Tôi nói gì khi nói về đi bộ

Created on: 07 Aug 22 00:02 +0700 by Son Nguyen Hoang in Vietnamese

Tản mạn về chuyện đi bộ. Và vì sao ta nên đi bộ nhiều hơn.

Thumbnail 1

Sài gòn sáng hôm nay đánh thức người ta bằng một trận mưa điên rồ. Mưa độ bốn mươi phút, không một tiếng sấm báo trước. Người ta chỉ biết giật mình khi tiếng mưa đập thẳng vào mái tôn lộp độp như thể hàng triệu mũi tên đồng loạt cắm xuống. Mưa tầm tã đánh thức cả những người lười biếng nhất, những kẻ ngủ say cố tình nằm thêm một hai tiếng tranh thủ dịp cuối tuần.

Ấy, nghe tôi miêu tả thế nhưng hóa ra trời mưa như vậy người ta thích lắm. Có lẽ như ông trời cũng như con người, tức là có cái thói quen dọn dẹp rửa trôi những đồ đạc lỉnh kỉnh vào dịp cuối tuần. Chỉ khác lần này ông trời tưới nước mát cho cả cái thành phố. Trời mưa làm sạch cả dãy đường bám bụi và mang lại một sự tươi mát trắng ngần. Sài Gòn như thể một li thủy tinh có lại sự sạch sẽ và tinh khôi. Điển hình là khi vừa mở cửa ta đã thấy cái trong trẻo của khí, của cây, của cái sức sống mới từ cơn mưa giờ len lỏi vào từng con người qua cái hơi mát dìu dịu. Sài Gòn mát. Mát một cách ngây thơ, mát một cách trong trẻo. Và dù mưa chưa ngừng hẳn mà vẫn lách tách vài giọt như còn lưu luyến trần thế, tôi vẫn không thể kìm được mà xỏ chân vào đôi giày chạy để đi bộ.


Đi bộ đối với nhiều người là một cách để bảo vệ sức khỏe, để cốt giữ cho cái cơ thể được lành mạnh, để máu lưu thông, vân vân và vân vân. Có một bài nghiên cứu khoa học mà trong đó khẳng định: chạy bộ và đi bộ mang lại hiệu quả tích cực tương đương nhau đối với hệ thống tim mạch. Vậy tức là ta không nhất thiết phải chạy, phải thở hổn hển để có ích lợi về mặt sức khỏe, đôi khi chỉ cần đi tản bộ là đủ. Tất nhiên là đi chạy cũng có cái lý thú của nó, nhưng hãy để dịp khác hãy bàn. Quay về cái việc đi bộ, chắc một trăm lẻ một phần trăm là tôi không đủ khả năng phân tích được ích lợi sinh học của nó, thêm nữa là tôi chắc chắn không muốn bài viết này trở nên dông dài vì những lý thuyết về cơ thể mà tôi chôm chỉa ở đâu đâu. Cuối cùng, ngay từ đầu đã không quan tâm tới những lợi ích sức khỏe thuần túy. Tôi thích đi bộ, chỉ đơn giản thế thôi.

Tất nhiên là ở quá khứ, không ai có thể chọn cho mình để thích việc đi bộ. Đơn giản là vì họ phải đi bộ. Trước cả khi đi học thì tôi đã nhớ câu chuyện ông ngoại tôi kể về thời ông học cấp ba. Ông kể rằng hồi ấy ông đi bộ hằng ngày từ làng Cót lên trường Chu Văn An. Chặng đường cũ giờ đã thay da đổi thịt, nhưng tôi vẫn đoán ông ngoại tôi cũng phải mất đến ba chục, bốn chục phút có khi để đi lên trường. Ông là một người trong cái thế hệ ấy. Cái thế hệ vĩ đại, mà trong đó đã có hàng nghìn, có thể lên đến hàng vạn những người khác đã vận chuyển hàng tiếp tế lên Điện Biên Phủ cho lực lượng Việt Nam vây đánh quân của Christian de Castries! Lúc ấy thì hẳn nhiên làm gì có ô tô xe máy, các ông các bác chỉ có cái xe đạp thồ với sức người mà vẫn vượt núi vượt đèo.

Con người ta thật mạnh mẽ. Sau này, tôi được biết là cơ thể chúng ta có sức đi và chạy rất tốt. Con người có thể đuổi các loài động vật khác đến khi chúng kiệt sức, hoặc không chịu nổi mà buộc phải dừng lại tấn công! Bí mật của con người nằm phần nhiều ở hệ thống lỗ chân lông giúp điều hòa nhiệt độ cơ thể hiệu quả. Hệ thống này là lợi thế mạnh nhất khi chúng ta phải đi bộ, hoặc chạy đường dài. Nói miên man thế nhưng tóm lại là cơ thể của bạn và tôi được tiến hóa để đi bộ. Không tin à? Cứ thử xem. Hãy một lần thử đi, đi mãi. Rồi bạn sẽ ngạc nhiên là bạn đi xa hơn nhiều so với bạn tưởng đấy.


Image 2

Tất nhiên là tôi không đi xa và đi nhiều như các bậc lão thành cha chú, lại càng không thể đi bằng những tổ tiên xa xôi từ thời con người còn săn bắt và hái lượm. Dẫu sao thì tôi vẫn đi bộ từ thường xuyên thời tiểu học. Những ngày đầu còn bỡ ngỡ thì mẹ tôi đèo tôi đi trên cái xe Max màu trắng. Bẵng một khoảng thời gian thì tôi tự đi học lấy, tự xách cặp bước lon ton từ nhà đến trường. Tôi đi bộ, tất nhiên là thế. Hầu hết thời gian tôi sẽ rảo bước qua một con ngõ không tên. Trường tiểu học của tôi nằm gọn trong một con ngõ như thế. Gọi là ngõ nhưng nó vẫn đủ rộng để một cái xe ô tô đi qua mà không gặp quá nhiều khó khăn, phần vì ngõ nhỏ là một chuyện, nhưng phần khác có lẽ vì con đường ấy không có gì đẹp đẽ, tinh tươm gì cho cam. Một con đường rất bình thường, mặt đường không đều, chỗ cao chỗ thấp, chỗ thì tráng bê tông chưa hết, nơi thì lỗ chỗ đường cống thoát nước. Tuy thế nhưng đây lại là điểm họp chợ đắt giá và hai là nơi này giống với một con đường chuyển tiếp giữa đường cái với những con ngõ hẻm khác còn thâm sâu hơn bên trong khu làng, thành ra nơi này lúc nào cũng có xe đi qua đi lại.

Một con đường như thế tuy chưa hẳn là nơi lý tưởng để đi bộ, nhưng không phải là không có gì hết để mắt ta ngắm nghía. Tôi có một niềm tin chắc cú là người ta chỉ có thể thật sự ngắm nghía khi đang đi bộ. Cơ thể của chúng ta đã trải qua nhiều triệu năm tiến hóa trong một thế giới hoàn toàn không có động cơ đốt trong và những thứ xa xỉ phẩm giúp người hiện đại đi cả trăm dặm một giờ trong buồng máy lạnh. Có vài người đã nói với tôi là ngồi trên ô tô hay tàu hỏa nhìn ra ngoài thì chỉ thấy chán ngán. Tôi không bất ngờ với việc ấy. Từ sau tấm cửa kính ta thấy gì được ở ngoài kia? Những vệt mờ nhỏ nhoi của mấy mái nhà đến rồi lại đi? Những bóng cây xanh thấp thoáng cây này chèn cây khác? Tôi tin là bộ óc của con người không mấy gì thích thú khi nhìn những thứ này di chuyển nhanh như vậy. Trên hết, chúng ta không được tiến hóa để đi ô tô và máy bay!

Đi bộ lại khác. Tốc độ bước đi của chúng ta là lý tưởng để bộ não có thể xử lý những thông tin nó nhìn thấy, để có thể vừa di chuyển trên xavan đồng cỏ mà vừa có thể chú ý những loài rắn rết nguy hiểm có thể ẩn tàng trong cây lá. Chẳng nói đến cặp nhãn quan, khi đi bộ cũng là lúc để mà xúc giác, khứu giác và thính giác có thể tiếp nhận thế giới trong một nhịp độ phù hợp. Không quá nhanh, cũng không quá chậm. Lắng tai một tý là ta nghe rõ được mồn một lời kêu ca của một bác gái thua đề, tiếng hí hửng của một đứa bé với người cha đang ôm em trước ngực. Tiếng còi xe náo động, tiếng đập cánh của những chú gà tội nghiệp trên cái lồng xe. Mùi lông gà chả có gì là dễ chịu, cả mùi hàng thịt của các bác lớn tuổi. Thịt lợn mới làm từ sáng còn hồng hào lắm. Dù rằng những cái mùi này có phần lộn xộn thật, nhưng chẳng phủ nhận được là chúng có cái nét rất độc đáo, đó là chúng rất thật, rất tươi mới. Chính cái tươi mới ấy làm con ngõ nhỏ luôn đầy sức sống và nức người qua lại.


Image 2

Bẵng một thời gian thì tôi lên cấp 2, rồi cấp 3. Tôi đi xe đạp thường xuyên và chẳng mấy khi đi bộ nữa. Cho đến khi lên Đại Học thì mỗi khi về Hà Nội vào dịp Tết Âm Lịch, tôi có nhã hứng đi bộ. Lần này không phải đi những chặng nhỏ mà đi thẳng từ nhà lên Hồ Gươm. Tôi thầm coi đây là một thử thách tôi đặt cho bản thân để tránh bị chây lười trong những ngày nghỉ Tết Âm hiếm hoi. Tôi nhớ như in là lần đầu tiên tôi hoàn thành chặng đường đến Hồ Gươm, tôi đi không hề có điện thoại thông minh. Tôi cũng không thường xuyên lên Hồ (và cũng không còn sống ở Hà Nội) nên không hề biết đường đi nước bước. Thế tôi tìm đường bằng cách nào? Câu trả lời là tôi buộc phải vừa đi vừa dựa vào những điểm dừng xe buýt. Điểm dừng xe buýt ở Hà Nội thì luôn có gắn kèm với một bản đồ lớn. Nói như vậy nhưng chúng không được bảo trì tốt, lớp kính chắn những bản đồ ấy đôi khi đã mờ đục, khiến ta phải căng mắt ra mới nhìn rõ đường.

Đầu tiên là không dễ để mà ung dung đi bộ Khi mà cả thiên hạ người ta phóng đi vù vù thì mình vẫn bước đi từng bước. Mặc dù nghĩ một cách khác thì đây lại là một điểm lý thú khác của việc đi bộ. Đấy là mình có thời gian nhiều hơn quan sát xung quanh. Tuy nhiên, không thể không kể đến những cơn nhức mỏi diễn ra ở gót chân, cẳng chân và hai bên hông. Đi bộ không tốn quá nhiều sức, nhưng đến phút thứ ba mươi đi liên tục là tôi dễ thấy gót chân không còn nhẹ nhàng nữa. Đến hết tiếng đầu tiên, nếu bạn là người thích mang ba lô, hay những thứ lỉnh kỉnh như túi xách thì hẳn là bạn đã thấy túi xách đã có vẻ nặng hơn trước. Cùng với đó là cảm giác tê rần ở bờ vai và chỉ muốn nằm nghỉ. Xin thưa là cảm giác ấy vẫn dễ chịu chán, không như khi chạy. Hơn nữa là cảm giác mỏi mệt ấy duy trì ở một mức ổn định, tức là nếu vẫn cứ đi thì hai gót chân không thấy nhẹ hơn, nhưng cũng không bị mỏi mệt hơn. Cơ thể lúc ấy có vẻ đang căng lên nhưng vẫn tương đối điều hòa và cân bằng. Đủ để tôi nhìn ngắm mọi thứ trong sự thư thái vừa phải. Đến khi đi bộ đến tiếng thứ hai hoặc ba thì chân ta mỏi kiểu khác. Mọi theo kiểu gần giống với chuột rút nhưng ngồi nghỉ một lúc mười, mười lăm phút là hết, rồi có thể đi tiếp. Lúc này thì ta nhận ra nếu cứ vừa nghỉ vừa đi thì ta còn có thể đi bộ xa hơn nữa vẫn được. Vấn đề là trong tâm ta có thích hay không thôi.

Tôi không đếm nổi là đi từ nhà đến Hồ Gươm phải đi qua bao nhiêu con đường. Đường Hà Nội to, vòng vèo và nhiều cây xanh. Điểm trừ lớn là có những đoạn giao lộ không thân thiện lắm với những khách độc bộ. Đó là những nơi nhiều đường lớn cắt nhau mà tôi nhớ không lầm là khúc giao Tây Sơn – Thái Hà. Những đoạn như thế buộc người ta phải đi trái đường một đoạn để tìm cho ra một cái cầu đi bộ vắt ngang. Đến lúc này ta mới dám sang bên kia đường an toàn. Đường thì vốn nhiều, có đường đẹp đường xấu. Có những khúc buộc tôi phải đi xuống lòng đường, vừa đi vừa ngó nghiêng cảnh giác. Nhưng cũng có những đoạn đẹp như in, đẹp đến độ khiến ta tha thiết muốn học vẽ. Đó là đoạn Đê La Thành vào dịp Tết vắng người chẳng hạn. Hàng cây không biết bao năm tuổi xanh mơn mởn và rực rỡ trong nắng. Đó là đoạn chung cư cũ bên phố Giảng Võ, những căn chung cư không biết tự bao giờ sơn màu vàng đậm đặc trưng. Tôi không hiểu vì sao màu sơn thời ấy có thể hấp dẫn đến thế. Đến độ tôi có cảm tưởng rằng nhà hiện đại có màu sơn nhợt nhạt hơn? Vì sao lại thế? Có chuyên gia nào giải thích cho tôi với.


Image 2

Tôi cũng để ý cái nữa là khi đi bộ, có những khi ta chợt thấy choáng ngợp bởi những cảnh sắc có một không hai. Xin đừng hiểu lầm, nghe tôi nói thế có người lại nghĩ tôi đến thăm những cung điện và lâu đài. Kỳ thực đó vẫn chỉ nơi bình thường, những căn chung cư cũ, những con đường nhỏ, những hàng cây lớn. Lầu đài thì tôi chưa có dịp thăm, nhưng gần giống với lâu đài nhất chắc là mấy cái nhà thờ cổ tôi đi bộ ngang qua thời còn ở thành phố Melbourne. Nước người ta giàu có hơn, đường đi bộ của họ làm cũng tốt hơn bên mình. Làn xe đường xá đều đầy đủ và được phân chia rõ ràng. Một điểm hay ho nữa là thực ra trong trung tâm thành phố thì làn đường của họ đôi khi còn bé hơn của mình. Tôi nhớ không nhầm thì những con đường chính như Swanton chẳng hạn, cũng chỉ có hai làn đường ô tô, hai làn cho xe Tram, hai làn xe đạp. Thế là hết. Đường cho người đi bộ thì dư dả. Vừa đi vừa nghe ca hát từ những nghệ sĩ đường phố. Cũng lý thú lắm. Nhưng đây không phải là sự choáng ngợp mà tôi đang gắng sức miêu tả.

Thỉnh thoảng, khi đi một lúc, đến những nơi vắng người, nhiều cây. Có thể là một cung đường rậm rạp nào đấy, một nơi hiếm hoi đá lởm chởm hoặc giữa những khu phố còn say ngủ buổi sớm. Bạn có thể bắt gặp những khung cảnh thật lý thú. Đó là khi cây, nhà, mây và những cung đường đột ngột ghép lại với nhau một cách hài hòa. Khi ấy như thể màu sắc, ánh sáng và mọi tỷ lệ bố cục đều đã được đẩy đến mức hoàn hảo. Đấy là chưa kể những âm thanh, sắc vị và không khí nữa cũng rất quan trọng. Cứ mỗi lần như vậy là tôi thấy rùng mình và da diết, phần vì bị choáng ngợp, nhưng phần nhiều vì áy náy rằng không sao có thể chia sẻ những gì chàng cảm nhận được cho những người xung quanh!

Máy camera dù tốt đến đâu cũng vô dụng trước trường hợp này. Nghe quái đấy, nhưng sự vĩ đại và hài hòa trên chỉ có thể cảm thấy khi mọi yếu tố đầy đủ. Ánh sáng, âm thanh và cả xúc giác. Thiếu chỉ một thôi thì cũng chả thế đem lại cho tôi sự choáng ngợp khó tả kia nữa. Điều tệ hơn nữa là tôi cũng nhận ra có quá nhiều cung bậc màu sắc mà chẳng bao giờ có thể tái hiện lại được. Photoshop ư? Chắc là được. Nhưng thêm nữa là tôi nhận ra khung cảnh kia không bao giờ mỹ mãn nếu như ta chỉ ngồi nhìn. Thấy vấn đề gì rồi chưa? Ta chỉ có thể cảm thấy choáng ngợp khi đang vừa ngắm nghía xung quanh mà vừa di chuyển với tốc độ hợp lý. Và đối với tôi thì đi bộ là lúc hợp lý nhất.

Đi bộ cũng là một thời điểm tốt để mình mơ mộng. Nghe kỳ quặc thật đấy nhưng tôi có suy nghĩ rằng những khi ta nằm, rồi tơ tưởng một mình, nhưng suy nghĩ khi ấy thường trở nên nặng trịch, cái nào cái nấy theo đuôi nhau như một con đường bị tắc, bị dồn nén. Tôi không có cảm giác như vậy khi suy nghĩ trong lúc đi bộ. Ngược lại, đi tản bộ giúp tôi nghĩ thông suốt hơn. Tôi lý giải việc này bằng giả thuyết cho rằng đi bộ khiến tim đập mạnh hơn lúc nằm, nhờ thế mà máu lên tứ chi đầu óc cũng nhiều hơn. Thành ra suy nghĩ cũng có phần tốt hơn? Điều thứ hai, đó là tôi cảm thấy chỉ nghĩ thôi mà nằm ườn ra, không làm, cũng ngang ngang với việc tự hành xác bản thân. Vừa đi bộ vừa suy nghĩ thì khác, tiến trình suy nghĩ lúc này được trợ giúp bởi thể xác. Nó trở nên linh hoạt hơn và tránh khỏi sự nhu ì độc hại của tư duy thuần túy. Lý giải cuối cùng tôi đưa ra cho sự khác biệt trên còn đơn giản hơn: não bộ lúc này mải điều khiển tứ chi thì làm sao suy nghĩ cầu kỳ gì được nữa? Thành ra vì vậy nên người ta suy nghĩ ít hơn, vì thế mà cảm giác như thông suốt hơn trong tư duy là vậy.


Image 2

Tất nhiên là những điều trên hoàn toàn do tôi nghiệm ra mà thôi. Tuy nhiên, tôi được biết là có vị triết gia cực đoan ra phết về cái chuyện đi bộ. Đơn cử như là Friedrich Nietzsche chẳng hạn, ông ta mạnh miệng tuyên bố chắc mồn một là chỉ có đi bộ mới giúp đâm chồi cho những ý tưởng vĩ đại. Tôi xin phép trích nguyên văn thêm một câu khác của Nietzsche: “Never trust a thought that didn’t come by walking” – “Chỉ có những thứ nghĩ ra lúc đi bộ thì mới có thể coi là đáng tin!”. Cái này thì tôi không dám chắc! Nhưng dựa vào hiểu biết của tôi về bệnh tình và cơ thể không lấy gì làm mạnh khỏe của Nietzsche thì chắc hẳn rất hiếm hoi ông ta khỏe mạnh. Những lúc như vậy cũng là lúc ông tranh thủ đi bộ, leo núi và triết lý về cuộc đời.

Đi bộ với người khác cũng rất lý thú. Một là vì đi bộ rất tốn thời gian, nên những lúc đi cùng người khác chúng ta có dịp nói chuyện và kể lể với nhau. Chia sẻ những thứ trời ơi đất hỡi. Ở Sài Gòn thì hẳn ai cũng biết Quận 7, đến khu Phố Mỹ Hưng với cái cầu Ánh Sao bên hồ Bán Nguyệt. Sài Gòn thì lúc nào chả đông người, thành phố không ngủ ai thì ai còn lạ gì. Tối về, trời mát rười rượi. Hồ bé, chẳng to nhưng cũng vừa đủ để ta tản bộ. Người thì tập thể dục, người thì dắt cún con đi dạo. Nhưng những lúc này thì ta đâu còn đầu óc quan tâm đến người khác. Ta chỉ quan tâm đến người đồng hành với mình thôi. Chúng ta nói chuyện gì? Chuyện sự nghiệp. Chuyện tương lai. Chuyện sức khỏe của GenZ với cái cột sống ngồi nhiều. Chuyện trên mạng. Chuyện phim ảnh, …

Rồi tôi nhích qua bên người ấy một chút.

Người kia cũng lại gần tôi một chút.

Tôi chìa tay ra.

Và người ấy nắm lấy.


Mỗi chuyến đi bộ đôi khi cũng cho ta một bất ngờ thú vị. Như tôi đã mất công phân tích bên trên, nhịp điệu đi bộ phù hợp hơn cho chúng ta ngắm nghía mọi thứ một cách kỹ càng hơn, nhờ thế mà đôi khi ta sẽ khám phá ra vài điều hay ho. Ví dụ như có lần trong lúc đi bộ tôi thấy một con mèo vắt vẻo trên lan can của một căn chung cư rơi bộp một cái xuống đất. Độ cao từ điểm rơi phải đến 10 mét là ít. Tiếng rơi khá to. Vậy mà cu cậu phóng vụt cái đi như thể chưa có gì xảy ra! Ngay tuần trước, tôi nhận ra có một con đường tôi chưa bao giờ thử bằng xe máy. Thế là tôi đi bộ vào, tôi thấy một cảnh rất buồn cười của một em bé đang vất vả tóm một con gà con. Nhắc đến gà vịt, hồi còn ở Melbourne, tôi đi rất sâu vào khu mình sống. Đến lúc mà không thể đi được nữa, tôi nhìn thấy một con gà được thả chạy rông trong vườn của một ngôi nhà một tầng. Ở cái xứ này thì không được phép chăn nuôi tùy tiện như ở xứ ta nên tôi đoán con gà ấy được nuôi như một con thú cưng (bất ngờ không?).

Ở một lúc khác, nhờ những cuộc đi bộ mà tôi gặp kha khá những con người thú vị. Nhưng thôi, hãy để chuyện ấy cho một dịp khác không xa. Chúc các quý độc giả có một cuối tuần lành mạnh và tràn đầy năng lượng.


Thứ bảy, Sài Gòn, ngày 7, tháng 8, 2022.

P/S: Xin tạm biệt người đẹp nhất trần đời. Ước là tôi có thể đi bộ với em lần nữa.

Back To Top