Xin Chào, Sydney (1)

Created on: 11 Jul 21 05:55 +0700 by Son Nguyen Hoang in Vietnamese

Ký Sự Sydney

sydney1

Xin Chào, Sydney - Ký Sự Sydney

Đến giờ, sau gần nửa năm ở Úc, mình vẫn nhớ như in câu nói của mẹ mình vào mấy hôm trước ngày chuyến bay khởi hành. Đừng hiểu lầm, mẹ mình chẳng thủ thỉ nhớ nhung gì với mình đâu, mẹ chỉ dặn mình ráng mà du lịch đến Sydney, liệu liệu selfie một tấm với cái nhà hát Sydney để mẹ mang về mà khoe với mấy bà hàng xóm. Phải công nhận, nhắc đến Úc là người ta nhắc đến Sydney. Hỏi 10 người rằng ở Úc có thành phố nào anh ấn tượng nhất thì chắc chín người sẽ chọn Sydney. Vì sao? Vì cái nhà hát Opera House nức tiếng chứ sao nữa. Bản thân mình thì mình tự nhận là chẳng quan tâm lắm. Nhưng đã mất công qua đến một đất nước mới lạ thì cũng ráng phải đi cho hết, ngắm cho bằng được những điểm thú vị và những danh lam thắng cảnh sao cho sau này về khỏi phải tiếc nuối nữa.

Thế là mình quyết tâm phải đi Sydney cho bằng được. May mắn, mình có cậu bạn tên là D. Chỉ gần một tháng nữa là bạn phải về Việt Nam và bạn rất khao khát được một lần đặt chân lên Sydney cho thỏa chí tò mò. Thế là cả hai, mình và bạn, rủ thêm một anh bạn nữa đi cùng. Từ giờ hãy gọi bạn này là L nhé. Vậy là cả ba cùng nhau mua vé và sắp xếp lịch đi chơi. Chuyến đi khởi hành vào sáng ngày 31 tháng 12 năm 2018, kết thúc vào đêm ngày 5 tháng 1 năm 2019. Trước hôm đi, mình lấc cấc xách đồ qua nhà cậu bạn ngủ nhờ vì sợ mình dậy trễ. Chín giờ sáng ngày hôm sau, ngày cuối cùng của năm cũ, cả ba đứa có mặt tại nhà ga Southern Cross. Con tàu chở tụi mình to và có công suất lớn hơn tàu bình thường vì chuyến đi này là chuyến tàu xuyên bang, đi từ bang này sang bang khác. Mỗi bang ở đất nước này to như Việt Nam, Lào hay Campuchia vậy. Nói vậy để các bạn hiểu chuyến đi này dài như thế nào. Suốt cả chuyến đi, thời gian đi là 11 tiếng, thời gian về, do tàu lượt về chạy trễ, là 14 tiếng. Vậy nội thời gian cả đi cả về đã mất hơn một ngày.

Một vài kinh nhiệm chia sẻ cho các bạn: nếu bạn mua vé thượng hạng, bạn sẽ có một buồng riêng với phòng vệ sinh riêng. Buồng riêng được thiết kế cho tối đa sáu người và được chia ra làm hai buồng nhỏ. Mỗi buồng nhỏ có chỗ ngủ cho ba người. Tiếc là chỗ ngủ này chỉ được mở vào buổi tối. Do thế, nếu bạn mua vé và đi vào buổi sáng thì bạn coi như là mất cơ hội dùng buồng ngủ. Một điều nữa, đừng nghĩ chỗ ngồi thượng hạng thoải mái hơn chỗ bình thường. Theo mình thì nếu không được dùng buồng ngủ thì cả hai cũng như nhau. Cũng rung cũng lắc. Giờ nghĩ lại, tốt nhất là mua vé phổ thông vừa đi vừa về vào buổi đêm. Cứ đi buổi đêm thì kiểu gì cũng ngủ được thôi, trừ khi bạn là cú đêm chính hiệu.

Anh bạn D là người thích đi chơi. Anh bạn này muốn đón giao thừa vào năm mới. Thế là cả lũ kéo nhau đi vào sáng sớm cốt để tối kịp đón pháo bông chào mừng năm mới. Tàu đến đích, đón chào ba đứa trước hết là nhà ga Trung Tâm của Sydney. Ấn tượng đầu tiên mình thấy là không khí ở đây giống ở Việt Nam quá. Cũng ẩm ẩm, mưa phùn lất phất trên đầu. Hít một hơi sâu ở xứ xở mới, bạn sẽ nhận ra ngay cái đặc đặc của hơi nước như ở Hà Nội. Mình rút ra ấn tượng đầu tiên là Sydney rất giống Việt Nam về mặt thời tiết. Đáng tiếc là thời gian ở lại Sydney hơi ngắn, nếu dài hơn có lẽ mình sẽ cảm nhận kỹ lưỡng hơn.

Nước Úc có nhiều bang, và mỗi bang có một luật lệ khác nhau, một hệ thống khác nhau. Nếu ở Melbourne, bạn dùng thẻ MyKi để di chuyển qua lại bằng phương tiện công cộng, thì ở Sydney, vốn thuộc bang New South Wales, bạn dùng thẻ Opal. Opal dùng tốn tiền hơn so với MyKi. Nguyên tắc tính tiền của Opal là đi càng nhiều thì càng hết tiền, còn đối với MyKi thì nếu bạn trả tiền quá một lượng nhất định, mọi chuyến đi sau đó đều là miễn phí. Theo cá nhân mình tính toán, dùng thẻ Opal mắc hơn MyKi. Điểm lợi duy nhất của Opal là cho phép bạn thanh toán nhanh chóng hơn nhiều so với MyKi. Đồng thời, tốc độ đọc thẻ của Opal cũng nhanh hơn MyKi, các bạn dùng rồi sẽ thấy .

Với dân số lớn hơn Melbourne, tàu điện ở Sydney có đến hai tầng mới đủ đáp ứng cho nhu cầu đi lại của người dân. Bạn mình khi mới qua nhéo tay mình chỉ trỏ vào con tàu mình mới để ý. Cả hai tầng của tàu đều chật kín người. Thế mới biết thành phố này đông đúc đến thế nào. Một điểm thú vị nửa mình để ý ở Sydney là ở đây họ không dùng tram (xe điện) như Melbourne. Theo D giải thích thì vì Sydney có địa hình không bằng phẳng như Melbourne, nên người ta không xây nổi đường ray cho xe điện. Mình cũng thừa nhận, nếu Melbourne đường xá gập gềnh một thì Sydney phải gập gềnh gấp mười. Mình đi xe bus trên tuyến đường về phía Bắc của Sydney, đến vùng Macquarie Park, xa khoảng 10 cây số với vùng trung tâm thôi, mà đã thấy xe đi dập dềnh như trèo đèo lội suối. Trên xe, nhìn kĩ mình nhận ra, Sydney khí hậu rất giống Việt Nam, do thế mà trên đường đi có rất nhiều cây xanh. Cây cối ở đây, với thiên nhiên nhiệt đới tốt cho cây trồng, xum xuê và xanh tươi hơn nhiều so với Melbourne. Một điều nữa thú vị, ở Melbourne, nếu các bạn đi về các vùng ngoại ô, điều bạn nhìn rõ nhất là các dãy nhà được xếp liền kề nhau rất có trật tự. Sydney lại khác, vì địa hình rất không bằng phẳng, bạn nhận ra ngay các căn nhà có cái cao hơn cái kia, cái kia lại nhỉnh hơn so với cái khác. Rồi xen kẽ chúng lại là những thân cây to dài, cành lá xum xuê mọc rất thích mắt.

Cũng vì dân số đông, nên số nhà chung cư tại Sydney cũng nhiều hơn ở Melbourne. Ở Melbourne, nếu bạn đến vùng ngoại ô, bạn hiếm lắm mới gặp được nhà chung cư. Dân ở đây đa phần mua nhà đất ở, vì đất thưa, người ít. Cùng lắm, ở khu mình ở có mấy căn chung cư được xây nên bởi nhà nước nhằm phục vụ người nghèo, người không có tiền. Còn lại, người ta không mấy ai ở chung cư cao tầng. Ở Sydney thì ngược lại, dân đông, địa hình lại nhiều đồi núi. Chung cư ở đây nhiều hơn và được ưa chuộng hơn.

Tuy thế, về tổng quan quy hoạch hệ thống giao thông, Sydney làm không tốt như Melbourne. Điển hình là hệ thống tàu điện ngầm. Nhìn bản đồ Melbourne là bạn hiểu ngay lập tức cách di chuyển. Đối với Sydney thì không. Hệ thống đường tàu ngầm không theo một quy tắc gì hết, làm cho mình và các bạn cảm thấy khá khó hiểu. Còn phức tạp hơn nữa, khi tại Sydney, địa hình còn bị chia cắt bởi một hệ thống kênh rạch xẻ vào đất liền. Chính thế, ở đây còn thịnh hành hệ thống phà (ferry) rất phát triển. Còn điều này nữa, Opal thiết kế hệ thống không thân thiện như của MyKi. Tìm đường rất khó (đối với mình). Thỉnh thoảng ứng dụng còn bị lỗi. Mọi trục trặc trong thiết kế theo bạn mình đoán là do dân số ở đây phát triển quá nhanh, cơ sở hạ tầng xây dựng không kịp. Chính vì vậy nên sinh ra vấn đề phát triển không có dự tính trước, dẫn đến quy hoạch trục trặc. Còn một điều nữa, ở Hà Nội, bạn có thấy những đoạn đường đổ bê tông sau hai ba năm bỗng phát hiện vết nứt, vết “rách”, rồi bị méo, mấp mô, … không bằng phẳng? Ở Sydney cũng hơi hơi như vậy. Bạn cảm thấy bất ngờ chứ, theo mình, nguyên nhân chính dẫn đến việc này là vì môi trường. Có lẽ thời tiết nóng ẩm gây ảnh hưởng xấu đến bê tông vật liệu xây nên đường xá.

Nói khái quát qua như vậy chắc cũng giúp các bạn hiểu được phần nào về Sydney. Mình xin quay lại câu chuyện về chuyến đi của bọn mình. Tối hôm ấy, như đã lên kế hoạch cả ba đứa đón pháo hoa ở Sydney. Pháo hoa bắn hai đợt, một đợt chín giờ, một đợt lúc 12 giờ. Có ít nhất bốn điểm bắn. Điểm bắn bọn mình ngồi xem là ở Darling Harbour (Cảng Darling). Đợt bắn lúc chín giờ chỉ là đợt tập dợt lên dây cót thôi. Đợt lúc 12 giờ mới là đáng nhớ. Họ bắn pháo hoa từ dưới lòng sông bắn lên. Bắn thế nào thì phiền bạn mò lại clip mình đăng mấy bữa trước. Đây là đợt bắn hoành tráng nhất mình trông từ trước đến giờ. Họ bắn theo nhịp bài nhạc nền (là bài gì thì mình chẳng hay). Bắn quá dữ. Xung quanh bến cảng là cả triệu người xung quanh ngắm nhìn. Đợt bắn kéo dài có lẽ là hơn 10 phút. Những phát súng cuối cùng cũng là những đợt pháo mạnh nhất. Cảm tưởng như pháo làm cả năm bắn hết một lần cho … đỡ phí.

Cũng từ hôm ấy, mình nhận ra ở đây chẳng có ai nghe ca khúc Happy New Year có ban nhạc ABBA để đón năm mới. Các quán bar xung quanh chỗ nào chỗ nấy bật nhạc EDM rầm rầm.

Phần một ở Sydney xin dừng lại tại đây. Phần hai sẽ viết tiếp cho các bạn hay năm ngày ở Sydney, từ mùng 1 đến mùng 5, tụi mình đi những đâu. Bạn nào đọc được lấy làm tài liệu tham khảo, khi nào có dịp các bạn đi chơi những nơi này cho biết .

Sơn Nguyễn, 8 tháng 1 năm 2019

“Viết trong khi dặn lòng rằng nên ngủ sớm”

Back To Top