SỐNG SÓT TẠI MELBOURNE – (2)

Created on: 11 Jul 21 05:45 +0700 by Son Nguyen Hoang in Vietnamese

CHỈ DẪN DÀNH CHO DU HỌC SINH!

Melburnian_Skyline

Những Ngày Tiếp Theo

Như đã hứa tuần trước, hôm nay mình lại cặm cụi ngồi gõ nốt phần hai. Phần này sẽ chỉ dẫn chi tiết mọi người vài điều du học sinh nên làm ngay sau khi đáp máy bay xuống Melbourne. Cần lưu ý rằng, tuy khuôn khổ bài viết chỉ gói gọn trong thành phố nơi mình đi du học, mình thiết nghĩ những chia sẻ này hoàn toàn có thể áp dụng ở mọi nơi, điều quan trọng là bạn hãy khảo sát và nghiên cứu thật kỹ mọi thứ liên quan đến nơi mình sẽ sống trước khi đi. Càng biết nhiều bao nhiêu, bạn sẽ càng ít bỡ ngỡ.

Kết thân với nhiều người cũng là cách tốt để học tập và làm quen. khi qua đây, mình quen thêm ba bạn Việt Nam nữa ở cùng nhà, mình cùng các bạn cùng là người Việt, cùng ở chung, thỉnh thoảng chia sẻ với nhau, nói chuyện và học hỏi kinh nghiệm. Giờ nghĩ lại, nếu các bạn một thân một mình đến đây không ai thân thích thì chắc chắn mọi thứ sẽ vô cùng thử thách. Nếu bạn sắp đi du học, đừng ngại ngùng kiếm những group (nhóm) du học trên facebook và hỏi han tình hình cũng như học tập từ các anh chị đi trước. Cộng đồng du học sinh Việt Nam ở Úc là rất nhiều, đối với các quốc gia khác chắc cũng như vậy. Cứ lên facebook, bạn tất sẽ kiếm được người sẵn sàng giúp đỡ.

Khỏi nói linh tinh, mình xin đi vào mục quan trọng: những ngày đầu tiên ở Úc, ta nên làm gì?

NHỮNG NGÀY ĐẦU BẬN RỘN

Vài thủ tục hành chính: Bạn sẽ phải đảm bảo giấy tờ với khu nhập cảnh bên Úc là bạn không mang bất cứ thứ gì gây hại cho môi trường, thực và động vật của họ. Ở Úc, hệ sinh thái ở đây tách biệt với thềm lục địa Á-Âu từ khá lâu. Do đó, thiên nhiên ở đây cũng cực kỳ đặc biệt, bạn không thể tìm thấy Kangoroo ở đâu, ngoài Úc. Khỏi nói, còn vô số những con “trân cầm dị thú” nữa ở đây mà không nơi nào có. Vì lý do này, bạn bị cấm mang những thứ có thể gây hại cho thực/ động vật nội địa. Ví dụ có thể kể đến là các loại hạt hoặc thịt động vật mang từ nước ngoài.

Kể phức tạp như thế nhưng quy trình thì cực kỳ đơn giản. Bạn nhìn quanh thấy một tờ đơn thì điền vào. Ký tên, viết thông tin rồi nộp cho khu nhập cảnh. Không có gì phức tạp hết. Vì người Việt ở Úc khá nhiều, nên nếu bạn để ý thì sẽ có mẫu đơn bằng Tiếng Việt.

Làm Sim Điện thoại: Đây là điều quan trọng nhất nhì khi bạn vừa đặt chân xuống đây. Không có Sim điện thoại thì bạn cũng khỏi liên lạc, khỏi có mạng để dùng (hầu hết sân bay và vài địa điểm công cộng có phủ sóng WIFI miễn phí, tuy nhiên không phải tất cả), mà khỏi liên lạc thì bạn cũng chẳng thể gọi cho chủ nhà, người bạn cất công tìm đặt chỗ từ trước.

Tất nhiên, ngay khi bạn đặt chân xuống sân bay, người của những nhà mạng sẽ đón bạn gần như ngay lập tức, sẽ có một quầy hàng nho nhỏ nơi bạn có thể mua SIM điện thoại. Ô la! Đây là dịp đầu tiên để bạn dùng tiền mặt ấy nhỉ. Chỉ khoảng dưới 50 Dollar úc cho một tháng thuê bao, bao trọn cước gọi nội địa. Hai nhà mạng bạn nên chọn là Testra hoặc Vodaphone. Mình lựa chọn cái thứ hai. Tuy nhiên, mình không làm ngay tại sân bay, mà làm tại chi nhánh Vodaphone trong CBD.

Đối với trường hợp của mình, mình phải đưa ra Passport và vài giấy tờ xác thực nhập cảnh từ chính phủ Úc. Sau khi xác thực xong, bạn sẽ được yêu cầu cung cấp số ngân hàng, vì ở đây các bạn sẽ trả cước phí trực tiếp qua tài khoản ngân hàng. Tất nhiên, lúc này bạn chưa có tài khoản ngân hàng, không sao hết. Bạn sẽ được cho thời gian một tuần hơn để cập nhật thông tin. Giờ thì bạn đã có SIM điện thoại rồi. Nhấc điện thoại lên gọi vô tư nào!

Internet 4G ở Úc theo mình là rất tốt. Tuy nhiên, mạng bình thường thì lại có vấn đề. Thực ra mạng ở Việt Nam được coi là khá tốt trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Theo đánh giá của Akamai (2017) thì tốc độ mạng Việt Nam xếp thứ 61, Úc xếp thứ 64 trong toàn thế giới. Theo bạn mình nói thì, ở Úc, vẫn còn nhiều nơi dùng dây đồng để truyền tín hiệu mạng. Hơn thế nữa, ở đây nhà mạng Testra gần như thống trị lĩnh vực này. Những nhà mạng còn lại cạnh tranh không nổi và có chất lượng rất kém (Nguồn: bạn mình; xin đừng hỏi thêm).

Làm thẻ ngân hàng: Tiền mặt chỉ tiện lợi ban đầu thôi. Làm một cái thẻ ngân hàng hẳn hoi là điều quan trọng nhất nhì kế tiếp. Trong khi ở Việt Nam còn quen dùng kiểu thẻ quẹt và máy quẹt dùng khe cắm, thì ở đây người ta dùng thẻ chỉ cần “chạm”. Bạn chạm nhẹ thẻ vào đầu đọc là được. Tất nhiên, khe cắm vẫn tổn tại cho những ai dùng thẻ kiểu cũ.

Với là du học sinh, bạn nên đăng kí làm thẻ tại Common Weath Bank, mình nghĩ ngân hàng này là tốt nhất dành cho sinh viên. Chi nhánh ngân hàng năm ngay gần Ga Tàu Trung Tâm (Melbourne Central Station), phía dưới đại học RMIT. Hồ sơ làm rất đơn giản, bạn chỉ mất tầm 30 phút, cung cấp chỗ ở hiện tại, Passport, số điện thoại (bắt buộc) – đây là lý do vì sao phải làm SIM điện thoại trước, cùng vài giấy chứng thực từ đại sứ quán (thứ bạn phải có trước khi qua đây), chọn mã PIN, cuối cùng là kích hoạt tài khoản qua điện thoại. Vậy là đủ. Thẻ của bạn sẽ được đưa đến nhà sau một tuần đến 10 ngày.

Bạn không tốn bất kì chi phí gì hết để làm thẻ. Theo mình đây cũng là một điểm rất vượt trội so với ngân hàng Việt Nam. Hơn thế nữa, bạn không phải tốn thời gian qua ngân hàng đăng kí làm thẻ khi thẻ bị mất. Bạn có thẻ báo mất thẻ online và xin cấp thẻ bằng ứng dụng điện thoại.

Mọi ngân hàng ở đây đều có ứng dụng riêng trên điện thoại. Mình dùng Common Weath Bank thì có ứng dụng riêng của Common Weath Bank, ứng dụng này cực tốt, mọi thao tác giao dịch dưới 100 Dollar đều được chuyển cực nhanh, cực tiện. Ngoài ra còn có vài thú vị nho nhỏ nữa, thôi mình không kể cho các bạn tự vọc cho vui.

Một câu chuyện phiếm của mình, kể cho các bạn nghe để các bạn xem chuyển khoản ở đây nhanh thế nào. Bạn mình với mình qua đây ăn KFC. Mình với bạn gọi phần mỗi đứa 15 AUD. Mình bảo bạn để mình trả cho, rồi ăn xong bạn gửi tiền cho mình qua ứng dụng điện thoại. Vừa nói xong là bạn gửi cho mình tiền qua ứng dụng, rồi tầm 5 giây sau, gần như tức thì, là mình quẹt vào máy trả tiền cho hai phần ăn 30 AUD. Mọi chuyện rất suôn sẻ, ăn xong, mình kiểm tra ứng dụng thì trong thẻ còn có 5 AUD? Vậy tức là sao? Tức là lúc đầu mình chỉ có 20 AUD, không đủ trả tiền ăn. Chỉ trong tích tắc 5 giây trong lúc ông bạn mình nhấn nhấn trên ứng dụng, 15 AUD đã được chuyển thẳng vào tài khoản của mình, vừa kịp sau đó để mình quẹt trên máy bán hàng ở KFC! Rất bất ngờ!

Làm thẻ di chuyển (MyKi): Tại Melbourne, hệ thống tàu điện ngầm và xe điện cực kỳ phát triển. Đúng, các bạn không nhầm đâu, xe điện ấy. Trong khi ở Hà Nội,hệ thống xe điện leng keng đã sớm bị dỡ bỏ sau đầu thập niên 90, tại Melbourne, người ta vẫn chuộng hình thức di chuyển này. Hình ảnh chiếc xe màu xanh xanh lá cây đi ngang dọc trên các tuyến đường cổ theo mình là thứ đáng nhớ và nổi bật nhất tại Melbourne. Hình ảnh dính kèm dưới sẽ giúp bạn tưởng tượng xe điện Hà Nội xưa thế nào, và xe xe điện ở Melbourne ngày nay ra sao (trên):

Như bài viết trước đã nhắc đến, có thể chia Melbourne thành những vòng đồng tâm. Ở giữa cùng là CBD, trung tâm thành phố, sau đó là đến các quận (Suburb) vùng ven trung tâm, cuối cùng là các quận ở tít ngoài cùng. Các quận được kết nối với trung tâm qua mạng lưới đường tàu điện ngầm (train) , tram (xe điện) và bus. Mình không thể đào sâu phân tích vào hệ thống này, nhưng nói sơ qua thì cách bài trí vị trí cho mỗi bến và tổng quan thiết kế của cả mạng lưới di chuyển là cực kỳ tốt, cực kỳ logic và hiệu quả. Là học sinh du học, để di chuyển, không gì tốt hơn là dùng thẻ MyKi – loại thẻ người dân Melbourne dùng để di chuyển trên các hệ thống Train, Tram và Bus. Ở đây không có soát vé, trong mỗi Tram và Bus người ta đặt một cái máy quét. Bạn cầm thẻ MyKi tự giác quẹt trên máy là tự động bạn được coi là có vé đi hợp lệ. Đối với Train thì trước mỗi ga tàu cũng có một cái máy gần gần như vậy. Cứ đến là bạn sẽ rõ liền.

Hệ thống MyKi hoạt động gần giống thẻ ngân hàng. Bạn mua thẻ từ 7Eleven (nghe quen chứ?) hoặc từ vài điểm dịch vụ bên ga tàu. Có nhiều hình thức nạp tiền vào thẻ, nhưng dễ nhất là bạn tự nạp bằng máy nạp MyKi (MyKi Machine) – có sẵn ở các ga tàu và bến Tram. Bạn có thể nạp bằng thẻ hoặc xu. Cứ thế, bạn dùng bao nhiêu thì nạp bấy nhiêu. Nếu thẻ của bạn hết tiền, khi bạn quẹt MyKi trên máy quét tại Tram (hoặc Bus), máy quét sẽ báo lỗi liền. Tất nhiên, việc bạn xuống xe hay là đi trốn vé thì lại hoàn toàn tùy thuộc vào bạn – không có soát vé mà. Ảnh phía trên là một cái thẻ MyKi, bên dưới là một MyKi Machine.

Làm thẻ di chuyển giảm giá: Trừ học sinh cao học (Post-graduate), mọi sinh viên đều được hưởng ưu đãi giảm tiền khi di chuyển bằng Train, Tram, Bus. Đầu tiên, tùy vào trường bạn theo học, bạn sẽ nhận được một thư điện tử kèm tờ đơn chứng nhận từ trường bạn theo học. Bạn in tờ đơn ra, điền đơn và đưa cho phòng dịch vụ bên mỗi ga tàu lớn là có ngay thẻ di chuyển giảm giá. Với thẻ này, bạn có thể mua vé MyKi ưu đãi, mọi di chuyển từ giờ với thẻ MyKi đặc biệt này đều được hạ giá 50% so với thẻ MyKi thường.

Bạn cũng có thể đăng kí tiếp gói di chuyển bao trọn trong một tháng. Với thẻ MyKi ưu đãi và gói dịch vụ một tháng, bạn chỉ tốn có 70 AUD để di chuyển thoải mái trong khu vực 1 và 2 tại Melbourne. Trong trường hợp bạn muốn đi du lịch xa đến tận tỉnh thành khác (ví dụ như thành phố Geelong), phí trả sẽ tốn thêm một ít cho mỗi lần đi.

Làm thẻ bảo hiểm y tế: Cái này thì tùy trường bạn theo học, bạn sẽ hưởng ưu đãi bảo hiểm khác nhau. Việc làm thẻ này phụ thuộc vào nơi bạn học nên mình không đi sâu. Giấy tờ cần thiết đều làm Online. Thẻ bảo hiểm này cũng như thẻ ngân hàng, đều được đưa đến tận nhà.

Giắc cắm dành cho thiết bị điện: Chuẩn giắc cắm của các thiết bị điện là khác nhau đối với từng quốc gia. Cái này mình qua Úc mới biết. Ở Việt Nam, hầu hết đồ dùng điện dùng giắc cắm theo chuẩn Mỹ. Ở Úc lại khác, cái này phải có hình ảnh mới rõ. Hình bên trên là chuẩn giắc cắm ở Việt Nam, bên dưới là chuẩn giắc cắm bên Úc.

Chính vì thế, khi qua Úc, hầu hết đồ dùng điện của bạn mang từ Việt Nam phải được cắm qua đầu chuyển đổi điện đặc thù (Plug Adapter). Khỏi lo về chuyện này, nhanh nhất, bạn có thể qua 7Eleven mua một cái. Ngoài ra, ở đây cũng có vài cửa hàng điện khá nổi tiếng như là JB Hi-fi, Harvey Norman … Cứ qua đó hỏi là nhanh nhất.

Ăn uống linh tinh: Mình phân loại độ đắt rẻ của món ăn tại các nhà hàng Melbourne như sau:

  • Từ 5 - 10 Dollar một món: Đây là mức rẻ nhất. Chỉ có các tiệm ăn nhanh (fastfood) mới phục vụ những món thế này. Đây là những món rẻ nhất trần đời. Dành cho sinh viên và dân lao động muốn tiết kiệm tiền.

  • Từ 10 – 30 Dollar một món: Từ khá đến rất ngon. Tại Melbourne, những món ăn thế này được ưa chuộng và hợp với túi tiền của đa số người dân. Úc giờ là quốc gia đa văn hóa, người tứ xứ đổ về đây, trong đó có Việt Nam, Thái Lan, người Trung Quốc, người Ấn, … Đa phần là họ mở những quán ăn tầm trung như thế này. Đồ ăn hầu hết là rất ngon, rẻ, đa dạng, …

  • Từ 30 Dollar một món trở lên: Món ăn đại gia rồi. Mình trước giờ chưa bao thử.

Tại Úc, mình khuyên các bạn nên học cách tự nấu ăn. Nếu siêng nấu, bạn có thể chuẩn bị đồ ăn cho cả ngày chỉ với 4 đến 8 Dollar cho một người. Đồ tươi sống theo mình là rẻ với mức thu nhập con người ở đây. Ví dụ, một cân thịt bò xay loại thấp nhất ở siêu thị Woolworth là 7 Dollar. Nói là giá rẻ nhất tại đó, nhưng theo mình thì ăn vẫn ngon như thường. Trung bình, đồ thực phẩm mà Úc sản xuất được thì giá cũng thường rẻ hơn Việt Nam.

Chợ, Siêu Thị: Bạn muốn đồ chất lượng cao, hàng xịn, thực phẩm tươi, ngon và đảm bảo? Lựa chọn Woolworths, đây là chuỗi siêu thị theo mình là bán thức ăn ngon nhất, đa dạng và chất lượng nhất. Chỉ có điểm trừ là mọi thứ đều hơi mắc – giá nào của nấy. Kế sau đó là Coles Supermarket. Mặt hàng tại Coles ít đa dạng hơn, giá không mắc bằng. Sau cùng là Aldi, nơi giá thấp nhất, du học sinh ưa chuộng nhất. Nói là thấp nhất, đồ không xịn bằng những đây vẫn là ÚC nhé các bạn. Thực phẩm ở đây vẫn rất tốt. Hàng hóa vẫn luôn có những thứ cơ bản.

Ở trong CBD, nổi tiếng nhất là chợ Queen Victoria. Bên các vùng ngoại ô cũng không thiếu chợ. Ở vùng Footscray, có một khu chợ rất lớn bên trong toàn người Việt. Trước khi vào chợ hãy lưu ý đừng quên tiền mặt.

Đó là hầu hết những điều cơ bản mình muốn nói cho các bạn đang và có ý định đi qua Úc, mà cụ thể là Melbourne để du học, để sống và làm việc. Phần sau, mình xin đưa ra vài lời khuyên ngắn dành cho các bạn. Hầu hết là đúc rút từ kinh nhiệm cá nhân và từ bạn bè mình quan sát được.

VÀI ĐIỀU MÌNH KHUYÊN

  • Đi thăm thú xung quanh là điều nên làm.

Có chuyến tàu điện số 35 là chuyến đặc biệt dành cho khách du lịch. Khách đi chuyến này sẽ được chở đi một vòng quanh trung tâm thành phố (CBD). Bạn mới tới thì nên dành một hôm bắt chuyến này đi chơi. Đảm bảo sẽ được như ý.

  • Tự nấu ăn được là tốt nhất.

  • Đừng ngại giao tiếp bằng Tiếng Anh.

  • Tiết kiệm là quốc sách. Mua nhiều đồ, thức ăn mà không dùng là rất phí.

  • Ở đây có chính sách đổi trả hàng hóa trong vòng 28 ngày. Điều kiện là bạn phải giữ hóa đơn. Vậy đó, đừng để mất hóa đơn.

  • Có kiếm việc thì ráng kiếm cái việc tử tế, đóng thuế đầy đủ là tốt nhất. Tránh xa mọi chỗ làm trốn thuế.

  • Tuân thủ luật pháp.

  • Nếu muốn mua bia, rượu thì bắt buộc phải có Passport. ###TẢN MẠN

Mình thích vẻ đẹp của Melbourne. Melbourne rất đẹp, rất nên thơ. Có con sông Yarra hiền hòa chảy qua. Có những tòa nhà mái vòm đạm chất cổ điển. Có những nhà thờ tráng lệ, những khu vườn bát ngát đầy cây hoa, những khu giải trí, bãi biển, … rất đẹp và thoải mái. Rất cổ điển nhưng cũng rất hiện đại. Melbourne là sự kết hợp của cả hai thứ ấy.

Sau vài tháng sống ở đây, rốt cuộc mình cũng hiểu vì sao người người đua nhau tìm cách ra nước ngoài sống. Họ qua rồi, họ còn mang cả con cái, người thân, bố mẹ qua luôn. Cũng hợp lý thôi. Cơ sở hạ tầng ở đấy là quá tốt. Không khí không ô nhiễm. Chẳng trách sao có mấy người đi qua rồi không muốn quay về. Cũng chẳng có gì đáng nói, chỉ có một điều là ở đây, theo mình đã chẳng còn là đất của người da trắng nữa rồi. Qua nửa người mình gặp trên đường bây giờ là người Châu Á, Ấn Độ, dân Trung Đông Hồi Giáo. Ở các vùng ngoại ô chắc chắn là ít hơn, nhưng thể nào là vẫn có. Họ cũng như người Việt Nam, qua đây tìm đến một mảnh đất phát triển hơn, để mà lập nghiệp, để mà làm ăn.

Thế nhưng, nếu ai cũng làm như thế thì ai còn ở lại mà còn gây dựng đất nước? Tự nhiên mình nhớ đến nội chiến Syria vẫn đang xảy ra. Từ lúc xảy ra nội chiến, đã có 5.6 triệu người – rời bỏ đất nước đi ra Châu Âu. Mình có xem một thước phim nói về người tị nạn, xem qua thôi, thì thấy toàn thanh niên tuấn tú. Sức dài vai rộng sao không ở lại chiến đấu? Nên nhớ là 5.6 triệu người là ngang bằng quân đội Việt Nam rồi ấy nhé (tính cả quân dự bị).

Thôi thì cũng tặc lưỡi cho qua, chỉ lưu ý rằng, năm xưa chính người da trắng dẫn quân đi mở mang bờ cõi, xây dựng cực lực mới được như ngày hôm nay. Giờ thì ngay tại chính mảnh đất năm xưa, người tứ xứ thập phương đang ở đó. Liệu rằng nền văn hóa Châu Âu sẽ thế nào? Liệu nó có thể giữ nguyên trạng như ban đầu, hay sẽ bị biến tướng và bị đồng hóa ngược bởi những nền văn hóa khác. Xấu hổ quá nhưng từ lúc qua đến giờ mình chỉ ăn ở nhà hàng Việt Nam và Thái Lan không. Chưa có bao giờ vào một tiệm ăn Tây đích thực (trừ tiệm ăn nhanh).

Và giả như, văn hóa Châu Âu thay đổi, và trở thành một cái văn hóa Toàn Cầu, Đa văn hóa. Liệu nền văn hóa này có thể đứng vững trước thời gian? Nếu một ngày kia cả thế giới có chung một nền văn hóa độc nhất? Điều gì sẽ xảy ra tiếp theo? Xin để ngỏ câu trả lời cho các bạn. Mình xin dừng cào phím ở đây. Chúc mọi người đọc có một khoảng thời gian vui vẻ, hạnh phúc bên cạnh những người bạn yêu thương. Xin chào tạm biệt và hẹn gặp lại.

Sơn Nguyễn, Melbourne, Ngày 1 tháng 12, 2018. Viết trong khi đang mộng mơ

Back To Top