bồ Tát? Bồ Tát là ai? Trong Tây Du Ký phim 1986 ta thấy Bồ Tát như cô tiên, thế trong Phật giáo thì Bồ Tát quả thực là như thế nào? Trước tiên, ta phải làm rõ rằng Phật Giáo bao gồm ít nhất là ba nhánh chính:

  • Phật Giáo Đại Thừa (Mahayana Buddhism)
  • Phật giáo Thượng Tọa bộ (Theravada Buddhism), hay còn gọi là Phật giáo Tiểu Thừa (dù rằng cách dịch này nhiều người không thích). Phật giáo Theravada thường được coi là Phật giáo Nguyên Thủy, tuy nhiên cách dịch này còn tranh cãi. Phần sau của bài viết sẽ nói một chút về sự hình thành nên các học phái của Phật giáo (nikaya) trong đó có Theravada.
  • Phật Giáo Tây Tạng (Vajrayana Buddhism)

Cũng cần phải thống nhất một thuật ngữ là “Phật giáo Nguyên Thủy”, cụm từ này mình sẽ dùng với nghĩa Phật giáo lúc Thích ca còn sống. Bạn sẽ đụng tới từ này ở bài viết sau.

Vị thế của Bồ Tát giữa ba nhánh này là không tương đương với nhau. Hình ảnh của Bồ Tát ta thấy trong Tây Du Ký (1986) mang đậm nét của Phật Giáo Đại Thừa (rất phổ biến ở Trung Quốc). Nói ngắn gọn thì Bồ Tát là các vị đã giác ngộ, nhưng quyết định nhập thể để cứu đời. Hay nói cách khác là anh không chỉ tu cho thân anh mà còn chủ động đầu thai vào cõi luân hồi để giúp người khác. Xin lưu ý là định nghĩa này là RẤT KHÁC so với Phật giáo Nguyên Thủy. Bồ Tát, trong Phật giáo Tây Tạng và Phật giáo Đại Thừa nhìn chung là có vai trò rất cao so với Theravada và Phật giáo Nguyên Thủy.

Các Bồ Tát đều phải có bidhicitta (Bồ Đề Tâm) để giúp người khác. Và họ coi các phật tử theo Phật giáo Nguyên Thủy là shravakas (Thanh Văn – listener – người nghe). Đối với họ thì trở thành giác ngộ Arhat (A-La-Hán) là chưa đủ mà phải trở thành Phật (Buddha). Xin lưu ý là A-La-Hán có ý chỉ những người đã theo Phật và giác ngộ. Trong Phật giáo Nguyên Thủy và Theravada, giữa Phật và một A-La-Hán gần như giống nhau, có họa chăng thì có thể là Phật “bá đạo” hơn một chút. Còn trong Phật Đại thừa thì khác biệt giữa cả hai là rất lớn. Nói ngắn gọn là trong Phật giáo Đại Thừa, Phật được coi là xếp trên so với A-La-Hán một bậc.


8. Hành Thiền

Về cơ bản, có hai loại thiền định khác nhau, chúng là thiền Samatha và thiền kiểu Vipassana. Thiền Samatha xem trọng sự tập trung vào một điểm. Người hành thiền thường là tập trung vào hơi thở. Trong khi ấy Thiền Vipassana nhấn mạnh cho tâm trí cởi mở, chấp nhận cho các suy nghĩ nảy sinh trong đầu nhưng giữ bản thân như một người đứng ngoài quan sát chính tâm trí của bản thân, nhưng tuyệt nhiên không để bản thân bị “cuốn” vào những suy nghĩ ấy.

Không phải tông phái nào cũng coi hành thiền là như nhau. Đơn cử là Thiền Tông Nhật Bản, vốn rất chú trọng về thiền định và còn nghĩ ra đủ kỹ thuật thiền khác nhau. Ngược lại là ví dụ về Phật giáo Trung Quốc (Tịnh Độ Tông), ở đây việc niệm phật mới được coi là tối quan trọng.


Tạm Kết

Trên đây là kết thúc phần một của “Phật học Cơ Bản”. Ở phần hai, mình sẽ cố gắng đưa một khảo luận sơ lược để tóm tắt những tông phái chính của Phật giáo, cũng như khởi nguyên của những khái niệm Phật giáo vốn dĩ đã rất quen thuộc với người Việt Nam.

Mọi ý kiến đóng góp, ném đá, xây gạch xin cứ quăng hết để mình bổ sung từ từ. Xin Cảm ơn và chúc các bạn một ngày tốt lành.

Nguyễn Hoàng Sơn – sonnguyen9800 – 1/7/2023

Back To Top