SỐNG SÓT TẠI MELBOURNE – (1)
Created on: 11 Jul 21 05:45 +0700 by Son Nguyen Hoang in Vietnamese
CHỈ DẪN DÀNH CHO DU HỌC SINH!
##CHỈ DẪN DÀNH CHO DU HỌC SINH
Du học chẳng bao giờ là chuyện dễ, đặc biệt là với những cái đứa tự kỷ như mình, lúc nào cũng ú na ú nần một bụng sách vở nhưng mù tịt chuyện bên ngoài. Tuy thế, vốn bản tính là khoái viết lách và vốn vừa trải qua gần năm tháng sống tại Melbourne, hôm nay mình quyết định ngồi gõ máy nghịch phím, vừa giới thiệu qua các bạn về Melbourne – thành phố đáng sống nhất nhì nơi mình đang du học. Và cũng tiện thể giới thiệu cho các bạn biết những gì phải làm ngay sau khi đặt chân lên Melbourne.
Mạn đàm một tý, mình vốn là sinh viên năm hai tại Việt Nam. Ngôi trường mình theo học cho mỗi học sinh thời gian hai kỳ sống và làm việc tại nước ngoài dưới dạng sinh viên trao đổi. Sau gần một năm theo học, mình quyết định đi ngay khi có cơ hội và mình chọn Úc. Chẳng phải vì lý do gì đặc biệt, mà vì trường mình vốn là một chi nhánh nhỏ tách ra từ trường đại học mẹ ở Úc. Nhờ thế mà chuyện giấy tờ mình không có gì đáng phải kể đến, mọi hồ sơ cần thiết đã được hỗ trợ gần như triệt để. Chuyện mình xin hồ sơ VISA thế nào vì thế cũng không có gì phải nhắc lại. Thay vào đó, mình sẽ tập trung kể cho các bạn từng bước mình chuẩn bị, trước và sau khi qua Úc Châu như thế nào. chuẩn bị trước hành trình
Về quần áo và thời tiết: Thời gian bạn qua Úc là vấn đề phải lưu ý đầu tiên. Úc là quốc gia nằm ở phía Nam bán cầu, do đó thời gian các mùa luân phiên đổi khác với chu kỳ tại Việt Nam. Nói đơn giản, lúc xứ Việt mình đang là mùa Hạ thì bên kia đang mùa Đông, rét căm căm, tại thành phố Melbourne, có những hôm tiết trời hạ xuống dưới 5 độ. Nói như vậy để các bạn biết mà chuẩn bị quần áo trước trống rét. Khéo mà giữ sức khỏe, nếu bạn ốm thì còn tệ hơn nữa, vì phí thuốc men ở đây rất là đắt. Mấy ông bạn của mình ở đây trước khi đến ai cũng thủ sẵn cả đống thuốc, thuốc ho, thuốc cúm và nhất là thuốc kháng sinh. Duy chỉ có mình là … kệ.
Về hành trang mang theo: Quay về chủ đề, hành trang bạn mang theo xin đừng lỉnh kỉnh. Mang gì thì mang, nhưng nên giữ số vali mang theo không vượt quá hai cái. Chắc chắn là bạn phải mang đủ quần áo cùng vài vật dụng tùy thân thiết yếu: điện thoại, máy tính xách tay. Bật mí cho các bạn là mình đã quên béng mất cái sạc pin máy tính ở Việt Nam. Tin hay không thì tùy, nếu muốn chắc chắn, hãy chuẩn bị xếp hành lý trước khi bay ít nhất là một tuần. Cái này mình khuyên thật lòng. Đồng thời mình cũng khuyến khích các bạn mang theo tầm chục gói mì khô ăn dần. Vừa đến nơi ai cũng mệt và đói, có đồ ăn gặm đỡ thì còn gì bằng. Ngoài ra, bạn cũng có thể mua thêm mì chính, ở bên này không bán mì chính, nếu các bạn nấu ăn thường xuyên có thể bạn sẽ cần một ít.
Có một ông bạn của mình qua đây mang tầm một cân mì chính qua bán lại ở mấy hàng phở. Một gói mì chính mua có năm ngàn ở Việt Nam qua đây bán lại được những 20 dollar, tức xấp xỉ 20*18,000 = 360,000 Việt Nam đồng. Thật là kinh hoàng! Chuyện này do bạn mình kể, thực hư hay sao mình không dám chắc. Chỉ chia sẻ lên đây cho các bạn tham khảo.
Về tiền mặt: Thứ tiếp theo bạn chắc chắn cần mang theo là tiền mặt. Đúng thế, đừng cho rằng ở những xứ Phương Tây người ta đã bỏ dùng tiền mặt. Hoàn toàn không. Đôi lúc, bạn bắt buộc còn phải dùng tiền mặt là đằng khác. Đặc biệt, ngay sau khi bạn đặt chân lên Úc, bạn hoàn toàn chưa có thể chuẩn bị thẻ ngân hàng. Vậy, tiền mặt là phương án xác đáng nhất giúp bạn thanh toán và mua bán trong những ngày đầu qua Melbourne. Tất nhiên là cầm tiền mặt đôi khi cũng sợ bị ăn trộm. Lúc mình đến, mình chia tiền mang theo làm năm phần, 2 phần cất trong thẻ VISA giúp thanh toán ở mọi nơi, 3 phần mình đổi sang tiền mặt.
Cần lưu ý là tránh dùm thẻ VISA làm tại Việt Nam để mua hàng online tại Úc. Mình và bạn mình đều bị đánh phí hai lần, tức là mình phải trả tiền hai lần cho cùng một món đồ. Không biết có phải lỗi hệ thống hay không nữa. Nếu các bạn cần mua đồ online, tốt nhất hãy chờ cho đến khi bạn đã làm thẻ ngân hàng chính chủ tại Úc. Trong trường hợp nhận thấy mình đã bị đánh phí hai lần, hãy mạnh dạn liên hệ với bên bán hàng để giải quyết.
Về chuyện thuê nhà: Tốt nhất, hãy kiếm nhà ngay từ lúc ở Việt Nam. Nếu bạn còn trẻ, vẫn còn e ngại trong lần đâu xa nhà, lời khuyên chân tình là bạn nên kiếm chủ Tây và ở dưới hình thức Homestay. Có một bạn của mình làm như thế. Liên hệ hẳn với chủ Tây rất dễ. Tuy nhiên, tiền thuê nhà kiểu này thì đắt hơn một chút so với bình thường.
Nếu bạn tự tin là mình đủ tốt để xử lí các tình huống, hãy trực tiếp mướn phòng ở riêng. Trước khi qua đây, mình với bạn mình sử dụng trang web flatmate, đấy là một ứng dụng cầu nối giữa người có phòng và người muốn thuê. Trực tiếp liên hệ với chủ nhà là rất đơn giản, bạn đăng kí tài khoản, chọn nhà, liên hệ với chủ và nói chuyện. Bạn cũng có thể xoay xở gửi một chút tiền qua cho chủ nhà làm tin. Xử trí linh động sao cho không để mất nhà cũng là cả một nghệ thuật. May mắn là không bạn nào của mình bị lừa đảo tiền đặt cọc. Có lẽ nơi mình sống là ở trung tâm thành phố nên mọi thứ an ninh và đảm bảo.
Lúc mình chọn nhà, mình đề bạt nguyện vọng cho mình gửi tiền cọc khi mình qua Úc. Chủ nhà đồng ý cái là mình cũng yên tâm. Vậy là khoản chỗ ở mình đã tạm yên tâm trước khi qua Úc 2 tuần.
Hồi trước khi qua, mình cùng một hội sinh viên Việt Nam đã muốn kiếm một cái nhà thật to rồi ở cùng nhau. Thế rồi chẳng hiểu thế nào, sau này cứ mỗi người ở một phương. Thực là đáng tiếc.
Nếu bạn không muốn ở Homestay, nhưng bạn cũng không muốn thuê và tin tưởng người lạ. Lựa chọn hay nhất mình nghĩ tới cho bạn là Unilodge. Unilodge là gì, nó là hệ thống nhà ở được xây nguyên cho sinh viên, đặc biệt là du học sinh. Bạn cứ tưởng tượng nó là một căn chung cư dành riêng cho sinh viên ở. Có phòng đơn, phòng đôi. Mọi thứ đều đầy đủ tiện nghi. Có khu giải trí, có khu nấu ăn chung, nấu ăn riêng. Mọi phòng sinh hoạt chung ở đây đều được dọn dẹp sạch sẽ như khách sạn năm sao.
Nhược điểm duy nhất ở nơi này là … mắc tiền. Tùy vào vị trí, mỗi khu Unilodge có giá tiền khác nhau. Hãy cân nhắc sao cho thật cẩn thận. Phía dưới đây là chuyện của anh bạn tốt mình thường hay chơi cùng, các bạn xem tham khảo:
Trước khi qua đây, bạn mình đặt phòng trên khách sạn, phòng gần trung tâm, sáu người một phòng. Bạn đặt phòng trong vòng 10 ngày. Trong 10 ngày đó bạn tìm nhà. Tìm nhà cực quá, bạn đăng kí ở luôn Unilodge trong vòng một năm. Khu bạn ở cách trường tầm năm cây số. Bạn cũng mua thêm một chiếc xe đạp nhỏ và làm luôn một cái thẻ đi xe điện một tháng. Khi qua trường thì bạn đi xe điện, khi bạn buồn chân thì lại có chiếc xe đạp nhỏ làm vui.
Về chuyện chọn vị trí nhà: Ở Melbourne, các bạn hãy tưởng tượng cả thành phố như những vòng tròn nhỏ đồng tâm. Vòng tròn nhỏ nhất là trung tâm thành phố, vòng tròn kế là các quận (suburb) ở xung quanh trung tâm, cuối cùng, to nhất, là những vùng ở xa, rất ra ngoài rìa thành phố đổ lại.
Trung tâm thành phố thường được gọi là Melbourne CBD, các quận rìa trung tâm có thể kể đến như là Carlton, Richmond, Brunswick, Footscray, … Các quận xa xôi có thể nói đến như là Caulfield, Hartwell, Box Hill, West Footscray, Thomastown, …
Nguyên lý là cứ càng xa trung tâm thì tiền thuê càng rẻ. Nếu bạn mới đến Melbourne, mình khuyên các bạn nên thuê những căn ở trung tâm hoặc ở gần rìa trung tâm. Mọi thứ an ninh hơn, đảm bảo hơn. Các quận mình khuyên bạn là các quận phía Bắc, phía Tây và phía Tây Bắc thành phố. Những nơi này dân thưa hơn, sống thoải mái, yên bình, không chen chúc. Lúc mình mới đến, mình ở quận Carlton – vốn là khu của người Ý. Ở đây cắt ngang qua đường Lygon – con đường nơi các nhà hàng đắt tiền hoạt động. Mấy lần đi qua nhìn đồ ăn thích mê mà đến giờ chưa lần nào thử. Bạn nào thích sống với người Việt Nam thì nên chọn sống ở một trong hai khu Richmond hoặc Footscray. Khi nào nghe Tiếng Anh nhiều đến phát ngán thì qua đây đây chơi, ăn phở Việt, nói Tiếng Việt cho đỡ nhỡ.
Theo cảm nhận của mình thì người Việt ở hải ngoại thích ở các quận rìa trung tâm hơn. Trong khi dân Úc gốc thì thích sống ở xa, sống ở mãi các quận bên rìa. Tất nhiên, không phải cứ gần là tốt, có những nơi rất xa trung tâm những lại gần biển, tiêu biểu là St.Kilda, mình đến nơi này chơi và đã choáng ngợp về sự nhộn nhịp nơi đây, kể cả khi hôm đó là thứ hai đầu tuần. Rất thú vị là ở đây có mô hình thái dương hệ được sắp xếp theo đúng với tỷ lệ khoảng cách các hành tinh trong thực tế.
Phần một xin dừng lại tại đây, phần hai mình sẽ chia sẻ tiếp những điều cần làm trong 10 ngày sau khi qua Úc. Ảnh nền phía trên tiêu đề được sưu tầm trên mạng, muốn biết đấy là đâu thì gõ Melbourne Carlton Park vào ông gúc gồ rồi hỏi.
Sơn Nguyễn, Melbourne, Ngày 25 tháng 11, 2018. Viết trong một đêm mùa hè mà trời lạnh đến 16 độ.