Sơ Lược về Phật giáo 2 - Các Tông Phái

Created on: 01 Jul 23 23:00 +0700 by Son Nguyen Hoang in Vietnamese

Một sơ lược về Phật Giáo. Sự phân chia trong Tăng đoàn và các Trường Phái Phật giáo Chính

Chúng ta đều biết rằng Tất Đạt Đa Cồ Đàm là người khai sinh ra Phật Giáo. Tuy nhiên, sau khi ông mất thì đều gì đã xảy ra với tăng đoàn (sanghai)? Phần hai của bài viết này tập trung kể nhanh về những phân nhánh của Phật Giáo. Tương tự như phần một, mình sẽ cố gắng tóm gọn và chỉ tập trung liệt kê những danh nhân, những kinh sách tiêu biểu ứng với mỗi trường phái Phật Pháp. Nhìn chung thì số lượng của các Dhrama (Pháp) là quá nhiều và cần thời gian nghiên cứu rất lâu để nắm vững.

Tại sao mình viết phần hai, dù đã có phần một nói về giáo lý cơ bản của Phật pháp? Đó là vì mình nhận ra còn quá nhiều chi tiết về Phật Giáo mà mình không hiểu. Như các vị Phật A Di Đà, Phật Như Lai, Bồ Tát Quán Thế Âm là vị nào? Có ý nghĩa như thế nào? Mối liên hệ giữa phật giáo và thiền ra sao? Zen là gì? Phật giáo Tây Tạng sao mà kỳ lạ như thế? Đó là chưa kể đến các vị tăng sĩ phái Duy Thức mà gần đây người ta nối các vị này với triết lý Hiện tượng Luận (Phenomenology) của Husserl và Martin Heidegger (các Triết gia Đức thế kỷ 20). Hàng trăm câu hỏi như vậy gợi ý rằng bản thân Phật giáo cũng đã thay đổi, các triết lý, học phái khác nhau đã mọc lên và tiến hóa, càng làm những người muốn làm quen từ căn bản thấy bỡ ngỡ.

Vậy, mình viết phần hai này, chủ yếu để tổng kết, hệ thống lại về các dòng phái Phật giáo. Nhằm mục đích tạo cơ sở tiền đề cho các nghiên cứu chuyên sâu về sau. Mong nó giúp được các bạn phần nào. Mọi đóng góp gạch đá xin cứ tự nhiên và thoải mái.

Cuối cùng, xin đính chính là toàn bộ ảnh trong bài viết kể cả thumbnail là mình đều chôm chỉa trên Internet.


1. Phật Thích Ca qua đời và những lần Kết Tập

img1
Buddhism Council - Hình ảnh được sưu tầm trên mạng - Image was collected from the Internet

Theo kinh điển, Phật Thích Ca tạ thế năm 80 tuổi, khi tuổi cao sức yếu. Nguyên nhân trực tiếp gây nên cái chết của ngài thì là do trúng độc từ thực phẩm được cúng dường. Có nguồn nói rằng ngài ăn phải nấm độc, nguồn khác viết là do ăn miếng thịt bị hư.

Xin nói thêm là vào thời điểm này, nhìn chung nền văn hóa của Ấn Độ chưa phổ biến việc sử dụng chữ viết (mặc dù Kinh Vedas được coi là đã được viết từ 1500 TCN), mà vẫn ưa chuộng việc phổ biến kiến thức bằng cách truyền miệng. Cách truyền kiến thức như vậy dẫn đến việc là chỉ một số ít các tì kheo (Phật tử) là nhớ được chính xác những gì Phật dạy, và bản thân các vị như thế đóng một vai trò rất quan trọng trong sangha. A Nan Đà (Ananda) là một vị như thế, ông nổi danh là có trí nhớ rất tốt và luôn ở bên cạnh Phật. Ông và Ưu Ba Ly (Upali) đóng vai trò quan trọng trong lần Tập Kết thứ nhất (The First Council) diễn ra tại Rajagriha (một vương quốc cổ tại Ấn Độ).

Lần Tập Kết Đầu Tiên

Vì sao phải có tập kết? Những lần tập kết diễn ra để toàn thể tăng ni phật tử tụ họp, để rồi cùng thống nhất về một vấn đề nào đó. Lần tập kết đầu tiên được tổ chức nhằm hệ thống lại những bài giảng kinh điển của Phật Thích Ca. Lúc này đây, Ananda là người thuật lại những gì ông nhớ cho những người khác, người khác lại thuật lại cho người khác nữa. Trong khi ấy Ưu Ba Ly thì thiết lập các quy tắc cho tăng đoàn (sangha). Lần tập kết này diễn ra ngay sau khi Phật Thích Ca qua đời ba tháng.

Lần Tập Kết Thứ Hai

Diễn ra tại Vesali. Diễn ra để thiết lập lại một số quy tắc liên quan tới giới luật. Như là việc chấp nhận cho phật tử nhận tiền quyên góp từ người khác. Lúc này những Phật tử người Vajians (một cộng đồng người Ấn tại xứ gọi là Bạt Kỳ, mà nay lãnh thổ được coi là ở vùng phía Bắc của sông Hằng thuộc bang Bihar ngày nay – năm 2023) đưa ra những ý kiến bất đồng nhưng bị khước từ. Không đồng ý, những người này tạo ra trường phái phật giáo mahāsāṃghika (Đại chúng bộ), mà sau này là tiền thân của Mahayana, mà nay gọi là Phật giáo Đại Thừa. Nhóm những người từ chối những thay đổi gọi là Sthavira Nikāya (Trưởng lão Bộ – sect of the Elder), bản thân Trưởng Lão bộ cũng trải qua rất nhiều lần chia rẽ, mà trong đó phật giáo Theravada (Thượng tọa bộ) cũng là kết quả của những phân chia này.

Lần tập kết thứ hai diễn ra 100 năm sau lần đầu tiên.

Lần Tập Kết Thứ Ba

Diễn ra với căn nguyên là từ vua Ashoka (A dục Vương), một nhà cầm quân và lãnh đạo xuất sắc với bề dày chinh phạt, những trận đánh ác liệt của ông có thể kể đến là trận chiến tại Kalinga. Vua Ashoka sau này rất yêu mến lời Phật dạy, vì lẽ đó mà ông rất hào phóng xây dựng chùa chiền và ra sức đóng góp cho Phật giáo. Chính vì lẽ này mà nhiều kẻ tham vụ lợi bám theo ông, tham gia Phật đoàn hòng mưu lợi bất chính. Việc này làm Ashoka bực bội và lập tức ra lệnh cho tập kết tăng đoàn, hòng cải cách lại giáo lý và làm trong sạch lại toàn bộ sangha. Từ lần tập kết này mà kinh sách phật giáo bắt đầu được hệ thống hóa thành bộ Kinh Pali gồm Tam Tạng (Tipiṭaka), gồm Sutta – Kinh Tạng, Abhidhamma – Luận Tạng, Vinaya – Luật Tạng.

Cũng từ lần tập kết thứ ba, Ashoka chủ động cổ vũ việc phổ biến Phật giáo, từ đó khiến tôn giáo này lan sang các quốc gia xung quanh. Đây cũng là thời kỳ có các bộ phái (nikaya) Phật giáo ra đời và phân chia.

Lần Tập Kết Thứ Tư

Lần tập kết thứ tư thì chia ra làm hai lần tập kết nhỏ, lần thứ nhất diễn ra vào thế kỷ thứ 1 TCN tại Sri Lanka, nguyên do thường được chấp nhận là vì lúc này tại Sri Lanka có nạn đói lớn, làm nhiều vị tu sĩ qua đời vì thiếu ăn. Trong khi ấy thì kinh Phật lúc này vẫn chỉ được truyền miệng, điều này khiến Tăng nhân sợ hãi rằng lời Kinh có thể bị mất mãi mãi nếu như các vị trưởng lão qua đời đột ngột. Vậy, trong lần tập kết này, kinh điển Pali (Pali Canon) chính thức được ghi chép lại.

Lần thứ hai thì diễn ra ở thế kỷ thứ 1 sau Công nguyên, cũng nhờ một vị vua có tên Kanishka, trị vì một vùng đất mà sau này gội là Pakistan và Bắc Ấn. Để nói thêm thì từ lần Tập kết thứ ba, có một học phái Phật giáo có tên là Sarvastivada (hay “Nhất thiết Hữu Bộ”) ra đời, lần tập kết của vua Kanishka có mục đích nhằm thống nhất những kinh điển của học phái này.

Lần Tập Kết thứ năm và thứ sáu

Hai lần này lại diễn ra rất gần đây. Lần thứ năm diễn ra tại Myanmar năm 1871 còn lần thứ sáu thì vẫn diễn ra cũng tại đây, cách lần thứ năm 83 năm.

Cần nói thêm là không phải lần kết tập nào cũng được toàn thể Phật tử Công nhận. Ví dụ, phật giáo Theravada không công nhận lần kết tập của vua Kanishka. Thứ hai, bản thân sự tồn tại của những lần kết tập cũng là chủ đề gây tranh cãi. Tuy nhiên sau cùng, nhờ những lần kết tập này mà chúng ta có Kinh điển Pali, thứ sát nhất với những gì Thích ca Mâu Ni đã dạy, và tiếp đó là ghi chép của kinh Pali ra giấy, giúp kinh sách có thể được lưu truyền và phổ biến tốt hơn so với cách truyền thống là qua đường truyền miệng kinh điển.


2. Những Bộ Phái (nikaya) Phật giáo trong Thời Kỳ Bộ Phái

img1
Buddhism - Hình ảnh được sưu tầm trên mạng - Image was collected from the Internet

Mình bắt đầu viết bài này vốn chỉ nhằm mục đích nói vắn tắt về sự phân chia của các dòng Zen (thiền) và các trường phái Phật giáo Trung Quốc. Tuy nhiên, càng về sau, mình nhận ra sự phân chia thành các bộ phái thực ra là đã diễn ra từ rất, rất sớm, ngay từ những lần tập kết đầu tiên. Để bổ sung, hãy thống nhất về cụm từ “Phật giáo Nguyên Thủy” để ám chí về Phật giáo Lúc Phật Thích Ca tồn tại. Danh từ thứ hai cần làm rõ là “Phật giáo thời Kỳ Bộ Phái” (Earliest Buddhism schools”).

Đầu tiên, cần làm rõ các thuật ngữ tiếng Sankrit:

  • Nikāya – Nghĩa đen là “nhóm”, “tập hợp” – Trong bối cảnh miêu tả về các học phái Phật giáo thì Nikaya Buddhism ám chỉ những “Bộ phái Phật giáo sơ khai”, xuất hiện ngay sau những lần tập kết đầu tiên.
  • Yana – Tức là “bánh xe”, là “phương pháp”. Ví dụ: Mahayana với “Maha” là lớn thì “Mahayana” có thể dịch là Bánh Xe Lớn (Đại Thừa). Tương tự là Hinayama, với “Hina” là nhỏ nên “Hinayama” là Tiểu Thừa.
  • Vada – Học phái (school), có nguồn thì dịch là tranh luận (debate). Người viết rất hay thấy chữ “vadi” và “vada” được sử dụng thay phiên lẫn nhau.
  • Samghika – Có từ nguyên là “Sangha” (Tăng đoàn)
  • Śāsaka – Có từ nguyên là “Śāsana”, tức là “giáo huấn” (doctrine)
  • Guptaka - Có từ nguyên là “Gupta”, tức là bảo tồn. “Taka” thường được dịch là “Tạng” trong Tiếng Việt.
  • Triya – Từ nguyên là “Tri” có thể dịch là “liên quan đến”, thuộc về. Ví dụ Vatsīputrīya dịch nôm na là Những người Theo Độc Tử (dịch kiểu tiếng Anh sẽ là những “Vatsipurian”). Ở đây Vatsi, hay Vatsa chính là tên Sankrit của “Độc Tử”, người đã sáng lập ra bộ phái này. Chữ -Ntika và chữ -iya cũng mang nghĩa gần giống với “triya”.

Tại sao lại cần biết những từ này? Đó là khi tìm hiểu về các học phái (bộ) của Phật giáo thời kỳ này, ta sẽ thấy những cụm hậu tố “taka”, “saka”, “ika”, “vada”, “yana”, … xuất hiện thường xuyên! Ví dụ: Vibhajjavāda (Phân biệt Thuyết bộ), Mahīśāsaka (Hóa Thuyết Bộ), Kāśyapīya (Ẩm Quang bộ), Sautrāntika (Kinh lượng bộ). Các học phái khi về Việt Nam thì được thêm chữ “bộ” ở đằng sau. Ví dụ: Mahāsāṃghika (Đại Chúng bộ), nguyên gốc là “mahasangha” – tức là “maha” cộng với “sangha”, nghĩa là “tăng đoàn rất lớn”. Ví dụ thứ hai là “Trưởng lão bộ”: Trên Wikipedia đưa ra hai phiên bản của từ nguyên: là Sthavira Nikāya và Sthaviravādin. Chữ Nikaya tức là bộ, Sthavira là người già (trưởng lão), nên dịch là Trưởng Lão Bộ là khá hợp lý.

Ở trên, trong lần tập kết lần thứ tư ta có nói đến phái Sarvastivada (Nhất Thiết Hữu Bộ). Phái này rất nổi tiếng đến tận thế kỷ thứ bảy. Phản bác lại “Nhất Thiết Hữu Bộ” là Vibhajjavāda (Phân biệt Thuyết Bộ). Cả hai đều rất có ảnh hưởng. Một cao tăng trong thế kỷ thứ 4 là Thế Thân (Vasubandu) là người tinh thông của cả hai phái này, ông sau này là một trong hai người lập nên Duy Thức Tông.

Để nói về hết các bộ chúng này thì có người viết tự nhận là không đủ sức, nên chỉ gợi ý đến đây cho các bạn tìm hiểu. Thời kỳ Sơ Kỳ này có thể tạm coi là kết thúc từ năm 500 sau công nguyên. Nhìn chung thì các bộ phái này có di sản rất lớn. Nói chung thì trong số tất cả các bộ tách ra từ Trưởng Lão bộ thì Thượng tọa bộ là phái duy nhất tách ra từ Trưởng Lão bộ là còn tồn tại. Các bộ phái Mahayana (Đại Thừa) thì tồn tại lâu hơn, và bản thân chúng cũng tách ra những các trường phái thú vị khác.

Nhấn mạnh là cũng từ thời kỳ này mà mỗi bộ phái liên tiếp sinh ra những Sutras (kinh) riêng. Nhìn chung thì Theravada coi kinh điển Pali là quan trọng nhất, và không chấp nhận các Sutras còn lại. Trong khi ấy thì Mayahana cởi mở hơn. Mayahana được coi là tiền thân của Kim Cương Thừa (Vajrayana), hay Phật giáo Tây Tạng.


3. Phật giáo Đại Thừa

img1
Long Thụ (Nagarjuna) - Hình ảnh được sưu tầm trên mạng - Image was collected from the Internet

Đầu tiên, sau khi Phật Thích Ca tạ thế thì sự phân chia giữa tăng đoàn là bắt đầu có, chủ yếu vì mỗi người một ý. Nhưng đa số thì tăng nhân vẫn sinh hoạt với nhau trong một Sangha. Vấn đề là càng về sau, khi tăng nhân hành thiền, mỗi người lúc này tự lĩnh hội một điều mới. Lúc này đây xảy ra quá trình có thể gọi là “xét lại”, khi mà hàng loạt các giả định về Phật bị thách thức. Vị dụ như có vị không tin Phật Thích Ca đã chết, mà Phật Thích Ca vẫn tồn tại theo một dạng thức nào đó và vẫn “giảng kinh” cho các vị ấy. Cũng từ thời điểm này mà hàng loạt kinh kệ ra đời và “gán” cho Phật Thích Ca làm tác giả. Trường hợp này rất, rất giống với Công Giáo, điển hình là các Apocrypha hay “Ngụy Thư” trong Công Giáo.

Mục đích nguyên thủy của Phật giáo là dạy cho chúng sinh thành A La Hán (arhat), nhưng theo thời gian các vị tăng nhân không đồng ý, họ nghĩ rằng mục tiêu tối cao nhất là trở thành Bồ Tát (Bodhisattva), tức là một thực thể đã đạt chánh quả, nhưng quyết định ở lại Luân Hồi để cứu giúp chúng sinh. Như vậy, con đường của các tăng nhân này không gói gọn vào bản thân mà còn hướng tới đại chúng, đồng thời chấp nhận nhiều giáo thuyết mới, các luận giải sáng tạo vượt khỏi kinh điển Pali. Ví dụ trong số này là khái niệm Phật tính (Buddha-nature), vốn đâu có trong Kinh Pali? Chính vì lẽ đó, họ gọi chung con đường này là “Mayahana” hay Đại Thừa, rồi gọi những người còn lại là theo Hinayana hay “Tiểu Thừa”.

Ví dụ rất tiểu biểu là Diệu Pháp Liên Hoa Kinh (Lotus Sutra), cuốn kinh được coi là tối quan trọng trong các dòng phái Mayahana. Cuốn kinh này được coi là sinh ra vào thế kỷ thứ 1 sau công nguyên, tức là gần 500 năm sau khi Phật Thích Ca mất. Nhưng bản thân nội dung thì được coi là chép từ chính các bài giảng của Phật Thích Ca và được coi là đã được viết từ rất sớm, ngay sau khi Phật Thích Ca lìa đời, nhưng bị đem đi giấu trong Cõi Rồng (Dragon realm), 500 năm sau mới được công bố. Với những học giả hồ nghi, nhất là giới Theravada, thì hoàn toàn không tin và không chấp nhận kinh này. Mặc dù ảnh hưởng của Lotus Sutra là RẤT RẤT lớn đến Phật giáo Đại Thừa.

Khi nói đến thuật ngữ “Đại Thừa”, ta thường ám chỉ đến rất nhiều học phái Phật giáo khác nhau. Riêng phần này mình sẽ chỉ xét đến Phật giáo Đại Thừa từ sau thời kỳ Sơ Kỳ đến năm 500 sau Công Nguyên. Lúc này đây trong các phái Đại Thừa xuất hiện các cao tăng và dòng tu đặc biệt quan trọng. Cũng từ phần này sẽ bắt đầu giới thiệu nhanh về những thiền sư nổi danh, người sáng lập ra các phái nổi tiếng của Phật Giáo. Theo truyền thống Việt Nam, khi bộ phái khi dịch về Tiếng Việt thường sử dụng chữ Hán “Tông” 宗 dịch nôm na là “dòng phái”.

Phật giáo Đại Thừa có kinh riêng, có thể kể đến là:

  • Sutras – Kinh, gồm Bát Nhã Tâm Kinh (Heart Sutra), Diệu Pháp Liên Hoa Kinh (Lotus Sutra), Kinh Kim Cương.
  • Shastras – Luận (trong bình luận), nơi có bình luận về các kinh (Sutras)
  • Một số bộ kinh quan trọng còn chứa cả Tantras – Những đoạn văn bản bí ẩn. khái niệm Tantra được bàn ở phần dưới.

Có những đánh giá của giới học giả cho rằng nhờ đến chữ viết mà mới có Mayahana. Rất có lý, lúc mà chưa có chữ viết thì các tăng nhân chỉ biết dựa vào trí nhớ để mà truyền kinh, sao còn “sức” nữa để mà nghĩ kinh mới?

Long Thụ (Nagarjuna) và Trung Quán Tông (Madhyamija – School of the Middle Way)

Long Thụ (Nagarjuna) sinh và mất trong khoảng 150 đến 250 tại Ấn Độ. Trong khi Phật giáo truyền thống cho rằng mọi vật đều luôn thay đổi. Long Thụ triệt để hơn nữa, cho rằng vạn vật vốn là “không” (suntaya - emptiness). Cái “tính không” của vạn vật không phải là “không gì cả”, mà có nghĩa là vật này đều phụ thuộc vào vật khác để tồn tại. Không có thứ gì đứng đơn lẻ một mình. Vạn vật đều là một “quá trình”, như một dòng chảy xuyên suốt (“process”). Hai khái niệm này rất sát với “Vô Ngã” (antta) và “Duyên Khởi” (đã bàn ở bài trước). Tuy nhiên các định nghĩa mới của Long Thụ, theo mình, là triệt để hơn và cũng “cực đoan” hơn Phật giáo Nguyên Thủy.

Trích nguyên văn Wikipedia thì đại diện của phái này, không tính Long Thụ, là: “Āryadeva (Thánh Thiên, học trò của Long Thụ), Rahula Badhra (La-hầu-la Bạt-đà-la, học trò của Āryadeva), Buddhapàlita (Phật Hộ), Bhàvaviveka (Thanh Biện), Trí Quang, Candrakirt (Nguyệt Xứng), Sư Tử Quang, Thắng Quang, Trí Hộ, Tịch Thiên, Tịch Hộ và Liên Hoa Giới”

Thế Thân (Vashubandu) với Duy Thức Tông (yogācārin)

Trường phái của Long Thụ vô tình gợi ý đến khái niệm “hư vô” (nihilism), điều này làm các tăng nhân khác phản đối. Lúc này có xuất hiện phái Duy Thức Tông (yogācārin), xuất hiện từ thế kỷ thứ 4, cũng tại Ấn Độ, được lập bởi hai đạo sư Thế Thân (Vashubandu) và Vô Trước (Asanga). Trong khi mà phái Long Thụ cổ vũ khái niệm về “Tính Không” (suntaya) – mọi thứ đều không là gì cả, thì phái Duy Thức Tông phản bác điều này. Phái Duy Thức Tông này coi vạn vật là sản phẩm từ ý thức. Không dễ để tóm tắt học thuyết phái này. Xin tạm liệt kê ở đây, để dành cho các bạn tự tìm hiểu.

Theo Wikipedia, các đại biểu của phái này là: “Bandhusri (Thân Thắng), Citrabhàna (Hỏa Biện), Gunamati (Đức Tuệ), Dignàga (Trần Na), Sthiramati (An Tuệ), Dharmakīrti (Pháp Xứng, học trò của Dignàga), Silabhadra (Giới Hiền, học trò của Dharmapàla).”

Cũng theo Wikipedia thì Silabhadra khẳng định Duy Thức Tông còn ưu việt hơn giáo lý của Long Thọ và cả của Phật giáo Nguyên Thủy (thời Thích Ca). Cùng với Trung Quán Tông, Duy Thức Tông là hai tông phái có sức ảnh hưởng lớn nhất lên Phật giáo Đại Thừa. Xin lưu ý là cái cụm từ “sức ảnh hưởng lớn nhất ở đây” là thông tin từ Wikipedia, thứ hai là từ anh bạn ChatGPT.


4. Phật giáo Tây Tạng – Kim Cương Thừa (Vajrayana) và Mật Tông (Tantric Buddhism)

img1
Tantric Buddhism - Hình ảnh được sưu tầm trên mạng - Image was collected from the Internet

Ban đầu, hồi còn bé và có lẽ là đến tận bây giờ, Phật giáo Tây Tạng luôn có một hình ảnh kỳ lạ và bí hiểm ít nhiều đối với mình. Đã thế, những phong trào Đông Phương Luận (Orientalism) bùng nổ tại Phương Tây ở thế kỷ 20 lại càng làm Phật giáo Tây Tạng trở nên thần bí thêm. Độc giả Phương Tây (và có lẽ là cả Việt Nam) có lẽ là rất “hyped” nhờ những cuốn sách kiểu “Tử Thư” (Tibetian book of the Dead), các Tantra (ẩn thư) và cả Tantric Sex (Làm tình kiểu Tantra). Dù rằng rất nhiều chi tiết phổ biến trong văn hóa đại chúng liên quan đến những học thuật này hoàn toàn là bị … overrated quá mức. Ví dụ như vai trò thực sự của “Tử Thư” (Tibetian book of the Dead) hoàn toàn không có quá mức quan trọng. Tuy nhiên, khái niệm về “Tantra” thì quả thực lại rất phức tạp, ảnh hưởng của Tantra trải dài từ những tôn giáo Hindusm như Shavism (Giáo phái Shaiva). Để hiểu về Kim Cương Thừa và Mật Tông, có lẽ không tránh khỏi phải viết riêng về khái niệm Tantra cho bạn đọc hiểu sơ sơ.

Tantra là gì? Phật giáo Mật Tông (Tantric Buddhism)

Về định nghĩa, theo tiếng Anh chữ “tantra” thường hiểu là các phép tu hành có tính “esoteric” (thần bí), theo mình tổng hợp thì các Tantra thường có yếu tố sau:

  • Tantra yêu cầu người tu hành phải giữ kín bí mật
  • Tantra đề cao cơ thể lý tính. Nguyên thủy của Tantra đề cao tính phi nhị nguyên “Non-dualism”. Không có phân chia giữa thân và tâm.

Vào thế kỷ thứ tư đến thế kỷ thứ bảy, lúc này đây tình hình tại Ấn Độ có kha khá biến chuyển, có các vương quốc mới xuất hiện, có sự xuất hiện của Hồi Giáo cùng với những cuộc binh chiến liên miên. Lúc này nổi lên tôn giáo Shavism, tôn giáo tôn thờ thần Shiva, với đặc trưng là các phép Tantric. Lúc này quan niệm của các vua, các vương là quyền lực thật sự nằm trong tay các vị thần, vì thế muốn đạt được thắng lợi thì phải được các thần giúp. Các phép Tantra được coi là có thể làm điều này. Một trong các ý nghĩa của các phép Tantric lúc này mang tinh thần “hóa thân”, trong đó nhấn mạnh các phép “tưởng tượng” (Visualization) mình là thần. Các phép “tưởng tượng” này về sau rất được coi trọng trong Phật giáo Tây Tạng, và ở cả các Tông phái khác (hay google thử về “Visualization Mediation”). Các phép Tantric lúc này cũng sử dụng Mandala – một biểu tượng hình tròn được sử dụng cho rất nhiều nghi lễ vốn sau này cũng xuất hiện rất nhiều ở Phật giáo Tây Tạng.

Tuy nhiên, nói như thế không phải là đến thế kỷ thứ 5, thứ 7 mới xuất hiện Tantra. Nói chính xác thì yếu tố Tantra (thần bí) đã xuất hiện từ trước và đã âm thầm được gắn kết, được dung nạp, … vào rất nhiều nền văn hóa và tôn giáo khác nhau. Chính vì thế, đối với cá nhân người viết, mình cho rằng khi sử dụng cụm từ “Phật giáo Mật Tông” (Tantric Buddhism) không nên hiểu như kiểu một “tông phái riêng”, mà chỉ có thể coi “Tantric Buddhism” là một tập hợp của các phép tu hành Phật giáo theo lối thần bí.

Đó là những tóm tắt rất sơ khai về các phép Tantra. Các phép tu này có thể là những phép rất bình thường, hợp với lẽ thường. Cũng có thể là các phương pháp “hardcore” hơn, ví dụ là thiền trên xác người chết, rắc tro người chết lên người, làm tình, ăn thịt người, nghi lễ giết người, … Tất nhiên là các phép có thể được hiểu và hành theo kiểu ẩn dụ (cái này thì còn tùy). Các bạn có thể check qua video của “Let’s talk Religion” – “What is Tantra?” để tìm hiểu hơn.

Quay về Phật Giáo, lúc này (thế kỷ thứ 7) thì tình hình có dấu hiệu đi xuống (đến thế kỷ thứ 12 thì tại Ấn Độ, Phật Giáo coi như là không tồn tại nữa). Chính vì lẽ đó mà Phật giáo tại Ấn độ lúc này, để có thêm Phật tử gia nhập, thì buộc phải học hỏi giáo lý Hindu, góp nhặt các yếu tố Hindusm trong đó có các phép Tantra rất được vua chúa ưa chuộng. Các phép Phật giáo Mật Tông được coi là sự giao thoa giữa phật giáo Đại Thừa và các tôn giáo Hindusm. Phật giáo Mật Tông được coi là đạt đến đỉnh cao trong khoảng thế kỷ thứ 9 đến thế kỷ 12. Cũng trong thời gian này mà các Hành giả luyện tập theo Mật Tông tự tách mình ra khỏi Đại Thừa (Mayahana Buddhism), cụm từ Vajaryana hay Kim Cương Thừa được sinh ra trong khoảng thời gian này, đánh dấu một tông phái mới.

Kim Cương Thừa (Vajrayana)

Khi xuất hiện tại Tây Tạng, giờ đây giáo lý Phật giáo và cụ thể là Mật Tông kết hợp với tôn giáo địa phương là Bon, gây một sức ảnh hưởng rõ rệt lên nguyên đất nước. Đồng thời ở đây khai sinh những phép tu hành độc đáo, khác lạ so với cả Tiểu Thừa và Đại Thừa. Một chút phân tích về nghữ nghĩa: Chữ “Vajra” trong “Vajrayana” có nghĩa là “Kim Cương”, hoặc “Sấm Chớp”. Trong Kim Cương Thừa, các tăng nhân đặc biệt nhấn mạnh rằng các Tantra của họ có một sức “thay đổi” mãnh liệt. Mạnh đến mức mà không cần phải tu hành triệu kiếp mới được thành Phật. Giờ đây, với các “Tantra”, họ có thể thành Phật chỉ trong một kiếp!

Các Tantra trong Kim Cương Thừa không phải là thứ có thể tu luyện bừa bãi mà buộc lòng phải được truyền thụ một thầy một trò. Như đã nói ở trên, các phép Tantra đôi khi sử dụng đến các yếu tố mà tăng sĩ thường coi là phải bị cấm: ví dụ là bạo lực và tình dục, vậy nên hẳn nhiên là các phép này không bao giờ được công khai. Để nhận phép thì bạn thường phải thề là không bao giờ tiết lộ. Một số kinh điển của giáo phái này thậm chí còn viết rằng: Phật Thích Ca đã phải sử dụng các phép Tantra, nhưng giữ kín. Điều này ngụ ý là nếu không đụng tới Tantra thì không bao giờ tu thành chánh quả. Tất nhiên, vào thời hiện tại thì chắc chắn không phải ai cũng tin những giáo lý này. Vì chủ đề này tương đối phức tạp, người viết đề nghị độc giả nên chủ động tìm hiểu, tránh hiểu nhầm không đáng có.

Tất nhiên, ngoài Tantra thì Phật giáo Tây Tạng còn vô số giáo lý khác, cả những học phái lớn nhỏ khác. Người viết tạm thời dừng ở đây, để dành cho các bạn tự tìm hiểu.

Lịch sử của Kim Cương Thừa – Phật giáo Tây Tạng

img1
Phật giáo Tây Tạng - Hình ảnh được sưu tầm trên mạng - Image was collected from the Internet

Sự xuất hiện của Phật giáo Tây Tạng là nhờ vua Songtsen Gampo (Tùng Tán Cán Bố, 605?–649), ông sau này được coi là hóa thân của Avalokiteśvara (Quán Thế Âm bồ Tát), hai người vợ của ông được coi là hóa thân của Đa La Bồ Tát (Tara). Bạn sẽ còn thấy Avalokiteśvara xuất hiện trong Phật giáo Trung Quốc và trở thành một biểu tượng rất quan trọng. Sau thời của Gampo thì người kế vị sau ông là Trisong Detsen (755-797) vẫn tiếp tục phát triển Phật giáo tại đây. Cũng trong giai đoạn này xuất hiện Liên Hoa Sinh (Padmasambhava), một đạo sư rất được trọng vọng tại Tây Tạng. Theo truyền thuyết thì ông đến Tây Tạng để thu phục ma quỷ. Liên Hoa Sinh được coi là hóa thân của Phật A Di Đà, cũng là một vị Phật quan trọng trong Phật giáo Trung Quốc.

Bẵng đến thế kỷ thứ 15, lúc này thì tại Tây Tạng có học phái Gelug là lớn nhất. Lãnh đạo của học phái này hợp tác với các thủ lĩnh Mông Cổ, từ đó được trao danh hiệu “Dalai Lama” (Đạt-lai Lạt-ma). Tiếng Tây Tạng thì “Lama” có nghĩa như “guru”, tức chỉ một bậc thầy tâm linh. Còn “Dalai” thì bắt nguồn từ Tiếng Mông Cổ có nghĩa là đại dương. Như vậy “Dalai Lama” là một vị đại sư có tri thức lớn như biển cả. Một số “Lama” đặc biệt được gọi là “tulku”, những Lama này khi qua đời sẽ đầu thai sang một kiếp sống mới, và ở kiếp sống này thì người đó sẽ tiếp tục là “Lama”. Cách nhận diện và tìm kiếm những người “kế thừa” thì xin không bàn tới ở đây. Đến thế kỷ thứ 17 thì Mông Cổ chính thức cho Dalai Lama là thủ lĩnh, không chỉ về mặt tinh thần mà còn về mặt chính trị. Từ lúc này mà ta có các “Dalai Lama” đóng vai trò là lãnh đạo đất nước như hiện nay.

Theo truyền thuyết, “Dalai Lama” là hóa thân của Avalokiteśvara hay “Quán Thế Âm Bồ Tát”. Vua Songtsen Gampo cũng vậy. Thế nên hiểu một cách nào đó thì Tây Tạng là đất nước trước giờ được lãnh đạo bởi Bồ Tát. Trong phần tiếp, bạn đọc nếu để ý sẽ thấy sự xuất hiện trở lại của Avalokiteśvara và Phật A Di Đà. Cả hai đóng vai trò rất quan trọng trong các học phái của Phật giáo Trung Quốc. Cả hai sẽ được phân tích trong phần bên dưới.


5. Phật giáo Trung Quốc – Thiền Tông (Chan) và Tịnh Tông (Pure Land)

Ảnh hưởng quá lớn của Trung Quốc dẫn đến sự thật là đa số những gì mà ở Việt Nam mình nghĩ là “thuộc về” Phật Giáo thì hóa ra lại là một sản phẩm đặc thù thuộc về Phật giáo Trung Quốc, mà cụ thể là Tịnh độ Tông.

Phật giáo Trung Hoa – Bồ Đề Đạt Ma (Bodhidharma) và Thiền Tông Trung Quốc (Chan)

img1
Bodhidharma- Hình ảnh được sưu tầm trên mạng - Image was collected from the Internet

Cũng từ Ấn Độ, một vị cao tăng là Bồ Đề Đạt Ma (có thể sinh và mất giữa các năm 470 – 543 sau công nguyên) xuất hiện tại Trung Quốc. Theo truyền thuyết thì vị cao tăng này đã có một cuộc nói chuyện với Lương Vũ Đế, nội dung của cuộc nói chuyện này thì rất lý thú và nổi tiếng nên người viết không muốn tiết lộ ở đây, mong các bạn tự tìm hiểu. Theo truyền thuyết thì Bồ Đề Đạt Ma Là tổ chứ 28 của Thiền tông Ấn Độ, ông cũng là người đưa võ thuật Ấn Độ vào Trung Hoa, sau còn được biết là Võ Thiếu Lâm.

Để nói thêm một chút, thì lúc này đây, giáo pháp của các ông Thiền Tông Trung Quốc rất ưa thích tính “truyền thụ”, tính “chính tông”, tính “truyền thống” kéo dài từ thầy sang trò. Khá là lý thú là Duy Thức Tông và Trung Quán Tông cũng có các cặp thầy-trò nổi danh như vậy? Người viết lấy làm tò mò lắm! Quay lại với Chan của Trung Quốc, tính “chính danh”, “thầy trò”, “truyền thụ” này được coi là “trải dài” đến tận … 500 năm Trước Công Nguyên, với khởi đầu là Phật Thích Ca, rồi sau đó là đồ đệ trực tiếp của Thích Ca là Ma-Ha-Ca-Diếp (Mahākāśyapa), sau đấy là đồ đệ của Ma-Ha-Ca-Diếp là A-Nan-Đà (Ananda), … liên tiếp các cặp thầy trò như thế đến thầy của Bồ Đề Đạt Ma là Bát-Nhã-Đa-La (Prajñādhāra), thành ra theo truyền thống thì Bồ Đề Đạt Ma được coi là tổ thứ 28 của Thiền Tông Ấn Độ. Tuy nhiên, rất có thể là việc ông ấy được coi là tổ thứ 28 có thể chỉ là truyền thuyết, và thực chất có thể là hoàn toàn không có sự liên hệ “truyền thụ”, “liên tục” nào giữa Phật Thích Ca và Bồ Đề Đạt Ma.

Sau thời của Bồ Đề Đạt Ma là học trò của ông: Huệ Khả. Huệ Khả cực nổi tiếng vì truyền thuyết chủ động chặt phăng một bên tay trước mặt Bồ Đề Đạt Ma để chứng minh lòng hiếu học. Chi tiết thêm về Thền Tông Trung Quốc xin hay tự tìm hiểu thêm.

Phật giáo Trung Hoa – Tịnh Độ Tông (Pure Land)

Hình ảnh chùa chiền Trung Hoa phổ biến nhất tại Trung Quốc và Việt Nam hóa ra lại chính là Tịnh Độ Tông. Phái này thường nhận Huệ Viễn là nhà sáng lập vào năm 402. Có vài điểm lý thú của Tịnh Độ Tông mà mọi người nên biết, vì chúng lý giải nguồn gốc của những tập tục Phật giáo mà trước giờ ta thấy Phật Tử Việt Nam hoặc người tin Phật hay làm.

  • Tịnh độ Tông tin vào các cõi Tịnh độ – Là các cõi giới được “tẩy uế” (purified) của các Phật. Khái niệm Tịnh độ đã tồn tại từ rất lâu, nhưng có lẽ chỉ trong Tịnh Độ Tông nó mới trở nên đặc biệt quan trọng.
  • Tịnh độ Tông phổ biến niềm tin vào nhiều Phật. Tất nhiên, ngay từ Phật giáo Nguyên Thủy, Thích Ca đã công nhận sự tồn tại của nhiều vị Phật. Phật là “danh hiệu”, không phải là tên riêng.
  • Tịnh độ Tông đặc biệt chú trọng Phật A-di-đà (Amitābha), lý do vì sao thì sẽ rõ.
  • Tịnh độ Tông hướng tới mục tiêu là tái sinh trong cõi Tịnh độ.

Tuy nhiên, lúc này đây thì “bản chất” của các cõi Tịnh Độ lại là vấn đề còn được tranh cãi. Một vài ý kiến cho rằng các cõi Tịnh Độ là một thế giới có thật, thật như kiểu một “chiều không gian khác”, hoặc như kiểu “thiên đàng” trong Công Giáo. Một số ý kiến thì cho rằng Tịnh Độ là một dạng tu tập rèn luyện tâm trí, để có thể thay đổi cái thiên kiến bản thân để rồi nhận ra là mọi nơi đều là Tịnh Độ, thế giới này vốn là tịnh độ.

Vị Phật quan trọng nhất của Tịnh Độ là phật A Di Đà (Amitābha), phật A Di Đà cũng có cõi Tịnh độ riêng là cõi “Cực Lạc” (Sukhavati). Theo truyền thuyết, phật A Di Đà thề rằng sẽ cứu mọi chúng sinh miễn là họ chịu … gọi tên ngài. Chính vì thế này mà ta có truyền thống người Việt (và cả ở các quốc gia Đông Á khác) niệm phật bằng câu Nam Mô A Di Đà Phật (Namo Amituo Fo). Cần bổ sung là cõi Tịnh độ không đồng nghĩa với Niết Bàn (nirvana), mà chỉ là một cõi tạm nghỉ chân để từ đó lên Niết Bàn dễ hơn. Nhìn chung, về lý thuyết thì để lên cõi Tịnh Độ thì đỡ khó hơn lên Nirvana. Để lên Nirvana thì ráng phải đầu thai triệu kiếp tích tức từ từ, còn lên cõi Tịnh Độ thì, vì lý thuyết, có thể lên bất cứ lúc nào. Thành ra có lẽ thế mà nhiều người dân Đông Á ưa chuộng đến ngày nay.

Xin lưu ý là ghi chép đầu tiên về Phật A Dì Đà là từ kinh Kinh Bát Chu Tam Muội (Pratyutpanna Samādhi Sūtra), vốn là sản phẩm của Phật giáo Đại Thừa (Mayahana) và được làm trong khoảng từ thế kỷ 1 trước công nguyên tới thế kỷ 2 sau công nguyên. Tức là gần 400 năm sau thời Thích Ca Mâu Ni. Điều này dẫn đến việc là A Di Đà không hề xuất hiện trong kinh Pali kinh điển.

Bên cạnh phật A Di Đà, đừng quên là còn có hai vị thường xuất hiện là Quán Thế Âm Bồ Tát (Avalokiteśvara/Guanyin) và Đại Thế Chí Bồ Tát (Vajrapani). Câu Chân Ngôn (Mantra) nổi tiếng mà ai cũng biết là “Án ma ni bát mê hồng” (Om mani padme hum) thường được coi là gắn với Quán Thế Âm Bồ Tát. Câu này có nguyên gốc từ Tây Tạng. Về nguồn gốc của vị này thì quả thực là một chủ đề rất phức tạp. Nhìn chung thì giữa các giới học giả còn nhiều tranh cãi không hồi kết. Người viết có vọc vạch ra được một paper có tên: The Creation of Avalokiteśvara: Exploring His Origin in the Northern Āgamas, trong paper này Quán Thế Âm Bồ Tát thực chất là một dị bản của Phật Thích Ca, và sau này khi các Phật tử sùng bái A Di Đà quá thì bắt đầu tách vị này ra làm một vì bồ tát độc lập, cho ngài đi cạnh Phật A Di Đà.

Các hình ảnh khác cũng quen thuộc với Tịnh Độ Tông là các Hộ Pháp (Dhammapāla), những vị bảo hộ cho Phật Giáo. Các vị này trong Phật giáo không được thờ trọng như trong Phật giáo Tây Tạng nhưng cũng quen thuộc với dân gian Việt Nam nên mình đưa vào đây.

img1
A Di Đà - Hình ảnh được sưu tầm trên mạng - Image was collected from the Internet


6. Phật giáo Nhật Bản

Tầm thế kỷ 12, Phật Giáo từ Trung Quốc du nhập vào Nhật Bản. “Chan” (Thiền Tông Trung Quốc) trở thành Zen, ngoài ra còn có vài tông phái khác ra đời tại đây. Cũng từ thời điểm này thì những ghi chép về Phật pháp đã trở nên phổ biến, vì vậy nên mình sẽ chỉ ghi chú vắn tắt về các tông phái chính.

Chân Ngôn Tông - Shingon Buddhism

Là dạng Mật tông (Tantric Buddhism) Nhật Bản. Do Đại sư Không Hải (Kūkai, 774-835) thành lập. Cũng có nguồn gốc từ Trung Quốc.

Phật giáo Tendai - Tendai Buddhism

Xuất hiện tại Nhật chờ sư Saicho (767-822). Dòng tu này tập trung học Kinh Diệu Pháp Liên Hoa (Lotus Sutra) giống với Tịnh độ Tông Trung Quốc.

Phật giáo Nichiren - Nichiren Buddhism

Được thành lập bởi sư Nichiren vào thế kỷ 13. Ông sư này tuyên bố khá nhiều phát ngôn gây tranh cãi. Ví dụ như đề cao quá mức Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, (Lotus Sutra). Cũng như Tịnh Độ Tông Trung Quốc, Nichiren đặc biệt chú trọng đến việc niệm phật, câu niệm là “Namu-myoho-renge-kyo”.

Tịnh Độ Nhật Bản – Japanese Pure Land, Jodo và Jodoshin

Cũng từ Trung Quốc, Tịnh Độ (Jodo trong tiếng Nhật) được du nhập. Lúc này có ông sư tên Honen (1133-1212) vốn là đệ tử dòng tu Tendai. Vì mâu thuẫn nên bỏ đi và đổi sang Tịnh Độ Tông Trung Quốc, sau này ông ta tự lập nên Tịnh Độ Tông Nhật Bản (Jodo). Học trò của Honen gồm Shinran (1173-1263) lập nên tông phái Chân Tịnh Độ Tông (True Pure Land School – Jodoshin), điều đặc biệt là Jodoshin cho phép tăng nhân cưới vợ. Cho đến thời điểm này thì Jodoshin là trường phái Phật giáo nổi tiếng nhất tại Nhật. Nếu so sánh với cả các tôn giáo khác thì Jodoshin cũng là tổ chức tôn giáo lớn nhất.

Thiền Tông Nhật Bản (Zen)

Thiền tông Nhật Bản nhìn chung là khá sáng tạo hơn so với Thiền Tông Trung Quốc. Cũng từ Nhật Bản mà các phép Thiền mới lạ xuất hiện bên cạnh kiểu Thiền ngồi (Zazen) truyền thống. Tại phần này mình cũng sẽ chỉ liệt kê, bản thân Thiền Tông Nhật Bản đã quá nổi tiếng.

  • Thiền động (kinhin, Walking Meditation) – vừa thiền vừa đi bộ.
  • Thiền Thực (Zen Eating) – thiền lúc ăn
  • Nghi lễ Thiền với Trà (chanoyu – Tea Ceremonies)

Mình cũng xin dừng các giới thiệu về tông phái Phật giáo ở đây.

img1
Zen - Hình ảnh được sưu tầm trên mạng - Image was collected from the Internet


7. Tổng Kết và Nhận Xét

Đó là những giới thiệu ngắn của mình về những tông phái, học phái phổ biến trên Thế giới. Hy vọng sau hai bài tiểu luận này bạn đã có thể dư sức tự tìm hiểu, tự đi sâu vào chi tiết. Xin lưu ý là ngoài những học phái kể trên, còn vô số các học phái khác đã, đang được hình thành. Lấy ví dụ là phái Tân Thừa (Devanagari), mới sinh ra vào thế kỷ 20 của tầng lớp Dalit tại Ấn Độ chẳng hạn.

Như mình đã trình bày ở trên, có rất nhiều các tông phái Phật giáo, mà ở đó thờ tụng các vị Phật, Bồ Tát và có các giáo lý chưa chưa từng xuất hiện trong kinh điển Pali. Các tông phái này, ví dụ như Phật giáo Tây Tạng, ra đời sau ngày Phật tạ thế đến hơn 1000 năm. Độ chính xác và tính chính danh của các học phái này như thế nào thì các bạn hãy tự đưa ra quyết định.

Thứ hai, Có vẻ như càng với các dòng tu sau, giáo thuyết Phật giáo mới càng chú trọng việc tu làm sao để mà đạt chứng quả càng nhanh càng tốt. Điều này là tốt hay xấu thì mình không dám phán.

Cuối cùng, mình có một điều nghi hoặc, và thắc mắc, đó là vì sao hai nhân vật: Phật A Di Đà và Quán Thế Âm Bồ Tát lại trở nên quá phổ biến đến như vậy? Có thể trong tương lai nếu rảnh sẽ tìm hiểu thêm.

Hy vọng qua bài viết này, các bạn đã có cơ bản kiến thức của Phật giáo và có thể chủ động học hỏi sâu vào các nhánh Phật giáo mà các bạn nghĩ là phù hợp. Xin cảm ơn và hẹn gặp lại vào một ngày không xa.

Nguyễn Hoàng Sơn – sonnguyen9800 – 1/7/2023

Back To Top